Phân tích bài thơ song thất lục bát “Thương mẹ” của Đặng Minh Mai lớp 9>
Tình mẫu tử luôn là đề tài bất tận trong thi ca bởi nó chạm đến những cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
Dàn ý
I. Mở bài
Giới thiệu tác giả Đặng Minh Mai và bài thơ "Thương mẹ".
II. Thân bài
1. Nỗi nhớ thương mẹ
- Tình cảm chân thành, da diết khi nghĩ về mẹ đã khuất.
- Hình ảnh nước mắt và trái tim đau nhói thể hiện nỗi mất mát không gì bù đắp.
2. Hình ảnh người mẹ tảo tần, vất vả
- Từ ngữ như "mưa nắng", "sớm khuya", "bươn chải" thể hiện cuộc sống gian truân, khắc nghiệt.
- Hình ảnh mẹ trong lao động mưu sinh:
+ Gánh nặng không chỉ là vật chất mà còn là tình thương con.
+ Sự hy sinh âm thầm của mẹ để lo cho con có cuộc sống đủ đầy hơn.
- Khi con khôn lớn thì mẹ đã yếu đi:
+ Hình ảnh gợi sự xót xa: mẹ còng lưng, yếu ớt, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi.
+ "Tai ương tật bệnh nào chừa mẹ đâu?": Nhấn mạnh nỗi đau thể xác mẹ phải chịu đựng.
3. Sự ra đi của mẹ
- Tác giả đau xót khi mẹ qua đời
- Nỗi đau không chỉ của riêng người con mà là nỗi xót xa của cả thiên nhiên:
"Trời nghiêng ngả ứa sầu rơi lệ"
→ Hình ảnh nhân hoá gợi cảm giác cả trời đất cũng tiếc thương.
4. Niềm tin, cầu nguyện cho mẹ ở thế giới bên kia
- Niềm tin vào Phật pháp, mong mẹ được siêu thoát, về nơi an lành.
- Tình cảm của người con được thể hiện qua niềm tin, sự kính ngưỡng và biết ơn.
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
- Liên hệ bản thân: gợi nhắc mỗi người trân trọng, yêu thương mẹ khi còn có thể.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Tình mẫu tử luôn là đề tài bất tận trong thi ca bởi nó chạm đến những cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người. Trong số đó, bài thơ “Thương mẹ” của Đặng Minh Mai là một tác phẩm giàu cảm xúc, thể hiện nỗi tiếc thương vô hạn dành cho người mẹ đã khuất, đồng thời gợi lên hình ảnh người mẹ tảo tần, hy sinh thầm lặng suốt một đời vì con cái.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, nỗi nhớ thương mẹ được thể hiện một cách trực tiếp và mãnh liệt. Tác giả không dùng những hình ảnh ẩn dụ phức tạp mà đi thẳng vào cảm xúc thật – nỗi đau khi mất mẹ. Nỗi nhớ không chỉ dừng lại ở tâm trí mà hiện lên qua dòng lệ rơi, là nỗi đau xé lòng không thể nguôi. Đây là sự tiếc thương chân thành, sâu sắc, cho thấy mẹ giữ một vị trí thiêng liêng không gì thay thế trong trái tim người con.
Mẹ hiện lên với hình ảnh đi qua cả đời “mưa nắng dãi dầu”, không quản khó khăn, sớm hôm tần tảo mà chẳng một lời oán than. Những từ ngữ bình dị như “bươn chải”, “sớm khuya” khiến hình ảnh mẹ trở nên gần gũi, thân thuộc, gợi nhớ đến những người mẹ nông dân chân chất, một đời lặng thầm hy sinh.
Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến gánh nặng tình thương mẹ mang trên vai. Không chỉ là gánh nặng vật chất, mẹ còn mang cả gánh nặng tình thương. Hình ảnh “buôn xuôi bán ngược” gợi nên cuộc sống khó nhọc, tất bật, nhưng ẩn sau đó là tình yêu thương vô điều kiện mà mẹ dành cho con. Cả đời mẹ chỉ nghĩ đến miếng cơm manh áo cho con, đến tương lai của con mà chưa một lần nghĩ cho mình.
Khi con lớn lên, có thể đỡ đần mẹ thì cũng là lúc mẹ già yếu, bệnh tật. Chỉ bằng những hình ảnh giản dị như “lưng còng”, “bữa tối, nghỉ trưa”, tác giả cho thấy tuổi già đã đè nặng lên thân thể mẹ. Nỗi đau thể xác dày vò, bệnh tật không buông tha, khiến mẹ dần cạn kiệt sức lực. Những dòng thơ khiến người đọc không khỏi chạnh lòng, xót xa cho thân phận người mẹ già cô đơn trong những năm tháng cuối đời.
Sự ra đi bất ngờ, không một lời dặn dò khiến người con càng thêm day dứt, tiếc nuối. Câu thơ ngắn, ngắt nhịp mạnh như một tiếng nấc nghẹn ngào không thành lời. Dường như mọi thứ sụp đổ, ngay cả trời đất cũng xót thương. Hình ảnh nhân hoá “trời nghiêng ngả”, “ứa sầu” là một điểm nhấn nghệ thuật rất cảm động. Không chỉ người con khóc thương, mà cả không gian cũng như chia sẻ nỗi đau mất mẹ.
Dù mẹ đã rời xa trần thế, người con vẫn không nguôi hi vọng, cầu mong mẹ được an yên nơi chín suối. Lời nguyện cầu cuối bài là sự kết nối thiêng liêng giữa hai thế giới: trần gian và cõi vĩnh hằng. Tình cảm của người con không chỉ dừng lại ở trần thế, mà còn theo mẹ đến tận thế giới bên kia. Đó là biểu hiện của lòng hiếu thảo sâu sắc, tình mẫu tử bất diệt.
“Thương mẹ” là một bài thơ cảm động, được viết bằng tất cả sự chân thành, mộc mạc nhưng rất sâu sắc. Qua hình ảnh người mẹ suốt đời hy sinh và nỗi đau mất mẹ, tác giả không chỉ thể hiện tình cảm cá nhân mà còn gợi lên tình cảm chung của bao người con đối với mẹ mình. Bài thơ là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: hãy yêu thương mẹ khi còn có thể, vì một mai mẹ đi rồi, tình yêu ấy sẽ chỉ còn là nỗi tiếc nuối khôn nguôi.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Trong chùm thơ về tình mẫu tử, Thương mẹ của Đặng Minh Mai là một trong những tác phẩm giàu cảm xúc, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn biển trời của người mẹ. Tác phẩm không chỉ khơi dậy lòng yêu thương mà còn là lời nhắc nhở mỗi người về sự quý giá của tình mẫu tử.
Khi nghĩ về mẹ, trái tim như trỗi dậy những tình cảm dạt dào nhất, sự thương xót, nhớ nhung và lòng biết ơn ôm trọn bầu cảm xúc da diết của người con. Tác giả không dùng một con số cụ thể để đo lường nỗi nhớ, mà sử dụng cụm từ “lòng bao thương nhớ” để nhấn mạnh cảm giác mênh mông, không giới hạn của tình thương dành cho mẹ.
Tiếp nối nỗi nhớ nhung khôn xiết, giọng thơ chuyển sang một cung bậc cảm xúc mãnh liệt hơn: “Lệ hai hàng nức nở tim đau!”. Hình ảnh “lệ hai hàng” không chỉ miêu tả trạng thái khóc mà còn cho thấy sự đau xót đến tột cùng. Dòng nước mắt ấy không thể kìm nén được mà trào dâng theo từng kỷ niệm về mẹ. Động từ “nức nở” nhấn mạnh sự bật khóc, nghẹn ngào, thể hiện cảm xúc chất chứa trong lòng người con. Đặc biệt, hình ảnh “tim đau” tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ về nỗi đau không chỉ dừng lại ở bề ngoài mà còn chạm sâu vào tâm hồn, trái tim.
“Một đời mưa nắng dãi dầu
Sớm khuya bươn chải chẳng sầu trách than!”
Hai câu thơ mang đến bức chân dung về người mẹ tần tảo, hy sinh suốt cuộc đời vì gia đình. Mở đầu bằng cụm từ “Một đời mưa nắng dãi dầu,” tác giả khắc họa hình ảnh người mẹ trải qua biết bao vất vả, nhọc nhằn. Câu thơ thứ hai tiếp tục làm nổi bật phẩm chất cao quý của mẹ: “Sớm khuya buôn chải chẳng sầu trách than!”. Hình ảnh “sớm khuya” gợi lên nhịp sống vất vả, bận rộn của mẹ. Cụm từ “bươn chải” ám chỉ công việc mưu sinh, buôn bán nhỏ lẻ, chật vật để kiếm sống. Từng đồng tiền mẹ kiếm được đều thấm đẫm mồ hôi và công sức. Tác giả nhấn mạnh rằng dù phải đối mặt với bao gian khó, mẹ vẫn “chẳng sầu trách than.” Sự bình thản và cam chịu của mẹ không xuất phát từ sự yếu đuối mà từ tấm lòng yêu thương gia đình vô bờ bến.
Người mẹ không quản mưa nắng, gió rét, không ngại gian khổ để lo cho con. Dù cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu, bà vẫn kiên cường, mạnh mẽ bước tiếp. Tác giả Đặng Minh Mai mở ra bức tranh chân thực về cuộc đời đầy nhọc nhằn của người mẹ, đặc biệt trong những ngày đông giá lạnh. Câu thơ “Đôi vai trĩu nặng tình thương” khéo léo chuyển từ sự vất vả về thể chất sang gánh nặng tinh thần. “Đôi vai trĩu nặng” không chỉ nói về những vật chất mẹ phải mang theo, mà còn là biểu tượng của trách nhiệm, của tình thương vô bờ dành cho con cái. Câu thơ cuối cùng của đoạn nhấn mạnh hình ảnh người mẹ trong cuộc sống mưu sinh đầy gian truân.
Khi con cái trưởng thành, cũng là lúc mẹ già yếu, cơ thể ngày càng suy kiệt vì những năm tháng lao động cực nhọc. Hình ảnh mẹ lưng còng, sức khỏe giảm sút, khiến người con không khỏi xót xa. Mỗi câu thơ là một nốt trầm đầy day dứt. Mẹ đã dành trọn thanh xuân, sức lực để nuôi con khôn lớn, nhưng khi con có thể đỡ đần thì mẹ lại không còn đủ sức để tận hưởng niềm vui ấy. Đặc biệt, nỗi đau của con không chỉ nằm ở sự bất lực trước bệnh tật của mẹ, mà còn là cảm giác hối tiếc vì chưa kịp đền đáp công ơn dưỡng dục.
Mất mẹ là nỗi mất mát lớn lao, để lại khoảng trống không gì có thể lấp đầy trong lòng người con. Những câu thơ tiếp theo thể hiện nỗi đau đớn tột cùng khi mẹ rời xa cõi đời. Hình ảnh “trời nghiêng ngả” không chỉ là sự biến động của thiên nhiên mà còn tượng trưng cho sự đổ vỡ trong tâm hồn người con. Sự ra đi của mẹ khiến thế giới như mất đi sự cân bằng. Đó là nỗi đau không thể diễn tả hết bằng lời, khi người thân yêu nhất không còn.
Tác giả tiếp tục khắc sâu nỗi mất mát ấy qua hình ảnh mẹ “xuôi tay, nhắm mắt. Sự ra đi lặng lẽ của mẹ như một hồi chuông thức tỉnh, nhắc nhở người con về giá trị của tình mẫu tử. Mẹ ra đi, mang theo tình yêu thương bao la, để lại nỗi cô đơn và niềm tiếc thương khôn nguôi cho người con.
Dẫu đau đớn vì mất mẹ, người con vẫn cầu mong mẹ được an nghỉ ở nơi chốn lành, nơi không còn những khổ đau trần thế. Hình ảnh “cõi thiên bồng” và “tịnh độ” mang ý nghĩa thiêng liêng, biểu hiện niềm tin rằng mẹ sẽ tìm được sự thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Đây không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là cách tác giả xoa dịu nỗi đau, khẳng định rằng tình mẫu tử sẽ mãi vĩnh cửu, dù mẹ đã đi xa.
Bài thơ không chỉ là lời tri ân dành cho mẹ mà còn mang đến cho người đọc bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo. Qua hình ảnh người mẹ tảo tần, bài thơ không chỉ ca ngợi sự hy sinh của mẹ mà còn khơi dậy lòng biết ơn trong mỗi người đối với đấng sinh thành.
Bài tham khảo Mẫu 1
Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, bất biến, là nguồn cội của sự sống và cũng là nơi trái tim mỗi người tìm về trong những giây phút yếu mềm. Từ xưa đến nay, dáng dấp người mẹ tần tảo sớm hôm đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca, nghệ thuật. Trong chùm thơ về tình mẫu tử, Thương mẹ của Đặng Minh Mai là một trong những tác phẩm giàu cảm xúc, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn biển trời của người mẹ. Với lối viết dung dị nhưng sâu lắng, tác giả phác họa nên bức tranh dạt dào cảm xúc về hình ảnh người mẹ suốt đời hy sinh vì con và nỗi tiếc thương vô hạn khi mẹ không còn. Tác phẩm không chỉ khơi dậy lòng yêu thương mà còn là lời nhắc nhở mỗi người về sự quý giá của tình mẫu tử.
Ngụp lặn trong trang thơ của Đặng Minh Mai, ta bắt gặp nỗi nhớ thương mẹ xúc động, nhói đau của người con hiếu thảo:
“Nghĩ về mẹ lòng bao thương nhớ
Lệ hai hàng nức nở tim đau!”
Khi nghĩ về mẹ, trái tim như trỗi dậy những tình cảm dạt dào nhất, sự thương xót, nhớ nhung và lòng biết ơn ôm trọn bầu cảm xúc da diết của người con. Tác giả không dùng một con số cụ thể để đo lường nỗi nhớ, mà sử dụng cụm từ “lòng bao thương nhớ” để nhấn mạnh cảm giác mênh mông, không giới hạn của tình thương dành cho mẹ. Điều này gợi lên rằng tình mẫu tử không thể đong đếm, đó là một tình cảm vô tận và luôn thường trực trong lòng con. Tiếp nối nỗi nhớ nhung khôn xiết, giọng thơ chuyển sang một cung bậc cảm xúc mãnh liệt hơn: “Lệ hai hàng nức nở tim đau!”. Hình ảnh “lệ hai hàng” không chỉ miêu tả trạng thái khóc mà còn cho thấy sự đau xót đến tột cùng. Dòng nước mắt ấy không thể kìm nén được mà trào dâng theo từng kỷ niệm về mẹ. Động từ “nức nở” nhấn mạnh sự bật khóc, nghẹn ngào, thể hiện cảm xúc chất chứa trong lòng người con. Đặc biệt, hình ảnh “tim đau” tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ về nỗi đau không chỉ dừng lại ở bề ngoài mà còn chạm sâu vào tâm hồn, trái tim. Trái tim đau vì nỗi nhớ song cũng chính là sự day dứt, hối hận khi chưa kịp đền đáp hết công ơn của mẹ. Đây là nỗi đau của những ai đã từng mất đi người thân yêu, khi chỉ còn lại những ký ức và sự tiếc nuối khôn nguôi.
Những giọt nước mắt nức nở chính là biểu tượng cho nỗi đau sâu thẳm trong lòng người con khi nghĩ về mẹ. Từng câu thơ như nén chặt nỗi nhớ thương, khơi dậy hình ảnh một người mẹ cả đời tần tảo, chịu đựng bao vất vả, hy sinh vì con cái:
“Một đời mưa nắng dãi dầu
Sớm khuya buôn chải chẳng sầu trách than!”
Hai câu thơ mang đến bức chân dung về người mẹ tần tảo, hy sinh suốt cuộc đời vì gia đình. Mở đầu bằng cụm từ “Một đời mưa nắng dãi dầu,” tác giả khắc họa hình ảnh người mẹ trải qua biết bao vất vả, nhọc nhằn. “Mưa nắng” là hình ảnh ẩn dụ cho những thăng trầm, khó khăn mà mẹ đã phải đối mặt trong cuộc sống. Từ “dãi dầu” gợi lên hình ảnh một người phụ nữ không quản ngại gian lao, sẵn sàng đối diện với mọi thử thách để lo toan cho con cái. Cụm từ “một đời” nhấn mạnh sự liên tục, bền bỉ của sự hy sinh ấy. Cuộc đời của mẹ không có chỗ cho thời gian nghỉ ngơi, mà luôn chất chứa những lo toan. Từ khi còn trẻ cho đến khi tuổi đã xế chiều, mẹ vẫn luôn gánh vác trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Câu thơ thứ hai tiếp tục làm nổi bật phẩm chất cao quý của mẹ: “Sớm khuya buôn chải chẳng sầu trách than!”. Hình ảnh “sớm khuya” gợi lên nhịp sống vất vả, bận rộn của mẹ. Buổi sáng sớm mẹ đã thức dậy để chuẩn bị cho một ngày dài lao động, và khi màn đêm buông xuống, mẹ vẫn tiếp tục công việc không ngơi nghỉ. Cụm từ “buôn chải” ám chỉ công việc mưu sinh, buôn bán nhỏ lẻ, chật vật để kiếm sống. Từng đồng tiền mẹ kiếm được đều thấm đẫm mồ hôi và công sức. Điều đáng quý ở đây là sự kiên định và lạc quan của mẹ. Tác giả nhấn mạnh rằng dù phải đối mặt với bao gian khó, mẹ vẫn “chẳng sầu trách than.” Sự bình thản và cam chịu của mẹ không xuất phát từ sự yếu đuối mà từ tấm lòng yêu thương gia đình vô bờ bến. Mẹ chấp nhận mọi khó khăn để con cái được sống tốt hơn, không than phiền, không trách móc số phận. Điều này thể hiện rõ nét phẩm chất kiên cường, hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam.
Hình ảnh mẹ lam lũ “mưa nắng dãi dầu” làm bật lên sự hy sinh thầm lặng. Mẹ không chỉ là người sinh thành mà còn là chỗ dựa tinh thần, người bảo bọc con cái trong mọi gian khó. Bà luôn âm thầm gánh vác mọi lo toan để mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất. Đôi vai gầy guộc, đôi bàn tay chai sần của mẹ trở thành biểu tượng bất diệt của tình yêu thương và sự hy sinh.
“Rét cắt da mẹ đã lên đường
Đôi vai trĩu nặng tình thương
Buôn xuôi bán ngược kiếm đường mưu sinh!”
Từng câu thơ như lát cắt sâu vào hiện thực cuộc sống khó khăn. Người mẹ không quản mưa nắng, gió rét, không ngại gian khổ để lo cho con. Dù cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu, bà vẫn kiên cường, mạnh mẽ bước tiếp. Tác giả Đặng Minh Mai mở ra bức tranh chân thực về cuộc đời đầy nhọc nhằn của người mẹ, đặc biệt trong những ngày đông giá lạnh. Hình ảnh “rét cắt da” miêu tả cái lạnh khắc nghiệt, tê buốt của mùa đông. Không chỉ là lạnh thông thường, “rét cắt da” còn như một lưỡi dao sắc nhọn cắt qua từng thớ thịt, khiến người ta cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của hoàn cảnh sống. Thế nhưng, dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, người mẹ vẫn bước ra khỏi nhà, “lên đường” để tiếp tục hành trình mưu sinh. Từ “đã” được sử dụng như một lời khẳng định, nhấn mạnh tính liên tục và không ngừng nghỉ trong công việc của mẹ. Hình ảnh này không chỉ mô tả sự vất vả về mặt thể chất mà còn làm nổi bật ý chí kiên cường của mẹ. Dù giá lạnh thấu xương, mẹ không hề chùn bước, bởi mẹ hiểu rằng cuộc sống gia đình, con cái, tất cả đều phụ thuộc vào sự hy sinh và cố gắng không ngừng của mình. Câu thơ “Đôi vai trĩu nặng tình thương” khéo léo chuyển từ sự vất vả về thể chất sang gánh nặng tinh thần. “Đôi vai trĩu nặng” không chỉ nói về những vật chất mẹ phải mang theo, mà còn là biểu tượng của trách nhiệm, của tình thương vô bờ dành cho con cái. Trên đôi vai ấy, mẹ không chỉ gánh nặng áo cơm mà còn mang theo hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình. Đặc biệt, cụm từ “trĩu nặng tình thương” làm sáng lên phẩm chất cao đẹp của mẹ. Đó không phải là sự mỏi mệt thông thường, mà là sự hy sinh xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc. Mẹ chấp nhận mọi vất vả chỉ để con cái được no ấm, được học hành và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu thơ cuối cùng của đoạn nhấn mạnh hình ảnh người mẹ trong cuộc sống mưu sinh đầy gian truân. Các động từ “buôn xuôi,” “bán ngược” gợi lên sự tần tảo, tất bật, cho thấy mẹ không ngại di chuyển từ nơi này đến nơi khác, không ngừng nỗ lực để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Hình ảnh này còn làm nổi bật sự linh hoạt và kiên trì của mẹ, dù công việc có khó khăn, mẹ vẫn luôn tìm mọi cách để mang lại miếng cơm, manh áo cho con. Cụm từ “kiếm đường mưu sinh” khắc họa rõ nét hơn mục đích của những chuyến đi buôn bán vất vả. Đó không chỉ là việc kiếm sống mà còn là hành trình tìm kiếm một lối đi, một con đường tốt đẹp hơn cho gia đình. Mỗi bước chân của mẹ đều mang ý nghĩa của sự hy sinh và sự phấn đấu không ngừng để đảm bảo một cuộc sống đủ đầy cho con cái.
Thời gian không buông tha cho ai, và mẹ cũng không ngoại lệ. Khi con cái trưởng thành, cũng là lúc mẹ già yếu, cơ thể ngày càng suy kiệt vì những năm tháng lao động cực nhọc. Hình ảnh mẹ lưng còng, sức khỏe giảm sút, khiến người con không khỏi xót xa:
“Con khôn lớn gia đình đỡ thiếu
Mẹ lưng còng thân yếu hơn xưa
Cơm ăn bữa tối nghỉ trưa
Tai ương tật bệnh nào chữa mẹ đâu?”
Mỗi câu thơ là một nốt trầm đầy day dứt. Mẹ đã dành trọn thanh xuân, sức lực để nuôi con khôn lớn, nhưng khi con có thể đỡ đần thì mẹ lại không còn đủ sức để tận hưởng niềm vui ấy. Đặc biệt, nỗi đau của con không chỉ nằm ở sự bất lực trước bệnh tật của mẹ, mà còn là cảm giác hối tiếc vì chưa kịp đền đáp công ơn dưỡng dục. Thời gian trôi qua, con cái ngày càng trưởng thành, và nhờ sự nỗ lực không ngừng của mẹ, gia đình dần thoát khỏi cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Cụm từ “gia đình đỡ thiếu” nhấn mạnh sự cải thiện trong cuộc sống, như một thành quả của bao năm mẹ đã hy sinh, tảo tần. Niềm vui của mẹ không nằm ở sự sung túc vật chất, mà ở việc con cái khôn lớn, trưởng thành, có thể tự mình gánh vác cuộc sống. Tuy nhiên, song song với sự khôn lớn của con là sự hao mòn của mẹ. Hình ảnh “lưng còng thân yếu” vừa gợi lên dấu ấn khắc nghiệt của thời gian, vừa thể hiện sự tàn phá của những nhọc nhằn trên thân thể mẹ. Từ “hơn xưa” không chỉ miêu tả sự già nua, yếu đuối về thể chất mà còn hàm ý rằng mẹ đã dành trọn cả cuộc đời để làm điểm tựa cho con. Dáng lưng còng ấy chính là minh chứng cho biết bao nỗi vất vả, gánh nặng mà mẹ đã phải chịu đựng để nuôi nấng con cái nên người. Tuy nhiên, đoạn thơ tiếp tục nhấn mạnh một nỗi xót xa: dù cuộc sống có đầy đủ hơn, mẹ lại phải đối mặt với “tai ương tật bệnh.” Những căn bệnh của tuổi già không thể chữa lành, và đó chính là nỗi đau sâu sắc nhất mà con cái phải chứng kiến. Cụm từ “nào chữa mẹ đâu” mang âm hưởng chua xót, như một câu hỏi đầy bất lực. Tất cả những gì con có thể làm – dù là chăm sóc hay phụng dưỡng – đều không thể giúp mẹ thoát khỏi những đau đớn về thể xác. Đây là một lời nhắc nhở thấm thía rằng, tình yêu thương và sự hiếu thảo có thể làm dịu đi những nỗi đau tinh thần, nhưng không thể ngăn cản quy luật nghiệt ngã của cuộc sống: tuổi già và bệnh tật là điều không ai tránh khỏi.
Mất mẹ là nỗi mất mát lớn lao, để lại khoảng trống không gì có thể lấp đầy trong lòng người con. Những câu thơ tiếp theo thể hiện nỗi đau đớn tột cùng khi mẹ rời xa cõi đời:
“Trời nghiêng ngả ứa sầu rơi lệ
Mẹ ra đi trần thế mẹ rồi…!”
Hình ảnh “trời nghiêng ngả” không chỉ là sự biến động của thiên nhiên mà còn tượng trưng cho sự đổ vỡ trong tâm hồn người con. Sự ra đi của mẹ khiến thế giới như mất đi sự cân bằng. Đó là nỗi đau không thể diễn tả hết bằng lời, khi người thân yêu nhất không còn. Hai câu thơ mở đầu cho phần cao trào cảm xúc của bài thơ, diễn tả nỗi đau đớn tột cùng khi người con phải đối mặt với sự ra đi của mẹ. Từ “trời nghiêng ngả” gợi lên hình ảnh một sự biến động lớn lao, như thể vũ trụ cũng phải chao đảo, thiên nhiên cũng chịu chung nỗi đau mất mẹ. Đây là cách nói ẩn dụ để diễn tả tâm trạng hoảng loạn, mất phương hướng của người con khi đối diện với sự thật nghiệt ngã: mẹ đã không còn bên cạnh. Hình ảnh “ứa sầu rơi lệ” không chỉ miêu tả giọt nước mắt của con mà còn nhân hóa trời đất, như thể cả thiên nhiên cũng cảm nhận được nỗi mất mát này. Sự đồng cảm của vũ trụ làm tăng thêm tính bi thương, nhấn mạnh rằng sự ra đi của mẹ không chỉ là mất mát cá nhân mà còn là một mất mát lớn lao, khó lòng nguôi ngoai.
Tác giả tiếp tục khắc sâu nỗi mất mát ấy qua hình ảnh mẹ “xuôi tay, nhắm mắt”:
“Thương yêu gửi lại trên đời
Xuôi tay, nhắm mắt chẳng lời trối trăn!”
Sự ra đi lặng lẽ của mẹ như một hồi chuông thức tỉnh, nhắc nhở người con về giá trị của tình mẫu tử. Mẹ ra đi, mang theo tình yêu thương bao la, để lại nỗi cô đơn và niềm tiếc thương khôn nguôi cho người con.
Dẫu đau đớn vì mất mẹ, người con vẫn cầu mong mẹ được an nghỉ ở nơi chốn lành, nơi không còn những khổ đau trần thế:
“Ở nơi đó chốn lành mẹ đến
Cõi thiên bồng nơi kết trần gian
Cầu xin mẹ được bình an
Vãng sinh tịnh độ lời vàng con mong!”
Hình ảnh “cõi thiên bồng” và “tịnh độ” mang ý nghĩa thiêng liêng, biểu hiện niềm tin rằng mẹ sẽ tìm được sự thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Đây không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là cách tác giả xoa dịu nỗi đau, khẳng định rằng tình mẫu tử sẽ mãi vĩnh cửu, dù mẹ đã đi xa.
Bài thơ không chỉ là lời tri ân dành cho mẹ mà còn mang đến cho người đọc bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo. Cuộc đời người mẹ là chuỗi ngày hy sinh, tảo tần vì con cái, nhưng những hy sinh ấy đôi khi chỉ được nhận ra khi mẹ đã không còn. Qua nỗi tiếc thương của tác giả, mỗi chúng ta được nhắc nhở phải biết trân trọng mẹ khi còn có thể. Tình mẫu tử là món quà quý giá nhất mà cuộc đời ban tặng, và lòng hiếu thảo chính là cách để ta giữ gìn và đáp lại tình yêu ấy. Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát mượt mà, gần gũi, dễ dàng chạm đến trái tim người đọc. Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng giàu sức biểu cảm, gợi lên những hình ảnh chân thực về người mẹ trong cuộc đời thường nhật. Cách sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, nhân hóa, so sánh làm tăng thêm tính biểu cảm, khiến người đọc không chỉ cảm nhận được tình yêu thương mà còn hình dung rõ nét những vất vả, hy sinh của mẹ. Nhịp điệu thơ chậm rãi, trầm lắng, phù hợp để bộc lộ những cảm xúc sâu lắng về tình mẫu tử.
Thương mẹ là một tác phẩm giàu cảm xúc, gửi gắm thông điệp sâu sắc về tình mẫu tử và lòng hiếu thảo. Qua hình ảnh người mẹ tảo tần, bài thơ không chỉ ca ngợi sự hy sinh của mẹ mà còn khơi dậy lòng biết ơn trong mỗi người đối với đấng sinh thành. Tác phẩm để lại trong lòng người đọc niềm xúc động và suy ngẫm về trách nhiệm của bản thân đối với mẹ cha. Trong vòng xoáy của cuộc đời, dù đi đâu, làm gì, mỗi chúng ta cũng cần nhớ rằng tình mẫu tử là cội nguồn yêu thương, là điểm tựa vững chắc cho mỗi bước chân đời người.
Bài tham khảo Mẫu 2
Bài thơ "Thương mẹ" của Đặng Minh Mai là một tác phẩm thể hiện tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn và nỗi thương nhớ đối với người mẹ, một tình cảm thiêng liêng mà mọi người con đều có thể cảm nhận và thấu hiểu. Bài thơ sử dụng thể thơ song thất lục bát, một thể thơ dân tộc truyền thống, gắn bó với văn hóa và truyền thống của người Việt. Phân tích bài thơ này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về giá trị cảm xúc và nghệ thuật trong tác phẩm.
Thể thơ song thất lục bát là một thể thơ đặc trưng trong văn học dân gian Việt Nam, có tính nhạc cao và dễ thuộc, dễ nhớ. Các câu thơ có sự kết hợp giữa vần lục bát và vần song thất, tạo nên một nhịp điệu vừa trang trọng, vừa gần gũi, thân thương. Việc sử dụng thể thơ này trong bài thơ "Thương mẹ" của Đặng Minh Mai là lựa chọn hợp lý, giúp thể hiện tình cảm trân trọng và cảm động dành cho người mẹ, đồng thời tạo ra sự ấm áp, dễ hiểu và dễ tiếp cận với người đọc.
Bài thơ thể hiện một cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc về tình mẫu tử, là tình yêu vô bờ bến và đầy hy sinh mà người mẹ dành cho con cái. Tác giả viết về mẹ không chỉ là một người sinh thành, mà còn là hình ảnh của sự hy sinh, vất vả và chịu đựng trong suốt cuộc đời. Hình ảnh người mẹ: Người mẹ trong bài thơ không được miêu tả bằng những từ ngữ hoa mỹ, mà là hình ảnh gần gũi, mộc mạc, rất đời thường. Đặc biệt, bài thơ gợi lên hình ảnh người mẹ với những vất vả, nhọc nhằn, nhưng không bao giờ than vãn hay tỏ ra yếu đuối. Mẹ là người luôn chịu đựng, hy sinh cho con cái mà không mong nhận lại điều gì. Tình yêu thương vô bờ bến: Tình yêu thương của mẹ là một chủ đề xuyên suốt bài thơ. Mẹ yêu thương con cái một cách vô điều kiện, chở che, bảo vệ cho con dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Tình cảm đó không chỉ là sự chăm sóc về mặt vật chất mà còn là sự nuôi dưỡng về tinh thần. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ là biểu tượng của tình yêu vô tận, không có giới hạn, vượt qua mọi gian khó.
Bài thơ cũng thể hiện nỗi nhớ nhung và sự biết ơn của người con dành cho mẹ. Khi mẹ không còn bên cạnh, người con mới càng cảm nhận rõ hơn tình yêu thương, sự hy sinh mà mẹ dành cho mình. Cảm giác nhớ mẹ, nhớ những lời dạy bảo của mẹ, và mong muốn có thể làm điều gì đó để đền đáp công ơn của mẹ là một trong những cảm xúc chủ đạo trong bài thơ.
Tác giả không sử dụng từ ngữ quá phức tạp, mà chọn những từ ngữ giản dị, dễ hiểu nhưng lại đầy cảm xúc. Chính sự mộc mạc đó lại khiến cho bài thơ trở nên gần gũi, chân thật và dễ đi vào lòng người đọc. Sự kết hợp giữa cảm xúc và hình ảnh: Những hình ảnh như "mẹ vất vả", "mẹ hy sinh" được lặp lại trong bài thơ, tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ và làm nổi bật tình mẫu tử. Các hình ảnh này được mô tả bằng những từ ngữ rất bình dị nhưng lại chứa đựng một cảm xúc sâu sắc, thể hiện sự cảm động và lòng biết ơn vô hạn của người con đối với mẹ.
Việc sử dụng thể thơ song thất lục bát giúp bài thơ mang âm hưởng truyền thống, dễ đi vào lòng người. Nhịp điệu của thể thơ này như một lời ru êm ái, dịu dàng, rất phù hợp với chủ đề tình mẹ. Những vần điệu trong bài thơ tạo nên sự nhẹ nhàng, ấm áp, nhưng cũng đầy sự trân trọng và sâu sắc.
Bài thơ "Thương mẹ" của Đặng Minh Mai là một tác phẩm đầy cảm xúc, thể hiện lòng biết ơn và tình yêu thương vô bờ bến đối với người mẹ. Với thể thơ song thất lục bát, tác giả đã khéo léo thể hiện sự hi sinh và tình cảm của người mẹ, đồng thời thể hiện được sự cảm nhận sâu sắc của người con về tình mẫu tử. Bài thơ không chỉ là lời tri ân mà còn là lời nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình mẹ trong cuộc sống.
Bài tham khảo Mẫu 3
Tình mẫu tử luôn là một trong những nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Có những bài thơ không cần câu từ hoa mỹ, không cần kỹ thuật phức tạp, mà chỉ bằng cảm xúc chân thành cũng đủ chạm đến trái tim người đọc. Bài thơ “Thương mẹ” của Đặng Minh Mai là một tác phẩm như thế – mộc mạc, da diết nhưng lại vô cùng xúc động, là tiếng lòng nghẹn ngào của người con dành cho người mẹ đã khuất, một lời tri ân và tiếc thương sâu sắc đối với bậc sinh thành.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, nỗi nhớ thương mẹ đã trào dâng mãnh liệt trong trái tim người con. Không màu mè, không vòng vo, nỗi đau được thể hiện trực tiếp bằng hình ảnh nước mắt rơi, trái tim thổn thức. Đây là tiếng khóc từ tận đáy lòng – vừa là nỗi nhớ, vừa là sự đau đớn khi nhận ra mẹ đã rời xa cõi đời này mãi mãi. Chỉ hai câu thơ ngắn mà chứa đựng trọn vẹn cảm xúc của một người con đang đối diện với mất mát lớn lao nhất đời.
Tiếp nối mạch cảm xúc đó, tác giả gợi lại hình ảnh người mẹ tảo tần, cả đời vất vả vì con. Những từ ngữ như “mưa nắng dãi dầu”, “sớm khuya bươn chải” như vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh một người mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó. Dù cuộc sống có gian nan, khắc nghiệt đến đâu, mẹ vẫn không một lời than vãn, không oán trách số phận, chỉ lặng lẽ gánh vác tất cả vì con cái.
Đặc biệt, hình ảnh đôi vai trĩu nặng của mẹ khiến người đọc không khỏi xót xa. Mẹ không chỉ gánh hàng, gánh cơm áo, mà còn gánh cả một trời thương yêu cho con. Cuộc đời mẹ là những chuyến buôn ngược xuôi đầy nhọc nhằn, chỉ mong con có được một cuộc sống đủ đầy hơn. Mỗi câu thơ như một lời kể chân thành, mỗi hình ảnh đều là những ký ức không thể phai mờ trong lòng người con.
Khi con khôn lớn, trưởng thành thì mẹ đã bước sang những năm tháng tuổi già, yếu đuối và bệnh tật. Tuổi già đến với mẹ trong sự cằn cỗi, bệnh tật. Câu thơ ngắn mà như nghẹn lại – “nào chừa mẹ đâu?” – là một lời than xót xa, uất nghẹn trước sự bất công của đời người. Mẹ đã khổ cả đời, vậy mà cuối cùng lại vẫn phải chịu thêm những đau đớn về thể xác.
Nỗi đau như lên đến đỉnh điểm khi mẹ ra đi:
"Mẹ ra đi trần thế mẹ rời...
Xuôi tay, nhắm mắt chẳng lời trối trăn!!!"
Mẹ đi mà không kịp để lại lời dặn dò nào, điều đó khiến người con càng thêm đau đớn và tiếc nuối. Không chỉ người con khóc, mà dường như cả trời đất cũng đau cùng: "Trời nghiêng ngả ứa sầu rơi lệ". Hình ảnh nhân hoá đầy xúc động, cho thấy sự mất mát này không chỉ là nỗi đau riêng mà còn là nỗi buồn của cả thế giới – bởi mẹ là hiện thân của yêu thương và hy sinh.
Dù mẹ đã khuất, người con vẫn gửi trọn niềm tin, hy vọng rằng mẹ sẽ được an nghỉ nơi miền cực lạc. Lời nguyện cầu không chỉ thể hiện niềm tin vào thế giới bên kia mà còn là tấm lòng hiếu thảo, thủy chung của người con. Dù mẹ đã xa, tình yêu thương vẫn luôn hiện hữu, không bao giờ phai nhạt.
“Thương mẹ” là một bài thơ dung dị nhưng chan chứa cảm xúc. Tác giả đã dùng lời thơ giản dị để vẽ nên hình ảnh người mẹ suốt đời hy sinh, đồng thời thể hiện tấm lòng hiếu thảo và nỗi tiếc thương vô hạn của người con. Bài thơ không chỉ là tiếng lòng riêng của tác giả mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc với mỗi chúng ta: hãy yêu thương, trân trọng mẹ khi còn có thể, bởi một mai khi mẹ đi rồi, tình yêu đó chỉ còn là hoài niệm.


Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Phân tích bài thơ Bầu trời trên giàn mướp của nhà thơ Hữu Thỉnh lớp 9
- Viết bài nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Trưa hè" của Bàng Bá Lân lớp 9
- Trong một bài thơ đề tặng con gái, nhà thơ Chế Lan Viên nhắc nhở: Ta cúi xuống đất/Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt lớp 9
- Phân tích bài thơ song thất lục bát “Thương mẹ” của Đặng Minh Mai lớp 9
- Phân tích bài thơ "Mẹ và cánh đồng" của Trần Văn Lợi lớp 9
- Phân tích bài thơ Bầu trời trên giàn mướp của nhà thơ Hữu Thỉnh lớp 9
- Viết bài nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Trưa hè" của Bàng Bá Lân lớp 9
- Trong một bài thơ đề tặng con gái, nhà thơ Chế Lan Viên nhắc nhở: Ta cúi xuống đất/Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt lớp 9
- Phân tích bài thơ song thất lục bát “Thương mẹ” của Đặng Minh Mai lớp 9
- Phân tích bài thơ "Mẹ và cánh đồng" của Trần Văn Lợi lớp 9