Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời s..

Nêu suy nghĩ của em về vấn đề học sinh hiện nay mặc trang phục không phù hợp khi đến trường lớp 7


1. Mở đoạn: - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: trang phục của giới trẻ hiện nay. Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: trang phục của giới trẻ hiện nay.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân đoạn:

- Thực trạng:

+ Nhiều học sinh có cách lựa chọn trang phục chưa phù hợp với lứa tuổi của mình: ăn mặc hở hang, quần áo lòe loẹt,…

+ Nhiều bạn chạy theo lối sống hiện đại phương tây, học tập và làm theo cách ăn mặc, cách sống của họ mà quên đi những giá trị, bản sắc tốt đẹp vốn có của dân tộc, quê hương mình.

- Nguyên nhân:

+ Chủ quan: do cách suy nghĩ chưa thực sự đúng đắn của các bạn, do tầm hiểu biết hạn hẹp, hoặc do muốn chứng minh bản thân mình hơn người, nổi bật,…

+ Khách quan: do gia đình chưa dạy dỗ con em mình đúng cách về tầm quan trọng của việc lựa chọn trang phục phù hợp; do môi trường xung quanh tác động đến suy nghĩ và hành động của các bạn,…

- Hậu quả:

+ Tạo ra một thế hệ trẻ với những suy nghĩ và ăn mặc phản cảm, không phù hợp với bản thân, lâu dần dẫn đến tha hóa về cách ăn mặc, làm mai một đi bản sắc dân tộc.

+ Những thế hệ sau học theo cách ăn mặc của giới trẻ sẽ khiến cho việc lựa chọn trang phục ngày càng sai lệch.

- Mở rộng:

+ Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều bạn trẻ ăn mặc phù hợp với bản thân, với lứa tuổi, không gây ra phản cảm với người khác. Bên cạnh đó, còn có nhiều bạn tích cực truyền bá trang phục dân tộc và cống hiến cho trang phục nước nhà,… những người này xứng đáng được học tập và noi theo.

3. Kết đoạn:

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: trang phục của giới trẻ hiện nay; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Con người từ lúc sinh ra và trưởng thành cần phải rèn luyện nhiều đức tính quý báu và hoàn thiện bản thân mình. Một trong số đó chúng ta phải kể đến chính là việc chúng ta ăn mặc, lựa chọn trang phục sao cho đẹp đẽ và phù hợp với văn hóa. 

Trang phục là cách con người ăn mặc, bao gồm quần áo và các phụ kiện khác. Trang phục là vẻ bề ngoài của con người, phản ánh gu thẩm mĩ cũng như phong cách của người đó. Còn văn hóa là những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta. Trang phục và văn hóa tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng thực chất lại có mối quan hệ vô cùng khăng khít. Trang phục của con người nên phù hợp với văn hóa của quê hương, đất nước, thuần phong mĩ tục, tránh kệch cỡm, lố lăng. Thông qua trang phục, ta cũng có thể nhận diện được đó là văn hoá đại diện cho quốc gia hay dân tộc nào đó. Với mỗi người, cần phải hiểu trang phục và văn hoá đi liền với nhau và có sự gắn bó nhất định. Khi giao tiếp với người khác, vẻ bề ngoài rất quan trọng bởi điều thu hút ánh nhìn của ta trước hết chính là trang phục của người đối diện. Thông qua cách ăn mặc, ta có thể đánh giá được phần nào tính cách của người đó. Bởi vậy, cần biết cách lựa chọn trang phục phù hợp không chỉ theo sở thích mà còn phải gắn với chuẩn mực, nếp sống văn hóa xã hội. Y phục đẹp không cần phải quá cầu kỳ với những bộ cánh màu mè, không phải đồ hiệu, sang chảnh mới là thể hiện trình độ văn hóa cao mà nó phải thật sự tạo thoải mái, tự tin cho người mang nó và phù hợp với điều kiện sống, hoàn cảnh giao tiếp. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có cách ăn mặc phản cảm, chưa phù hợp với hoàn cảnh, thậm chí là lố lăng, không gây thiện cảm với người khác, không phù hợp với văn hóa, bối cảnh… những người này cần xem xét lại bản thân mình. 

Trang phục thuộc về hình thức nhưng nó phản ánh tư duy, suy nghĩ của con người. Chúng ta cần phải lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân, hoàn cảnh để lịch sự và khiến bản thân mình tự tin hơn.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Muốn đánh giá tính cách một con người, nhiều khi chỉ cần nhìn cách ăn mặc, thái độ đi đứng, cách nói năng, giao tiếp… Trong đó, cách ăn mặc gây ấn tượng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với việc đánh giá.

Vâng, quả đúng là cách ăn mặc của con người là cực kỳ quan trọng, bởi ngoài khiếu thẩm mỹ thì bộ trang phục cũng ngầm nói lên rằng chủ nhân mang nó có lịch sự, có văn hoá hay không

Theo tôi nghĩ, không chỉ giới trẻ mà hầu như tất cả mọi người, trong đó có cả các em học sinh tiểu học, trung học đều hiểu việc mặc như thế nào là đẹp, là có văn hoá, nhất là trong thời đại ngày nay, sự giáo dục của gia đình và nhà trường trong vấn đề ăn mặc được quan tâm và có điều kiện hơn trước. Vậy mà, không hiểu tại sao vẫn có rất nhiều bạn trẻ ăn mặc một cách tự do, “phóng khoáng” tới mức lố lăng. Sự thái quá trong giới trẻ về cách ăn mặc là sự đua đòi, bắt chước nhau diễn ra ngày càng phổ biến và luôn không có điểm dừng. Ra phố, nhất là vào mùa hè hẳn chúng ta đã quá… quen mắt với hình ảnh các chàng trai, cô gái trẻ trung, đẹp đẽ lại mang trên mình những bộ trang phục ngắn cũn cỡn, te tua, hở hang… đến phát sợ. Có chàng trai mặc quần bò thì xé rách ở nhiều chỗ tới hở cả đùi, đồ lót. Chẳng hiểu họ thấy đẹp và “thời trang” ở điểm nào

Có anh thì chỉ mặc mỗi cái quần đùi, cởi trần đi xe máy mà người thì còm nhom trông chẳng khác gì bộ xương di động…; nhiều chị, nhiều cô thì váy ngắn, váy xẻ hết cỡ, phía trên chỉ mặc mỗi chiếc áo nịt có chiều rộng chỉ bằng hai bàn tay khiến cho thân thể hở dưới lộ trên trông rất phản cảm. Cách mặc như vậy ở trên phố đã là khó chấp nhận, vậy mà nhiều cô, cậu trẻ còn “diễn” cả vào chùa, nhà thờ, đền, miếu - những nơi luôn cần sự nghiêm trang kín đáo. Thử hỏi, như vậy dù họ có học, có văn hoá kiểu gì đi chăng nữa thì mọi người sẽ nhìn họ với con mắt ác cảm và đánh giá họ là những người… không có văn hoá, thậm chí là vô học, vô văn hoá!

Vẫn biết rằng việc mặc đẹp, chạy theo thời trang là nhu cầu của mỗi người, nhất là trong khi điều kiện kinh tế đã cho phép thì vấn đề mặc đẹp càng cần thiết. Thế nhưng chúng ta, nhất là giới trẻ hãy mặc sao đấy cho kín đáo, tế nhị mà vẫn thời trang, vẫn đẹp. Đừng sai lầm khi nghĩ rằng cứ ngắn, cứ xẻ, cứ hở hang… là đẹp, là mốt và thời trang, bởi nếu vậy chính những bộ trang phục ấy sẽ tự hạ thấp bạn trước con mắt mọi người.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Người xưa có câu "người đẹp vì lụa", điều đó khẳng định vai trò của trang phục vô cùng quan trọng trong việc thể hiện vẻ đẹp, nhân cách con người. Xã hội phát triển, vấn đề thời trang càng trở nên quan trọng đối với đời sống của mỗi người, nhất là giới trẻ.

Con người muốn tồn tại thì nhu cầu cơm ăn, áo mặc là nhu cầu vô cùng cần thiết. Ăn cho mình, ăn để duy trì sự sống, do đó ăn trước hết là vì nhu cầu của chính mình. Còn mặc cho người tức là trang phục trên người mình nhưng lại để cho người khác ngắm nhìn, thậm chí có thể làm khuôn mẫu cho những người xung quanh học tập.

Mặc đẹp không chỉ làm đẹp cho bản thân mà còn đem đến sự say mê, thích thú tạo nên thiện cảm cho người khác. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Cũng chính vì thế mà dân gian có câu "ăn cho mình, mặc cho người".

Nhưng mặc cũng không hẳn là cho người, vì mặc trước hết là cho chính mình, mặc để bảo vệ cơ thể, để làm đẹp cho bản thân, một người mặc đẹp bao giờ cũng được người khác ngưỡng mộ. Nó thể hiện gu thẩm mỹ và trình độ văn hóa của mỗi người, do đó nên hiểu mặc cho mình mà còn cho mọi người.

Vì thế mặc sao cho đẹp, sang trọng, đứng đắn, đúng với điều kiện, hoàn cảnh làm việc. Và điều quan trọng là mặc thế nào để hòa vào lối sống cộng đồng, làm đẹp cùng cộng đồng, xã hội và dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại.

Hiện nay, giới trẻ là đối tượng nhạy bén thời trang nhất, nó là phần không thể thiếu đối với cuộc sống của họ. Nhưng thời trang của đối tượng này còn hay bị đưa ra tranh cãi. Với phong cách thời trang hài hòa, phù hợp giới tính, độ tuổi, và hoàn cảnh giao tiếp thường được mọi người ưa chuộng, được hưởng ứng, tán đồng. Có phong cách thời trang ăn mặc ấn tượng, bắt chước những thần tượng của mình, gây sự chú ý, làm nổi bật cá tính.

Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại phong cách ăn mặc thiếu văn hóa, bụi bặm, lập dị, hoặc quá hở hang khi ra đường, tới những nơi công cộng, công sở gây sự phản cảm, và đáng chú ý là phong cách này đang chiếm số lượng không nhỏ trong giới trẻ.

Cách mặc thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người. Mặc là để làm đẹp cho xã hội, đường phố. Có ý kiến cho rằng: Nhìn người dân đi trên đường người ta có thể hiểu nền văn hóa, giáo dục của một đất nước, điều đó hoàn toàn đúng. Qua phong cách ăn mặc thời trang của giới trẻ, người ta có thể hiểu đất nước đó đang phát triển ở mức độ nào.

Do vậy khi lựa chọn thời trang cần chú ý tới phong cách thời trang sao cho phù hợp với hoàn cảnh, vóc dáng. Sao cho toát lên vẻ đẹp, sự trẻ trung năng động, cá tính, phù hợp với xu thế thời đại nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài tham khảo Mẫu 1

Dân gian xưa đã câu 'Cái răng cái tóc là góc con người'. 'Góc con người' ở đây thể hiện phần nào gu thẩm mỹ, tính cách, sở thích của mỗi cá nhân. Điều này đặc biệt rõ qua trang phục hàng ngày. Đối với học sinh, việc lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh và lối sống đóng vai trò quan trọng.

Trang phục không chỉ là quần áo, giày dép, mà còn bao gồm các phụ kiện như túi xách, kính mắt, đồng hồ, vòng tay, vòng cổ... Nó không chỉ giữ ấm và bảo vệ con người mà còn là tác phẩm nghệ thuật thể hiện cá nhân. Trang phục giúp phản ánh nhân cách, nghề nghiệp và thị hiếu thẩm mỹ của người mặc. Người ta thường đánh giá bạn dựa trên trang phục hơn là biểu cảm trên khuôn mặt. Một bộ trang phục đẹp và phù hợp có thể là vũ khí lợi hại giúp tăng cường tự tin và giao tiếp.

Xã hội ngày càng phát triển, ảnh hưởng đến lối sống và thậm chí cả vấn đề ăn mặc. Học sinh là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Trong quá khứ, học sinh thường được liên kết với bức tranh áo sơ mi trắng, quần đen. Nhưng ngày nay, chúng ta thường thấy nhiều học sinh chọn những trang phục lòe loẹt, màu mè và thậm chí chơi trội. Họ tự biến mình thành 'cô chiêu, cậu ấm', nhưng điều này không phải lúc nào cũng là tích cực.

Bộ đồng phục của học sinh không chỉ là một trang phục thông thường. Nó là biểu tượng của sự thuần khiết và trong sáng của tuổi học trò. Khi mọi người mặc đồng phục, nó giúp làm giảm khoảng cách xã hội, xóa bỏ sự phân biệt giau nghèo. Bộ đồng phục còn nhắc nhở học sinh về trách nhiệm và lòng tự hào đối với truyền thống của trường học. Nó thể hiện sự gọn gàng, chỉn chu của nam sinh và vẻ đáng yêu của nữ sinh. Việc từ chối mặc đồng phục cũng là việc từ chối tư cách học sinh.

Việc đánh giá một học sinh xuất sắc không chỉ dựa vào thành tích học tập mà còn phản ánh qua đạo đức và phẩm chất họ thể hiện. Sự đua đòi để theo đuổi phong cách thời trang có thể gây hậu quả nặng nề, khiến học sinh tiêu tốn tiền và lãng phí thời gian một cách vô ích, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập. Việc vòi vĩnh và thậm chí ăn cắp để chi trả cho những bộ trang phục hợp mốt không chỉ mang lại tiếng xấu cho bản thân mà còn là hành động không đúng đắn.

Mọi học sinh nên nhớ rằng, trang phục đẹp không phải là những bộ đồ đắt tiền mà phải phản ánh đúng lứa tuổi và tính cách của họ. Ngay cả những người giàu có nhất cũng không chứng minh đẳng cấp của mình qua những vật dụng hào nhoáng. Để trở thành học sinh mẫu mực, được đánh giá cao về nhân cách và lối sống, hãy tránh ăn mặc quá mạnh mẽ, lố lăng và chọn lựa trang phục phù hợp với hoàn cảnh, lịch sự và trẻ trung khi đi chơi. Hãy trân trọng đồng phục khi đến trường và biết cách chọn lựa trang phục phản ánh cá nhân mà không gây ấn tượng xấu.

Mặc dù việc chọn lựa phong cách ăn mặc là quyền cá nhân, nhưng hãy tránh bám theo xu hướng chỉ để khác biệt. Chỉ những bộ trang phục đúng đắn và phù hợp mới thực sự thể hiện rõ bạn là ai - một học sinh đáng mến hay một người tràn đầy tham vọng.

Bài tham khảo Mẫu 2

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người càng được cải thiện, người ta không chỉ no đủ vật chất mà còn chú trọng nhiều đến đời sống tinh thần, đặc biệt là trang phục nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao. Dân gian cũng đã có câu "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" là lẽ đó, cách ăn mặc có mối quan hệ khá mật thiết với văn hoá, phản ánh một phần đời sống, văn minh của con người. Tuy nhiên, cần có cái nhìn đúng đắn và rõ ràng hơn về trang phục và văn hoá để lựa chọn hợp lý, tinh tế hơn cho bản thân mình.

Trang phục là những thứ chúng ta khoác lên mình hàng ngày có nghĩa vụ bảo vệ cơ thể và tăng tính thẩm mỹ cho người mặc. Trang phục bao gồm áo, quần, váy vóc, mũ nón,... Trang phục được thiết kế với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và thẩm mỹ của mọi đối tượng người sử dụng. Văn hoá là những hành vi, cách ứng xử, thái độ, tư tưởng, cách nhìn nhận, quan điểm,... trong đời sống. Văn hoá được sự đồng nhất của cộng đồng, mang tính cộng đồng và thường khá bền vững. Đi ngược lại với văn hoá là thiếu văn hoá, không phù hợp với đời sống của cộng đồng. Vậy giữa trang phục và văn hóa có mối liên hệ như thế nào?

Thông qua trang phục, ta cũng có thể nhận diện được đó là văn hoá đại diện cho quốc gia hay dân tộc nào đó. Ví dụ như Việt Nam có quốc phục là áo dài, Nhật Bản có Kimono, Hàn quốc có Hanbok,.... Mỗi một quốc phục đều có ý nghĩa riêng. Với mỗi người, cần phải hiểu trang phục và văn hoá đi liền với nhau và có sự gắn bó nhất định. Trước đây, trang phục phổ biến ở nông thôn thường là những chiếc áo bà ba, áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy gắn với đời sống. Trai áo dài khăn đống, gái áo yếm quần ống loe. Thời đại này, khi đổi mới, trang phục được lựa chọn đa dạng hơn, phù hợp với từng mục đích. Ví như trang phục dự tiệc, trang phục công sở, trang phục áo tắm, ... tất cả đều được thiết kế vô cùng bắt mắt, đa dạng.

Khi giao tiếp với người khác, vẻ bề ngoài rất quan trọng bởi điều thu hút ánh nhìn của ta trước hết chính là trang phục của người đối diện. Thông qua cách ăn mặc, ta có thể đánh giá được phần nào tính cách của người đó. Bởi vậy, cần biết cách lựa chọn trang phục phù hợp không chỉ theo sở thích mà còn phải gắn với chuẩn mực, nếp sống văn hóa xã hội. Trên thực tế, không phải ai cũng biết sắm cho mình những bộ quần áo phù hợp, tinh tế. Nhiều người vì chạy theo “mốt” mà không quan tâm đến văn hoá, diện lên người những bộ trang phục vô cùng phản cảm, thậm chí là trái với thuần phong mỹ tục của đời sống văn hoá từ xưa tới nay. Đến những nơi linh thiêng, trang trọng thì mang áo quần ngắn cũn cỡn, hở phần trên, lộ phần dưới, bất lịch sự vô cùng. Đi tang ma thì chọn bộ đồ sặc sỡ, lòe loẹt nổi bật. Chúng ta cần phải biết cách phối hợp trang phục, lựa chọn quần áo sao cho phù hợp với hoàn cảnh công việc. Giáo viên đến trường phải mang áo dài, hoặc áo quần giản dị gọn gàng, tránh phân tán sự chú ý của học sinh. Người lao động chân tay không thể mang váy ra ruộng làm việc. Đi chùa nên chọn những bộ trang phục kín đáo, tế nhị,... Cần tùy hoàn cảnh mà chọn cho mình một phục trang đúng đắn, ý nhị, đẹp mà không phản cảm, không làm lố bản thân.

Y phục đẹp không cần phải quá cầu kỳ với những bộ cánh màu mè, không phải đồ hiệu, sang chảnh mới là thể hiện trình độ văn hóa cao mà nó phải thật sự tạo thoải mái, tự tin cho người mang nó và phù hợp với điều kiện sống, hoàn cảnh giao tiếp. Văn hóa được xác định bằng nhiều tiêu chí và trang phục chỉ là một phần trong số đó, tuy nhiên, một bộ trang phục đẹp không cần quá hở hang, diêm dúa nhưng vẫn thể hiện được nét duyên dáng, thanh lịch và gợi cảm của chủ nhân mang nó, cũng đã giúp người đối diện có cái nhìn thiện cảm hơn đối với ta. Thật đáng buồn, hiện nay, giới trẻ, đặc biệt là một bộ phận các bạn học sinh hâm mộ những thần tượng, idol mới nổi,... đua đòi chạy theo những bộ áo quần đắt tiền, không phù hợp với lứa tuổi, điều đó là không nên.

Chúng ta là những học sinh, đến trường cần mang đồng phục, hoặc lựa chọn trang phục phù hợp với quy định của nhà trường. Mang những trang phục thoải mái để phù hợp cho việc học tập và rèn luyện cũng như tham gia các hoạt động thể thao. Hãy chọn cho mình những bộ áo quần phù hợp với lứa tuổi, tránh hở hang, phản cảm, mất đi nét đẹp văn hoá vốn có. Hãy chọn cho chính mình những trang phục "đẹp" theo đúng nghĩa của nó, xây dựng văn hóa phục trang trong đời sống mỗi ngày.

Bài tham khảo Mẫu 3

Nói đến việc ăn mặc của teen ngày nay, có khá nhiều chuyện dở khóc dở cười. Cách ăn mặc, trang điểm theo những phong cách kỳ quái, ấn tượng của nhiều teen khiến người ta phát choáng.

Tuổi mới lớn là lứa tuổi thích nổi loạn. Từ lối cư xử đến cách ăn mặc đều mang một phong cách khác người.

Ngày nay, không hiếm gặp hình ảnh những nữ sinh cấp 2, cấp 3 ra đường với bộ mặt cộm phấn son, tô trát mắt xanh, môi đỏ, lông mi giả cong vút... Ngay cả những khi mặc đồng phục nhiều teen cũng trang điểm một cách phản cảm như vậy. Nhiều teen lại thích hóa trang trông như một em búp bê Nhật với mái tóc luôn được đánh “xù” công phu, khuôn mặt thì đánh phấn trắng bệch, đôi môi đỏ chúm chím.

Trang phục của teen cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Mỗi người có một cách ăn mặc khác nhau. Tuy nhiên, đa phần các teen thích tự tạo "xì-tai” riêng cho mình mà không qua bất kì trường lớp hay sự hướng dẫn nào của người lớn. Vì thế mà dẫn đến nhiều cách ăn mặc rất lố bịch. Nhiều cô nàng béo ú nhưng cứ thích mặc áo bó sát, nhiều anh chàng gầy nhom lại luôn thích mặc quần tà lỏn ra đường... phơi xương.

Nhiều teen lại có cách ăn mặc không đúng với lứa tuổi. Có cô nàng đã học năm nhất đại học mà vẫn thích cái kiểu ăn mặc lòe loẹt, quần áo đủ màu sắc rực rỡ.

Sự lố bịch trong trang phục của teen còn thể hiện ở chỗ không hợp với hoàn cảnh. Ở những nơi trang trọng thì nhiều teen lại mặc rất xuề xòa, cẩu thả. Nhưng khi đến những nơi cần đơn giản nhiều teen vẫn cứ cầu kỳ hoa lá. Ở những nơi trang nghiêm như chùa chiền, miếu mạo thì nhiều teen vẫn ăn mặc quần áo cũn cỡn, chẳng biết giữ phép lịch sự.

Các teen cũng rất nhanh nhạy trong việc bắt kịp với bất cứ một trào lưu, phong cách ăn mặc mới nào. Xu hướng thời trang của teen cũng thay đổi luôn xoành xoạch. Vài năm trước đây, mặc quần jean với cạp thật trễ (trễ đến mức hở cả underwear) mới là mốt thì bây giờ, quần jean đã trở thành thứ gì đó hơi lạc hậu. Mốt bây giờ là phải quần legging hay tregging, da bó cạp cao, đủ kiểu có gân, không gân ôm khít vào bụng và chân.

Nhiều teen ngày nay cũng thích bắt chước theo phong cách của sao. Cái “xì-tai” áo dài quần ngắn của các sao gần đây được các teen ưa chuộng. Nhưng nhiều teen muốn tạo phong cách riêng nên bỏ hẳn cái quần ngắn, chỉ mặc mỗi chiếc áo dài phong phanh nên rất dễ "lộ hàng".

Không chỉ teengirl, nhiều teenboy cũng có cách ăn mặc rất kệch cỡm. Nhiều anh chàng thích mặc quần áo lòe loẹt hoặc tua rua; đầu tóc xanh đỏ, có khi dựng ngược, có khi để chỏm... trông rất kỳ quái. Nhiều teenboy lại cứ thích mặc kiểu trang phục như con gái.

Nhiều teen đầu tư rất tiền vào việc trang điểm, quần áo, giày dép... Nhưng tốn tiền nhiều chưa chắc đã đẹp hơn. Mặc đẹp là phải biết ăn mặc phù hợp với vóc dáng của cơ thể, phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng gặp gỡ. Nhiều teen không biết điều này nên ăn mặc rất lố lăng, phản cảm.

Cách ăn mặc của nhiều teen khiến nhiều người ngán ngẩm. Chị Hà (ở quận Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: "Nhiều học sinh bây giờ ăn mặc rất chướng mắt. Không hiểu là theo kiểu cách gì nữa!".


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí