Hãy nhập vai chú voi trong câu chuyện Thầy bói xem voi kể lại câu chuyện ấy. Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?>
Tôi là một chú voi già trong đoàn xiếc ở kinh thành. Ngày nọ, ông chủ đưa chúng tôi về một làng quê để biểu diễn
Dàn ý
1. Mở Bài
Giới thiệu về không gian, thời gian xảy ra câu chuyện: được ông chủ đưa về một làng quê.
2. Thân Bài
Nội dung câu chuyện
- Một hôm đi ngang qua chợ, các ông thầy bói xôn xao muốn được biết hình dáng của "tôi".
- Trong làng ai cũng có mong muốn được một lần trông thấy con vật đó một lần trong đời
- Năm ông thầy bói tiến lại gần "tôi" và bắt đầu sờ, mỗi người đưa ra một ý kiến, không ai chịu ai:
+ Ông thầy thứ nhất: Con voi sun sun như con đỉa
+ Ông thầy thứ hai: Con voi chần chần như cái đòn càn
+ Ông thầy thứ ba: Con voi bè bè như cái quạt thóc
+ Ông thầy thứ tư: Con voi sừng sững như các cột đình
+ Ông thầy thứ năm: Con voi tua tủa như cái chổi xể cùn
- Năm ông thầy bói tranh cãi không ai chịu nhường ai đến nỗi đánh nhau suýt sứt đầu mẻ trán.
- Bác trưởng làng thấy vậy bèn tiến đến lại gần can ngăn và giải thích.
- Tối hôm ấy, dân làng đến xem chúng tôi rất đông. Nhìn thấy tôi, tất cả ồ lên vỗ tay. Họ còn bàn tán ríu ran về chuyện mấy ông thầy bói.
3. Kết Bài
Ý nghĩa và bài học rút ra từ câu chuyện Thầy bói xem voi
Bài mẫu 1
Tôi là một chú voi già trong đoàn xiếc ở kinh thành. Ngày nọ, ông chủ đưa chúng tôi về một làng quê để biểu diễn. Ở đây, có lẽ người ta chưa từng thấy anh em họ hàng của tôi bao giờ nên nhắc đến voi ai cũng háo hức. Vé bán một buổi sáng mà đã hết veo!
Buổi chiều hôm ấy, cậu bé giúp việc đưa tôi ra đồng ăn cỏ, lúc trở về, cậu lại dắt tôi ra chợ để mua đồ. Đang đi, trên đường có năm ông thầy bói già cứ đùn đẩy nhau điều gì không rõ. Bác bán rau nói với cậu bé đi cùng tôi: "Này cháu! Năm ông thầy bói muốn cháu dừng con voi lại để họ xem nó thế nào có được không?". Cậu bé nhìn tôi như muốn hỏi ý kiến, thấy tôi huơ vòi cậu bèn vui vẻ nhận lời. Thú thực, tôi thấy xúc động vì tấm lòng của người dân nơi đây dành cho mình. Bởi vậy, ai nỡ từ chối đề nghị như thế của những người già, họ lại bị mù nữa cơ chứ. Thật tội nghiệp quá!
Tôi dừng lại, năm ông thầy bói theo lời hướng dẫn của cậu bé đi cùng, để gậy lại gần tôi. Năm người bọn họ, người ôm chân tôi, người xoa vòi tôi, người sờ tai tôi, người lại vuốt ngà tôi, người thứ năm thì cứ vỗ tay bồm bộp vào bụng tôi! Tôi thấy nhột lắm nhưng gắng nín nhịn chiều họ. Đột nhiên, ông sờ vòi nói to:
- Ôi chao! Tôi tưởng con voi thế nào! Hoá ra nó sun sun như con đỉa.
Ông sờ ngà tiếp lời:
- Ông nhầm rồi! Nó chần chẫn như cái đòn càn.
Ông thầy sờ tai không chịu nhường:
- Ai bảo thế! Nó hò hè như cái quạt thóc.
- Nhầm! Nhầm hết. Nó như cái cột đình - Thầy sờ chân quát to!
Thầy sờ đuôi giơ gậy lên như sẵn sàng đánh nhau với ai:
- Bốn ông sao ngốc nghếch thế! Nó lủn tủn như cái chổi sể cùn!
"Như con đỉa!", "Như cột đình!", "Như đòn càn",... năm ông ỏm tỏi với nhau, mặt ai cũng đỏ gay gắt. Cậu bé đi cùng hốt hoảng đẩy mấy ông thầy kì lạ kia ra. Còn tôi lúng túng tìm cách thoát ra khỏi đám đông đang xúm xít lại xem.
Tối hôm ấy, dân làng đến xem xiếc rất đông. Nhìn thấy tôi, tất cả ồ lên vỗ tay. Họ còn bàn tán ríu ran về chuyện mấy ông thầy bói. Thì ra, tôi đi khỏi rồi, năm ông còn đánh nhau đến chảy máu đầu!
Tôi vừa buồn cười, vừa tức giận. Sai lầm của các thầy bói là ở chỗ mỗi thầy chỉ sờ một bộ phận của tôi và bảo rằng đó là cả con voi tôi. Vòi, chân, tai, ngà, đuôi đúng là của con voi tôi thật, nhưng mới chỉ là những bộ phận riêng lẻ, chưa phải là cả con voi. Giá các thầy ấy chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau, hỏi cậu bé đi cùng tôi thì đã biết tôi là như thế nào và đâu đến nỗi đánh nhau đến thế!
Bài mẫu 2
Tôi là chú voi trong câu chuyện Thầy bói xem voi, và đây là câu chuyện từ góc nhìn của tôi.
Hôm ấy, người quản voi dẫn tôi đến gần năm ông thầy bói mù. Các thầy muốn xem hình dáng của tôi nên đã góp tiền biếu người quản voi để có cơ hội "xem voi". Nhưng điều đặc biệt là các thầy đều bị mù, không nhìn thấy gì, chỉ có thể dùng tay để sờ vào tôi. Mỗi thầy chọn một vị trí trên cơ thể tôi để "xem" theo cách riêng của mình.
Ông thầy đầu tiên tiến đến, sờ vào chiếc vòi của tôi và bảo: “Voi sun sun như con đỉa.” Tôi cảm thấy buồn cười vì nghĩ rằng chiếc vòi lớn của mình lại giống con đỉa bé xíu. Đến lượt thầy thứ hai, ông ấy sờ vào ngà của tôi rồi khẳng định rằng tôi trông giống cái đòn càn. Rồi một thầy khác chạm vào tai, bảo rằng tôi như cái quạt thóc. Thầy tiếp theo sờ vào chân tôi và cho rằng tôi như một cái cột đình. Cuối cùng, thầy thứ năm sờ vào đuôi của tôi và nói voi giống một cái chổi sể cùn. Mỗi người lại có một nhận định khác nhau, ai cũng cho rằng mình đúng nhất, nên bắt đầu tranh cãi kịch liệt.
Là chú voi đứng giữa, tôi chỉ biết lặng lẽ quan sát cuộc cãi vã của các thầy bói. Tất cả đều có lý từ góc nhìn của mình, nhưng họ không hề biết rằng họ chỉ thấy một phần của tôi mà thôi. Nếu các thầy biết lắng nghe, cùng nhau ghép các ý kiến lại, có lẽ họ sẽ hình dung được hình dáng của tôi chính xác hơn.
Qua câu chuyện này, tôi rút ra một bài học rằng khi đánh giá sự việc, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện, không nên chỉ dựa vào một góc nhìn nhỏ hẹp để đưa ra kết luận. Cần biết lắng nghe và kết hợp với những ý kiến của người khác, vì mỗi người có thể chỉ nhìn thấy một phần của bức tranh toàn cảnh. Nếu các thầy bói khiêm tốn hơn, chịu lắng nghe và hợp tác, thì đã không có cuộc tranh cãi và đánh nhau vô ích ấy.
Bài mẫu 3
Tôi là chú voi trong câu chuyện Thầy bói xem voi, và hôm đó, tôi đã chứng kiến một cuộc tranh cãi thật kỳ lạ.
Mọi chuyện bắt đầu khi năm ông thầy bói mù muốn tìm hiểu xem tôi trông như thế nào. Vì không nhìn thấy được, các thầy phải dùng tay để "xem voi". Ông thầy đầu tiên sờ vào chiếc vòi của tôi và vội vàng kết luận: “Voi giống như con đỉa!” Thầy thứ hai sờ vào ngà thì khẳng định chắc nịch rằng tôi giống cái đòn càn. Thầy thứ ba sờ vào tai rồi bảo tôi như cái quạt thóc. Thầy thứ tư chạm vào chân, cho rằng tôi giống cái cột đình. Cuối cùng, thầy thứ năm sờ vào đuôi của tôi và nói rằng tôi trông như cái chổi sể cùn.
Chứng kiến điều này, tôi hiểu rằng mỗi người đều chỉ sờ được một phần cơ thể của tôi, nên chỉ thấy và kết luận dựa trên phần đó. Thế nhưng thay vì cùng nhau suy nghĩ, lắng nghe, mỗi thầy lại cho rằng mình đúng, bắt đầu tranh cãi gay gắt và cuối cùng còn đánh nhau. Nhìn họ như vậy, tôi cảm thấy vừa buồn cười vừa thương các thầy vì đã bỏ qua một cách hiểu đúng đắn và toàn diện.
Qua câu chuyện, tôi rút ra được một bài học rằng khi nhìn nhận một sự việc, chúng ta không nên vội vàng đưa ra kết luận nếu chỉ dựa vào một góc nhìn nhỏ. Nếu các thầy chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau và ghép các phần lại, họ sẽ có cái nhìn đúng hơn về tôi. Như vậy, câu chuyện này đã dạy chúng ta biết cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác và luôn khiêm tốn khi tiếp cận một vấn đề, để không bị đánh lừa bởi sự phiến diện và chủ quan của bản thân.
- Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về 5 ông thầy bói trong truyện Thầy bói xem voi
- Viết một đoạn văn ngắn rút ra bài học từ câu chuyện Thầy bói xem voi
- Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Thầy bói xem voi
- Đóng vai vào một trong hai nhân vật người bạn để kể lại câu chuyện “Hai người bạn đồng hành và con gấu”
- Từ câu chuyện “Hai người bạn đồng hành và con gấu”, trình bày suy nghĩ của em (200 chữ) về một người bạn tốt?
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai