Hãy giới thiệu về một món ăn đặc sản quê hương em>
Món canh chua cá lóc vốn là một món ăn quen thuộc, gắn bó với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam
Dàn ý
I. MỞ BÀI
- Giới thiệu đối tượng thuyết minh: món ăn canh chua.
II. THÂN BÀI
1. Chuẩn bị
- Cá lóc (có thể thay thế các loại cá khác: cá điêu hồng, cá bông lau,..)
- Thơm.
- Cà chua.
- Đậu bắp.
- Dọc mùng.
- Giá đậu.
- Me chua chín.
- Rau thơm nấu canh chua gồm: hành lá, rau ngổ.
- Gia vị: hành khô, tỏi, muối, hạt nêm. bột ngọt, đường, ớt bột, tiêu, nước mắm, dầu ăn.
2. Sơ chế
- Hành khô, tỏi: làm sạch, băm nhuyễn.
- Cá lóc: làm sạch, thái lát vừa ăn, cứa nhẹ trên mỗi lát đổ cá thấm gia vị. Uớp cá với hành tỏi băm nhuyễn, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn. tiêu để riêng khoảng 15 – 20 phút
- Thơm, đậu bắp: làm sạch, cắt lát xéo dài.
- Cà chua: bổ cau.
- Dọc mùng: tước vỏ, cắt mỏng, bóp qua với một chút muối, rửa sạch, chân nhẹ với nước sôi, để ráo nước.
- Giá đậu: rửa sạch, để riêng.
- Rau thơm: làm sạch, thái mịn.
- Me chua chín: ngâm với nước ấm, bỏ hạt.
3. Cách làm
- Phi thơm một thìa hành tỏi băm nhuyễn với dầu ăn, cho thêm ớt bột để tạo màu.
- Cho cá vào đảo nhẹ rồi cho nước vào nấu canh, cho thêm nước me chua và thơm vào, có thể hầm nước xương riêng để canh thêm ngọt. Đến khi nước sôi. dùng thìa lớn vớt hết bọt phía trên để nước canh được trong.
- Nước sôi khoảng 3 phút, cá sắp chín tới, cho cà chua, đậu bắp, dọc mùng.
giá đậu vào.
- Nêm thêm muối, đường, hạt nêm, bột ngọt sao cho vừa ăn.
- Khi thấy món canh đã chín tới, tắt bếp. cho rau thơm và hạt tiêu vào là đã hoàn thành món canh chua cá lóc thơm ngon.
4. Trình bày và thưởng thức
- Múc canh ra tô vừa đủ số người ăn.
- Trang trí thêm ớt đã được tỉa hoa, cắt thêm vài lát ớt, bỏ hành phi lên trên mặt cho thêm đẹp tô canh.
III. KẾT BÀI
- Vị trí quan trọng của món ăn trong ẩm thực Việt.
- Cảm nhận của em về món canh chua.
Bài mẫu 1
Món canh chua cá lóc vốn là một món ăn quen thuộc, gắn bó với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Ở từng địa phương khác nhau thì món canh chua cá lóc lại được chế biến với những cách thức khác nhau, thể hiện được những nét đặc trưng về ẩm thực của từng vùng miền. Khái niệm canh chua cá lóc được sử dụng phổ biến hơn ở khu vực Nam Bộ.
Món canh chua cá lóc của người Nam Bộ có hương vị đặc trưng đó là vị chua và vị ngọt. Cái tinh tế của món ăn này là vị chua không quá gắt mà chua dịu, khi ăn mang đến cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, vị ngọt của canh cũng không quá đậm mà chỉ ngọt nhẹ, hai hương vị này kết hợp với nhau đã tạo nên được nét đặc trưng cho món canh chua cá lóc.
Để làm món canh chua cá lóc cũng rất đơn giản trước hết là việc chuẩn bị nguyên liệu. Trước hết không thể thiếu được cá lóc, bên cạnh đó cần chuẩn bị những loại nguyên liệu khác như: cà chua, bạc hà, đậu bắp, một quả dứa, giá đỗ, me chua, rau mùi, ớt, sả, tỏi. Những gia vị cho món canh chua cá lóc bao gồm: đường, mắm, dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm.
Để chế biến món canh chua cá lóc thì bước đầu tiên cần làm sạch cá lóc, sau đó ướp qua với các gia vị như: muối, ớt, bột ngọt để cho cá ngấm gia vị và bớt mùi tanh. Những loại nguyên liệu như: đậu bắp, rau bạc hà thì cần rửa sạch, xắt thành khúc vừa ăn, cà chua xắt theo múi, dứa và ớt xắt lát. Me dầm lấy nước, đối với me chín thì có thể tách vỏ và lấy phần thịt me, loại bỏ hạt.
Tiếp đó, cho me nấu với một bát nước để me tan. Ăn kèm với món canh chua cá lóc có món rau sống và giá đỗ, nên nhặt sạch giá đỗ, để ráo nước, những loại rau khác nhặt sạch, ngắt lấy phần non, đối với đậu bắp thì xắt lát, bạc hà tước vỏ…
Đặt nước lên bếp, cho nước me vào đun sôi, khi nước sôi cho cá lóc vào nấu chín, sau đó cho thêm dứa, đậu bắp, cà chua, lá bạc hà và tắt bếp. Tùy theo sở thích của mỗi gia đình mà có thể nêm nếm cho món canh chua cá lóc cho phù hợp. Bước cuối cùng là trình bày món ăn.
Canh chua cá lóc cho ra bát, để cho món ăn đúng vị và được trang trí đẹp mắt hơn thì có thể rắc lên trên món ăn rau mùi, ớt xắt lát và tỏi phi lên bên trên. Ăn kèm với món canh chua cá lóc là bún hoặc cơm, tùy theo khẩu phần ăn của từng người mà có sự lựa chọn khác nhau.
Món canh chua cá lóc rất thích hợp ăn trong những ngày hè nắng nóng, vị chua dịu của cạnh giúp bạn xua đi cái nóng, mang đến cảm giác ngon miệng cho bữa cơm gia đình. Món canh chua cá lóc khi ăn cùng cơm trắng và món thịt kho nước dừa hay cá kho sẽ mang đến cảm giác vô cùng đặc biệt.
Cách thức làm món canh chua cá lóc rất đơn giản, vì vậy mà ai cũng có thể tham khảo và nấu cho gia đình một món canh chua cá lóc đúng vị. trong những ngày hè,món canh chua cá lóc không chỉ xua đi cái nóng mà còn gắn kết tình cảm của những người thân trong bữa ăn gia đình.
Món canh chua cá lóc là món ăn dân tộc phổ biến có ở mọi vùng miền, tuy nhiên, đặc trưng văn hóa ẩm thực ở các vùng có sự khác nhau nên cách nấu món canh chua cá lóc cũng khác nhau. Đây là món ăn dân giã nhưng lại mang đến cho bạn một cảm giác đặc biệt, hãy cùng gia đình thưởng thức món ăn thơm ngon này nhé
Bài mẫu 2
Vốn là mảnh đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội đã hình thành cho mình một nét văn hóa ẩm thực rất riêng. Sau những ngày Tết bộn bề với thịt mỡ, bánh chưng... Người Hà Nội lại làm những bữa bún thang thanh đạm mà không kém phần hấp dẫn.
Bún thang ra đời từ khi nào không ai rõ. Chỉ biết rằng hình ảnh bát bún thang từ lâu đã gắn bó với hình ảnh những cô gái của Hà Nội băm sáu phố phường duyên dáng, khéo léo.
Để làm được món bún thang phải chuẩn bị nguyên liệu khá cầu kỳ: bún, thịt gà, trứng gà, tôm nõn, nem chạo, xương lợn, rau thơm. Việc lựa chọn và chế biến các nguyên liệu ấy cũng rất tinh tế. Bún phải là thứ bún sợi nhỏ, trắng trong, không có mùi chua. Thịt gà luộc chín xé sợi nhỏ. Trứng gà lựa lấy lòng đỏ, tráng những lớp mỏng và khô rồi cuộn lại thái thành những sợi nhỏ. Với tôm nõn ta phải ngâm một lát, để ráo nước rồi giã bông. Rau thơm rửa sạch, thái nhỏ, riêng với nem chạo thì ta để nguyên.
Xương lợn là nguyên liệu dùng để nấu nước dùng vì vậy ta nên chọn xương ống, vừa rẻ vừa ngọt nước. Ta rửa sạch xương, chặt đôi từng khúc cho vào luộc sơ qua rồi rửa sạch. Xương sau khi rửa mới có thể nấu làm nước dùng. Khi nấu, ta cho đầy đủ gia vị, nếm vừa miệng là được. Ban đầu để lửa to, sau khi sôi để lửa nhỏ cho xương nhanh nhừ.
Sau khi đã chế biến xong các nguyên liệu, ta chuẩn bị cho bữa ăn. Lấy một bát to, ta đặt vào đó lần lượt: bún, thịt gà xé sợi, trứng gà thái sợi, tôm bông, nem chạo, rau thơm rồi cho nước dùng vào. Ta sẽ có bát bún thang với màu trắng của bún, màu trắng ngà của thịt gà, màu vàng của trứng, màu hồng của tôm bông, màu nâu của nem chạo, màu xanh của rau thơm. Đặc biệt, sự trong veo của nước dùng sẽ làm nổi lên những màu sắc hấp dẫn của bát bún.
Hương vị của bún thang rất thanh đạm khác hẳn cái béo ngậy của thịt mỡ hay đồ nếp. Bún thang thường được dùng sau những ngày Tết ồn ào hay trong những ngày hè cần một món ăn nhẹ nhàng, mát dịu.
Bún thang cùng với phở, bánh tôm...đã trở thành đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Bát bún thang ẩn chứa trong đó sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của những “nghệ nhân” ẩm thực đất Hà thành. Và vì thế, bún thang đã “để thương để nhớ” cho tâm hồn bao người con đất Kinh kỳ cũng như những du khách may mắn trong đời có lần được đến với Thủ đô.
Bài mẫu 3
Mỗi tỉnh thành trên đất nước Việt Nam đều có đặc sản của riêng mình, mỗi món đặc sản lại có nguồn gốc, cách chế biến khác nhau. Và Thanh Hóa được biết đến với món nem chua - món ăn nổi tiếng, là niềm tự của người dân nơi đây. Món ăn đặc sản này được chế biến hết sức kỳ công, qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới công đoạn đóng gói sản phẩm.
Cũng giống như những món ăn đặc sản khác, nem chua Thanh Hóa cũng có những đặc điểm, những đặc trưng rất riêng, giúp chúng ta nhận ra món ăn đặc sản này trong số rất nhiều món ăn khác. Nem chua Thanh Hóa có dạng hình trụ, chỉ lớn hơn ngón tay trỏ của người trưởng thành và được gói trong những chiếc lá chuối xanh và được cố định bằng một dây chun buộc theo hình chữ thập. Sau những lớp vỏ lá chuối là ruột của chiếc nem với màu hồng tươi ngon của thịt xen lẫn với những miếng ớt đỏ tươi, những lát tỏi cắt mỏng và cả những chiếc lá đinh lăng, lá rau răm. Hương vị của nem chua xứ Thanh rất đặc trưng mà không có tỉnh thành nào khác làm được, đó là có vị chua chua của thịt đã ướp, vị thơm của lá rau răm cùng lá đinh lăng, vị cay cay, nồng nồng của ớt và tỏi. Và sự hòa quyện của những hương vị ấy làm nên cái vị, cái hương độc đáo của món nem chua.
Sau khi làm phần nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này lại với nhau cùng các loại gia vị như muối, bột ngọt, đường, thêm một chút nước mắm cho thơm. Kế đó mang hỗn hợp thịt trên ra đóng gói. Để làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng để cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt) thì mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm một chút tỏi, lá đinh lăng, ớt. Không phải lá chuối nào cũng đem gói nem, lá chuối gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dày, bởi trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men.
Để bảo quản được lâu ngày, người thợ thường bọc thêm giấy bóng bên trong nem. Thường sau ba ngày nem sẽ chín, có thể dùng được ngay. Khi bóc hết lớp lá chuối màu xanh ở bên ngoài, đã thấy lộ ra màu hồng của thịt, màu đỏ của ớt và màu trắng của sợi bì. Khi thưởng thức món đặc sản này sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, vị cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng một hương vị rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nem chua nơi nào cũng có như nem chua xứ Thanh. Nem chua xứ Thanh có vị rất khác so với các loại nem chua ở các tỉnh thành khác, bởi nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp và cái nữa.
Món đặc sản nem chua Thanh Hóa vừa rẻ, vừa ngon nhưng có điều rất hay và lạ là có thể làm đồ nhắm, cũng có khi ăn với cơm. Thuận tiện hơn cả là đâu đâu ta cũng có thể nhấm nháp mùi vị hấp dẫn của nó. Rất khó để diễn tả được cảm giác sung sướng khi được ăn một vài miếng nem chua ở quê hương mình trong lúc đang ở nơi xa xôi.
Với mức giá phải chăng dao động từ 3000 đến 4000 đồng một chiếc, nem chua đã trở thành thức quà được nhiều người ưa chuộng không chỉ với người dân xứ Thanh mà còn đối với người dân ở mọi miền Tổ quốc, từ Bắc vô Nam. Chiếc nem chua nho nhỏ, xanh miết màu lá chuối đã mang đi khắp muôn nơi cùng hương vị đặc trưng của đất Thanh Hóa, để rồi khi dừng chân ở đất xứ Thanh cũng chẳng bao giờ quên mang về vài chục chiếc nem chua để làm quà cho người thân, bạn bè, một thứ quà giản dị mà thơm ngon.
Bài mẫu 4
Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với “ngón” phở bò gia truyền và trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ trên quê hương Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Phở Nam Định có nguồn gốc, xuất xứ và đặc trưng riêng không thể lẫn với phở của vùng khác.
Vào những năm 1955-1956, người dân ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực (cách TP Nam Định 14km) đã có phở gánh hay phở xe tới những phố phường của Hà Nội và chiếm được lòng tin của khách hàng. Phở bò Nam Định có nguồn gốc từ mảnh đất họ Cồ, làng Giao Cù với kinh nghiệm làm bánh phở lâu năm.
Phở bò Nam Định cũng giống vùng khác gồm bánh phở, thịt bò, nước phở và một số gia vị nhưng đặc biệt ở chỗ bánh phở Cồ sợi nhỏ ngon, mềm không khô cứng và nồng như ở nơi khác. Bánh phở Giao Cù được làm từ gạo chiêm của vụ trước để hết nhựa mới đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi nên trắng, dai và thơm nục. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt ra ngay ăn mềm vẫn giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Có người nói “nước trong, bánh dẻo, thịt mềm… ắt là phở ngon”.
Công đoạn pha chế nước dùng của phở Nam Định là quan trọng nhất, đó là bí quyết gia truyền của những người thợ làm phở. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, sá sùng…Xương rửa sạch, cạo hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh.
Nước đầu tiên đổ đi để khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò vào nước dùng, nước lần sau mới làm nước dùng cho thêm gừng và hành củ nướng vào. Để lửa lớn cho nước sôi sau đó giảm bớt lửa vớt bọt cho thêm ít nước lạnh đun sôi rồi vớt bọt cho đến khi nào nước trong và không còn bọt nữa, cho ít gia vị và điều chỉnh lửa để nước sôi lăn tăn không bị đục và có vị ngọt của xương. Nước dùng ngon là do các loại gia vị theo bí quyết “gia truyền” của dòng họ Cồ.
Trong lòng bát men sứ trắng tinh những sợi phở trắng mềm như lụa cùng vài miếng thịt bò thái mỏng, nhúng thêm cọng hành lá và ít rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh chan chút nước dùng trong vắt là du khách có thể thưởng thức ngay món phở “gia truyền” mà chỉ ở Thành Nam mới có hương vị ngon ngọt của xương ấy.
Bài mẫu 5
Rất nhiều du khách thắc mắc không biết đến An Giang sẽ ăn món gì, du lịch An Giang nên chọn đặc sản nào hoặc du lịch An Giang mua gì làm quà cho người thân, bạn bè, v... đó là mắm Châu Đốc, đường thốt nốt, bò cạp Bảy Núi, bò bảy món núi Sam… Trong đó phải kể đến có món bún cá Long Xuyên, một món ăn dân dã nhưng khi du khách một lần nếm thử qua sẽ nhớ mãi không quên mùi vị.
Bún cá không phải là món ăn của người Việt Nam mà du nhập từ đất nước láng giềng Campuchia. Trải qua thời gian cũng như sự biến tấu trong thành phần, hương vị, ngày nay bún cá trở thành món ăn thân quen của người miền Tây. Có thể kể ra rất nhiều thương hiệu như bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang, bún cá Long Xuyên, bún cá Châu Đốc... Trong những thương hiệu kể trên thì bún cá Long Xuyên nổi tiếng hơn cả bởi cách nấu và hương vị đặc biệt, hấp dẫn nhiều thực khách.
Bún cá Long Xuyên được xem là một trong những đặc sản An Giang nổi tiếng. Nguyên liệu để làm nên món này rất đơn giản với cá lóc, nước lèo, bún tươi và một số loại rau. Trong đó, thành phần chính không thể không nhắc đến của món bún cá là cá lóc đồng. Đây là loài cá có thân tròn dài, phần đuôi dẹp bên, đỉnh đầu rộng, dẹp bằng, miệng rất lớn, xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây. Trong các khâu làm món bún cá thì chọn cá là bước quan trọng nhất, phải chọn đúng loại cá lóc đồng, thịt cá ngọt và dai chứ không bị bở và tanh như cá lóc nuôi. Sau khi chọn được cá thì làm sạch rồi bỏ vào nồi nước lèo (nước dùng để ăn với bún) luộc chín. Khi luộc nhớ cho thêm một ít sả và củ nghệ đập dập để nước lèo có màu vàng đẹp mắt và không có mùi tanh của cá. Cá luộc chín thì vớt ra, gỡ phần thịt và phần xương tách riêng ra. Lấy phần thịt cá ướp chung với một ít gia vị rồi cho lên chảo xào sơ qua với nghệ để thịt cá vừa săn lại vừa có mùi thơm cùng màu vàng bắt mắt.
Nấu nước lèo để ăn bún cá cũng không kém phần quan trọng vì nước lèo ngọt, ngon mới cho ra món bún cá theo đúng vị. Để nấu nước lèo, người dân Long Xuyên thường sử dụng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước lèo trong và có vị ngọt. Khi thưởng thức bún cá chỉ cần lấy bún tươi được chần qua nước sôi rồi cho vào bát, bên trên là vài lát cá vàng ươm, nước lèo chan ngập bún, cho thêm ít rau thơm. Ngoài ra, để có món bún cá ngon cũng không thể thiếu các loại rau. Thông thường, người ta ăn bún cá chung với rau muống, giá hoặc rau răm. Một số địa phương miền Tây có thể thêm đậu đũa và bông điên điển. Bát bún cá bưng ra nóng hổi, có màu vàng ươm của nước lèo và của cá, màu xanh của rau, điểm tô thêm màu trắng của giá, trông rất đẹp mắt. Bún ăn nóng thơm ngon, húp miếng nước lèo ngọt thanh, gắp miếng cá lóc chấm nước mắm ớt, dư vị nồng trên đầu lưỡi, ngon không gì bằng.
Bún cá Long Xuyên với vị ngọt của nước lèo, vị béo béo của cá, vị the hơi cay của sả cùng một chút đắng của rau khiến cho món ăn này ngon “khó cưỡng”. Không chỉ hấp dẫn với người dân địa phương, bún cá Long Xuyên còn thu hút nhiều du khách từ trong và ngoài nước tìm về thưởng thức. Quý khách có thể tìm đến các quán dọc theo đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang) để thưởng thức món bún cá đặc trưng.
Bài mẫu 6
Hải Phòng - thành phố của những đóa hoa phượng đỏ rực rỡ, của những cảng biển tấp nập thuyền bè qua lại. Người Hải Phòng nổi tiếng hào sảng, với tính cách dễ thương, trìu mến. Về góc độ văn hóa, Hải Phòng là một trong những thành phố với những cảng biển lâu đời, nên nền văn hóa chứa đựng những đặc sắc văn hóa từ nhiều vùng miền khác nhau. Nhắc về nền ẩm thực, Hải Phòng nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon, đầy ấn tượng. Và một trong số đó là món bún tôm, món ăn mà thực khách không chỉ bị hấp dẫn bởi hương vị mà còn bị hấp dẫn bởi những nguyên liệu và cách chế biến độc đáo nữa.
Bún tôm - món đặc sản của người Hải Phòng, cũng như nem cua bể hay bánh đa cua, đã xuất hiện và lưu truyền từ bao đời nay ở đất cảng này. Không ai biết bún tôm là do ai sáng tạo nên, người ta chỉ thấy nó xuất hiện như một điều tự nhiên, một thứ văn hóa ăn sâu vào trong suy nghĩ của mỗi con người nơi đây. Có lẽ xa xưa, khi những người dân Hải Phòng với vùng biển giàu có, đã đặc biệt sáng tạo ra món ăn này để làm mới hương vị bữa ăn hàng ngày. Cứ như thế, bún tôm đã dần trở thành một nét văn hóa phi vật thể, một đặc sản khó quên mà ai đến Hải Phòng cũng mong mỏi được nếm thử.
Món bún tôm nghe có đơn giản về nguyên liệu thế nhưng để làm nên hương vị một tô bún tôm thơm ngon, đúng điệu lại là sự tập hợp của đa dạng những loại nguyên liệu khác nhau, mà quan trọng nhất là hải sản tươi sống.
Khác với các loại bún khác, bún trong món bún tôm được chọn là loại bún sợi to, tròn, như loại bún được sử dụng trong món bún riêu cua mà ta thường hay nấu. Đôi khi, để tạo nên nét mới, đổi vị, người ta sử dụng bánh đa cua hay bánh đa đỏ - thứ bánh đa đặc trưng của người Hải Phòng để chế biến món bún tôm như một cách thay đổi khẩu vị thường ngày. Về hải sản, người ta thường chọn tôm là thứ hải sản chính để chế biến, ngoài ra, họ cũng có thể chế biến thay đổi các loại khác như mực, cua hay bề bề. Với một vùng đất đa dạng về hải sản tươi ngon như Hải Phòng thì một tô bún tôm hay bún hải sản cũng có thể làm ấm lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất.
Về nguyên liệu tôm, loại tôm mà thường được người dân ở đây lựa chọn khi chế biến món bún tôm đó là tôm sú hoặc tôm giảo. Hai loại tôm này không chỉ luôn tươi ngon mà còn cho một lượng thịt lớn, ngon ngọt hơn so với các loại tôm khác.
Về nước dùng, người ta tạo nên nước dùng món bún tôm bằng sườn hoặc xương ống lợn ninh kĩ, thêm nước được chế biến từ tôm, tạo nên một vị béo ngậy thơm ngon, nức lòng du khách.
Người Hải Phòng không như các vùng khác, đối với các món bún hoặc bánh đa, họ thường dùng chung với các loại rau sống như xà lách, rau thơm, húng, ... được thái nhỏ để ăn cùng. Các món rau này không chỉ cho tô bún một vị thanh đạm mà còn khiến món ăn thêm dậy mùi kích thích tất cả các giác quan của người thưởng thức.
Về cách chế biến món bún tôm, người Hải Phòng có hai cách thức để chế biến món đặc sản này, một cách chế biến truyền thống mà người Hải Phòng chính gốc hay sử dụng còn một cách là sự biến tấu cho món bún tôm thêm màu sắc và thơm ngon hơn.
Với cách chế biến thứ nhất, rất phổ biến, người ta chọn mua nguyên liệu chính là những con tôm từ những chợ hải sản lớn nhất của Hải Phòng. Tôm được chọn phải còn sống, tươi ngon, đầy đặn. Sau đó, nó được rửa sạch rồi luộc lên để lấy nước dùng. Xương ống của lợn được chọn từ chợ, ninh thật kĩ trong khoảng thời gian đủ lâu để nước có đủ vị ngọt, béo và thơm. Sau đó, ta trộn hai loại nước này, nêm nếm cho vừa miệng là đã có được nước dùng món bún tôm đặc sản rồi.
Tôm sau khi luộc lên lấy nước thì được vớt ra, để ráo sau đó bóc vỏ cho thật sạch. Có một lưu ý nhỏ khi bóc vỏ tôm đó là phải để tôm thật nguội, khi bóc vỏ mới không làm trầy thịt tôm, không bị nát thịt tôm. Bóc xong vỏ, ta bỏ thịt tôm ra bát rồi phi hành khô thật vàng, cho thịt tôm đã bóc vỏ vào đảo, cho thêm một chút nước mắm để tôm có thêm mùi thơm. Sau khi thấy thịt tôm săn lại, rắn chắc vàng đều thì tắt bếp rồi đổ ra bát.
Bún được mua về, chần qua nước nóng rồi múc ra bát, bày biện tôm lên phía trên, thêm một chút rau răm, thì là, hành lá nữa, múc thêm một bát nước dùng còn đang nóng hổi rưới thật đều lên bát bún. Vậy là ta đã có được một tô bún tôm đặc sản đậm chất của người Hải Phòng rồi. Ăn kèm cùng với một phần rau sống đã được thái nhỏ, thì thật đúng là tuyệt vời, đặc biệt là trong một ngày mùa đông lạnh giá.
Cách chế biến này khá đơn giản, được nhiều người Hải Phòng chọn lựa làm cách chế biến món bún tôm ăn trong gia đình. Còn cách chế biến thứ hai là sự biến tấu của cách chế biến thứ nhất, tuy cầu kì, thế nhưng lại mang tới những hương vị độc đáo, riêng biệt cho món bún tôm của người Hải Phòng.
Vẫn với các nguyên liệu chính như cách chế biến đầu, thế nhưng, ở cách chế biến này, người ta còn lựa thêm cà chua, thêm mộc nhĩ, nấm hương, một chút rau cần và thịt ba chỉ. Nước dùng ở cách chế biến thứ hai này cũng công phu và cầu kì hơn cách chế biến trước.
Cũng vẫn là những con tôm tươi ngon, đã được lựa chọn kĩ càng, người ta đem bóc vỏ, bỏ đầu, rút sợi chỉ đen ở thân tôm, còn phần thịt tôm được để riêng ra bát. Sau đó, phần vỏ tôm và đầu tôm được đem đi rang lên thật giòn, bỏ vào cối, giã tầm năm phút rồi đổ một lượng nước vừa phải lọc từ từ và bỏ phần bã đi. Cách lọc này giống với khi chúng ta làm cua trong món bún riêu.
Về phần rau cần, chúng được nhặt sạch, rửa kĩ rồi cắt khúc tầm hai đốt ngón tay. Một chút thịt ba chỉ được thái mỏng, to bản, ướp cùng một chút mắm muối cho đậm đà, mộc nhĩ, nấm hương được ngâm nở, thái nhỏ. Vậy là đã cơ bản xong phần chuẩn bị nguyên liệu, chúng ta cùng bước vào giai đoạn chế biến.
Cũng giống như cách chế biến trước, phần thịt tôm cũng được xào lên cho săn tôm lại thì đổ ra, giữ trong bát tô. Thịt ba chỉ cũng được đảo qua chảo hai ba phút cho chín rồi bỏ thêm nấm hương, mộc nhĩ vào đảo cùng, sau đó cho phần thịt tôm đã đảo vào xào lên cùng. Cà chua được phi hành thơm, đảo cho nhừ rồi cho vào chung với nồi nước ninh xương cùng nước tôm lọc đã được nấu sôi, nêm nếm cho vừa miệng. Cà chua vừa có vị thanh chua, vừa tạo nên màu sắc thật bắt mắt cho món bún tôm. Vậy là đã có được một nồi nước dùng cho món bún tôm ngon rồi!
Rau cần và bún được chần qua nước sôi, để ráo, sau đó được xếp vào tô theo thứ tự bún, rau cần, tôm và thịt ở phía trên, rắc thêm một chút hành lá, rau răm, thì là đã cắt nhỏ, rồi rưới thêm một tô nước dùng thơm ngon là ta đã có một tô bún tôm cực kì đặc sắc rồi.
Phải nói, bún tôm không chỉ đậm đà vị ngon ngọt đặc trưng của xương ninh, mà còn thơm mùi tôm, của thứ hải sản tươi sống cùng với rau và các gia vị khác nữa. Bất cứ ai khi đến Hải Phòng cũng đều luôn mang trong mình niềm yêu thích với các món ăn đặc sản nơi đây mà đặc biệt là món bún tôm này. Một tô bún tôm như là một bức tranh đồng quê đặc sắc với màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau và màu vàng cam của những chú tôm thơm ngọt. Về Hải Phòng, người ta không chỉ bắt gặp những quán xá lộng lẫy mà còn bắt gặp những quán ăn đậm chất bình dân với chỉ vài chiếc bàn ghế nhựa kê gọn trên hè phố, một tấm biển treo, chỉ cần thế nhưng cái hương vị thì không đâu có thể sánh bằng.
Những người dân Hải Phòng luôn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực của mình. Mỗi thực khách đến với Hải Phòng đều không thể nào quên được những tô bún tôm, bánh đa cua hay bánh mì cay, ... cùng với tấm lòng tràn đầy thân thiện và yêu mến của người dân nơi đây. Mỗi du khách qua thành phố cảng này đều lưu luyến những nét văn hóa, nét ẩm thực nơi đây mà chẳng muốn trở về.
Bài mẫu 7
Từ lâu, vùng đất cố đô Huế đã hình thành một không gian văn hoá ẩm thực độc đáo, tinh tế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Các món ăn kiểu Huế khá cầu kì do chịu ảnh hưởng của văn hoá cung đình và kiểu cách của con người xứ Huế, chú trọng thưởng thức chứ không cốt để ăn cho no, bữa ăn hoặc bữa tiệc, cổ bàn được trình bày mỗi món một chút chút chứ không bày thịnh soạn, la liệt. Bản sắc ẩm thực Huế đã lan toả khắp cả nước với những món ăn đậm đà chất Huế như bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh in, cơm hến, chè đậu ván, chè đậu xanh, chè bột lọc (bày bán bình dân ở hẻm đường), bia Huda… Trong đó, bún bò Huế là món ăn có sức phổ biến rộng rãi nhất, trở thành đặc trưng văn hoá ẩm thực Huế.
Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Bún bò Huế xưa ra đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16). Tương truyền, xưa có cô gái ở làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) xinh đẹp, giỏi giang, thạo nghề đã sáng tạo ra cách chế biến một món ăn mới: Lấy thịt bò nấu thành nước dùng cho món bún. Từ đó, món bún bò ra đời, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được cắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối cắt nhỏ.
Bún bò nấu chuẩn vị và ngon miệng, yếu tố quyết định trước hết nằm ở quá trình nấu nước dùng, cũng như chọn lựa sợi bún sao cho phù hợp, tươi ngon nhất. Với nước dùng, tiêu chuẩn chung là phải ngọt, trong – mang vị thanh dịu của xương thịt hầm đúng độ. Bên cạnh đó, tô bún bưng ra hấp dẫn được thực khách, còn phụ thuộc vào sợi bún. Nguyên liệu bún nấu luôn là loại bún tươi sợi lớn, trắng trơn, dai ngon. Bún Huế ‘cổ điển’ được ưa chuộng chính bởi bí quyết kết hợp nhào bột gạo chung với ít bột lọc; giúp cho từng sợi bún thành hình có tính dai dẻo đặc thù, sắc trắng sáng tự nhiên, không đục màu. Khi ăn, nhâm nhi miếng bún, người thưởng thức dễ thấy ngay cái mềm mại, bùi ngon nhưng không hề gây ngán. Có được nước dùng cùng với sợi bún “chất lượng.” là đã đủ 7 trên 10 thành tố tạo nên sản phẩm bún bò Huế ngon đúng điệu. Gia vị truyền thống, ruốc, sả, dầu điều, tiết canh, ớt, rau thơm, giá trộn ăn kèm tươi sống – thêm vào lượng vừa phải; đóng vai trò quan trọng còn lại, góp phần hoàn thiện và làm tròn đầy giá trị của tô bún dân dã mà quyến rũ về phong vị.
Người Huế có thể ăn bún bò mọi lúc, cho mọi bữa trong ngày. Nhưng cái thú, cũng được xem như một thói quen từ lâu của họ, là dùng bún như món ăn sáng ngon bổ. Sớm tinh mơ ở cố đô, dạo quanh một dãy phố hãy còn phủ sương lạnh, bạn có thể dễ dàng trông thấy vài gánh bún bò đơn sơ, nghi ngút khói. Các o, các mệ bán bún rảo bước nhẹ nhàng với quang gánh mộc mạc trên vai, rồi âm thầm đặt gánh xuống nơi góc đường quen thuộc. Ai thèm ăn cứ việc lấy chiếc ghế nhỏ ngồi quanh gánh bún nóng hổi, chuyện trò rôm rả trong khi đợi đến lượt gọi món. Tất cả làm nên một hình ảnh thân thuộc về Huế, như góp phần phản ánh nếp sống dung dị, đã "bắt nhịp" từ trăm năm trước.
Có thể nói, một món ăn đầy đủ vị cay, thơm, ngọt, béo như bún bò Huế chính là đại diện tiêu biểu cho linh hồn của ẩm thực xứ Huế – một vùng đất đôn hậu, hiền hòa nhưng lại ẩn chứa những giá trị đậm đà bản sắc văn hoá cố đô. Ấn tượng lẫn vẻ đẹp ẩm thực tiêu biểu – hiện diện nơi tô bún bò, là nét kết hợp đầy lý thú của nghệ thuật chế biến truyền thống, cùng hương vị chan chứa đậm đà mà vẫn thanh tao, dung hòa hoàn hảo.
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai