Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022>
Tải vềPhần I. MÔN TIẾNG VIỆT (10 điểm) A. TRẮC NGHIỆM Đọc đoạn trích sau: (1) Ngày tựu trường. (2) Đó là lúc những bông hoa phượng rực lửa mùa hè đã cạn khô dầu để thắp sáng cho cây, cho hè. (…) (3) Những bông hoa bằng lăng tím biếc như nỗi nhớ da diết trường lớp, thầy cô cùng tiếng gọi hè của những “nhạc công” ve như đã hòa tan vào trời đất.
Đề bài
PHÒNG GDĐT VĨNH YÊN ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH VÀO LƠP S6 TRƯỜNG THCS VĨNH YÊN NĂM HỌC 2022 - 2023
|
Phần I. MÔN TIẾNG VIỆT (10 điểm)
A. TRẮC NGHIỆM
Đọc đoạn trích sau:
(1) Ngày tựu trường. (2) Đó là lúc những bông hoa phượng rực lửa mùa hè đã cạn khô dầu để thắp sáng cho cây, cho hè. (…) (3) Những bông hoa bằng lăng tím biếc như nỗi nhớ da diết trường lớp, thầy cô cùng tiếng gọi hè của những “nhạc công” ve như đã hòa tan vào trời đất. (4) Mùa chuyển từ cái nắng oi bức, ngột ngạt sang tiết thu dễ chịu, đó cũng là bác trống già hết hạn nghỉ phép; cô bàn, cậu ghế, chị bảng tiếp tục công việc của mình và toàn thể học sinh náo nức mua sắm sách vở, quần áo, giày dép… để đón năm học mới sau một kì nghỉ hè vui vẻ.
(5) Hè vừa qua – thu chạm tới. (6) Một mùa tựu trường lại đến. (7) Tựu trường ơi! (8) Tự trường…
(Hồ Thị Thanh)
Khoanh tròn vào chỉ một chữ cái A, B, C hoặc D đứng trước phương án trả lời đúng.
Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng biện pháp nghệ thuật nào ?
A. Nhân hóa
B. So sánh
C. So sánh và nhân hóa
D. Không sử dụng biện pháp nghệ thuật nào
Câu 2. Từ nào dưới đây là từ láy?
A. dẻo dai
B. lạ lắm
C. lặn lội
D. ríu rít
Câu 3. Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau bằng những cách nào ?
A. Dùng từ nối, thay thế từ ngữ
B. Thay thế từ ngữ và lặp từ
C. Dùng từ nối và lặp từ
D. Thay thế từ ngữ
Câu 4. Hãy chọn một từ thích hợp nhất trong các từ sau để có thể thay thế cho từ "náo nức" trong câu văn số (4).
A. háo hức
B. phấn khởi
C. nô nức
D. hăm hở
Câu 5. Câu nào dưới đây là câu ghép ?
A. Ngày tựu trường.
B. Hè vừa qua – thu chạm tới.
C. Một mùa tựu trường lại đến.
D. Tựu trường ơi!
Câu 6. Câu văn: "Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bèn loay hoay cố giữ cho thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng." có mấy vế câu ?
A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn
Câu 7. Cho các câu tục ngữ :
- Lá rụng về cội.
- Trâu bảy năm còn nhớ chuồng.
- Cáo chết ba năm quay đầu về núi.
Nhận xét nào dưới đây nếu đúng nội dung của các câu tục ngữ trên :
A. Lá cây thường rụng xuống gốc.
B. Loài vật thường nhớ nơi ở cũ.
C. Làm người phải thủy chung.
D. Gắn bó quê hương là tình cảm tự nhiên.
B. TỰ LUẬN
Câu 1. Cho câu văn sau :
Khi gió lặng, mặt biển phẳng lì, sinh vật dưới đáy biển có thể nhìn thấy mặt trời lóng lánh như bông hoa đỏ thắm đang gắng rọi ánh sáng xuống tận đáy biển.
a) Hãy chỉ ra các danh từ, động từ, tính từ có trong câu văn trên.
b) Tìm trong câu văn trên từ có yếu tố "mặt" được dùng với nghĩa chuyển.
Câu 2. Bong bóng lên cao, thật tuyết diệu khi cảm nhận được cảnh rực rỡ huy hoàng của buổi sáng bình minh nơi quê hương. Mượn lời bong bóng, hãy miêu tả lại vẻ đẹp của cảnh vật trong một đoạn văn khoảng 12 – 15 câu.
---Hết---
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
A. TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng biện pháp nghệ thuật nào ?
A. Nhân hóa
B. So sánh
C. So sánh và nhân hóa
D. Không sử dụng biện pháp nghệ thuật nào
Lời giải
Đoạn văn trên sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và nhân hóa:
- So sánh: “Những bông hoa bằng lăng tím biếc như nỗi nhớ da diết trường lớp”.
- Nhân hóa: “tiếng gọi hè của những “nhạc công” ve như đã hòa tan vào trời đất”, “bác trống già hết hạn nghỉ phép; cô bàn, cậu ghế, chị bảng tiếp tục công việc của mình”.
Đáp án C.
Câu 2. Từ nào dưới đây là từ láy?
A. dẻo dai
B. lạ lắm
C. lặn lội
D. ríu rít
Lời giải
Từ láy là từ “ríu rít”.
Đáp án D.
Câu 3. Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau bằng những cách nào ?
A. Dùng từ nối, thay thế từ ngữ
B. Thay thế từ ngữ và lặp từ
C. Dùng từ nối và lặp từ
D. Thay thế từ ngữ
Lời giải
Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau bằng thay thế từ ngữ và lặp từ.
- Thay thế từ ngữ : “Đó” thay cho “Ngày tựu trường”
- Lặp từ: tựu trường
Đáp án B.
Câu 4. Hãy chọn một từ thích hợp nhất trong các từ sau để có thể thay thế cho từ "náo nức" trong câu văn số (4).
A. háo hức
B. phấn khởi
C. nô nức
D. hăm hở
Lời giải
Từ có thể thay thế cho từ “náo nức” là “háo hức”.
Đáp án A.
Câu 5. Câu nào dưới đây là câu ghép ?
A. Ngày tựu trường.
B. Hè vừa qua – thu chạm tới.
C. Một mùa tựu trường lại đến.
D. Tựu trường ơi!
Lời giải
Hè // vừa qua – thu // chạm tới.
CN1 VN1 CN2 VN2
Đáp án B.
Câu 6. Câu văn: " Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bèn loay hoay cố giữ cho thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng." có mấy vế câu ?
A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn
Lời giải
Chiếc lá // thoáng tròng trành, chú nhái // bèn loay hoay cố giữ cho thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ
CN1 VN1 CN2 VN2 CN3
thắm // lặng lẽ xuôi dòng.
VN3
Đáp án C.
Câu 7. Cho các câu tục ngữ :
- Lá rụng về cội.
- Trâu bảy năm còn nhớ chuồng.
- Cáo chết ba năm quay đầu về núi.
Nhận xét nào dưới đây nếu đúng nội dung của các câu tục ngữ trên :
A. Lá cây thường rụng xuống gốc.
B. Loài vật thường nhớ nơi ở cũ.
C. Làm người phải thủy chung.
D. Gắn bó quê hương là tình cảm tự nhiên.
Lời giải
- Lá rụng về cội: nói về việc con người (chiếc lá) dù có đi đâu, làm gì... thì cuối cùng đều trở về với quê hương, với cội nguồn, với nơi mình đã sinh ra (cội).
- Trâu bảy năm còn nhớ chuồng: chỉ đến gia súc dù đi đâu còn nhớ nơi nó được nuôi nấng, chăm sóc và lớn lên huống hồ gì mà con người khi xa quê lại không nhớ quê hương của mình, nơi mình được sinh ra và lớn lên, nơi có đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ tuyệt đẹp.
- Cáo chết ba năm quay đầu về núi: Con người dù lớn lên sinh sống ở đâu, bao giờ cũng hướng về quê hương, nhớ đến cội nguồn của mình.
Đáp án D.
B. TỰ LUẬN
Câu 1. Cho câu văn sau :
Khi gió lặng, mặt biển phẳng lì, sinh vật dưới đáy biển có thể nhìn thấy mặt trời lóng lánh như bông hoa đỏ thắm đang gắng rọi ánh sáng xuống tận đáy biển.
a) Hãy chỉ ra các danh từ, động từ, tính từ có trong câu văn trên.
- Danh từ: gió, mặt biển, sinh vật, đáy biển, mặt trời, bông hoa, ánh sáng.
- Động từ: lặng, nhìn thấy, gắng, rọi, xuống.
- Tính từ: phẳng lì, lóng lánh, đỏ thắm.
b) Tìm trong câu văn trên từ có yếu tố "mặt" được dùng với nghĩa chuyển.
- Các từ có từ “mặt” được dùng với nghĩa chuyển là: mặt biển, mặt trời.
Câu 2. Bong bóng lên cao, thật tuyết diệu khi cảm nhận được cảnh rực rỡ huy hoàng của buổi sáng bình minh nơi quê hương. Mượn lời bong bóng, hãy miêu tả lại vẻ đẹp của cảnh vật trong một đoạn văn khoảng 12 – 15 câu.
Tôi nhẹ nhàng bay lên cao, ngắm nhìn cảnh vật dưới đất thật đẹp và rực rỡ. Mặt trời bắt đầu ló rạng, những tia nắng vàng óng ánh xuyên qua lớp mây mỏng, như những sợi chỉ vàng tơ rơi xuống đất. Cả cánh đồng rộng lớn, bạt ngàn lúa chín, cũng đang tỏa ra một màu vàng rực rỡ, như biển vàng trải dài bất tận. Lúa và cây cỏ cùng nhảy múa trong làn gió nhẹ, như đang hát lên bài ca chào đón bình minh. Tôi bay qua những ngôi làng nhỏ, những mái nhà đơn sơ, khói bếp bắt đầu bốc lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng chim hót vang lên từ những tán cây, hòa vào trong không khí lành lạnh của buổi sáng sớm. Cả không gian như ngập tràn hương thơm của đất trời, của cánh đồng, của hoa cỏ. Mọi thứ đều tươi mới, tràn đầy sức sống, như là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương. Tôi nhẹ nhàng bay trên bầu trời trong xanh, cảm nhận được vẻ đẹp huy hoàng của cảnh vật dưới chân mình. Từng tia nắng, từng làn gió đều mang đến một cảm giác thanh bình, như muốn vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp của một buổi sáng nơi quê hương yêu dấu.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt thành phố Thủ Đức năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2023
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Thanh Xuân năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt thành phố Thủ Đức năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2023
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Thanh Xuân năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2022