Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 5>
Câu 1. Dòng nào dưới đây KHÔNG có cặp từ trái nghĩa? A. Chân cứng đá mềm B. Đi ngược về xuôi C. Ở hiền gặp lành D. Kính trên nhường dưới
Đề bài
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
Môn: Tiếng Việt
Đề số 5
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng.
Câu 1. Dòng nào dưới đây KHÔNG có cặp từ trái nghĩa?
A. Chân cứng đá mềm
B. Đi ngược về xuôi
C. Ở hiền gặp lành
D. Kính trên nhường dưới
Câu 2. Dấu phẩy trong câu "Tôi vẫn nhớ Đà Nẵng, nhớ con người nơi đây và nhớ nhất là biển Tân Mỹ An tuyệt đẹp." có công dụng gì?
A. Ngăn cách các từ ngữ cùng làm chủ ngữ
B. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ
C. Ngăn cách các vế trong câu ghép
D. Ngăn cách các từ ngữ cùng làm vị ngữ
Câu 3. Câu nào sau đây là câu ghép?
A. Mưa tuôn xối xả, cây cối ngả nghiêng trước cơn bão lớn.
B. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập, ngược xuôi.
C. Mùa hè này, bạn An, bạn Vi đều về quê.
D. Cánh đồng lúa xanh mơn mởn, đang thì con gái.
Câu 4. Trạng ngữ trong câu "Cứ mỗi tối, với lời ru ngọt ngào, bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng." bổ sung thông tin gì?
A. Thời gian và mục đích
B. Nơi chốn và phương tiện
C. Thời gian và phương tiện
D. Phương tiện và mục đích
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Bên ruộng lúa xanh non
Những chị lúa phất phơ bím tóc
Những cậu tre bám vai nhau thì thầm
Đứng học
Đàn cò áo trắng
Khiêng nắng
Qua sông
Cô gió chăn mây trên đồng
Bác mặt trời đạp xe qua đỉnh núi
Có vẻ vui tươi
Nhìn chúng em nhăn nhó cười.
(Em kể chuyện này, Trần Đăng Khoa)
a. Ghi lại hai danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên có trong đoạn thơ.
b. Biện pháp nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong đoạn thơ có tác dụng gì?
c. Viết 3 - 5 câu nêu cảm nhận của em về khung cảnh và tâm hồn của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ trên.
Câu 2 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Đất nước ta xanh tươi bốn mùa, có hoa quả quanh năm. Nếu quả là phần ngon nhất thì hoa là phần đẹp nhất của cây. Chỉ nói riêng màu đỏ cũng có bao nhiêu thứ hoa đẹp.
Đỏ tía là hoa chuối. Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng nhung có quanh năm, ai mà chẳng thích. Hoa mặt trời có nhiều loại, loại cánh đơn màu đỏ cờ, cánh sen, loại cánh kép màu hồng và còn có màu đỏ rực như tiết.
Mùa hè, hoa mào gà đỏ đến chói mắt, hoa lựu cũng như những đốm lửa lập lòe. Mùa thu, hoa lộc vừng như những tràng pháo đỏ nhỏ treo khá kín đáo trên cành lá nhiều tầng, phải nhìn thấy thảm đỏ dưới gốc ta mới biết cành hoa đang nở rộ.
(Theo Hoa đỏ, Băng Sơn)
a. Đoạn trích trên nhắc đến những loài hoa nào?
b. Phân tích thành phần của câu được in đậm, từ đó cho biết đây là câu đơn hay câu ghép.
c. Viết 3 - 5 câu nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của đất nước ta và tình cảm của tác giả qua đoạn trích.
d. Viết một câu văn miêu tả một loài hoa đẹp có sắc đỏ. Trong câu có sử dụng từ ngữ gợi tả.
Câu 3 (3,0 điểm)
Trong một buổi thảo luận, một số học sinh lớp 5A cho rằng: "Ngày nay, trò chơi dân gian không còn cần thiết đối với trẻ em". Em có đồng tình với ý kiến của các bạn đó không? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) nêu lí do vì sao em đồng tình hoặc phản đối quan điểm đó.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. C |
2. D |
3. A |
4. C |
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Dòng nào dưới đây KHÔNG có cặp từ trái nghĩa?
A. Chân cứng đá mềm
B. Đi ngược về xuôi
C. Ở hiền gặp lành
D. Kính trên nhường dưới
Phương pháp giải:
Em đọc các đáp án và tìm các cặp từ trái nghĩa.
Lời giải chi tiết :
Câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" không có cặp từ trái nghĩa. Các phương án A, B, D đều có cặp từ trái nghĩa: cứng - mềm, ngược - xuôi, trên - dưới.
Đáp án C.
Câu 2. Dấu phẩy trong câu "Tôi vẫn nhớ Đà Nẵng, nhớ con người nơi đây và nhớ nhất là biển Tân Mỹ An tuyệt đẹp." có công dụng gì?
A. Ngăn cách các từ ngữ cùng làm chủ ngữ
B. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ
C. Ngăn cách các vế trong câu ghép
D. Ngăn cách các từ ngữ cùng làm vị ngữ
Phương pháp giải:
Em xác định vị trí của dấu phẩy, dấu phẩy ngăn cách các thành phần nào trong câu.
Lời giải chi tiết :
Dấu phẩy dùng để ngăn cách các từ ngữ cùng làm vị ngữ trong câu: "nhớ Đà Nẵng", "nhớ con người nơi đây".
Đáp án D.
Câu 3. Câu nào sau đây là câu ghép?
A. Mưa tuôn xối xả, cây cối ngả nghiêng trước cơn bão lớn.
B. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập, ngược xuôi.
C. Mùa hè này, bạn An, bạn Vi đều về quê.
D. Cánh đồng lúa xanh mơn mởn, đang thì con gái.
Phương pháp giải:
Em xác định thành phần câu và các vế câu để tìm câu ghép.
Lời giải chi tiết :
- Câu A là câu ghép. Cấu tạo ngữ pháp như sau:
Mưa (CN1) // tuôn xối xả (VN1), cây cối (CN2) // ngả nghiêng trước cơn bão lớn (VN2).
- Câu B là câu đơn. Cấu tạo ngữ pháp như sau:
Trên đường (TN), xe cộ (CN) // đi lại tấp nập, ngược xuôi (VN).
- Câu C là câu đơn. Cấu tạo ngữ pháp như sau:
Mùa hè này (TN), bạn An, bạn Vi (CN) // đều về quê (VN).
- Câu D là câu đơn. Cấu tạo ngữ pháp như sau:
Cánh đồng lúa (CN) // xanh mơn mởn, đang thì con gái (VN).
Đáp án A.
Câu 4. Trạng ngữ trong câu "Cứ mỗi tối, với lời ru ngọt ngào, bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng." bổ sung thông tin gì?
A. Thời gian và mục đích
B. Nơi chốn và phương tiện
C. Thời gian và phương tiện
D. Phương tiện và mục đích
Phương pháp giải:
Em xác định thành phần trạng ngữ trong câu và nội dung của trạng ngữ đó.
Lời giải chi tiết :
Câu có 2 trạng ngữ:
+ Chỉ thời gian: "Cứ mỗi tối".
+ Chỉ phương tiện: "với lời ru ngọt ngào".
Đáp án C.
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Bên ruộng lúa xanh non
Những chị lúa phất phơ bím tóc
Những cậu tre bám vai nhau thì thầm
Đứng học
Đàn cò áo trắng
Khiêng nắng
Qua sông
Cô gió chăn mây trên đồng
Bác mặt trời đạp xe qua đỉnh núi
Có vẻ vui tươi
Nhìn chúng em nhăn nhó cười.
(Em kể chuyện này, Trần Đăng Khoa)
a. Ghi lại hai danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên có trong đoạn thơ.
b. Biện pháp nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong đoạn thơ có tác dụng gì?
c. Viết 3 - 5 câu nêu cảm nhận của em về khung cảnh và tâm hồn của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ trên.
Phương pháp giải:
a. Em đọc đoạn thơ và ghi lại hai danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên.
b. Em xác định sự vật được nhân hóa và dựa vào nội dung đoạn thơ để nêu tác dụng của biện pháp đó.
c. Em đọc lại đoạn thơ và nêu cảm nhận khung cảnh trong đoạn thơ trông như thế nào, tâm hồn tác giả có cram xúc gì.
Lời giải chi tiết:
a. Hai danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên có trong đoạn thơ: nắng, gió
b. Biện pháp nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong đoạn thơ có tác dụng:
+ Giúp cho các sự vật, hiện tượng, cây cối, con vật trở nên sinh động, gần gũi, có hồn.
+ Tạo sự hấp dẫn cho lời thơ.
c. Cảm nhận của em về khung cảnh và tâm hồn của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ trên.
+ Khung cảnh trong đoạn thơ: là khung cảnh của làng quê rất đẹp, thơ mộng với sự hiện diện của các sự vật, hiện tượng, cây cối, con vật sinh động, gần gũi, có hồn chẳng khác nào con người qua những hành động đáng yêu, đáng mến.
+ Tâm hồn tác giả: tâm hồn trẻ trung, vui tươi, yêu đời, yêu quê hương tha thiết với trí tương tượng phong phú khi khám phá ra vẻ đẹp của làng quê và nhìn mọi sự vật, hiện tượng, cây cối, con vật bằng con mắt có hồn.
Câu 2 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Đất nước ta xanh tươi bốn mùa, có hoa quả quanh năm. Nếu quả là phần ngon nhất thì hoa là phần đẹp nhất của cây. Chỉ nói riêng màu đỏ cũng có bao nhiêu thứ hoa đẹp.
Đỏ tía là hoa chuối. Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng nhung có quanh năm, ai mà chẳng thích. Hoa mặt trời có nhiều loại, loại cánh đơn màu đỏ cờ, cánh sen, loại cánh kép màu hồng và còn có màu đỏ rực như tiết.
Mùa hè, hoa mào gà đỏ đến chói mắt, hoa lựu cũng như những đốm lửa lập lòe. Mùa thu, hoa lộc vừng như những tràng pháo đỏ nhỏ treo khá kín đáo trên cành lá nhiều tầng, phải nhìn thấy thảm đỏ dưới gốc ta mới biết cành hoa đang nở rộ.
(Theo Hoa đỏ, Băng Sơn)
a. Đoạn trích trên nhắc đến những loài hoa nào?
b. Phân tích thành phần của câu được in đậm, từ đó cho biết đây là câu đơn hay câu ghép.
c. Viết 3 - 5 câu nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của đất nước ta và tình cảm của tác giả qua đoạn trích.
d. Viết một câu văn miêu tả một loài hoa đẹp có sắc đỏ. Trong câu có sử dụng từ ngữ gợi tả.
Phương pháp giải:
a. Em đọc đoạn trích và ghi tên các loài hoa.
b. Em xác định thành phần câu và đếm số lượng vế câu để xác định là câu đơn hay câu ghép.
c. Em đọc lại đoạn trích, nêu cảm nhận vẻ đẹp của đất nước được thể hiện qua những từ ngữ nào, tình cảm của tác giả trước vẻ đẹp đó là gì.
d. Em lựa chọn một loài hoa có sắc đỏ rồi viết một câu văn miêu tả loài hoa đó có sử dụng từ ngữ chỉ đặc điểm.
Lời giải chi tiết:
a. Đoạn trích trên nhắc đến những loài hoa: hoa chuối, hoa vông, hoa gạo, hoa hồng nhung, hoa mặt trời, hoa mào gà, hoa lựu, hoa lộc vừng.
b. Xác định thành phần của câu văn được in đậm:
Nếu quả (CN1) // là phần ngon nhất (VN1) thì hoa (CN2) // là phần đẹp nhất của cây (VN2).
Đây là câu ghép.
c. Đoạn văn đã gợi cho em cảm nhận:
+ Vẻ đẹp của đất nước: xanh tươi bốn mùa, trù phú và thơ mộng
+ Tình cảm của tác giả trước vẻ đẹp đó: trân trọng, tự hào.
d. Học sinh có thể kể tên một loài hoa có màu đỏ như: hoa râm bụt, hoa phượng vĩ, hoa trạng nguyên,... và viết một câu văn miêu tả loài hoa đó, ví dụ: Mỗi khi hè về, trong sân trường em, những chùm hoa phượng vĩ nở đỏ rực như thắp lửa một khoảng trời.
Câu 3 (3,0 điểm)
Trong một buổi thảo luận, một số học sinh lớp 5A cho rằng: "Ngày nay, trò chơi dân gian không còn cần thiết đối với trẻ em". Em có đồng tình với ý kiến của các bạn đó không? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) nêu lí do vì sao em đồng tình hoặc phản đối quan điểm đó.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đề bài và xác định bố cục, nội dung và hình thức.
- Nội dung và cấu trúc:
+ Mở đoạn nêu hiện tượng (sự việc) và ý kiến của em (tán thành hay phản đối).
+ Thân đoạn đưa ra những lí do giải thích ý kiến và sắp xếp theo trình tự hợp lí; mỗi lí do có một số câu giải thích, dẫn chứng đi kèm.
+ Kết đoạn khẳng định lại ý kiến.
- Hình thức, dung lượng, diễn đạt:
+ Đảm bảo hình thức của một đoạn văn.
+ Dung lượng khoảng 10 câu.
+ Không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
- Sáng tạo: Có câu văn hay, thể hiện ý tưởng sáng tạo, cái nhìn riêng của người viết.
Lời giải chi tiết:
Em không đồng tình với ý kiến của một số bạn học sinh lớp 5A cho rằng các trò chơi dân gian không cần thiết đối với trẻ em hiện nay. Các trò chơi dân gian truyền thống đã gắn bó với trẻ em từ lâu như: ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, bịt mắt bắt để, trồng nụ trồng hoa... Những trò chơi này cần được tiếp tục duy trì trong xã hội hiện nay bởi những lợi ích thiết thực. Trước hết, các trò chơi dân gian rèn cho trẻ em sự khéo léo và kiên trì. Mỗi trò chơi đòi hỏi các bạn nhỏ phải nhanh tay nhanh mắt, phản ứng linh hoạt, kịp thời. Bên cạnh đó, hầu hết những trò chơi này đều cần thể lực và sự vận động của cơ thể để tham gia. Chính bởi vậy, các trò chơi dân gian còn giúp trẻ em tăng cường sức khỏe thể chất, bền bỉ, dẻo dai. Hơn nữa, các trò chơi dân gian thường được tổ chức ở ngoài trời giúp trẻ em có cơ hội được hòa mình vào với thế giới tự nhiên. Các em sẽ hạn chế tiếp xúc với những sản phẩm công nghệ hiện đại như máy tính, ti vi, điện thoại thông minh... Khi tham gia vào các trò chơi ấy, các em sẽ không còn lo lắng về những căn bệnh liên quan đến sức khỏe và tinh thần do nghiện điện thoại, điện tử gây ra. Vì thế, có thể khẳng định rằng, các trò chơi dân gian vô cùng thiết thực, hữu ích cho trẻ em trong bất kì thời đại nào.


- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 6
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 4
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 3
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 2
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 1
>> Xem thêm