Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 6>
Câu 1. Thành ngữ nào dưới đây KHÔNG chứa cặp từ đồng nghĩa? A. Chân cứng đá mềm B. Buôn thần bán thánh C. Ngăn sông cấm chợ D. Ăn to nói lớn
Đề bài
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
Môn: Tiếng Việt
Đề số 6
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng.
Câu 1. Thành ngữ nào dưới đây KHÔNG chứa cặp từ đồng nghĩa?
A. Chân cứng đá mềm
B. Buôn thần bán thánh
C. Ngăn sông cấm chợ
D. Ăn to nói lớn
Câu 2. Cho đoạn thơ sau:
Hoa cà tim tím
Hoa mướp vàng vàng
Hoa lựu chói chang
Đỏ như đốm lửa.
Hoa vừng nho nhỏ
Hoa đỗ xinh xinh
Hoa mận trắng tinh
Rung rinh trong gió.
(Hoa kết trái, Thu Hà)
Có bao nhiêu tính từ trong đoạn thơ trên?
A. 5
B. 6
C. 7
D. 8
Câu 3. Câu văn nào sau đây có dấu ngoặc kép dùng để đánh dấu từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt?
A. Bài thơ "Mẹ ốm" của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cho thấy tình cảm sâu sắc và tấm lòng hiếu thảo của bạn nhỏ dành cho người mẹ thân yêu của mình.
B. Hình ảnh cây đa trong hai câu thơ "Cây đa gọi gió đến/ Cây đa vẫy chim về" hiện lên thật sinh động, có hồn.
C. "Con yêu má, Giô-ba. Má là con mèo tuyệt nhất thế giới!' - Lắc-ki nói, di chuyển về góc chót của dãy lan can bao quanh.
D. Hải li và mối được coi là những "kĩ sư" cừ khôi bởi chúng có khả năng thực hiện các công trình tầm cỡ mà chẳng cần dùng đến máy tính.
Câu 4. Câu nào có từ in đậm viết đúng chính tả trong các câu sau?
A. Vào giờ cao điểm, đường xá trở nên đông đúc, nhộn nhịp.
B. Tôi đã chấp nhận lời xin lỗi chân thành của bạn ấy.
C. Ông ấy bước từng bước một chậm dãi.
D. Bạn Linh có ý trí quyết tâm rất lớn trong học tập.
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (2,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Sắp mưa Sắp mưa Những con mối Bay ra Mối trẻ Bay cao Mối già Bay thấp Gà con Rối rít tìm nơi Ẩn nấp |
Ông trời Mặc áo giáp đen Ra trận Muôn nghìn cây mía Múa gươm Kiến Hành quân Đầy đường |
(Mưa, Trần Đăng Khoa)
a. Tìm một cặp từ trái nghĩa trong đoạn thơ trên.
b. Nghĩa của từ "bay" trong đoạn thơ trên có giống với nghĩa của từ "bay" trong câu thơ: "Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái bay" không? Vì sao?
c. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong đoạn thơ sau:
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Câu 2 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
(1) Nhìn từ trên cao, hồ Tây có hình dáng giống chiếc càng cua với góc phía đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên - tuyến đường ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, phần còn lại được bao quanh bởi đất liền. (2) Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen, sắc tím của hoa bằng lăng hay vẻ rực rỡ của những cánh phượng hồng mỗi độ hè về. (3) Không gian xung quanh hồ luôn phảng phất những làn gió mát khiến ai đến đây cũng đều cảm thấy thư thái.
(Hồ Tây, Nét chấm phá đầy thi vị giữa lòng thủ đô, Lam Phương)
a. Thành phần chủ ngữ trong câu (2) là gì? Xét theo mục đích nói, câu (2) thuộc kiểu câu nào?
b. Hãy ghi lại các tính từ trong câu (2).
c. Tác giả đã sử dụng những giác quan nào để miêu tả hồ Tây? Phong cảnh hồ Tây giúp em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của Hà Nội?
Câu 3 (3,0 điểm)
Mỗi mùa hè tới, em lại được đi du lịch cùng gia đình hoặc tham gia những hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức. Hãy viết một đoạn văn (10 - 12 câu) tả một phong cảnh mà em ấn tượng trong những chuyến đi đó.
-------- Hết --------
Lời giải
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
1. A |
2. C |
3. D |
4. B |
PHẦN I: TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Thành ngữ nào dưới đây KHÔNG chứa cặp từ đồng nghĩa?
A. Chân cứng đá mềm
B. Buôn thần bán thánh
C. Ngăn sông cấm chợ
D. Ăn to nói lớn
Phương pháp giải:
Em đọc các đáp án và tìm các cặp từ đồng nghĩa.
Lời giải chi tiết :
Các thành ngữ khác chứa cặp từ đồng nghĩa: buôn - bán; ngăn - cấm; to - lớn.
Còn "Chân cứng đá mềm" chứa cặp từ trái nghĩa "cứng - mềm", không có cặp từ đồng nghĩa.
Đáp án A.
Câu 2. Cho đoạn thơ sau:
Hoa cà tim tím
Hoa mướp vàng vàng
Hoa lựu chói chang
Đỏ như đốm lửa.
Hoa vừng nho nhỏ
Hoa đỗ xinh xinh
Hoa mận trắng tinh
Rung rinh trong gió.
(Hoa kết trái, Thu Hà)
Có bao nhiêu tính từ trong đoạn thơ trên?
A. 5
B. 6
C. 7
D. 8
Phương pháp giải:
Em xác định các tính từ rồi đếm số lượng tính từ có trong đoạn thơ.
Lời giải chi tiết :
Bảy tính từ: tim tím, vàng vàng, chói chang, đỏ, nho nhỏ, xinh xinh, trắng tinh.
Đáp án C.
Câu 3. Câu văn nào sau đây có dấu ngoặc kép dùng để đánh dấu từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt?
A. Bài thơ "Mẹ ốm" của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cho thấy tình cảm sâu sắc và tấm lòng hiếu thảo của bạn nhỏ dành cho người mẹ thân yêu của mình.
B. Hình ảnh cây đa trong hai câu thơ "Cây đa gọi gió đến/ Cây đa vẫy chim về" hiện lên thật sinh động, có hồn.
C. "Con yêu má, Giô-ba. Má là con mèo tuyệt nhất thế giới!' - Lắc-ki nói, di chuyển về góc chót của dãy lan can bao quanh.
D. Hải li và mối được coi là những "kĩ sư" cừ khôi bởi chúng có khả năng thực hiện các công trình tầm cỡ mà chẳng cần dùng đến máy tính.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ các cụm từ được đặt trong dấu ngoặc kép và chọn đáp án theo yêu cầu.
Lời giải chi tiết :
Dấu ngoặc kép trong câu A dùng để đánh dấu tên tác phẩm, trong câu B dùng để đánh dấu trích dẫn trực tiếp hai câu thơ, trong câu C dùng để đánh dấu trích dẫn trực tiếp lời của nhân vật. Còn trong câu D, dấu ngoặc kép dùng để đánh dấu từ "kĩ sư" được dùng với nghĩa đặc biệt.
Đáp án D.
Câu 4. Câu nào có từ in đậm viết đúng chính tả trong các câu sau?
A. Vào giờ cao điểm, đường xá trở nên đông đúc, nhộn nhịp.
B. Tôi đã chấp nhận lời xin lỗi chân thành của bạn ấy.
C. Ông ấy bước từng bước một chậm dãi.
D. Bạn Linh có ý trí quyết tâm rất lớn trong học tập.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ các từ ngữ in đậm tìm từ viết đúng chính tả.
Lời giải chi tiết :
Đáp án B: Từ "chân thành" đúng chính tả.
Các từ sai chính tả trong phương án A, C, D và cách sửa như sau: "đường xá" sửa thành "đường sá"; "chậm dãi" sửa thành "chậm rãi"; "ý trí" sửa thành "ý chí".
Đáp án B.
PHẦN II: TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Câu 1 (2,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
Sắp mưa Sắp mưa Những con mối Bay ra Mối trẻ Bay cao Mối già Bay thấp Gà con Rối rít tìm nơi Ẩn nấp |
Ông trời Mặc áo giáp đen Ra trận Muôn nghìn cây mía Múa gươm Kiến Hành quân Đầy đường |
(Mưa, Trần Đăng Khoa)
a. Tìm một cặp từ trái nghĩa trong đoạn thơ trên.
b. Nghĩa của từ "bay" trong đoạn thơ trên có giống với nghĩa của từ "bay" trong câu thơ: "Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái bay" không? Vì sao?
c. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong đoạn thơ sau:
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Phương pháp giải:
a. Em đoạn thơ và tìm một cặp từ trái nghĩa.
b. Em giải nghĩa của từ “bay” trong câu thơ đã cho rồi so sánh với nghĩa của từ “bay” khi đứng một mình, từ đó xác định mối quan hệ giữa hai từ này.
c. Em xác định sự vật được nhân hóa và dựa vào nội dung đoạn thơ để nêu tác dụng của biện pháp đó.
Lời giải chi tiết:
a. Cặp từ trái nghĩa trong đoạn thơ là: cao >< thấp hoặc trẻ >< già.
b. Từ "bay" trong đoạn thơ trên không giống nghĩa với từ "bay" trong câu thơ: "Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái bay".
- Từ "bay" trong đoạn thơ nghĩa là: di chuyển ở trên không.
- Từ "bay" trong câu thơ: "Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái bay" chỉ một dụng cụ dùng để xây, trát, láng của thợ nề. Hai nghĩa này của hai từ "bay" không có mối quan hệ nào.
c. "Ông trời" được nhân hóa như một vị tướng khoác áo giáp đen ra trận, gợi hình ảnh bầu trời đen sầm, báo hiệu cơn mưa sắp tới, "Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm" gợi hình ảnh những cây mía như những chiến binh đang múa gươm chiền đấu với khí thế mạnh mẽ, gợi tả sức gió lớn, thổi cuồn cuộn tác động vào cây cối.
Tác dụng:
+ Khắc họa khung cảnh bầu trời, thiên nhiên vạn vật trước một trận mưa lớn.
+ Thể hiện sự quan sát kĩ lưỡng, trí tưởng tượng phong phú của tác giả.
+ Giúp hình ảnh thơ thêm sống động, có hồn, giàu sức gợi hình, gần gũi với thế giới của con người.
Câu 2 (2,5 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu dưới:
(1) Nhìn từ trên cao, hồ Tây có hình dáng giống chiếc càng cua với góc phía đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên - tuyến đường ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, phần còn lại được bao quanh bởi đất liền. (2) Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen, sắc tím của hoa bằng lăng hay vẻ rực rỡ của những cánh phượng hồng mỗi độ hè về. (3) Không gian xung quanh hồ luôn phảng phất những làn gió mát khiến ai đến đây cũng đều cảm thấy thư thái.
(Hồ Tây, Nét chấm phá đầy thi vị giữa lòng thủ đô, Lam Phương)
a. Thành phần chủ ngữ trong câu (2) là gì? Xét theo mục đích nói, câu (2) thuộc kiểu câu nào?
b. Hãy ghi lại các tính từ trong câu (2).
c. Tác giả đã sử dụng những giác quan nào để miêu tả hồ Tây? Phong cảnh hồ Tây giúp em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của Hà Nội?
Phương pháp giải:
a. Em phân tích cấu trúc câu (2) rồi xác định chủ ngữ. Em xét theo mục đích nói câu (2) thuộc kiểu câu nào.
b. Em tìm các tính từ trong câu (2) và ghi lại.
c. Em đọc đoạn văn xác định những giác quan tác giả dùng để miêu tả hồ Tây. Em nêu cảm nhận về vẻ đpẹ của Hà Nội như thế nào, tình cảm của em đối với Hà Nội là gì.
Lời giải chi tiết:
a.
- Thành phần chủ ngữ trong câu (2) là "Hồ Tây".
- Xét theo mục đích nói, câu (2) thuộc kiểu câu kể.
b. Các tính từ trong câu (2): đẹp, xanh, mênh mông, thơ mộng, hồng, thơm ngát, tím, rực rỡ, hồng.
c.
- Tác giả đã sử dụng những giác quan để miêu tả hồ Tây là: thị giác, khứu giác, xúc giác.
- Phong cảnh Hồ Tây giúp em cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của Hà Nội. Từ đó, em càng thêm yêu mến, tự hào và trân trọng khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của Hà Nội.
Câu 3 (3,0 điểm)
Mỗi mùa hè tới, em lại được đi du lịch cùng gia đình hoặc tham gia những hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức. Hãy viết một đoạn văn (10 - 12 câu) tả một phong cảnh mà em ấn tượng trong những chuyến đi đó.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đề bài và xác định bố cục, nội dung và hình thức.
- Nội dung và cấu trúc:
+ Mở đoạn giới thiệu được phong cảnh ấn tượng trong chuyến đi du lịch/ trải nghiệm của mình.
+ Thân đoạn tả được phong cảnh theo từng phần, từng vẻ đẹp hoặc theo thời gian hay kết hợp các cách đó.
+ Kết đoạn nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ về phong cảnh.
- Hình thức, dung lượng, diễn đạt:
+ Đảm bảo hình thức của một đoạn văn.
+ Dung lượng khoảng 10 - 12 câu.
+ Không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
- Sáng tạo: Có câu văn hay, biết sử dụng các từ ngữ gợi hình, gợi cảm hay các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá.
Lời giải chi tiết:
Em đã được cùng gia đình tham quan nhiều cảnh đẹp trên dải đất hình chữ S thân yêu, nhưng phong cảnh em ấn tượng nhất chính là động Phong Nha - một Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, thuộc tỉnh Quảng Bình. Ngồi trên con thuyền nhỏ vào động thăm thú, em ngỡ ngàng trước cửa hang cao và rộng trông giống như một cái bát khổng lồ úp nghiêng trên mặt nước. Qua cửa hang vào bên trong, du khách nào cũng phải kinh ngạc và thích thú trước vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo và tráng lệ mà tạo hoá ban tặng. Hình ảnh khiến em choáng ngợp và nhớ nhất chính là hệ thống thạch nhũ đồ sộ. Bàn tay kì diệu của tự nhiên đã tô vẽ nên nhiều kiệt tác với vô số hình ảnh sinh động, kì lạ và hấp dẫn. Có những khối mang hình hài của những con vật như con gà, con cóc. Có những khối chẳng khác nào những đốt trúc dựng đứng trên mặt nước như các cột chống trời. Lại có cả những khối tựa hình mâm xôi, cái khánh và có những khối mang hình các ông Tiên đang đánh cờ. Điểm thú vị nữa là sắc màu của những hình khối này trở nên lóng lánh, kì ảo khi mà ánh sáng lung linh hòa quyện cùng bóng tối. Không những vậy, nơi đây còn hút hồn du khách bởi những bãi cát, bãi đá ngầm tuyệt đẹp và nhiều vẻ đẹp khác nữa. Có thể nói, đến với động Phong Nha, em có cảm giác như lạc vào nơi tiên cảnh. Em tin chắc rằng càng ngày sẽ có càng nhiều du khách trong nước và quốc tế tới khám phá vẻ đẹp kì diệu nơi đây.


- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 5
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 4
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 3
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 2
- Đề thi thử vào lớp 6 môn Tiếng Việt - Đề số 1
>> Xem thêm