Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Nguyễn Tất Thành năm 2019>
Tải vềTìm từ khác loại trong dãy từ sau và giải thích lí do của sự lựa chọn đó. Tìm từ viết đúng quy tắc viết hoa tiếng Việt trong dãy từ sau: A-lếch-xây, Thủ Đô Hà Nội, hồ Gươm, Xa-xa-cô xa-xa-ki
Đề thi
BÀI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC
TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS VÀ THPT NGUYỄN TẤT THÀNH NĂM 2019
Môn: TIẾNG VIỆT
Thời gian làm bài: 45 phút
Bài 1. (1,5 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Dù giáp mặt cùng biển rộng
Cửa sông chẳng dứt cội nguồn
Lá xanh mỗi lần trôi xuống
Bỗng... nhớ một vùng núi non.”
(Trích Cửa sông, Quang Huy,
Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
a. Hai từ in đậm trong đoạn thơ được sử dụng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
b. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
c. Tìm một thành ngữ hoặc tục ngữ cũng có nội dung tương tự như nội dung khổ
thơ trên.
Bài 2. (0,5 điểm) Tìm từ khác loại trong dãy từ sau và giải thích lí do của sự lựa
chọn đó.
truyền đạo, truyền tin, truyền máu, truyền bá
Bài 3. (0,5 điểm) Nêu tác dụng của dấu hai chấm trong các trường hợp sau:
a. Thu vội xuống nhà Hằng mời bạn lên xem để biết rằng: Ban công có chim về đậu tức là vườn rồi.
b. Điếu văn của vua Lê còn có câu: “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống.
Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống”.
Bài 4. (0,5 điểm) Tìm từ viết đúng quy tắc viết hoa tiếng Việt trong dãy từ sau:
A-lếch-xây, Thủ Đô Hà Nội, hồ Gươm, Xa-xa-cô xa-xa-ki
Bài 5. (1,5 điểm) Cho đoạn văn sau:
“Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.”
(Trích Tình quê hương, Nguyễn Khải,
Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
a. Em hiểu từ “đăm đắm” có nghĩa là gì?
b. Chỉ ra những phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn trên và từ ngữ thể hiện những phép liên kết đó.
c. Phân tích cấu tạo câu: “Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo.”
Bài 6. (1,0 điểm)
a. Đặt một câu có từ “với” là động từ.
b. Đặt một câu có từ “với” là quan hệ từ.
Bài 7. (0,5 điểm) Sắp xếp các câu sau thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
(1) Vua muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng.
(2) Có hai chàng trai đến xin cầu hôn công chúa tên là Sơn Tinh và Thủy Tinh.
(3) Hùng Vương thứ 18 có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần tên là Mị Nương.
(4) Sơn Tinh mang đầy đủ lễ vật đến trước và rước được Mị Nương về.
Bài 8. (0,5 điểm) Tìm từ láy thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a. Tiếng suối chảy ………..
b. Tiếng của những người đi chợ sớm …………. gọi nhau.
Bài 9. (0,5 điểm) Điền cặp quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống để hoàn thành các câu sau:
a. …………… cô giáo tận tình chỉ bảo …………. bạn ấy đã tiến bộ rất nhiều.
b. ……….. mưa bão to ....... hàng cây ven đường vẫn kiên cường đứng vững.
Bài 10. (3,0 điểm) Tưởng tượng mình là dòng sông Tô Lịch, hãy viết một đoạn văn khoảng (7 – 9 câu) kể về cuộc đời bất hạnh của mình.
-------- Hết -------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Bài 1. (1,5 điểm)
a. (0,5 điểm)
Từ được in đậm trong đoạn thơ đã cho được sử dụng với nghĩa chuyển.
- Từ “mặt” ở đây dùng để chỉ phần phẳng phía ngoài của một vật.
- Từ “cửa” (sông) dùng để chỉ nơi sông chảy ra biển, chảy vào hồ hay vào một con sông khác.
b. (0,5 điểm)
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ đã cho là nhân hóa.
- Biện pháp tu từ nhân hóa này được thể hiện qua các từ ngữ: “giáp mặt”, “chẳng dứt”, “nhớ”.
c. (0,5 điểm)
Gợi ý: Lá rụng về cội; Uống nước nhớ nguồn...
Bài 2. (0,5 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.
- Từ khác loại trong dãy từ đã cho là “truyền máu”.
- Vì tiếng “truyền” trong “truyền máu” có nghĩa là đưa một thứ gì đó vào trong cơ thể con người còn tiếng “truyền” trong ba từ còn lại đều mang nét nghĩa là lan rộng ra, làm cho nhiều người biết.
Bài 3. (0,5 điểm)
a. (0,25 điểm)
Đánh dấu (báo hiệu) phần nội dung sau có tác dụng bổ sung, giải thích cho bộ phận đứng trước.
b. (0,25 điểm)
Đánh dấu (báo trước) phần nội dung sau là lời dẫn trực tiếp từ điếu văn của vua Lê.
Bài 4. (0,5 điểm)
Từ viết đúng quy tắc viết hoa tiếng Việt trong dãy từ đã cho là từ A-lếch-xây.
Bài 5. (1,5 điểm)
a. (0,25 điểm)
Nghĩa của từ “đăm đắm” là cách nhìn chăm chú, say mê, tha thiết bằng tất cả tình yêu thương của mình.
b. (0,75 điểm)
Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn là phép thế và phép lặp.
- Phép thế: cụm từ “mảnh đất cọc cằn này” thay thế cho cụm từ “làng quê tôi”.
- Phép lặp: từ “tôi” được lặp lại 5 lần.
c. (0,5 điểm)
“Làng quê tôi // đã khuất hẳn (nhưng) tôi // vẫn đăm đắm nhìn theo.”
CN1 VN1 CN2 VN2
Bài 6. (1,0 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.
Gợi ý:
a. Tôi với cành ổi trước nhà.
b. Lan với Mai là đôi bạn thân.
Bài 7. (0,5 điểm)
Thứ tự sắp xếp các câu thành đoạn văn hoàn chỉnh: (3) - (1) - (2) - (4).
Học sinh có thể có cách sắp xếp khác miễn sao phù hợp.
Bài 8. (0,5 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.
Gợi ý:
a. Tiếng suối chảy róc rách.
b. Tiếng của những người đi chợ sớm í ới gọi nhau.
Bài 9. (0,5 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.
a. Vì (hoặc Nhờ) cô giáo tận tình chỉ bảo nên bạn ấy đã tiến bộ rất nhiều.
b. Tuy (hoặc Mặc dù) mưa bão to nhưng hàng cây ven đường vẫn kiên cường đứng vững.
Bài 10. (3,0 điểm)
* Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm):
- Bài làm cần trình bày thành đoạn văn, có đủ ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
- Bài viết ngắn gọn, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
- Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.
* Yêu cầu về nội dung (2,0 điểm):
Gợi ý:
- Trước đây:
+ Dòng sông trong xanh, nước chảy êm đềm, hiền hòa...
+ Số lượng sinh vật dưới sông có nhiều không? Sinh vật bơi lội như thế nào?
+ Cảnh vật xung quanh: hoa lá, cây cỏ,.. thế nào?
+ Hoạt động của con người: có bơi lội, sinh hoạt quanh dòng sông không?
+ Cảm xúc của họ ra sao?
- Hiện tại:
+ Dòng sông giờ ô nhiễm, màu nước, mùi của nước đã thay đổi thế nào?
+ Sinh vật có còn bơi lội nữa không? Cảnh quan xung quanh con sông thế nào? Vì sao người dân lại đổ rác thải xuống dòng sông?
+ Vì sao con người lại gọi dòng sông này là “dòng sông chết”?
+ Cảm xúc của con người thay đổi như thế nào?
- Cảm xúc của nhân vật “tôi” thế nào? Có buồn không? Dòng sông có mong
muốn, ước mơ như thế nào?
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt thành phố Thủ Đức năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2023
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Thanh Xuân năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Vĩnh Yên năm 2022
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt thành phố Thủ Đức năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2023
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Thanh Xuân năm 2024
- Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Nguyễn Tri Phương năm 2022