Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng vô cảm lớp 11>
1. Mở bài - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự vô cảm của con người trong đời sống xã hội hiện nay.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự vô cảm của con người trong đời sống xã hội hiện nay.
2. Thân bài
a. Giải thích
-“Vô cảm”: thái độ lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến mọi người, mọi vật xung quanh. Bên cạnh đó, vô cảm còn là sự không rung cảm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác, của đồng loại. Người sống vô cảm là người ích kỉ, hẹp hòi, lạnh lùng, chúng ta không nên sống theo lối sống này.
b. Phân tích
- Biểu hiện của người sống vô cảm:
+ Lúc nào cũng chỉ biết đến bản thân mình, thờ ơ với mọi người, mọi thứ xung quanh.
+ Người vô cảm là người khó rung động trước hoàn cảnh của người khác, những người này thường không giúp đỡ người khó khăn trước mắt mình, sống với thái độ dửng dưng.
+ Người vô cảm thường xa rời với tập thể, tự mình tách biệt, khi gặp khó khăn sẽ khó có được sự giúp đỡ của người khác.
b.Nguyên nhân:
- Do cách sống vị kỷ của mỗi con người, thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh.
- Do nhịp sống, guồng quay hối hả, đầy tốc độ của xã hội thời hiện đại.
- Tính chất của cuộc sống mang tính chất “đô thị hóa”, văn hóa làng xã ngày một mai một dần, cái khái niệm gọi là “tắt lửa tối đèn” cũng mất dần đi.
- Tác hại của việc sống vô cảm:
+ Tự mình tách biệt với xung quanh, không có sự gắn kết với mọi người, dần dần cảm thấy cô độc.
+ Việc không rung cảm, yêu thương, san sẻ và giúp đỡ người xung quanh không những đáng nhận lại chỉ trích mà sẽ bị cả xã hội lên án về lối sống này.
+ Người vô cảm sẽ nảy sinh những tính xấu khác: hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân, ích kỉ, nhỏ nhen, dần sẽ trở thành người xấu bị mọi người né tránh.
c. Chứng minh
-Người trẻ ngày càng thờ ơ với cuộc sống xung quanh mình, thấy người gặp khó khăn hoạn nạn mà vô cảm, thờ ơ.
d. Phản đề
-Trong xã hội vẫn còn có những người sống có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận: sự vô cảm của con người trong xã hội hiện nay, đồng thời rút ra bài học cho bản thân.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Chính vì thế cuộc sống giữa người với người cũng trở nên xa cách. Con người bó hẹp mình trong một không gian nhỏ bé, không giao tiếp với xã hội từ đó dẫn trở nên vô cảm.
Vô cảm tuy không phải là một căn bệnh nhưng dường như nó đang lây lan trong xã hội ngày nay. Khi mà xã hội đang trên đà phát triển về công nghệ, vật chất thì dường như những giá trị về tình người lại đang bị đi xuống. Vậy vô cảm là gì? Vô cảm là trạng thái con người không có tình cảm. Sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với tất cả mọi việc xung quanh. Nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa có lúc nghĩ đến: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống mạnh mẽ” nhưng cuối cùng anh chọn tình thương bởi lẽ tình thương phân biệt giữa người và ác thú. Hay Giăng Van-giăng trong Những người khốn khổ của văn hào Pháp V. Huy-gô, cả đời chỉ tâm niệm một điều: “Trên đời này chỉ có một điều duy nhất ấy thôi, đó là thương yêu nhau”. Thế nhưng, mỗi phút, mỗi giờ vẫn có biết bao nhiêu con người chấp nhận sống mà không có tình yêu thương, thờ ơ với chính những người xung quanh mình. Thật không khó để thấy những ánh mắt vô cảm trên đường khi nhìn những con người gặp nạn. Họ thờ ơ, lạnh nhạt, xem như không phải việc của mình. Cuộc sống đôi khi đơn giản là học cách yêu thương. Hãy thử một lần trải lòng mình ra dù chỉ là chút ít ỏi. Bởi vì, khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc được san sẻ sẽ nhân đôi. Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương của mình cùng mọi người để đẩy lùi bệnh vô cảm. Và cũng bởi vì “Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến nên hãy cho và nhận những gì bạn có trong ngày hôm nay”.
Vì cuộc sống xung quanh ta còn biết bao những điều tốt đẹp, hãy đẩy lùi thái độ vô cảm, xích lại gần nhau để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển mang đến những mặt tích cực nhưng bên cạnh đó cũng gây ra những mặt xấu. Trong đó vô cảm là một trong những căn bệnh “ung thư tâm hồn” của một bộ phận người trong xã hội.
Vậy vô cảm là gì? Vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không cảm xúc với tất cả sự việc và con người xung quanh. Vô cảm hiện nay không chỉ dừng lại ở thái độ sống mà cao hơn, nó đã trở thành lối sống tiêu cực của một bộ phận người. Biểu hiện rõ nhất của người có lối sống vô cảm đó là hành động ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, thờ ơ trước mọi nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình. Một cô gái bị bạn trai đánh đập giữa đường nhưng hành động của những người xung quanh lại chỉ dừng lại ở việc mở điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi up lên các trang mạng xã hội cùng lời “bàn tán vô ích”.
Đáng trách hơn là những người chủ động chọn cho mình lối sống vô cảm, tự cô lập bản thân, tách biệt mình khỏi xã hội với những suy nghĩ tiêu cực, ích kỉ. Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà họ lại chọn cho mình lối sống vô cảm? Có thể xét đến chính ý thức, lí tưởng sống lệch lạc, tiêu cực cùng những tham vọng ích kỉ của họ, nhưng cũng cần suy nghĩ đến sự tác động của xã hội, của đám đông vào tâm lí của họ, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân khiến cho họ trở nên trơ lì về cảm xúc.
Song, dù có vì bất kì nguyên do gì thì thái độ sống, lối sống vô cảm vẫn là mối lo ngại của xã hội khi nó không chỉ làm tha hóa, mai một về nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến xã hội, đến sự đoàn kết của tập thể.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Xã hội ngày càng phát triển con người ngày càng bị cuốn vào guồng quay của công việc, tiền tài và nhiều người trở nên vô cảm hơn, bệnh vô cảm là gì? vô cảm là sự thờ ơ trước niềm vui, nỗi buồn của người khác. Bệnh vô cảm khiến cho tâm hồn con người khô khan, càng khiến cho khoảng cách giữa người với người ngày càng xa hơn. Trong xã hội ngày nay bệnh vô cảm ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là trong giới trẻ có thể thấy qua việc chứng kiến tai nạn giao thông, có những người không giúp đỡ nạn nhân mà chỉ lo quay video, chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội với mục đích câu like.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm đó là do ý thức của con người, do cuộc sống phát triển và con người coi trọng tiền bạc hơn cả nhân cách, tình cảm… Để ngăn chặn căn bệnh vô cảm cần có biện pháp giáo dục cho mỗi công dân tình yêu thương ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tuyên truyền cho cộng đồng về căn bệnh vô cảm. Nhưng quan trọng hơn hết là bản thân mỗi người phải tự giác ý thức được tác hại của căn bệnh vô cảm, có thể nói vô cảm là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các căn bệnh nguy hiểm mà xã hội cần bài trừ, ngăn chặn.
Ngoài ra, gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn đánh mạnh vào giáo dục tư tưởng tình cảm con người, nâng cao ý thức bản thân. Chỉ có vậy mới xoá bỏ được hiện tượng vô cảm này và mỗi con người chúng ta nên" Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Bài tham khảo Mẫu 1
Xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều vấn nạn xảy ra, xuất hiện những căn bệnh xã hội, một trong số đó là căn bệnh vô cảm. Bệnh vô cảm ngày càng lớn mạnh và trở thành nỗi lo lắng cho xã hội ngày nay.
Bệnh vô cảm là một căn bệnh sinh ra trong nhận thức mỗi con người. Đó là sự thờ ơ với mọi việc, hiện tượng trong đời sống. Những con người có trái tim lạnh lùng với tất cả nỗi đau, sự bất hạnh khó khăn của người khác. Có thể lí giải căn bệnh vô cảm sinh ra do xã hội phát triển ngày càng nhanh, con người lao vào guồng quay kiếm tiền, lo cho cuộc sống gia đình, bản thân mà quên đi các sự vật sự việc đang diễn ra xung quanh. Họ bận lo lắng cho mình mà quên đi việc phải giúp đỡ những con người đang gặp khó khăn cần họ giúp đỡ, hoặc làm ngơ hay im lặng trước cái xấu mà đáng ra mình phải lên tiếng. Nhưng nguyên nhân của sự vô cảm không thể không nhắc đến những con người có sẵn bản tính ích kỉ, không muốn giúp đỡ người khác hay xã hội trở nên tốt hơn.
Bệnh vô cảm có nhiều biểu hiện dễ nhận thấy trong cuộc sống. Bệnh vô cảm im lặng và làm ngơ với những khó khăn của người bên cạnh mình, thậm chí là người thân. Ví dụ như họ dửng dưng với việc phải giúp bố mẹ làm việc nhà, để cho cụ già phải đứng trên xe buýt trong khi mình được ngồi. Họ im lặng đi qua những tai nạn cần giúp đỡ trên đường, vội vàng tránh né vì sợ liên lụy đến bản thân và tốn thời gian của mình. Hay vô cảm do sự ích kỉ của bản thân, sự thù hằn hay lòng ghen ghét. Thậm chí vô cảm là ánh mắt lạnh lùng có phần khinh bỉ với những con người có khiếm khuyết trên cơ thể, mắc những căn bệnh khó chữa hay những hoàn cảnh đáng thương. Những người có trái tim vô cảm thường có hiểu biết hẹp hòi hay thường không có lòng nhân ái, họ ích kỷ cùng trái tim cằn cỗi.
Có thể lấy hàng trăm nghìn ví dụ về bệnh vô cảm trong đời sống mà con người ta phải cảnh tỉnh trên báo chí. Ví dụ như chiều ngày 13/3/2015, tại một khu đất trống ở Thành phố Hồ Chí Minh bỗng xảy ra một vụ nổ lớn khiến anh Nguyễn Hữu Đức bị bỏng nặng. Người dân xung quanh đưa anh tới bệnh viện nhưng không một con taxi nào chịu chở anh. Clip được quay lại và phát trên mạng làm cho mọi người rùng mình về nỗi đau của người khác. Hay gần đây là vụ nữ sinh 12 bị bỏng bị lên án vì sự thờ ơ của các giáo viên hay sự vô cảm của một phần cộng đồng mạng khi mắng nhiếc nữ sinh ấy làm quá mọi việc lên….
Ngày xưa có câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Lá lành đùm lá rách”
Câu đó ám chỉ một dân tộc có truyền thống tương thân tương ái từ xa xưa, nhưng tiếc thay khi xã hội càng phát triển truyền thống tốt đẹp ấy dần bị mai một bởi một bộ phận không ít người càng ngày trở nên vô cảm. Đó là một căn bệnh lây lan và để lại những hậu quả xấu cho đất nước. Con người trở thành kẻ vô trách nhiệm thậm chí vô lương tâm, nặng hơn nữa là có tội. Bác sĩ mà vô cảm sẽ để cho nhiều bệnh nhân nặng bệnh mà càng thêm nặng .Cũng vì vô cảm dân cư mạng không đặt hoàn cảnh bản thân vào người khác mà bình luận những câu phiến diện mà cho người trong cuộc trở nên càng tồi tệ, không thiếu những vụ tự tử vì bị giễu cợt hay bịa chuyện. Căn bệnh vô cảm sẽ như thế nào nếu ai cũng mắc? Tất cả mọi người sẽ quay lưng lại với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác, làm ngơ trước cái xấu. Từ đó cái xấu sẽ thống trị cho sự tốt đẹp lâu nay đang tồn tại của xã hội. Nó đang làm mất đi tình thương giữa con người với con người. Nếu không ngăn lại nó sẽ thành sự hiển nhiên được xã hội chấp nhận và lan rộng mãi như một bệnh dịch nguy hiểm.
Mọi người cần có phương pháp ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này. Cần trích dẫn những hiện tượng vô cảm lên các phương tiện truyền thông như báo chí, các trang mạng xã hội như một lời cảnh tỉnh răn đe với những con người mang trong mình trái tim vô cảm. Giới trẻ cần được dạy biết yêu thương khi được sinh ra, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bố mẹ cũng đừng vô tâm trước con cái để trẻ em không làm theo bởi Khổng Tử đã nói rằng trẻ em sinh ra tờ giấy trắng. Chúng ta nên đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, vừa có ích cho xã hội vừa đánh thức trái tim yêu thương trong mỗi con người.
Trái đất, xã hội sẽ trở nên đẹp biết bao nếu con người cởi mở với nhau hơn, quan tâm yêu thương nhau. Chúng ta luôn cố gắng cho bản thân mình trở nên tốt đẹp, có lẽ gì mà chúng ta không nỗ lực để cho xã hội để càng trở nên tươi đẹp hơn.
Bài tham khảo Mẫu 2
Cuộc sống ngày càng phát triển đi kèm với nó là sự nâng cao không ngừng của chất lượng sống và công nghệ thông tin. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì cũng còn đó những vấn đề vô cùng nhức nhối. Sự phát triển quá đà của công nghệ là nguyên nhân khiến cho con người ngày càng kéo giãn khoảng cách với nhau. Và bệnh vô cảm chính là căn bệnh vô cùng đáng sợ khiến cả xã hội phải trăn trở.
Vậy thì bệnh vô cảm mà mọi người vẫn nói là gì? Vô tức là không, cảm ở đây có nghĩa là cảm xúc. Vô cảm chính là việc con người sống không có cảm xúc không có tình cảm và thờ ơ, bàng quan trước những gì đang xảy ra xung quanh mình. Nó thực sự là một trong những vấn nạn vô cùng đáng sợ. Tuy không phải thuật ngữ y học xong nó đang diễn tiến với tốc độ khá nhanh và nguy hiểm. Thậm chí nó còn có nguy cơ “lây lan” đến một cộng đồng lớn trong xã hội.
Thật vậy cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ngày càng cuốn theo guồng quay của công việc của đồng tiền mà trở nên thờ ơ với gia đình xã hội. Họ tự tạo cho mình một thế giới riêng mà trong thế giới đó không có sự tồn tại của những người bên ngoài. Với họ niềm vui chính là được sống vì mình, sống cho mình. Cuộc sống ngày càng giàu sang hơn, vật chất ngày càng đầy đủ hơn cũng là lúc họ càng đánh mất đi tính “đồng cảm” trong mình. Thế nhưng hãy thử tưởng tượng đến một ngày, bạn có tất cả tiền bạc, danh vọng, địa vị nhưng ngoảnh lại chẳng còn ai bên cạnh? Cuộc sống bạn sẽ trở nên thế nào?
Có một thi nhân nào đó đã từng nói “tình thương sự đồng cảm chính là sợi dây kết nối mọi người” quả thực điều đó không sai. Từ xa xưa nhân dân ta đã có một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp đó là truyền thống tương thân tương ái, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Và tình yêu thương sự đồng cảm đó chính là động lực để làm nên hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể. Dọc chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của đất nước truyền thống đó chưa bao giờ bị mất đi thậm chí nó lại còn nở rộ khi đất nước gặp nguy nan. Thế nhưng dường như tinh thần đó giữa cuộc sống hiện đại này càng bị “mai một” và “phai tàn” . Bằng chứng là những tệ nạn cướp giật, đụng độ giữa đời thường mà chẳng ai thèm can ngăn. Phải chăng họ đang sợ gặp rắc rối, sợ gặp tai họa cho mình? Họ bàng quan trước những đau khổ mà người khác phải gánh chịu và chẳng thèm “ôm rơm nặng bụng”. Thế nhưng họ đâu có biết rằng chính sự ngụy biện một cách vô lí đó đã vô tình khiến cho xã hội mất đi sự nhân văn vốn có và khiến cho con người trở nên ích kỉ với nhau hơn?
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Đã là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?”
Cuộc sống con người không phải chỉ có suy nghĩ cho mình là đủ. Nó chỉ thực sự trở nên trọn vẹn khi con người biết sống vì nhau và sống cho nhau. Nhiệm vụ của chiếc lá không chỉ là xanh, con chim không chỉ là tiếng hót mà nó còn phải góp phần làm đẹp cho đời tô điểm cho cuộc sống những sắc màu vui tươi và ý nghĩa hơn nữa. Cũng như con người chúng ta không thể sống một mình mà còn phải có đồng loại có tập thể. Nếu chúng ta cứ sống thờ ơ vô cảm trước mọi người mọi việc thì sẽ có một ngày chính chúng ta sẽ là nạn nhân của căn bệnh đáng sợ này. Cuộc sống không chỉ có tiền bạc, vật chất là thước đo của thành công mà nó còn được đo bằng nhân cách sống, bằng đạo đức của mỗi người. Chính vì thế ngay từ bây giờ chúng ta hãy tập sống mở lòng với mọi người. Học cách yêu thương và chia sẻ. Bởi lẽ chỉ có tình yêu, sự đồng cảm mới nhân lên mạnh mẽ trở thành chân lí sống của xã hội còn sự vô cảm lạnh nhạt sẽ khiến con người chết dần chết mòn trong cô đơn.
Mỗi học sinh chúng ta còn đang ngồi trên ghế nhà trường hãy thể hiện sự yêu thương đồng cảm của mình bằng việc tích cực giúp đỡ những mảnh đời khốn khổ, biết ủng hộ đồng cảm trước nỗi đau của đồng bào nhân dân cả nước trong những trận lũ quét lịch sử. Một cuốn vở một chiếc bút tuy nhỏ bé về vật chất nhưng lại chứa đựng trong đó một giá trị tinh thần lớn lao thể hiện cả truyền thống tư tưởng tốt đẹp của dân tộc. Tình yêu thương chính là sự cứu cánh cho những mảnh đời bất hạnh, là chiếc phao cứu sinh con người giữa biển cả của đau khổ.
Xã hội ngày càng văn minh cũng là lúc con người ngày càng tất bật với guồng quay của công việc của mối quan hệ. Tuy nhiên không vì thế mà bạn đánh mất đi tình yêu thương, sự đồng cảm với xã hội. Hãy mở rộng tấm lòng mình với mọi người bằng cách trao đi tình thương để góp phần làm cho xã hội ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.
Bài tham khảo Mẫu 3
Trong ca khúc "Để gió cuốn đi", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rằng: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...". Quả thực, trong cuộc sống tấm lòng yêu thương, sẻ chia, biết quan tâm đến những người xung quanh chính là một điều cần thiết để tô điểm thêm cho bức tranh này những mảng sắc màu tươi đẹp. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển lại xuất hiện một bộ phận lớn những người có lối sống vô cảm, thờ ơ với cuộc đời, với mọi người quanh họ. Tình trạng này là một điều đáng buồn của cuộc sống hiện đại.
Vô cảm không phải là một căn bệnh do virut gây ra, thế những "bệnh vô cảm" lại có một tốc độ lây lan đến chóng mặt trong xã hội mà nhiều người hiện nay đang mắc phải. Vô cảm là sự thờ ơ, không có xúc cảm trước những gì diễn ra xung quanh mình, kể cả trước những đau khổ, bất hạnh của những người xung quanh. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực vô cùng đáng lên án bởi nó đang đi ngược lại với những truyền thống, đạo lý tốt đẹp về tình yêu thương, sự sẻ chia của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Vô cảm vốn chỉ là một trạng thái tâm lý, thế nhưng giờ đây nó lại trở thành một căn bệnh - một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đang len lỏi, xâm nhập vào xã hội hiện đại.
Xã hội ngày càng phát triển mang tới cho con người những sự đầy đủ về vật chất, tinh thần thế nhưng cũng gieo mầm và nảy sinh ra những sự ích kỷ, chỉ biết quan tâm tới việc thỏa mãn bản thân mình. Con người giờ đây chỉ tập trung vào cái tôi mà quên đi mất những lợi ích chung của tất cả mọi người. Phải chăng điều này xảy ra bởi những cám dỗ của cuộc sống, bởi những thứ tiền bạc, danh vọng, quyền lực... khiến cho con người ta bị cuốn theo những giá trị vật chất mà quên đi mất cuộc sống tinh thần. Thế nhưng, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho những thứ vật chất ấy bởi với một bộ phận lớn, bệnh vô cảm này bắt nguồn bởi sự ích kỷ cũng như những nhận thức hạn hẹp của chính con người đó.
Bệnh vô cảm giờ đây được biểu hiện dưới rất nhiều mặt của cuộc sống, với những cách khác nhau. Có thể chỉ đơn giản là sự không quan tâm trước những niềm vui hay nỗi buồn của những người xung quanh. Đáng sợ hơn là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn trước những mất mát, đau thương to lớn như các em bé mồ côi, những người đồng bào không may qua đời trong đại dịch... Có lẽ trái tim của những người bị "bệnh vô cảm" đã hóa thành sắt đá nên họ chẳng thể nào đồng cảm được trước những sự đau đớn về tinh thần ấy của những người xung quanh mình. Không chỉ vậy, bệnh vô cảm còn thể hiện rõ ràng ở thái độ không mảy may quan tâm, thậm chí là tránh né với những người gặp nạn mà mình nhìn thấy. Có thể là một vụ tai nạn giao thông, cũng có thể là một người nào đó bị cướp giật trên đường, bị ngất xỉu khi đi dưới cái nắng... thế nhưng họ lựa chọn bỏ đi, hoặc đứng lại để xem chứ chẳng đưa tay giúp đỡ bởi sợ mất thời gian, sợ liên luỵ đến bản thân mình.
"Bệnh vô cảm" ấy không chỉ diễn ra ở ngoài đường, ở nơi công cộng mà nó đang dần len lỏi tới môi trường học đường - nơi mà nhẽ ra sẽ luôn tràn ngập những sự yêu thương và sẻ chia. Sự vô cảm ở trường học thể hiện ngay ở việc thiếu sự quan tâm đối với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn hay sự cư xử lạnh nhạt, không hòa đồng với bạn bè, thầy cô giáo. Những hành động ấy khiến cho các mối quan hệ bạn bè, thầy trò ngày càng mất đi sự gắn kết và ngày càng trở nên xa cách với nhau hơn. Sự vô cảm diễn ra trong một thời gian dài sẽ biến con người ta thành những người có thái độ vô trách nhiệm, gây ra những thiệt hại đối với xã hội.
Để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn đôi khi rất đơn giản, đó là biết học cách yêu thương. Mỗi chúng ta hãy thử một lần mở lòng mình ra để đối xử với những người xung quanh một cách tử tế, một cách yêu thương bởi khổ đau khi san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc khi san sẻ sẽ được nhân đôi. Mỗi ngày, chúng ta hãy quan tâm một chút tới những người xung quanh, để cho xã hội ngày càng tốt đẹp, cách đối xử giữa người với người ngày càng trở nên nhân ái và văn minh hơn.
Nói tóm lại, bệnh vô cảm là một con sâu đang dần đục khoét đi những sự tốt đẹp của xã hội ngày nay. Chính vì vậy mà chúng ta cần tạo nên một môi trường sống chan chứa tình yêu, sự quan tâm, sẻ chia với nhau. Một xã hội tốt đẹp là một xã hội mà luôn có những yêu thương, san sẻ và khi đó căn bệnh vô cảm chắc chắn sẽ được đẩy lùi.
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về tác hại của mạng xã hội lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Sự ảnh hưởng của bùng nổ dân số lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi lớp 11
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Sự ảnh hưởng của bùng nổ dân số lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về tác hại của mạng xã hội lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng vô cảm lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Sự ảnh hưởng của bùng nổ dân số lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về tác hại của mạng xã hội lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng vô cảm lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông lớp 11