Văn bản Về luân lý xã hội ở nước ta


1. Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luận lí thì người mình còn dốt nát hơn nhiều. Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lí được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì.


Về luân lý xã hội ở nước ta

Phan Châu Trinh

1. Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luận lí thì người mình còn dốt nát hơn nhiều. Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lí được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì.

Tuy trong sách Nho có câu : “Sửa nhà trị nước rồi mới yên thiên hạ”. Hai chữ thiên hạ đó tức là xã hội. Ngày nay những kẻ học ra làm quan cũng võ vẽ nhắc đến hai chữ đó nhưng chỉ làm trò cười cho kẻ thức giả đấy thôi. Cái chủ ý bình thiên hạ mất đi đã từ lâu rồi.

2. Cái xã hội chủ nghĩa bên Âu châu rất thịnh hành như thế, đã phóng đại ra như thế, thế mà người bên ta thì điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì. Thương hại thay! Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận dụng kì cho đến được công bình mới nghe.

Vì sao mà người ta làm được như thế ? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy. Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực ấy để đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học biết xét kĩ thấy xa như thế, còn người nước mình thì sao? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình.

Đã biết sống thì phải bênh vực nhau, ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến. Cho nên mới có câu: “Không ai bẻ đũa cả nắm” và “Nhiều tay làm nên bộp”. Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão, giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi, lơ láo, sợ sệt, ù lì như ngày nay.

Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc7 ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị của mình được vũng mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân.

Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong! Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi! Dân lợi mà chi! Dân

hại mà cho! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà thôi, “một người làm quan một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm của cũng không ai chê bai.

Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mỗi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được. Quan lại đời xưa đời nay của ta là thế đấy! Luân lí của bọn thượng lưu – tôi không gọi bọn ấy là thượng lưu, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho anh em dễ hiểu mà thôi - ở nước ta là thế đấy!

Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học đã đỗ được cái bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức kí lục thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan nữa. Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy. Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược nào chạy xuôi, dầu cố ruộng dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cần được lấy một chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một trăm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lí cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư kí ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được! Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng vì thế.

3. Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chỉ hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này.

(Theo NGUYỄN VĂN DƯƠNG (biên soạn), Tuyển tập Phan Châu Trinh, NXB Đà Nẵng — Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1995)


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí