Văn bản Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức>
Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pe-ri-ê (Pérrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu.
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức
- Soạn bài Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức – siêu ngắn
- Soạn bài Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức – chi tiết
- Tác giả tác phẩm văn bản Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức
Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức
Nguyễn An Ninh
Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pe-ri-ê (Pérrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hoá hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hoá châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương.
Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Vì chỉ có những người đã hiểu biết vững một nền văn hoá rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hoá ngoại bang. Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo cái mà những người ở Đông Dương gọi là văn minh Pháp, chứng tỏ rằng những người An Nam bị Tây hoá chẳng có được một thứ văn minh nào. Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng.
Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. [...] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình... [...]
Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?
Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự? Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người? Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này: “Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. [...]
Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không được giữ riêng cho mình. Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình.
(Theo Văn học Việt Nam thế kỉ XX – Văn nghị luận đầu thế kỉ, Quyển năm, tập 1, NXB Văn học, Hà Nội, 2003)