Văn mẫu lớp 6 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục..

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát: Tiếng ru lớp 6


1. Dàn ý chi tiết a, Mở bài: - Giới thiệu bài thơ: Tiếng ru của Tố Hữu

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

a, Mở bài:

- Giới thiệu bài thơ: Tiếng ru của Tố Hữu

b, Thân bài:

*Giới thiệu lời ru của mẹ:

- Lời ru của mẹ như liều thuốc bổ giúp mỗi đứa trẻ chìm vào giấc ngủ nồng say một cách dễ dàng.

- Lời ru còn là khoảng trời cổ tích cùng những câu hát truyền thống của nhân dân Việt nam ta từ bao đời nay.

- Không những thế, đó còn là yếu tố quan trọng hình thành nên một tâm hồn và nuôi dưỡng tình cảm của ta hơn từng ngày.

- Mỗi lời ru chứa đựng thứ tình cảm mẫu tử thiêng liêng lắng đọng trên từng chữ.

- Từng câu hát ngọt ngào như năm ấy vẫn thấm đượm lên tâm hồn mỗi con người đến lớn vẫn không thể nào quên cho được.

*Cảm nghĩ của bản thân:

- Trong kho báu ấy chính là tình yêu cùng tất cả sự tin tưởng mà mẹ đặt lên tôi và sự giáo dục tốt đẹp mong sao cho tôi trở thành một nguời tốt như mẹ tôi đã gửi gắm.

- Đó còn là lời khuyên nhủ, nhắn nhủ, răn dạy một cách hết sức tế nhị đến từ mẹ mà tôi vẫn mãi ghi nhớ để không làm mẹ tôi thất vọng.

c, Kết bài:

- Nêu lại cảm nghĩ của bản thân lần nữa

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Khi đọc những bài thơ lục bát của Tố Hữu, bao giờ ta cũng tìm thấy âm điệu ngọt ngào của dân ca chở theo những đạo lí sâu sa của truyền thống dân tộc. Cái hay, cái đẹp đó được thể hiện rất rõ qua bài thơ “Tiếng ru”.

Mở đầu bài thơ là những hình ảnh thiên nhiên gần gũi:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Ở đây, tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê “Con ong”, “Con cá”, “con chim” cùng cách ngắt nhịp 4/2 và 4/4. Khổ thơ đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa những sinh thể trong tự nhiên với môi trường sống. Hoa dành mật ngọt để ong chắt chiu tháng ngày, sóng nước bao la là nơi vẫy vùng của cá, trời xanh cao rộng để chim cất tiếng hót líu lo. Tố Hữu đã dùng con mắt quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú để tạo ra những câu thơ giàu hình ảnh, biểu tượng cho triết lí sống của con người. Cũng giống như vạn vật trong tự nhiên, con người cá nhân cũng là một phần của tập thể. Chính vì thế mà ta “Phải yêu đồng chí, yêu người anh em”. Tình đoàn kết, sự gắn bó giữa người với người là yếu tố tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống. Cách gọi “con ơi” tạo nên âm điệu dìu dặt, thiết tha như một lời tâm tình. Điệp từ “yêu” được lặp lại bốn lần trong khổ thơ như một điệp khúc trữ tình trong bài hát ca ngợi cuộc sống, con người.

Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, ở khổ thơ thứ hai, tác giả vẫn sử dụng những hình ảnh thiên nhiên bình dị mà giàu sức gợi để thể hiện tâm tư, tình cảm:

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người - đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Một ngôi sao không thể tạo nên ánh sáng của trời đêm. Một cây lúa chín không thể trở thành mùa vàng bội thu và con người, nếu chỉ tồn tại một mình thì cũng chỉ leo lét như “đốm lửa tàn” giữa thế gian rộng lớn. Điệp từ “Một” được nhắc lại bốn lần trong khổ thơ, nhấn mạnh sự cô đơn của cá nhân khi đối diện với sự miên viễn của đất trời. Câu hỏi tu từ “Một người – đâu phải nhân gian?” như một lời tự vấn mà tác giả đặt ra cho mỗi chúng ta, khiến người đọc phải trăn trở về sứ mệnh của mình giữa cõi đời này. Thơ Tố Hữu xưa nay vẫn vậy, mang nặng âm hưởng của ca dao, gợi nhắc con người về tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam như câu ca xưa:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác, ta mới có thể thấy được hết ý nghĩa của nó. Dù trong thời chiến hay khi đất nước đã hòa bình, đoàn kết dân tộc luôn là một vấn đề lớn lao. Tinh thần thời đại sục sôi trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, gắn vận mệnh của đất nước với bản thân mình nhưng không sử dụng ngôn ngữ bác học hay lối nói ước lệ như những nhà nho thời xưa. Đấng quân tử thời phong kiến coi việc “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là món nợ công danh, thể hiện danh dự của nam nhi nên thường dùng những hình ảnh có tính chất kì vĩ như núi, đá, sóng, gió để thể hiện tư tưởng. Vẫn là những hình ảnh ấy nhưng khi Tố Hữu thì mang màu sắc khác. Thơ ông nhuần nhị, tự nhiên, tinh tế mà không kém phần sâu sắc:

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Khổ thơ thứ ba đề cập đến đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”. Các cặp từ đối lập “cao” – “thấp”, “sâu” – “nhỏ” cho thấy sự ý thức rõ ràng về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Những thành công trong cuộc đời con người, đỉnh cao mà chúng ta đạt đến hay sự vững mạnh của một tập thể, tất cả đều được kiến tạo nên từ những điều rất nhỏ. Con người không bao giờ được phép quên đi quê hương, quên đi nguồn cội bởi mỗi chúng ta đều được mảnh đất nhọc nhằn, nghèo khó nhưng giàu ân tình này nuôi lớn.

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày.

Mai sau con lớn hơn thày

Các con ôm cả hai tay đất tròn.

Khổ thơ cuối cùng xuất hiện hình ảnh mẹ và con gợi lên tình mẫu tử thiêng liêng. Nhà thơ sử dụng phép so sánh “Tre già yêu lấy măng non” với sự chắt chiu, quan tâm của mẹ dành cho con. Khổ thơ mở ra một ý nghĩa phổ quát rằng tình yêu thương của gia đình, quê hương là đôi cánh nâng đỡ mỗi con người phát triển. Hai tiếng “Mai sau” thể hiện niềm tin của tác giả vào tương lai tươi sáng, hi vọng về sự phát triển của con người.

Như vậy, bằng thể thơ lục bát truyền thống, hệ thống hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng, ngôn ngữ trong sáng giản dị mà vẫn giàu sức gợi, Tố Hữu đã thể hiện quan niệm sống thật đẹp về sự cống hiến và tình đoàn kết. Thơ ông nói về những vấn đề vừa gần gũi mà cũng rất lớn lao, có vai trò chính trị quan trọng nhưng không rơi vào con đường khuôn sáo, cứng nhắc. Điệu hồn trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng mượt mà, êm ái, dễ đi vào hồn người. Đọc những vần thơ này, ta mới thấm thía về lời nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên dành cho “Lá cờ đầu của thơ ca cách mạng”: “Thơ Tố Hữu là thơ một con người biết trân trọng lấy đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích. Vậy thì ai kia còn phung phí đời mình, làm gì cũng được, sống sao cũng xong, trong khi đọc thơ này hãy bắt đầu thử dừng lại mà biết quý lấy đời mình, mà đem xây dựng nó”.

Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, không quanh co, qua những chặng, những trung gian, những cột cây số”. Thơ Tố Hữu quả thực rất đúng với lời nhận định ấy. Chỉ một “Tiếng ru”, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc bài ca nghĩa tình về đất nước, con người Việt Nam, nối liền quá khứ huy hoàng của dân tộc với hiện tại kiên cường và tương lai tươi sáng. Tố Hữu xứng đáng là “Lá cờ đầu của thơ ca cách mạng”!

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Bài thơ được sáng tác bằng thể lục bát, thể hiện tính nhân văn, triết lý sâu sắc của tác giả qua những câu từ nhẹ nhàng, như lời người mẹ nhắn nhủ con thơ. “Tiếng ru”, nằm trong tập Gió lộng, là một trong những bài thơ tiêu biểu của người con xứ Huế – Tố Hữu. Đọc bài thơ, ta thấy không quá khó để thuộc nằm lòng bởi được viết bằng thể thơ lục bát, gieo vần điệu dễ nhớ, cộng với ngôn từ giản dị vốn là cái chất rất đặc trưng của Tố Hữu. Không chỉ thế, cách tác giả so sánh đối lập và ví von cũng tạo nên cái riêng của những vần thơ và làm cho chúng trở nên đắt giá: “núi” và “đất”, “cao” và “thấp”, “già” và “non”, “biển” và “sông”… Sự so sánh đó khiến những điều nhỏ nhoi trở nên vĩ đại và đồng thời, khiến những thứ tưởng như vĩ đại sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu những điều nhỏ nhoi. Một lần nữa, ta lại thấy sự khẳng định triết lý một người vì mọi người, mọi người vì một người mà tác giả đưa ra ở khổ đầu tiên được thể hiện trong hai khổ liền sau đó. Từ cách dùng câu khẳng định, phủ định ở bốn câu trong khổ thứ hai lẫn những câu hỏi tu từ trong khổ thứ ba đều làm toát lên ý tứ mà tác giả đã viết trong khổ đầu tiên: mỗi thực thể sống đều phải gắn với đồng loại, với môi trường mà nó đang sống, đang tồn tại mà nếu tách ra, thì sẽ không có sự tồn tại đó. Không dài và ấn tượng như Việt Bắc, nhưng Tiếng ru đơn giản hơn là một lời nhắn ngắn gọn nhưng da diết để nhắc nhở em thơ hãy biết yêu thương anh em, bầu bạn và rộng hơn là Trái đất nơi mình đang sống. Tâm hồn thơ trẻ, suy cho cùng, rất thích hợp để tiếp thu những điều không phức tạp và đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong xã hội, thanh niên là tầng lớp có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Bài thơ Tiếng ru của nhà thơ Tố Hữu mặc dù ra đời trong những năm chiến tranh nhưng vẫn còn nguyên giá trị gợi nhắc về lẽ sống ấy của mỗi một chúng ta ngày nay. Nội dung của đoạn thơ: tả thực một loạt sự vật: con ong, con cá, con chim trong mối quan hệ, gắn kết với môi trường sống. Triết lý: một thân lúa chín – chẳng thể làm nên mùa vàng, một người – không thể tạo thành nhân gian. Từ đó, tác giả liên hệ và đúc kết bài học sống cho con người: sống để yêu thương tất thảy, tự nguyện sống hòa nhập, gắn bó cá nhân với cộng đồng. Một giọt nước không thể làm nên biển cả vì nó quá nhỏ bé, nhưng tỉ tỉ giọt nước từ trăm sông ngàn suối tuôn chảy về cùng một hướng sẽ tạo nên biển cả mênh mông. Con người cũng vậy. Không ai có thể sống một mình vì phải cần đến rất nhiều quan hệ với thế giới xung quanh. Miếng cơm ta ăn do người nông dân dầm sương dãi nắng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra. Tấm áo ta mặc, một cuốn sách, cây bút, đôi dép ta mang và bao vật dụng khác là do công sức của hàng triệu công nhân miệt mài ngày đêm trong các nhà máy xí nghiệp sản xuất để phục vụ đời sống của con người. Trong nhà trường, thầy cô giáo không quản ngại những khó nhọc gian lao để truyền dạy kiến thức và giáo dục đạo lý cho học sinh. Từ đoạn thơ, mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của mình trong xã hội: Lẽ sống đẹp của con người trong xã hội: sống để yêu thương, dâng hiến, cá nhân tự nguyện gắn bó với cộng đồng mới hình thành môi trường sống rộng lớn, giàu tính nhân văn, sống cho những điều lớn lao của xã hội và đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội, thời sự và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, liên quan tới nhận thức, lối sống và hành động của con người. Đặc biệt là thời kinh tê thị trường, khi mà những giá trị tình cảm của con người với con người trong xã hội đang có những thay đổi. Lý tưởng sống chính là lẽ sống của cuộc đời, lý tưởng phải cao đẹp thì tâm hồn mới thanh cao. Lý tưởng cao cả đẹp đẽ chính là điều kiện để con người sống có ý nghĩa. Trong cuộc đời của mỗi con người thì lý tưởng sống rõ nhất ở tuổi thanh niên. Tuy nhiên, bên cạnh lẽ sống đẹp đó vẫn còn có nhiều người sống ích kỉ, hẹp hòi, không biết quan tâm đến người khác, sống vô trách nhiệm với bản thân, không có mục đích. Những kẻ đó đáng bị lên án và phải bị gạt ra khỏi lề của xã hội. Bài thơ là lời giáo dục, là triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc và thấm thía về lẽ sống đẹp cho mỗi con người trong cuộc đời mà nhà thơ Tố Hữu muốn gửi đến chúng ta. Sống có lý tường, có mục đích và được cống hiến sẽ mang lại ý nghĩa cao đẹp cho cuộc đời.

Bài tham khảo Mẫu 2

Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ ống toả sáng đến mọi tâm hồn vì dạt dào lòng nhân ái, vì chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người mà tiêu biểu là bài Tiếng ru:

Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí yêu người anh em…

Chúng ta nên hiểu đoạn thơ trên như thế nào? Các loài sinh vật muốn tồn tại và phát triển phải gắn bó với môi trường mình sống. Cũng như:

Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời

Mỗi mùa hoa nở rộ, chắc hẳn các bạn đều thấy loài ong bay lượn khắp nơi bởi lẽ hoa chính là nguồn sống của ong. Con ong làm mật để sống. Còn gì thích thú hơn khi ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, thân hình lấp lánh dưới làn nước trong veo. Bầu trời xanh mênh mông và không khí thoáng đãng là môi trường sống của chim. Thật thanh bình khi trên nền trời chấp chới những đàn chim đang sải cánh và mỗi buổi hoàng hôn, ánh nắng hắt lên viền quanh cánh chim chiều thật rực rỡ. Cánh chim chắc phải yêu biết mấy bầu trời tự do, yêu biết mấy nơi sống của nó. Phải chăng vì vậy mà đã có một lần, Tố Hữu khóc thương con chim bị chết trong lồng vì bị mất tự do.

Rõ ràng hai câu thơ mở đầu đã nêu lên mối quan hệ tự nhiên giữa sinh vật và môi trường sống. Các loài vật tách rời khỏi môi trường sống thì sẽ chết, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Đúng vậy, con cá không thể sống trên cạn, con ong không thể sống thiếu hoa, con chim không thể cất cánh trong lồng chật hẹp. Chỉ qua hai câu thơ, Tố Hữu đã để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ về tình cảm yêu thương, gắn bó với môi trường sống của mỗi loài.

Nếu hai câu đầu nói về quy luật của tự nhiên, hai câu thơ sau nhà thơ khéo léo chuyển sang nói về cuộc sống con người:

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí yêu người anh em

Bằng lời thơ ngọt ngào, tình cảm, tác giả đã khẳng định rằng con người không thể sống cô độc mà phải có tình yêu thương, yêu thương đồng chí và anh em của mình. Vậy trước hết, chúng ta phải hiểu đúng đắn thế nào là tình đồng chí, tình anh em. Nói đến tình đồng chí là nói đến tình cảm của những người bạn bè, những người cùng chí hướng và lí tưởng với mình. Tình đồng chí thể hiện mối quan hệ xã hội gắn bó mà chúng ta cảm thấy vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Nói đến đồng chí là nói đến những người luôn giúp đỡ nhau, yêu thương che chở cho nhau như những người ruột thịt. Cũng như thế, nói đến tình anh em, nhân dân ta ngày xưa đã có câu:

Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

Tình cảm ấy từ xưa đã sâu nặng đối với mỗi người chúng ta. Đó chính là tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình, tình cảm anh em trong họ hàng, làng xóm.

Tại sao con người muốn sống thì "phải yêu đồng chí, yêu người anh em"? Câu hỏi ấy được trả lời qua nhiều thế hệ từ xưa đến nay.

Tình đồng chí, tình anh em rất cần thiết đối với con người như con ong cần hoa, con cá cần nước, con chim cần bầu trời, chúng ta phải hiểu con người muốn sống thì phải yêu đồng chí, yêu người anh em. Thật bất hạnh khi con người không có tình yêu thương. Chính tình yêu thương đã quyết định sự tồn tại của con người. Dường như tình cảm ấy đã thấm sâu trong máu thịt của mỗi người. Con người không có tình yêu thương sẽ cô độc biết bao, lẻ loi biết bao. Người đó sẽ phải một mình chống lại tất cả khó khăn rồi cuối cùng sẽ gục ngã vì không có tình yêu thương hay nói đúng hơn là không được yêu thương. Như những năm đất nước ta còn bị chiến tranh, các chiến sĩ cách mạng sống cô đơn trong tù. Họ đã phải thốt lên: "Cô đơn thay là cảnh thân tù”, nhưng khi nghĩ đến đồng bào, đồng chí anh em, đến Tổ quốc thì dường như họ được tiếp thêm sức mạnh, giúp họ đứng vững trước khó khăn.

Quả thật, tình yêu thương đã khiến con người đẹp hơn, vĩ đại và đáng kính trọng hơn. Rõ ràng để có được cuộc sống cao đẹp ấy, chúng ta phải biết yêu thương nhau, đùm bọc, che chở nhau, đoàn kết với nhau. Hãy giữ lấy tình cảm yêu thương giữa con người với con người bởi lẽ đó là nguồn gốc của mọi hạnh phúc cũng như con ong cần hoa, con cá cần nước, con chim cần bầu trời.

Bản thân mỗi chúng ta cũng được hưởng tình yêu của người thân trong gia đình, của thầy cô, bè bạn. Đáp lại, chúng ta phải giúp đỡ, chan hoà với bạn, yêu kính bố mẹ, thầy cô và những người thân. Mỗi chúng ta hãy giữ gìn và trân trọng những tình cảm trong sáng ấy để tâm hồn mãi vui tươi. Bốn câu thơ mở đầu của bài Tiếng ru của Tố Hữu đã nêu lên một vấn đề xã hội rất lớn, đó là tình yêu thương của con người VỚI con người, có lòng yêu thương con người sẽ tồn tại và hạnh phúc.

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau

(Tố Hữu)

Tố Hữu đã gửi gắm vào những vần thơ lời ca ngợi, lời khuyên nhủ mọi người hãy sống để yêu thương bởi tình yêu thương là cốt lõi của mọi tình cảm cao đẹp khác, bởi tình yêu thương làm cho con người sống ngày càng có ý nghĩa hơn. Bài thơ đúng là Tiếng ru của mẹ và mãi mãi lắng đọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 6 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí