Văn mẫu lớp 6 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài văn trình bày ý kiến về một vấn đề của ..

Viết bài văn trình bày ý kiến về một vấn đề của đời sống được gợi ra từ một cuốn sách, bài thơ, bài ca dao,... đã đọc: Về một truyện cổ tích hay (qua truyện Thạch Sanh) lớp 6


1. Dàn ý chi tiết I. Mở bài - Giới thiệu về thể loại truyện cổ tích (khái niệm, các kiểu nhân vật, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật…)

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Giới thiệu về thể loại truyện cổ tích (khái niệm, các kiểu nhân vật, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật…)

- Giới thiệu về truyện cổ tích “Thạch Sanh” (tóm tắt, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh

- Là thái tử con của Ngọc Hoàng

- Mẹ mang thai nhiều năm

- Mồ côi cha lớn lên bằng nghề kiểm củi, không lâu thì mẹ qua đời

- Được thần dạy đủ võ nghệ và tài giỏi

→ Vừa bình thường, vừa khác thường. Bình thường ở chỗ Thạch Sanh là con của nông dân, sống nghèo khổ bằng nghề tiều phu. Khác thường ở chỗ Thạch Sanh là thái tử con của Ngọc Hoàng, được mang thai trong thời gian dài, được chỉ dạy võ nghệ tinh thông -Bình thường:

→ Thể hiện ước mơ niềm tin con người bình thường cũng có tài năng hơn người.

2. Những thử thách và chiến công của Thạch Sanh

- Bị mẹ con Lý Thông lừa đến miếu hoang để thế mạng. Giết được chằn tinh, nhặt được cung tên vàng, bị Lí Thông cướp công.

- Xuống cứu công chúa lại bị Lý Thông lấp cửa hang về giành chiến tích.

- Giết đại bàng, cứu được con trai vua Thủy tề và được tặng cây đàn thần

- Bị hồn chằn tinh và đại bàng báo thù, Thạch Sanh bị vu oan và bị bắt vào ngục.

   + Tự minh oan cho mình

   + Thật thà kể lại mọi chuyện

→ Thạch Sanh được minh oan. Vua giao cho Thạch Sanh xét xử hai mẹ con Lí Thông nhưng chàng không giết mà cho về quê làm ăn, trên được về thị bị sét đánh chết, hóa thành con bọ hung. Điều này cho thấy quan niệm ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của nhân dân ta

→ Thạch Sanh là chàng trai dũng cảm, tài năng, thật thà, chất phác và khoan dung.

3. Thạch Sanh cưới công chúa, lên ngôi vua và lui yên quân chư hầu

- Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh, lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì

- Hoàng tử bị công chúa từ hôn nổi giận, binh lính mười tám nước kéo sang đánh

- Thạch Sanh một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc, tiếng đàn của chàng khiến binh lính phải cởi áo xin hàng và dọn cơm thết đãi những kẻ thua trận

- Thạch Sanh lên ngôi vua

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: Truyện thể hiện ước mơ đạo lí của nhân dân: Thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà, hòa bình thắng chiến tranh…

 + Nghệ thuật: sử dụng chi tiết tưởng tượng thần kì, xây dựng hai nhân vật tương phản, đối lập

- Bài học cho bản thân: tin tưởng vào sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, biết nhận diện cái ác, cái xấu….

Bài siêu ngắn

Hình ảnh chàng Thạch Sanh – một dũng sĩ chém trăn tinh, diệt đại bàng cùng với cây đàn và niêu cơm thần, làm nên bao kì diệu đã đem đến cho tuổi thơi, cho người đọc niềm tin, niềm tự hào vào những giấc mơ đẹp.

Cuộc đời Thạch Sanh là những năm tháng đầy gian truân thử thách, chiến công nối tiếp chiến công.

Thạch Sanh đến miếu thần là để thế mạng cho Lý Thông. Nhưng chàng đâu có biết? Thạch Sanh đã diệt trừ quái vật, trừ hậu họa cho nhân dân.

Với Thạch Sanh, cây đàn thần không phải là một nhạc cụ để mua vui mà là một vũ khí vô cùng linh nghiệm. Nơi chàng đánh đàn, gảy đàn là trong ngục. Tiếng dàn để giãi bày. Nhờ tiếng đàn mà chàng gặp được người đẹp, rồi được minh oan, để vạch trần bộ mặt thật của Lý Thông, tên bán rượu xảo quyệt, cướp công, độc ác, âm mưu hại người…. Thạch Sanh không dùng búa thần, cung tên thàn để giao tranh với hoàng tử mười tám nước chư hầu mà chỉ dùng đàn thần để lui giặc. Đó là tiếng đàn hòa bình. Niêu cơm của Thạch Sanh là niêu cơm hàng vạn người ăn mãi không hết; niêu cơm ấm no, hạnh phúc. Đàn thần và niêu cơm thần cũng góp phần tô đậm vẻ đẹp kì diệu của truyện Thạch Sanh.

Hình tượng Thạch Sanh thật đẹp, chàng trở thành biểu tượng cho tài năng, lòng dúng cảm, sự nhân hậu và tinh thần yêu hòa bình. Nhân dân ta đã gửi gắm tất cả ước mơ ào chàng, bởi thế hình tượng Thạch Sanh không chỉ tỏa sáng trong cổ tích mà cả ở ngoài đời thật, không chỉ xưa mà cả sau, những chàng Thạch Sanh của thế kỉ XX cũng đã làm nên những điều kì diệu, phi thường khiến cả thế giới biết đến và khâm phục một Việt Nam anh hùng. Hình tượng Thạch Sanh sống mãi, đẹp mãi trong lòng người Việt Nam. 

Bài tham khảo

Trí tưởng tượng phong phú và kì diệu của nhân dân ta đã sáng tạo nên những truyện cổ tích óng ánh, muôn sắc màu, vừa lấp lánh vẻ đẹp kì ảo, vừa giàu tính nhân văn Việt Nam, vừa có khả năng bồi đắp nên những tư tưởng tình cảm và ước mơ cao đẹp cho con người. Thạch Sanh là một trong những sáng tác ấy.

Thạch Sanh là truyện cổ tích tiêu biểu về nhiều phương diện.

Thứ nhất, về bố cục và kết cấu. Truyện có một bố cục tương đối hoàn chỉnh: có sự ra đời, lớn lên và hình thành tài năng của nhân vật đại diện cho công lí và chính nghĩa; có những chặng đường phiêu lưu để thử thách và rèn luyện tài năng và phẩm chất của nhân vật, có kết thúc có hậu. Truyện Thạch Sanh mang hình thức kết cấu phô biến của truyện cổ tích kết cấu song tuyến. Hơn nữa, đây là kết cấu đặc trưng của nhóm truyện cổ tích thần kì.

Hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện trong truyện bao gồm có cả con người và lực lượng siêu nhiên, thần kì.

Ở tuyến nhân vật chính diện có: Thạch Sanh, vua, công chúa, thái tử con vua Thuỷ Tề, ngọc Hoàng và vị thiên sứ, chiếc đàn thần và niêu cơm thần.

Ở tuyến nhân vật phản diện có: Mẹ con Lí Thông, trăn tinh, đại bàng.

Những thử thách đặt ra cho nhân vật chính diện cũng được, sắp xếp theo hình thức thăng tiến: thử thách sau ngày một khó khăn, phức tạp hơn thử thách trước. Do vậy mà chiến công, tài trí và phẩm chất của chàng dũng sĩ Thạch Sanh ngày càng được tô đậm.

Cũng về kết cấu phải kể đến một số mô típ quen thuộc của cổ tích như tiếng đàn thần kì và niêu cơm thần kì. Đây vừa là vũ khí của Thạch Sanh vừa là tấm lòng và tình cảm của chàng.

Thứ hai, về xây dựng nhân vật. Nhân vật Thạch Sanh mang trong mình đầy đủ những đặc điểm và phẩm chất cần thiết của nhân vật cổ tích. Ở chàng hội tụ đầy đủ những đặc điểm của con người bình thường và những nét khác thường chỉ có ở nhân vật cổ tích. Thạch Sanh không phải ai xa lạ, chàng là con của một gia đình nông dân lao động nghèo và tốt bụng. Chính gia đình là cái nôi đã nuôi dưỡng phẩm chất thật thà, chất phác và nhân hậu nơi chàng. Cuộc đời chàng từ lúc sinh ra, đến khi trưởng thành, là cuộc sống kiếm củi nghèo khổ và lương thiện. Thạch Sanh chính là hình ảnh, bóng dáng của nhân dân lao động.

Tuy nhiên, để tô đậm vẻ đẹp của nhân vật lí tưởng và làm tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện, tác giả dân gian đã khoác cho Thạch Sanh chiếc áo kì ảo của cô tích. Tức là điểm tô cho nhân vật những cái khác thường. Sự kì lạ về nguồn gốc xuất thân (Thạch Sanh ra đời là do Ngọc Hoàng sai thái tử xuống đầu thai làm con hai vợ chồng ông lão tiều phu); kì lạ về sự ra đời (bà mẹ mang thai trong nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh), kì lạ về tài trí (được thiên thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và phép thần thông). Khoác cho nhân vật chiếc áo mờ ảo về nguồn gốc, sự ra đời và tài trí, nhân dân mong muốn Thạch Sanh sẽ lập được nhiều chiến công thần kì, vung lưỡi rìu của mình lên để quét sạch cái xấu, cái ác trong xã hội, lập lại công lí và công bằng cho người lương thiện.

Cũng như mọi nhân vật lí tưởng trong cổ tích, Thạch Sanh cũng phải trải qua những chặng đường phiêu lưu, những thử thách đầy khó khăn, trắc trở.

Lần một: Bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ, thế mạng, diệt trăn tinh

Lần hai: Xuống hang diệt đại bàng cứu công chúa, bị Lí Thông lấp cửa hang.

Lần ba: Bị hồn trăn tinh và đại bàng báo thù, bị bắt hạ ngục.

Lần bốn: Sau khi kết hôn với công chúa, phải đối phó với quân của mười tám nước chư hầu hội binh kéo sang đánh.

Đặt nhân vật vào nhửng tình huống như vậy, tác giả dân gian một mặt muốn thử thách chàng, một mặt muốn khẳng định tài năng và phẩm chất của chàng.

Và quả thực, qua những thử thách, Thạch Sanh đã bộc lộ được những phẩm chất hết sức quý báu. Chàng vẫn giữ nguyên được sự thật thà, chất phát, nhân hậu vốn có, bộc lộ được tài năng và tôi luyện thêm sự dũng cảm, lòng yêu chuộng hoà bình.

Không chỉ đặt nhân vật Thạch Sanh trong những tình huống thử thách, tác giả dân gian còn đặt Thạch Sanh trong thể đối lập với nhân vật phản diện Lí Thông về tính cách, hành động. Thạch Sanh càng thật thà bao nhiêu thì Lí Thông càng xảo trá bấy nhiêu, Thạch Sanh càng vị tha bao nhiêu thì Lí Thông càng ích kỉ bấy nhiêu, Thạch Sanh càng nhân hậu bao nhiêu thì Lá Thông càng độc ác bấy nhiêu. Sự đối lập giữa Thạch Sanh với Lí Thông là sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa.

Nhân vật Thạch Sanh được đặt trong thế đối lập với Lí Thông và trong thế tương quan với các nhân vật chính diện khác, đặc biệt là với những lực lượng thần kì như thiên thần, vua Thuỷ Tề. Nhờ có sự giúp đỡ của họ mà Thạch Sanh đã chiến thắng cái thế lực hung ác, vạch mặt được kẻ vong ân bội nghĩa.

Thứ ba, về mặt ý nghĩa của truyện. Thạch Sanh là một truyện cổ tích chứa đựng nhiều ý nghĩa. Từ câu chuyện chàng dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa, chống quân xâm lược, truyện đã thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân ta về đạo đức, công lí xã hội, lí tưởng nhân đạo, lòng yêu chuộng hoà bình, ước mơ và chân lí về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.

Với những đặc điểm như trên, có thể khẳng định rằng; Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu nhất và hấp dẫn nhất của kho tàng cổ tích Việt Nam, làm xúc động và say mê nhiều thế hệ bạn đọc.


Bình chọn:
3.8 trên 4 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 6 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí