Đề thi thử THPTQG - Đề số 2

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

Câu 1 :

Ý nào dưới đây không phải là biểu hiện của xu hướng hòa hoãn Đông - Tây?

  • A.

    Hai miền nước Đức kí Hiệp đinh về những cơ sở quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.

  • B.

    Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được kí kết.

  • C.

    33 nước châu Âu cùng Mĩ và Canađa kí kết Định ước Henxinki.

  • D.

    Liên Xô và Mĩ thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược.

Câu 2 :

Ý nào không phản ánh đúng tình hình nước Nga Xô viết khi bước vào thời kì hòa bình xây dựng đất nước?

  • A.

    Tình hình chính trị không ổn định

  • B.

    Nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nghiêm trọng

  • C.

    Chính quyền Xô viết nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nước ngoài

  • D.

    Các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá, gây bạo loạn

Câu 3 :

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cải tổ từ

  • A.

    Ủy ban lâm thời Khu giải phóng

  • B.

    Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc

  • C.

    Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp

  • D.

    Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.

Câu 4 :

Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập vào tháng 2-1941 dựa trên cơ sở ban đầu là lực lượng nào?

  • A.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Nam Kì.

     

  • B.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.

     

  • C.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

     

  • D.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Đô Lương.

Câu 5 :

Sau khi tiến vào cửa biển Thuận An (18-8-1883), Cuốc – bê đã có hành động gì đầu tiên?

  • A.

    Tiến thẳng vào kinh thành Huế buộc triều đình Huế phải đầu hàng.

     

  • B.

    Đưa tối hậu thư đòi triều đình giao toàn bộ các pháo đài.

     

  • C.

    Nổ súng công phá kinh thành Huế suốt hai ngày liền.

     

  • D.

    Ép triều đình Huế kí Hiệp ước Hácmăng.

Câu 6 :

Hiệp định Gionever 1954 về Đông Dương quy định lực lượng kháng chiến Lào tập trung ở hai tỉnh

  • A.

    Xiêng Khoảng và Thà Khẹt

  • B.

    Tha khẹt và Phongxai

  • C.

    Phongxali và Sầm Nưa

  • D.

    Sầm Nưa và Xiêng Khoảng

Câu 7 :

Theo quyết định của hội nghị Ianta (2-1945), quốc gia nào cần phải trở thành một quốc gia thống nhất và dân chủ?

  • A.

    Đức

     

  • B.

    Mông Cổ

     

  • C.

    Trung Quốc

     

  • D.

    Triều Tiên

Câu 8 :

“Một tấc không đi, một ly không rời” là khẩu hiệu đấu tranh của phong trào nào?

  • A.

    Cuộc đấu tranh của các tín đồ Phật giáo

     

  • B.

    Phá ấp chiến lược

     

  • C.

    Cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên

     

  • D.

    Cuộc đấu tranh chống càn quét

Câu 9 :

Đến cuối thập kỉ 90, tổ chức nào được đánh giá là liên minh kinh tế - chính trị khu vực lớn nhất hành tinh?

  • A.

    Liên minh châu Âu (EU)

     

  • B.

    Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

     

  • C.

    Liên hợp quốc

     

  • D.

    Cộng đồng châu Âu (EC)

Câu 10 :

Tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng trong năm 1975 là

  • A.

    Buôn Ma Thuột                    

  • B.

    Kon Tum

  • C.

    Quảng Trị                            

  • D.

    Phước Long.

Câu 11 :

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính Trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch

  • A.
    Tổng tiến công giải phóng miền Nam trong năm 1976.
  • B.
    Giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
  • C.
    Giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976.
  • D.
    Tranh thủ thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Câu 12 :

Đảng Cộng sản Đông Dương xác định phương pháp đấu tranh là kết hợp công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp trong

  • A.

    Phong trào dân chủ 1936 - 1939.             

  • B.

    Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1945.

  • C.

    Phong trào cách mạng 1930 - 1931.      

  • D.

    Cao trào kháng Nhật cứu nước 1945.

Câu 13 :

 Thực dân Pháp quyết định tấn công vào Kinh thành Huế (năm 1883) nhằm mục đích gì?

  • A.

    Buộc triều đình cắt thành Hà Nội cho Pháp

     

  • B.

    Xâm chiếm nốt ba tỉnh miền Đông Nam Kì.

     

  • C.

    Buộc triều đình phải đầu hàng, kết thúc chiến tranh xâm lược

     

  • D.

    Buộc triều đình mở thêm cửa biển Thuận An cho Pháp vào buôn bán

Câu 14 :

Ai là “cha đẻ” của Chính sách kinh tế mới (NEP) được thực hiện ở nước Nga Xô Viết trong những năm 1921-1925?

  • A.

    Lê-nin

     

  • B.

    Xta-lin

     

  • C.

    Khơ-rút-sốp

     

  • D.

    Brê-giơ-nhép

Câu 15 :

Trọng tâm của công cuộc đổi mới ở Việt Nam được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986) thuộc lĩnh vực nào?

  • A.

    Chính trị

  • B.

    Kinh tế

  • C.

    Văn hoá

  • D.

    Xã hội

Câu 16 :

Đâu không phải ý nghĩa lịch sử của kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1946 - 1954)?

  • A.

    Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỉ ở Việt Nam

     

  • B.

    Mở ra kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội

     

  • C.

    Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc

     

  • D.

    Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Câu 17 :

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam (1930) đề ra nhiệm vụ thành lập chính phủ

  • A.

    Nhân dân

     

  • B.

    Công- nông

     

  • C.

    Công- nông- binh

     

  • D.

    Dân chủ cộng hòa

Câu 18 :

Năm 1925 đã diễn ra sự kiện đấu tranh chính trị nào của tầng lớp tiểu tư sản ở Việt Nam?

  • A.

    Đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Nguyễn An Ninh

  • B.

    Đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu

  • C.

    Cuộc truy điệu, để tang Phan Châu Trinh

  • D.

    Cuộc mưu sát toàn quyền Đông Dương Méclanh

Câu 19 :

Mục tiêu của kế hoạch Giônxơn – Mác Namara trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961-1965) là gì?

  • A.

    Hoàn thành bình định có trọng điểm miền Nam trong vòng 2 năm

     

  • B.

    Hoàn thành bình định miền Nam trong vòng 18 tháng

     

  • C.

    Hoàn thành bình định miền Nam trong vòng 16 tháng

     

  • D.

    Hoàn thành bình định miền Nam trong vòng 24 tháng

Câu 20 :

Tư tưởng cốt lõi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là

  • A.
    đoàn kết với cách mạng thế giới.
  • B.
     tự do và dân chủ.
  • C.
    ruộng đất cho dân cày.
  • D.
    độc lập và tự do.
Câu 21 :

Vì sao năm 1929 ở Việt Nam lại có sự đấu tranh giữa hai xu hướng xung quanh vấn đề thành lập Đảng?

  • A.

    Do mức độ phát triển khác nhau giữa các vùng của phong trào công nhân, yêu nước

  • B.

    Do sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa khuynh hướng tư sản và vô sản

  • C.

    Do ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở các vùng khác nhau

  • D.

    Do Bắc Kì chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào công nhân Trung Quốc

Câu 22 :

Phong trào cách mạng Việt Nam 1930 - 1931 để lại bài học kinh nghiệm gì cho Cách mạng tháng Tám năm 1945?

  • A.

    Sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền.

  • B.

    Kết hợp các hình thức đấu tranh bí mật, công khai và hợp pháp.

  • C.

    Đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

  • D.

    Thành lập ở mỗi nước Đông Dương một hình thức mặt trận riêng.

Câu 23 :

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự khác nhau trong mức độ thắng lợi của cuộc nổi dậy ở Đông Nam Á sau khi Nhật đầu hàng đồng minh là gì?

  • A.

    Do thời điểm xuất hiện khác nhau của quân đồng minh ở các khu vực

  • B.

    Do sự ngoan cố của quân Nhật ở nhiều nơi

  • C.

    Do sự khác biệt về quyết tâm giành độc lập

  • D.

    Do mức độ trưởng thành của lực lượng dân tộc ở các nước khác nhau

Câu 24 :

Sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam (1961-1965) đã có tác động như thế nào đến chiến lược toàn cầu của Mĩ?

  • A.

    Làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của Mĩ

     

  • B.

    Làm thất bại một loại hình chiến tranh thí điểm trong chiến lược toàn cầu

     

  • C.

    Cho thấy tính không khả thi của chiến lược toàn cầu

     

  • D.

    Làm phá sản chiến lược toàn cầu

Câu 25 :

Nguyên nhân chủ yếu khiến Mĩ phải “thay ngựa giữa dòng”, đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 là

  • A.

    Sự lo sợ của Mĩ trước những thắng lợi của quân và dân miền Nam trên tất cả các mặt trận

  • B.

    Do sự non kém của chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc ổn định tình hình

  • C.

    Do mâu thuẫn nội bộ chính quyền Sài Gòn

  • D.

    Do áp lực từ dư luận quốc tế

Câu 26 :

Một trong những điểm tương đồng của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (1945 - 1975) ở Việt Nam là:

  • A.

    Có sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

  • B.

    Lực lượng vũ trang giữ vai trò quyết định thắng lợi.

  • C.

    Có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và nhân loại tiến bộ.

  • D.

    Có sự kết hợp đấu tranh quân sự chính trị và ngoại giao.

Câu 27 :

Trong thời kì 1954 -1975, sự kiện nào dưới đây làm thất bại âm mưu “lấp sông Bến Hải, tấn công miền Bắc” của Mĩ - Diệm?

  • A.

    Chiến thắng Vạn Tường

  • B.

    Chiến thắng Bình Giã.

  • C.

    Chiến thắng Ấp Bắc.

  • D.

    Phong trào Đồng Khởi.

Câu 28 :

Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng vai trò của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ giai đoạn 1965-1968?

  • A.

    Là hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam

  • B.

    Là chiến trường trực tiếp đánh Mĩ

  • C.

    Là cầu nối nối cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân miền Nam với phong trào cách mạng thế giới

  • D.

    Thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia

Câu 29 :

Từ mối quan hệ giữa trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972) với hiệp định Pari năm 1973, anh (chị) có nhận xét gì về mối quan hệ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao?

  • A.

    Thắng lợi trên mặt trận quân sự quyết định thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

  • B.

    Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao tạo ra thế mạnh cho cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự

  • C.

    Thắng lợi trên mặt trận quân sự góp phần vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

  • D.

    Thắng lợi trên mặt trận quân sự có vai trò quan trong đối với thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

Câu 30 :

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đều tấn công vào

  • A.

    Mục tiêu kinh tế và chính trị.

  • B.

    Cơ quan đầu não của địch.

  • C.

    Nơi địch mạnh.

  • D.

    Nông thôn, đồng bào, rừng núi.

Câu 31 :

Loại vũ khí nào là biểu tượng cho tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của quân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu cuối năm 1946 - đầu năm 1947?

  • A.

    Xe tăng

  • B.

    Bộc phá

  • C.

    Bom ba càng

  • D.

    Lựu đạn

Câu 32 :

Từ chính sách kinh tế mới ở Nga, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm nào cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay?

  • A.

    Chỉ tập trung phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn

  • B.

    Quan tâm đến lợi ích của các tập đoàn, tổng công ti lớn

  • C.

    Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp nặng

  • D.

    Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần có sự kiểm soát của nhà nước

Câu 33 :

Cơ sở nào để quân đội các nước đế quốc dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân Nhật có thể kéo vào Việt Nam?

  • A.

    Quyết định của hội nghị Ianta

     

  • B.

    Quyết định của hội nghị Pốtxđam

     

  • C.

    Quyết định của hội nghị hòa bình Pari

     

  • D.

    Quyết định của hội nghị hòa bình Xanphranxicô

Câu 34 :

Thực tiễn 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam cho thấy việc củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là

  • A.

    nơi hội tụ sự đoàn kết, góp sức cho cả dân tộc.

  • B.

    nguồn gốc tạo nên sức mạnh của hậu phương.

  • C.

    điều kiện tiên quyết rút ngắn thời gian kháng chiến.

  • D.

    yếu tố quyết định đưa kháng chiến đi đến thắng lợi.

Câu 35 :

Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, Việt Nam có thể rút ra được bài học kinh nghiệm gì?

  • A.
    Tiến hành đổi mới mạnh mẽ, lấy đổi mới chính trị làm trọng tâm.
  • B.
    Luôn đề phòng cảnh giác với nguy cơ diễn biến hoà bình, tự chuyển hóa.
  • C.
    Tuân thủ các quy luật phát triển khách quan, xây dựng cơ chế tập trung bao cấp.
  • D.
     Thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình hợp tác chỉ với các nước Đông Nam Á
Câu 36 :

Tình hình nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 và tình hình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 chứng tỏ

  • A.
    dân tộc và dân chủ là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.
  • B.
    giành chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng.
  • C.
    giành và giữ chính quyền chỉ là sự nghiệp của giai cấp vô sản.
  • D.
    giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó hơn.
Câu 37 :

Tháng 6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Véc-xai bản yêu sách của nhân dân An Nam nhằm

  • A.

    đòi những quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Đông Dương.

  • B.

    đòi người cày có ruộng cho nông dân Việt Nam.

  • C.

    đòi tự do dân chủ cơm áo hòa bình cho nhân dân Đông Dương.

  • D.

    đòi độc lập, tự do cho nhân dân An Nam.

Câu 38 :

“Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” là nhận xét của Nguyễn Tất Thành về hoạt động yêu nước của ai

 

  • A.

    Phan Bội Châu

     

  • B.

    Phan Châu Trinh

     

  • C.

    Huỳnh Thúc Kháng

     

  • D.

    Lương Văn Can

Câu 39 :

Ai là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”

  • A.

    Trương Định

     

  • B.

    Nguyễn Trung Trực

  • C.

    Nguyễn Hữu Huân

  • D.

    Dương Bình Tâm

Câu 40 :

Các thế lực ngoại xâm và nội phản ở nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều

  • A.
    muốn chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng.
  • B.
    có nhiệm vụ giải giáp quân đội phát xít Nhật. 
  • C.
    dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược.
  • D.
    thi hành chính sách hai mặt với chính phủ ta.

Lời giải và đáp án

Câu 1 :

Ý nào dưới đây không phải là biểu hiện của xu hướng hòa hoãn Đông - Tây?

  • A.

    Hai miền nước Đức kí Hiệp đinh về những cơ sở quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.

  • B.

    Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được kí kết.

  • C.

    33 nước châu Âu cùng Mĩ và Canađa kí kết Định ước Henxinki.

  • D.

    Liên Xô và Mĩ thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược.

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Những biểu hiện của xu hướng hòa hoãn Đông – Tây bao gồm:

- Hai miền nước Đức kí Hiệp đinh về những cơ sở quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.

- 33 nước châu Âu cùng Mĩ và Canađa kí kết Định ước Henxinki.

- Liên Xô và Mĩ thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược

=> Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triêu Tiên được kí kết là một sự kiên quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lâp dân tộc ở Triều Tiên. Không liên qua đến xu hướng hòa hoãn Đông - Tây.

Câu 2 :

Ý nào không phản ánh đúng tình hình nước Nga Xô viết khi bước vào thời kì hòa bình xây dựng đất nước?

  • A.

    Tình hình chính trị không ổn định

  • B.

    Nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nghiêm trọng

  • C.

    Chính quyền Xô viết nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nước ngoài

  • D.

    Các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá, gây bạo loạn

Đáp án : C

Lời giải chi tiết :

Tình hình nước Nga Xô viết khi bước vào thời kì hòa bình xây dựng đất nước:

- Nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nghiêm trọng.

- Tình hình chính trị không ổn định. Các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá gây bạo loạn ở nhiều nơi.

- Chính sách cộng sản thời chiến đã lạc hậu kìm hãm nền kinh tế, khiến nhân dân bất bình.

=> Nước Nga Xô viết lâm vào khủng hoảng. => Loại trừ đáp án C.

Câu 3 :

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cải tổ từ

  • A.

    Ủy ban lâm thời Khu giải phóng

  • B.

    Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc

  • C.

    Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp

  • D.

    Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.

Đáp án : D

Lời giải chi tiết :

Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam từ Tân Trào về đến Hà Nội.

Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28-8-1945).

Câu 4 :

Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập vào tháng 2-1941 dựa trên cơ sở ban đầu là lực lượng nào?

  • A.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Nam Kì.

     

  • B.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.

     

  • C.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

     

  • D.

    Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Đô Lương.

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, theo chủ trương của Đảng, một bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa chuyển sang xây dựng thành những đội du kích hoạt động ở căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Bước sang năm 1941, những đội du kích Bắc Sơn lớn mạnh lên và thống nhất lại thành Trung đội Cứu quốc quân I (2-1941).

Câu 5 :

Sau khi tiến vào cửa biển Thuận An (18-8-1883), Cuốc – bê đã có hành động gì đầu tiên?

  • A.

    Tiến thẳng vào kinh thành Huế buộc triều đình Huế phải đầu hàng.

     

  • B.

    Đưa tối hậu thư đòi triều đình giao toàn bộ các pháo đài.

     

  • C.

    Nổ súng công phá kinh thành Huế suốt hai ngày liền.

     

  • D.

    Ép triều đình Huế kí Hiệp ước Hácmăng.

Đáp án : B

Phương pháp giải :

Dựa vào những hành động của quân Pháp khi tấn công cửa biển Thuận An để trả lời.

Lời giải chi tiết :

Sau khi chỉ huy quân Pháp tiến vào Thuận An (18-8-1883), Cuốc – bê đã đưa tối hậu thư đòi triều đình giao toàn bộ các pháo đài.

Câu 6 :

Hiệp định Gionever 1954 về Đông Dương quy định lực lượng kháng chiến Lào tập trung ở hai tỉnh

  • A.

    Xiêng Khoảng và Thà Khẹt

  • B.

    Tha khẹt và Phongxai

  • C.

    Phongxali và Sầm Nưa

  • D.

    Sầm Nưa và Xiêng Khoảng

Đáp án : C

Lời giải chi tiết :

Hiệp định Giơnevơ quy định lực lượng kháng chiến ở Lào tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxalì.

Câu 7 :

Theo quyết định của hội nghị Ianta (2-1945), quốc gia nào cần phải trở thành một quốc gia thống nhất và dân chủ?

  • A.

    Đức

     

  • B.

    Mông Cổ

     

  • C.

    Trung Quốc

     

  • D.

    Triều Tiên

Đáp án : C

Lời giải chi tiết :

Theo nội dung của Hội nghị Ianta về phân chia phạm vi đóng quân và giải giáp quân đội phát xít của các cường quốc Đồng minh có quy định: Trung Quốc cần phải trở thành một quốc gia thống nhất và dân chủ; …

Câu 8 :

“Một tấc không đi, một ly không rời” là khẩu hiệu đấu tranh của phong trào nào?

  • A.

    Cuộc đấu tranh của các tín đồ Phật giáo

     

  • B.

    Phá ấp chiến lược

     

  • C.

    Cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên

     

  • D.

    Cuộc đấu tranh chống càn quét

Đáp án : B

Phương pháp giải :

Dựa vào cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị của nhân dân miền Nam chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” để trả lời.

Lời giải chi tiết :

Một tấc không đi, một ly không rời” là khẩu hiệu đấu tranh của phong trào phá ấp chiến lược, kiên quyết bám đất giữ làng của nhân dân miền Nam.

Câu 9 :

Đến cuối thập kỉ 90, tổ chức nào được đánh giá là liên minh kinh tế - chính trị khu vực lớn nhất hành tinh?

  • A.

    Liên minh châu Âu (EU)

     

  • B.

    Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

     

  • C.

    Liên hợp quốc

     

  • D.

    Cộng đồng châu Âu (EC)

Đáp án : A

Lời giải chi tiết :

Đến cuối thập kỉ 90, EU chiếm ¼ GDP của thế giới, 1/3 tổng sản phẩm công nghiệp thế giới => EU đã trở thành tổ chức liên kết chính trị- kinh tế lớn nhất hành tinh

Câu 10 :

Tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng trong năm 1975 là

  • A.

    Buôn Ma Thuột                    

  • B.

    Kon Tum

  • C.

    Quảng Trị                            

  • D.

    Phước Long.

Đáp án : D

Phương pháp giải :

sgk 12 trang 191.

Lời giải chi tiết :

Từ ngày 12-12-1974 đến ngày 6-1-1975, ta loại khỏi vòng chiến đấu 3000 tên địch, giải phóng đường 14 và toàn tỉnh Phước Long. Tỉnh Phước Long là tỉnh đầu tiên miền Nam được giải phóng trong năm 1975.

Câu 11 :

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính Trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch

  • A.
    Tổng tiến công giải phóng miền Nam trong năm 1976.
  • B.
    Giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
  • C.
    Giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976.
  • D.
    Tranh thủ thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Đáp án : C

Lời giải chi tiết :

Cuối năm 1974 - đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.

Câu 12 :

Đảng Cộng sản Đông Dương xác định phương pháp đấu tranh là kết hợp công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp trong

  • A.

    Phong trào dân chủ 1936 - 1939.             

  • B.

    Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1945.

  • C.

    Phong trào cách mạng 1930 - 1931.      

  • D.

    Cao trào kháng Nhật cứu nước 1945.

Đáp án : A

Lời giải chi tiết :

Tháng 7/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định phương pháp đấu tranh trong phong trào 1936 – 1939 là: kết hợp công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp để đòi dân sinh, dân chủ.

Câu 13 :

 Thực dân Pháp quyết định tấn công vào Kinh thành Huế (năm 1883) nhằm mục đích gì?

  • A.

    Buộc triều đình cắt thành Hà Nội cho Pháp

     

  • B.

    Xâm chiếm nốt ba tỉnh miền Đông Nam Kì.

     

  • C.

    Buộc triều đình phải đầu hàng, kết thúc chiến tranh xâm lược

     

  • D.

    Buộc triều đình mở thêm cửa biển Thuận An cho Pháp vào buôn bán

Đáp án : C

Lời giải chi tiết :

Thực dân Pháp quyết định tấn công vào Kinh thành Huế vào năm 1883 nhằm buộc triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Câu 14 :

Ai là “cha đẻ” của Chính sách kinh tế mới (NEP) được thực hiện ở nước Nga Xô Viết trong những năm 1921-1925?

  • A.

    Lê-nin

     

  • B.

    Xta-lin

     

  • C.

    Khơ-rút-sốp

     

  • D.

    Brê-giơ-nhép

Đáp án : A

Lời giải chi tiết :

Chính sách kinh tế mới do Lê-nin đề xướng đã được Đảng Bôn-sê-vích thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ X nhằm khắc phục khủng hoảng, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế.

Câu 15 :

Trọng tâm của công cuộc đổi mới ở Việt Nam được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986) thuộc lĩnh vực nào?

  • A.

    Chính trị

  • B.

    Kinh tế

  • C.

    Văn hoá

  • D.

    Xã hội

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Tại Đại hội Đảng lần thứ VI (12 - 1986), Đảng ta xác định: đổi mới phải toàn diện, đồng bộ từ kinh tế và chính trị đến tổ chức, tư tưởng và văn hóa. Đổi mới kinh tế phải gắn liền với đổi mới chính trị, nhưng trọng tâm là đổi mới kinh tế.

Câu 16 :

Đâu không phải ý nghĩa lịch sử của kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1946 - 1954)?

  • A.

    Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỉ ở Việt Nam

     

  • B.

    Mở ra kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội

     

  • C.

    Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc

     

  • D.

    Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chông Pháp (1945-1954) mới giải phóng được một nửa đất nước. Miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) thắng lợi.

Câu 17 :

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam (1930) đề ra nhiệm vụ thành lập chính phủ

  • A.

    Nhân dân

     

  • B.

    Công- nông

     

  • C.

    Công- nông- binh

     

  • D.

    Dân chủ cộng hòa

Đáp án : C

Lời giải chi tiết :

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ của cuộc cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do; lập chính phủ công- nông- binh…

Câu 18 :

Năm 1925 đã diễn ra sự kiện đấu tranh chính trị nào của tầng lớp tiểu tư sản ở Việt Nam?

  • A.

    Đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Nguyễn An Ninh

  • B.

    Đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu

  • C.

    Cuộc truy điệu, để tang Phan Châu Trinh

  • D.

    Cuộc mưu sát toàn quyền Đông Dương Méclanh

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Tháng 6-1925, Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải và bí mật giải về nước, kết án tử hình. Trước sức ép đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp đã buộc phải đưa Phan Bội Châu ra xét tử công khai và thay đổi bản án từ tử hình sang khổ sai chung thân.

Câu 19 :

Mục tiêu của kế hoạch Giônxơn – Mác Namara trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961-1965) là gì?

  • A.

    Hoàn thành bình định có trọng điểm miền Nam trong vòng 2 năm

     

  • B.

    Hoàn thành bình định miền Nam trong vòng 18 tháng

     

  • C.

    Hoàn thành bình định miền Nam trong vòng 16 tháng

     

  • D.

    Hoàn thành bình định miền Nam trong vòng 24 tháng

Đáp án : A

Lời giải chi tiết :

Mục tiêu của kế hoạch Giônxơn – Mác Namara trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961-1965) là bình định miền Nam có trọng điểm trong vòng 2 năm (1964 - 1965)

Câu 20 :

Tư tưởng cốt lõi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là

  • A.
    đoàn kết với cách mạng thế giới.
  • B.
     tự do và dân chủ.
  • C.
    ruộng đất cho dân cày.
  • D.
    độc lập và tự do.

Đáp án : D

Lời giải chi tiết :

Tư tưởng cốt lõi trong Cương lĩnh chính trị là độc lập và tự do.

Câu 21 :

Vì sao năm 1929 ở Việt Nam lại có sự đấu tranh giữa hai xu hướng xung quanh vấn đề thành lập Đảng?

  • A.

    Do mức độ phát triển khác nhau giữa các vùng của phong trào công nhân, yêu nước

  • B.

    Do sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa khuynh hướng tư sản và vô sản

  • C.

    Do ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở các vùng khác nhau

  • D.

    Do Bắc Kì chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào công nhân Trung Quốc

Đáp án : A

Phương pháp giải :

Dựa vào tình hình Việt Nam năm 1929 để phân tích, đánh giá

Lời giải chi tiết :

Năm 1929 ở Việt  Nam có sự đấu tranh giữa hai xu hướng xung quanh vấn đề thành lập Đảng:

  1. Phải thành lập ngay 1 đảng cộng sản thay thế cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên
  2. Tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Sở dĩ có sự đấu tranh giữa hai xu hướng là do sự phát triển không đều của phong trào công nhân, yêu nước giữa các vùng miền. Phong trào công nhân, yêu nước ở Bắc Kì phát triển mạnh hơn so với Trung và Nam Kì nên yêu cầu thành lập một Đảng Cộng sản thay thế cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên xuất hiện sớm hơn

Câu 22 :

Phong trào cách mạng Việt Nam 1930 - 1931 để lại bài học kinh nghiệm gì cho Cách mạng tháng Tám năm 1945?

  • A.

    Sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền.

  • B.

    Kết hợp các hình thức đấu tranh bí mật, công khai và hợp pháp.

  • C.

    Đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

  • D.

    Thành lập ở mỗi nước Đông Dương một hình thức mặt trận riêng.

Đáp án : A

Phương pháp giải :

Dựa vào kết quả, ý nghĩa của phong trào cách mạng 1930-1931 để phân tích, đánh giá

Lời giải chi tiết :

Từ thực tiễn phong trào cách mạng 1930 -1931 có thể thấy kẻ thù không bao giờ chịu thỏa hiệp để chính quyền rơi vào tay người dân thuộc địa, bạo lực luôn là phương thức để đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng. Do đó cần phải sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền.

Câu 23 :

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự khác nhau trong mức độ thắng lợi của cuộc nổi dậy ở Đông Nam Á sau khi Nhật đầu hàng đồng minh là gì?

  • A.

    Do thời điểm xuất hiện khác nhau của quân đồng minh ở các khu vực

  • B.

    Do sự ngoan cố của quân Nhật ở nhiều nơi

  • C.

    Do sự khác biệt về quyết tâm giành độc lập

  • D.

    Do mức độ trưởng thành của lực lượng dân tộc ở các nước khác nhau

Đáp án : A

Phương pháp giải :

Liên hệ diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai thời điểm 8 -1945 và tình hình các nước trong khu vực Đông Nam Á để trả lời.

Lời giải chi tiết :

Ngày 15-8-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Điều kiện khách quan thuận lợi cho các dân tộc ở Đông Nam Á nổi dậy giành chính quyền đã đến.

- Trong điều kiện thuận lợi chung đó chỉ có 3 nước là Indonexia, Việt Nam, Lào giành được độc lập do cả 3 nước đã có sự chuẩn bị đầy đủ đường lối- phương pháp, lực lượng để chớp lấy cơ hội ngàn năm có một trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội phát xít

- Trong khi nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á có xu hướng thân Đồng minh, quân Đồng minh đã sớm vào chiếm đóng nên thời cơ thuận lợi đã bị bỏ lỡ.

=> Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự khác nhau trong mức độ thắng lợi của cuộc nổi dậy ở Đông Nam Á sau khi Nhật đầu hàng đồng minh là do thời điểm xuất hiện khác nhau của quân đồng minh ở các khu vực

Câu 24 :

Sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam (1961-1965) đã có tác động như thế nào đến chiến lược toàn cầu của Mĩ?

  • A.

    Làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của Mĩ

     

  • B.

    Làm thất bại một loại hình chiến tranh thí điểm trong chiến lược toàn cầu

     

  • C.

    Cho thấy tính không khả thi của chiến lược toàn cầu

     

  • D.

    Làm phá sản chiến lược toàn cầu

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

Tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), Mĩ âm mưu biến miền Nam Việt Nam làm nơi thí điểm một loại hình chiến tranh để đàn áp phong trào cách mạng trên thế giới của chiến lược toàn cầu. Sự thất bại của Mĩ trong chiến lược chiến tranh đặc biệt đồng thời đánh dấu sự sụp đổ của âm mưu này

Câu 25 :

Nguyên nhân chủ yếu khiến Mĩ phải “thay ngựa giữa dòng”, đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 là

  • A.

    Sự lo sợ của Mĩ trước những thắng lợi của quân và dân miền Nam trên tất cả các mặt trận

  • B.

    Do sự non kém của chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc ổn định tình hình

  • C.

    Do mâu thuẫn nội bộ chính quyền Sài Gòn

  • D.

    Do áp lực từ dư luận quốc tế

Đáp án : B

Phương pháp giải :

Dựa vào cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” để phân tích, đánh giá.

Lời giải chi tiết :

Sự phát triển của cách mạng miền Nam trong những năm 1961-1963 đã cho thấy sự non kém của chính quyền Sài Gòn trong việc ổn định tình hình. Do đó, để tiếp tục duy trì được sự thống trị của mình ở miền Nam Việt Nam, Mĩ đã buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, giật dây các tướng lĩnh tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm tháng 11-1963.

Câu 26 :

Một trong những điểm tương đồng của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (1945 - 1975) ở Việt Nam là:

  • A.

    Có sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

  • B.

    Lực lượng vũ trang giữ vai trò quyết định thắng lợi.

  • C.

    Có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và nhân loại tiến bộ.

  • D.

    Có sự kết hợp đấu tranh quân sự chính trị và ngoại giao.

Đáp án : A

Phương pháp giải :

So sánh, liên hệ.

Lời giải chi tiết :

Điểm tương đồng của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (1945 – 1975) là: có sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Cụ thể như sau:

- Cách mạng tháng Tám:

+ Sức mạnh dân tộc: sự lãnh đạo của đảng, tinh thần đoàn kết của nhân dân, sự chuẩn bị suốt 15 năm, …

+ Sức mạnh thời đại: Nhật đầu hàng Đồng minh tạo điều kiện khách quan thuận lợi.

- Kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ:

+ Sức mạnh dân tộc: xây dựng thực lực đất nước, xây dựng hậu phương, xây dựng lực lượng, tinh thần đoàn kết của nhân dân, …

+ Sức mạnh thời đại: tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ. Từ đó, tăng cương tình đoàn kết quốc tế và sử dụng tốt các thành quả khoa học - kĩ thuật.

Câu 27 :

Trong thời kì 1954 -1975, sự kiện nào dưới đây làm thất bại âm mưu “lấp sông Bến Hải, tấn công miền Bắc” của Mĩ - Diệm?

  • A.

    Chiến thắng Vạn Tường

  • B.

    Chiến thắng Bình Giã.

  • C.

    Chiến thắng Ấp Bắc.

  • D.

    Phong trào Đồng Khởi.

Đáp án : D

Phương pháp giải :

Phân tích tình hình nước ta sau năm 1954, liên hệ.

Lời giải chi tiết :

- Sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) danh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc theo nội dung của Hiệp định Giơnevơ (1954).

- Sau 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã hô hào “lấp sông Bến Hải, tấn công ra Bắc” nhằm phá hoại hiệp định Giơnevơ. Tuy nhiên, từ hội 15 (1-1959), Ban chấp hành trung ương Đảng đã quyết định để nhân dân miền Nam dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ chính quyền Mĩ - Diệm.

=> Phong trào “Đồng khởi” đã đánh bại âm mưu phá hoại hiệp định Giơnevơ của chính quyền Mĩ - Diệm, làm thất bại âm mưu “lấp sông Bến Hải, tấn công ra Bắc” của chúng.

Câu 28 :

Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng vai trò của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ giai đoạn 1965-1968?

  • A.

    Là hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam

  • B.

    Là chiến trường trực tiếp đánh Mĩ

  • C.

    Là cầu nối nối cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân miền Nam với phong trào cách mạng thế giới

  • D.

    Thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia

Đáp án : D

Phương pháp giải :

Dựa vào tình hình miền Bắc trong những năm 1965-1968 để đánh giá, nhận xét trả lời

Lời giải chi tiết :

Vai trò của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ giai đoạn 1965-1968:

- Miền Bắc là hậu phương lớn trực tiếp chi viện cho miền Nam chống Mĩ

- Miền Bắc cũng là chiến trường khi Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc

- Miền Bắc cũng là nơi đứng chân của cơ quan đầu não, là cầu nối nối cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân miền Nam với phong trào cách mạng thế giới

Đáp án D: Phải đến khi Mĩ thực hiện chiến lược Đông Dương hóa chiến tranh, nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia mới được miền Bắc thực hiện.

Câu 29 :

Từ mối quan hệ giữa trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972) với hiệp định Pari năm 1973, anh (chị) có nhận xét gì về mối quan hệ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao?

  • A.

    Thắng lợi trên mặt trận quân sự quyết định thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

  • B.

    Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao tạo ra thế mạnh cho cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự

  • C.

    Thắng lợi trên mặt trận quân sự góp phần vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

  • D.

    Thắng lợi trên mặt trận quân sự có vai trò quan trong đối với thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

Đáp án : A

Phương pháp giải :

Dựa tác động của trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và hiệp định Pari năm 1973 để xác định mối liên hệ

Lời giải chi tiết :

- Thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 đã buộc Mĩ phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, trở lại bàn đàm phán kí hiệp định Pari (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời thành quả mà nhân dân Việt Nam đạt được từ hiệp định Pari phản ánh thế và lực của Việt Nam trên chiến trường, tạo điều kiện để nhân dân miền Nam tiến lên đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Mối quan hệ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao là:

+ Thắng lợi trên mặt trận quân sự quyết định thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.

+ Thắng lợi trên mặt trận ngoại giao phản ánh và phát huy thắng lợi trên mặt trận quân sự.

Câu 30 :

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đều tấn công vào

  • A.

    Mục tiêu kinh tế và chính trị.

  • B.

    Cơ quan đầu não của địch.

  • C.

    Nơi địch mạnh.

  • D.

    Nông thôn, đồng bào, rừng núi.

Đáp án : C

Phương pháp giải :

Dựa vào đặc điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh để phân tích, so sánh.

Lời giải chi tiết :

Xét đáp án C:

- Chiến dịch Điện Biên Phủ: tấn công vào các cứ điểm, cụm cứ điểm thuộc tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Thực hiện lối đánh công kiên, tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm thuộc ba phân khu: Bắc, Nam và Trung Tâm.

- Chiến dịch Hồ Chí Minh: tấn công vào thành phố Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan đầu não của kẻ thù. Đây là nơi địch mạnh.

Câu 31 :

Loại vũ khí nào là biểu tượng cho tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của quân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu cuối năm 1946 - đầu năm 1947?

  • A.

    Xe tăng

  • B.

    Bộc phá

  • C.

    Bom ba càng

  • D.

    Lựu đạn

Đáp án : C

Phương pháp giải :

Liên hệ thực tế để trả lời

Lời giải chi tiết :

Loại vũ khí là biểu tượng cho tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của quân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu cuối năm 1946- đầu năm 1947 là bom ba càng. Bom ba càng) có dạng hình phễu, miệng phễu đường kính 22 cm, có vành gang gắn ba càng sắt, mỗi càng dài 12 cm; đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn; bom được lắp vào một cây gậy gỗ dài 1,2 m. Điểm khác biệt của bom ba càng với các loại vũ khí khác là phải dùng sức người tạo thành lực nổ để tiêu diệt mục tiêu. Do sức công phá lớn của bom nên các chiến sĩ nhận nhiệm vụ đánh đều hi sinh.

Câu 32 :

Từ chính sách kinh tế mới ở Nga, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm nào cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay?

  • A.

    Chỉ tập trung phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn

  • B.

    Quan tâm đến lợi ích của các tập đoàn, tổng công ti lớn

  • C.

    Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp nặng

  • D.

    Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần có sự kiểm soát của nhà nước

Đáp án : D

Phương pháp giải :

Phân tích nội dung của Chính sách kinh tế mới, liên hệ tình hình Việt Nam.

Lời giải chi tiết :

Từ chính sách kinh tế mới ở Nga, Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay:

- Xác định đúng vai trò quyết định của nông dân đối với thành công của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là đối với những nước có nền kinh tế tiểu nông, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư.

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng liên minh công nông trên cơ sở cả chính trị và kinh tế.

- Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần có sự kiểm soát của nhà nước. Con đường đi từ nền kinh tế nhiều thành phần đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải qua những bước trung gian, những hình thức quá độ.

- Đổi mới quản lý kinh tế theo hướng chuyển từ biện pháp hành chính thuần túy sang biện pháp kinh tế.

Câu 33 :

Cơ sở nào để quân đội các nước đế quốc dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân Nhật có thể kéo vào Việt Nam?

  • A.

    Quyết định của hội nghị Ianta

     

  • B.

    Quyết định của hội nghị Pốtxđam

     

  • C.

    Quyết định của hội nghị hòa bình Pari

     

  • D.

    Quyết định của hội nghị hòa bình Xanphranxicô

Đáp án : B

Phương pháp giải :

Liên hệ với bài Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945-1949) để trả lời.

Lời giải chi tiết :

Theo thỏa thuận của Hội nghị Pốtxđam được tổ chức ở Đức từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân đội Anh vào phía Nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa Dân Quốc vào phía Bắc.

Câu 34 :

Thực tiễn 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam cho thấy việc củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là

  • A.

    nơi hội tụ sự đoàn kết, góp sức cho cả dân tộc.

  • B.

    nguồn gốc tạo nên sức mạnh của hậu phương.

  • C.

    điều kiện tiên quyết rút ngắn thời gian kháng chiến.

  • D.

    yếu tố quyết định đưa kháng chiến đi đến thắng lợi.

Đáp án : D

Phương pháp giải :

Đánh giá vai trò của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước.

Lời giải chi tiết :

Thực tiễn 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam cho thấy việc củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là yếu tố quyết định đưa kháng chiến đi đến thắng lợi.

Câu 35 :

Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, Việt Nam có thể rút ra được bài học kinh nghiệm gì?

  • A.
    Tiến hành đổi mới mạnh mẽ, lấy đổi mới chính trị làm trọng tâm.
  • B.
    Luôn đề phòng cảnh giác với nguy cơ diễn biến hoà bình, tự chuyển hóa.
  • C.
    Tuân thủ các quy luật phát triển khách quan, xây dựng cơ chế tập trung bao cấp.
  • D.
     Thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình hợp tác chỉ với các nước Đông Nam Á

Đáp án : B

Lời giải chi tiết :

“Diễn biến hòa bình”: Âm mưu của thế lực thù địch và cơ hội chính trị tác động lôi kéo nhân dân theo hướng “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị.

- “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: hệ thống chính trị, trước nhất là cán bộ của hệ thống chính trị ấy.

+ Tự chuyển hóa theo hướng xấu: Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách không phù hợp với quy luật khách quan và tình hình thực tế của đất nước. Liên Xô không bắt kịp bước phát triển của thế giới, chưa cập nhật kịp bước phát triển của khoa học – kĩ thuật trên thế giới, duy trì kinh tế quan liêu bao cấp => Đất nước lâm vào khủng. Khi cải tổ lại thực hiện đa nguyên đa đảng, phá bỏ nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.

+ Tự chuyển hóa theo hướng tốt: Ba mươi năm qua, Đảng CSVN đã chủ trương đổi mới. Hiện tại cũng đang chủ trương phải tiếp tục đổi mới, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn. Trong quá trình thực hiện đổi mới, ta đã độc lập tư duy, tự mình nghĩ ra việc này, việc khác và cũng tự mình tổ chức thực hiện để thay đổi. => Đó là tự đổi mới. Bản thân việc tự đổi mới cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa tích cực mà Đảng đã rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Câu 36 :

Tình hình nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 và tình hình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 chứng tỏ

  • A.
    dân tộc và dân chủ là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.
  • B.
    giành chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng.
  • C.
    giành và giữ chính quyền chỉ là sự nghiệp của giai cấp vô sản.
  • D.
    giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó hơn.

Đáp án : D

Phương pháp giải :

Phân tích tình hình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, liên hệ tình hình nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, đánh giá.

Lời giải chi tiết :

- Sau Cách mạng tháng Mười, nước Nga phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài và phải thực hiện “Chính sách cộng sản thời chiến” để bảo vệ chính quyền cách mạng.

- Sau Cách mạng tháng Tám, Việt Nam phải đối mặt với muôn ngàn khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Trong bối cảnh ấy, ta thực hiện đường lối “kháng chiến kiến quốc”, phải chấp nhận nhượng, hòa hoãn với kẻ thù để giữ được chính quyền.

=> Tình hình nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 và tình hình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 chứng tỏ giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền còn khó hơn.

Câu 37 :

Tháng 6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Véc-xai bản yêu sách của nhân dân An Nam nhằm

  • A.

    đòi những quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Đông Dương.

  • B.

    đòi người cày có ruộng cho nông dân Việt Nam.

  • C.

    đòi tự do dân chủ cơm áo hòa bình cho nhân dân Đông Dương.

  • D.

    đòi độc lập, tự do cho nhân dân An Nam.

Đáp án : A

Phương pháp giải :

Phân tích các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, liên hệ.

Lời giải chi tiết :

Hội nghị Véc-xai được triệu tập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, để kí kết các hòa ước hòa bình nhằm phân chia quyền lợi giữa các nước thắng trận. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Véc-xai bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, đòi Chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.

Câu 38 :

“Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” là nhận xét của Nguyễn Tất Thành về hoạt động yêu nước của ai

 

  • A.

    Phan Bội Châu

     

  • B.

    Phan Châu Trinh

     

  • C.

    Huỳnh Thúc Kháng

     

  • D.

    Lương Văn Can

Đáp án : A

Phương pháp giải :

Liên hệ hiểu biết lịch sử của bản thân để trả lời

Lời giải chi tiết :

Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không tán thành cách làm của họ. Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật để chống Pháp chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” vì bản chất của cả Pháp và Nhật đều là đế quốc

Câu 39 :

Ai là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”

  • A.

    Trương Định

     

  • B.

    Nguyễn Trung Trực

  • C.

    Nguyễn Hữu Huân

  • D.

    Dương Bình Tâm

Đáp án : B

Phương pháp giải :

Liên hệ thực tế lịch sử để trả lời

Lời giải chi tiết :

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, làm nghề chài lưới. Năm 1861, ông đã phối hợp với Trương Định chỉ huy đánh thắng một trận lớn trên sông Nhật Tảo (Bến Lức), đốt cháy tàu Espérance (Hy Vọng) của giặc Pháp, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Từ năm 1867, Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên lập căn cứ riêng ở Hòn Chông. Chiến thắng oanh liệt tiếp theo của ông là trận tập kích vào Rạch Giá năm 1868, giết tên Tỉnh trưởng và hầu hết quân Pháp trong trại. Đây là một trong những trận đánh làm rung chuyển Soái phủ Nam Kỳ. Cũng trong năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp vây bắt tại Phú Quốc. Ông nhận án tử hình ở Rạch Giá tháng 10-1868.Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã để lại một lời nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”. 

Câu 40 :

Các thế lực ngoại xâm và nội phản ở nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều

  • A.
    muốn chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng.
  • B.
    có nhiệm vụ giải giáp quân đội phát xít Nhật. 
  • C.
    dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược.
  • D.
    thi hành chính sách hai mặt với chính phủ ta.

Đáp án : A

Phương pháp giải :

So sánh mục tiêu và hành động của các kẻ thù có mặt ở nước ta sau Cách mạng tháng Tám

Lời giải chi tiết :

- Đáp án B loại vì Pháp không có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật.

- Đáp án C loại vì quân Trung Hoa Dân quốc không dọn đường cho Pháp quay trở lại xâm lược nước ta.

- Đáp án D loại vì các thế lực ngoại xâm và nội phản luôn muốn chống phá và lật đổ chính quyền cách mạng của ta nên chúng không thi hành chính sách hai mặt với ta.