Bài 16: Ngựa biên phòng trang 67 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống


Quan sát tranh và đoán xem những người đang cưỡi ngựa là ai và họ đang làm gì. Chú bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ gì? Theo em, công việc đó vất vả, gian khổ như thế nào. Hình ảnh ngựa biên phòng được miêu tả thế nào. Theo em, vì sao ngựa biên phòng được yêu quý như vậy. Tìm trong bài các câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Khởi động

Quan sát tranh và đoán xem những người đang cưỡi ngựa là ai và họ đang làm gì. 

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh và trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Những người đang cưỡi ngựa là các chú bộ đội biên phòng.

Họ đang trên đường đi làm nhiệm vụ.

Nội dung bài đọc

Bài đọc nói đến chú bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra trên lưng ngựa. Chú ngựa như những người anh hùng với sức mạnh phi thường, không biết mệt mỏi đã góp phần không nhỏ vào việc giúp đỡ dân, quân ta bảo vệ đất nước. Chú bộ đội và các bạn nhỏ vùng biên giới rất yêu quý ngựa biên phòng.

Bài đọc

NGỰA BIÊN PHÒNG

Chú bộ đội biên phòng

Rạp mình trên lưng ngựa 

Ngựa phi nhanh như bay 

Cả cánh rừng nổi gió. 


Ngựa phăm phăm bốn vó 

Như băm xuống mặt đường

Mặc sớm rừng mù sương 

Mặc đêm đông giá buốt.


Chân ngựa như sắt thép 

Luôn săn đuổi quân thù 

Vó ngựa như có mắt 

Chẳng vấp ngã bao giờ.


Xong công việc trở về 

Ngựa bước đi thong thả

Chú bộ đội đi bên

Tay vỗ về lưng ngựa.


Chúng em trong bản nhỏ

Phơi thật nhiều cỏ thơm 

Để mùa đông đem tặng

Ngựa biên phòng yêu thương... 

(Phan Thị Thanh Nhàn)

Câu 1

1. Chú bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ gì? Theo em, công việc đó vất vả, gian khổ như thế nào?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài thơ, suy nghĩ và trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Chú bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra.

Theo em, công việc đó rất vất vả, gian khổ: làm việc không kể ngày đêm, địa hình đường rừng núi khó khăn hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, sớm mù sương, đêm đông giá buốt.

Câu 2

2. Hình ảnh ngựa biên phòng được miêu tả thế nào? Hình ảnh đó gợi cho em cảm nghĩ gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn thơ thứ 2 và 3, suy nghĩ và trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

- Hình ảnh ngựa biên phòng được miêu tả: Ngựa phăm phăm như băm xuống mặt đường, mặc sớm rừng mù sương, mặc đêm đông giá buốt. Chân ngựa như sắt thép, vó ngựa như có mắt chẳng vấp ngã bao giờ.

- Hình ảnh đó gợi cho em cảm nghĩ các chú ngựa như những người anh hùng với sức mạnh phi thường, không biết mệt mỏi đã góp phần không nhỏ vào việc giúp đỡ dân, quân ta bảo vệ đất nước.

Câu 3

3. Chi tiết nào cho thấy chú bộ đội và các bạn nhỏ vùng biên giới rất yêu quý ngựa biên phòng?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn thơ thứ 4 và 5 để trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Chi tiết cho thấy chú bộ đội và các bạn nhỏ vùng biên giới rất yêu quý ngựa biên phòng: 

- Chú bộ đội đi bên, tay vỗ về lưng ngựa.

- Chúng em trong bản nhỏ phơi thật nhiều cỏ thơm để mùa đông đem tặng ngựa biên phòng yêu thương...

Câu 4

4. Theo em, vì sao ngựa biên phòng được yêu quý như vậy? 

Phương pháp giải:

Em đọc bài thơ, suy nghĩ và trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Theo em, ngựa biên phòng được yêu quý như vậy vì các chú ngựa rất hiền hòa và giúp các chú bộ đội có thể làm nhiệm vụ tuần tra của mình một cách tốt nhất.

Câu 5

5. Bài thơ này có ý nghĩa gì? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.

A. Ca ngợi tình cảm và việc làm của các bạn nhỏ đối với ngựa biên phòng. 

B. Nhắc chúng ta không quên công lao của những chủ ngựa biên phòng.

C. Khuyên chúng ta biết ơn các chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài thơ, suy nghĩ và rút ra ý nghĩa. 

Lời giải chi tiết:

Bài thơ này có ý nghĩa: Nhắc chúng ta không quên công lao của những chủ ngựa biên phòng.

Chọn B.

Học thuộc lòng bài thơ.

Luyện tập

Câu 1:

1. Tìm trong bài các câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh.  

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài thơ, tìm các câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh và xếp vào nhóm phù hợp.

Chú ý: Dấu hiệu nhận biết biện phép so sánh:

- Trong câu văn hoặc lời nói có xuất hiện từ so sánh. Các từ so sánh thường gặp đó là: như, giống như, là, ví như...

- Dựa vào nội dung, ý nghĩa diễn đạt trong một câu. Nếu trong câu văn có đối tượng, so sánh nét tương đồng của hai sự vật, hiện tượng, đối tượng bất kì thì đó chính là biện pháp so sánh.

Lời giải chi tiết:

- So sánh đặc điểm của sự vật:

+ Chân ngựa như sắt thép 

+ Vó ngựa như có mắt 

- So sánh đặc điểm của hoạt động: 

+ Ngựa phi nhanh như bay 

+ Ngựa phăm phăm bốn vó 

Như băm xuống mặt đường

Câu 2

2. Viết 2 – 3 câu về chú ngựa biên phòng, trong đó có sử dụng biện pháp so sánh. 

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Chú ngựa biên phòng như người bạn tốt của các anh bộ đội. Chúng đã đồng hành cùng các anh trên hành trình đi làm nhiệm vụ. 

Câu có sử dụng biện pháp so sánh: Chú ngựa biên phòng như người bạn tốt của các anh bộ đội. 


Bình chọn:
4.8 trên 57 phiếu

>> Xem thêm

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí