Bài 14: Chân trời cuối phố trang 59 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống>
Nói về lần đầu tiên em được đến một nơi nào đó. Chia sẻ cảm xúc của em khi đó. Tìm thông tin về nhân vật cún trong câu chuyện theo gợi ý. Những chi tiết nào cho thấy cún rất tò mò muốn biết về dãy phố bên ngoài. Khi có dịp chạy hết dãy phố, những cảnh vật hiện ra trước mắt đã giúp cún nhận ra điều gì. Tìm những từ ngữ chỉ cảm xúc của cún và giải thích vì sao cún có những cảm xúc đó. Tìm từ ngữ có thể thay thế cho các từ mừng rỡ, yên ắng.
Khởi động
Nói về lần đầu tiên em được đến một nơi nào đó (lần đầu ra biển, lần đầu đến thư viện, lần đầu ra chợ cùng mẹ,...). Chia sẻ cảm xúc của em khi đó.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại lần đầu được đến một nơi nào đó và chia sẻ cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
Bài văn tham khảo:
Lần đầu em được đi biển là năm ngoái. Gia đình em đã đi biển Cửa Lò nhân dịp nghỉ hè. Nhìn thấy bãi biển từ xa, em đã thấy rất vui và hào hứng. Khi đến nơi, đặt chân lên bãi cát trắng trải dài, cảm giác mới thật tuyệt làm sao! Từng hạt cát len lỏi vào bàn chân như những cục bông mềm mại, êm ái. Chạy trên bãi cát mà em không dấu nổi sự phấn khích. Từng cơn sóng vỗ nhẹ vào bờ cát trắng mới. Nước biển thật mát. Đứng trước biển, em thấy thật thoải mái.
Nội dung bài đọc
Bài đọc nói về một chú cún sống trong một ngôi nhà nhỏ, chưa một lần đi hết dãy phố của mình. Chú rất tò mò. Một buổi sáng, chú có dịp chạy hết dãy phố, những cảnh vật hiện ra trước mắt đã giúp cún nhận ra bao nhiêu điều mới lạ mở òa ra trước mắt. |
Bài đọc
CHÂN TRỜI CUỐI PHỐ
Có chú cún sống trong ngôi nhà nhỏ. Từ cổng nhà, cún nhìn thấy dãy phố với những mái tôn cũ kĩ và con đường lầy lội mùa mưa. Từ đầu phố tới cuối phố chỉ vài trăm mét, nhưng cún chưa một lần đi hết dãy phố của mình. Đường vẫn còn lội, mà cún thì quá nhỏ. Mỗi lần chú định ra cổng là người lớn trong nhà lại nhắc: “Cún, vào nhà!".
Nằm cuộn tròn trên chiếc chổi rơm đầu hè, cún nghĩ: “Ở cuối dãy phố có gì nhỉ?". Đầu tiên vì tò mò. Rồi tò mò chuyển thành bực mình. Bực đến nỗi, đang nằm yên cún bỗng ngẩng cổ lên sủa:
- Ắng! Ắng!...
Người lớn tưởng có khách, nhìn ra sân. Sân vắng hoe. Chỉ có chiếc lá mít vừa rụng, quay quay trước mũi cún.
Một sáng trời đẹp, người nhà mở cổng cho cún ra ngoài. Cún mừng rỡ nhảy xuống sân rồi chạy vụt đi. Con đường trước nhà khô ráo sau trận gió đêm. Chú cứ thế phóng một mạch qua dãy phố yên ắng. Con đường dốc dần lên cao. Khi một cơn gió mát bất chợt ùa đến, cún dừng lại và ngẩng lên nhìn.
Bao nhiêu điều mới lạ mở oà ra trước mắt.
Cuối dãy phố của cún, bên trái là bắt đầu một dãy phố khác. Bên phải là bến sông với con đò đang trôi ra xa bờ. Trước mặt, dọc bờ sông bên kia: làng quê với những bãi bờ, cây cối, nhà cửa.
Cún đứng một mình trên đường, hết nhìn trước mặt lại ngó sang trái, sang phải.
Giờ thì cún hiểu. Phố tiếp phố. Làng tiếp làng. Bến sông này nối dài tới bến sông khác... Cuối con phố của cún là những chân trời mở ra vô tận. Những chân trời đang chờ cún lớn lên từng ngày.
(Theo Trần Đức Tiến)
Câu 1
1. Tìm thông tin về nhân vật cún trong câu chuyện theo gợi ý.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn 1 của bài đọc để tìm được thông tin về nhân vật cún trong câu chuyện.
Lời giải chi tiết:
- Tên: Cún
- Nơi ở: sống trong ngôi nhà nhỏ trong dãy phố với những mái tôn cũ kĩ và con đường lầy lội mùa mưa.
- Hình dáng: quá nhỏ
- Tính cách: tò mò, năng động, ham học hỏi
- Tiếng kêu: ắng! ắng...
Câu 2
2. Những chi tiết nào cho thấy cún rất tò mò muốn biết về dãy phố bên ngoài?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn 2 của bài đọc để tìm câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Những chi tiết cho thấy cún rất tò mò muốn biết về dãy phố bên ngoài là:
- Cún nghĩ: “Ở cuối dãy phố có gì nhỉ?”
- Bực đến nỗi, đang nằm yên cún bỗng ngẩng cổ lên sủa: Ắng! Ắng!...
Câu 3
3. Khi có dịp chạy hết dãy phố, những cảnh vật hiện ra trước mắt đã giúp cún nhận ra điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối của bài đọc để tìm câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Khi có dịp chạy hết dãy phố, những cảnh vật hiện ra trước mắt đã giúp cún nhận ra bao nhiêu điều mới lạ mở òa ra trước mắt. Phố tiếp phố. Làng tiếp làng. Bến sông này nối dài tới bến sống khác,... cuối con phố của cún là những chân trời mở ra vô tận.
Câu 4
4. Tìm những từ ngữ chỉ cảm xúc của cún và giải thích vì sao cún có những cảm xúc đó.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc để tìm được những từ ngữ chỉ cảm xúc của cún và giải thích vì sao cún có những cảm xúc đó.
Lời giải chi tiết:
- Những từ ngữ chỉ cảm xúc của cún là: tò mò, bực mình, mừng rỡ
- Cún có những cảm xúc như vậy là do cún tò mò về cuộc sống không chỉ ở cuối phố mà còn ở nhiều nơi khác. Cún vui mừng khi được khám phá chân trời mới.
Câu 5
5. Hãy tưởng tượng em cùng cún đi trên dãy phố trong bài đọc, em sẽ thấy những gì?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc và tưởng tượng cùng cún đi trên dãy phố trong bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Nhìn: Con đường trước nhà khô ráo sau trận gió đêm. Con đường dốc dần lên cao.
- Nghe: Tiếng gió thổi mát rượi bất chợt ùa đến.
- Ngửi: Mùi bùn khô từ những bến sông với con đò đang trôi xa bờ, từ dọc bờ sông bên kia thổi vào.
- Cảm xúc: em cảm thấy vui vẻ như chú cún bởi vì đã được cùng cún khám phá và hiểu ra những chân trời mới.
Luyện tập
1. Tìm các câu văn có sử dụng dấu hai chấm trong bài đọc và cho biết công dụng của các dấu hai chấm đó.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc để tìm ra các câu văn có sử dụng dấu hai chấm và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Các câu văn có sử dụng dấu hai chấm |
Công dụng của các dấu hai chấm |
Mỗi lần chú định ra cổng là người lớn trong nhà lại nhắc: “Cún, vào nhà!". |
báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời dẫn của một nhân vật (kết hợp cùng dấu ngoặc kép) |
Nằm cuộn tròn trên chiếc chổi rơm đầu hè, cún nghĩ: “Ở cuối dãy phố có gì nhỉ?". |
báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời dẫn của một nhân vật (kết hợp cùng dấu ngoặc kép) |
Rồi tò mò chuyển thành bực mình. Bực đến nỗi, đang nằm yên cún bỗng ngẩng cổ lên sủa: - Ắng! Ắng!... |
dùng để đánh dấu (báo trước) lời dẫn trực tiếp, lời đối thoại của nhân vật (kết hợp cùng dấu gạch ngang) |
Trước mặt, dọc bờ sông bên kia: làng quê với những bãi bờ, cây cối, nhà cửa. |
Báo hiệu nội dung sau dấu hai chấm mang tính chất liệt kê, giải thích các sự vật, sự việc |
Câu 2
2. Tìm từ ngữ có thể thay thế cho các từ mừng rỡ, yên ắng.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Tìm từ ngữ có thể thay thế cho các từ mừng rỡ, yên ắng là: vui mừng, vắng lặng.
- Bài 14: Lập dàn ý cho bài văn kể lại một câu chuyện trang 61 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài 14: Việc làm có ích trang 62 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài 13: Luyện viết mở bài, kết bài cho bài văn kể lại một câu chuyện trang 57 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài 13: Luyện tập về động từ trang 57 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài 13: Con vẹt xanh trang 55 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài: Đánh giá cuối năm học - Tiết 6, 7 trang 139 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Ôn tập cuối năm học - Tiết 5 trang 138 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Ôn tập cuối năm học - Tiết 3, 4 trang 136 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Ôn tập cuối năm học - Tiết 1, 2 trang 134 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài 30: Cuộc sống xanh trang 133 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Đánh giá cuối năm học - Tiết 6, 7 trang 139 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Ôn tập cuối năm học - Tiết 5 trang 138 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Ôn tập cuối năm học - Tiết 3, 4 trang 136 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài: Ôn tập cuối năm học - Tiết 1, 2 trang 134 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Bài 30: Cuộc sống xanh trang 133 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống