Văn bản Ba chàng sinh viên (A-thơ Cô-nan Đoi-lơ)>
(Lược một đoạn: Vào năm 1895, tại căn nhà trọ ở một thành phố của Anh, Sơ-lốc Hôm (Sherlock Holmes) và người bạn Oát-xơn (Watson) đã nghe ông Hin-tơn Xôm (Hilton Soames) – giảng viên của trường Đại học Xanh Lúc (St. Luke)
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
BA CHÀNG SINH VIÊN
Cô-nan Đoi-lơ
(Lược một đoạn: Vào năm 1895, tại căn nhà trọ ở một thành phố của Anh, Sơ-lốc Hôm (Sherlock Holmes) và người bạn Oát-xơn (Watson) đã nghe ông Hin-tơn Xôm (Hilton Soames) – giảng viên của trường Đại học Xanh Lúc (St. Luke) – kể lại câu chuyện xảy ra ở trường mình. Theo lời ông, ngày mai, cuộc thi để học bổng sẽ được tổ chức. Đề thi môn tiếng Hy Lạp yêu cầu dịch một bài khá dài, hoàn toàn mới đối với thí sinh. Vì học bỗng có giá trị cao nên nếu thí sinh nào biết trước đề sẽ có lợi thế lớn. Do đó, thầy Xôm và các đồng nghiệp đã giữ đề thi cẩn thận. Khoảng 3 giờ chiều nay, bản in thử được gửi đến. Thầy Xôm phải soát lại để đảm bảo đề bài tuyệt đối chính xác. Tới 4 giờ 30 phút, thầy vẫn chưa đọc xong. Vì phải đi dùng trà cùng một người bạn như đã hứa, thầy để bản in thử trên bàn và vắng mặt khoảng một tiếng đồng hồ. Khi trở về, thầy kinh ngạc vì thấy chìa khoá đang cắm vào ổ khoá cửa phòng do người hầu Ben-ni-xtơ (Bannister) quên rút. Trước khi đi, thầy để ba trang đề thi ở cùng một chỗ, nhưng lúc này, thầy thấy một trang nằm trên sàn, một trang trên cái bàn kê sát cửa sổ, còn một trang vẫn ở vị trí cũ. Trên mặt bàn có vài mảnh vỏ bút chì, một đầu chì gãy, vết rách dài độ 3 inch và một mẫu bột đen nhỏ, lấm tấm như mùn cưa. Thầy Xôm cho biết thêm, có một sinh viên tên là Đao-lát Rát (Daulat Ras) đã vào phòng hỏi về cuộc thi, lúc ấy bản in thử đã được mang đến nhưng vẫn còn cuộn lại. Sơ-lốc Hôm được mời tới phòng thầy Xôm để xem xét. Phòng làm việc của thầy có một cửa sổ gắn lưới sắt nhìn ra khoảng sân rêu phong của ngôi trường cổ kính. Sơ-lốc Hôm cho rằng có người đã chép được nửa tờ thứ hai thì thấy thầy Xôm về nên vội rút lui, không kịp để đề thi về chỗ cũ. Hắn đã viết mạnh đến mức làm gãy ngòi chì, phải vót lại. Vị thám tử cũng phát hiện trong phòng ngủ của thầy Xôm có mẩu nhỏ màu đen dạng hình chóp, giống hệt mẫu trên bàn ngoài phòng làm việc. Sơ-lốc Hôm phỏng đoán kẻ chép trộm đề thi đã trốn vào phòng ngủ trong suốt thời gian thầy Xôm nói chuyện với Ben-ni-xtơ ở phòng làm việc. Theo lời thầy Xôm, có ba sinh viên ở trong nhà này và thường đi qua cửa phòng làm việc của thầy. Phòng của thầy Xôm ở tầng một. Ghi-crít (Gilchrist) - một sinh viên chăm chỉ và là vận động viên giỏi - sống ở tầng hai. Cậu ta tử tế. Cha cậu là một quý tộc nhưng bị phá sản và đã qua đời. Đao-lát Rát sống ở tầng ba. Cậu học tốt, nhưng môn tiếng Hy Lạp yếu. Sống ở tầng trên cùng là Mai Mắc Le-rờn (Miles Mc Laren). Cậu ta được xem là sáng dạ nhất trường, nhưng lại lười học, ương ngạnh, ăn chơi và vô kỉ luật. Cậu ta suýt bị đuổi học ngay trong năm thứ nhất vì dính vào một vụ bài bạc. Cả học kì này, cậu ta toàn rong chơi. Thầy Xôm cho rằng trong ba sinh viên, Mắc Le-rờn là người đáng nghi ngờ nhất. Hôm đã hỏi ông Ben-ni-xtơ việc ông quên rút chìa khóa vào đúng ngày có đề thi trong phòng, lí do ông ngồi lên cái ghế gần cửa phòng khi thấy choáng váng mà không phải cái ghế khác. Sau đó Sơ-lốc Hôm muốn xem qua phòng của ba sinh viên.)
- Tôi muốn ngó qua từng người một - Hôm nói. - Vậy có được không nhỉ?
- Dễ thôi - Xôm trả lời. - Dãy phòng này thuộc loại cổ nhất trong trường, vì vậy chuyện có khách tới tham quan cũng không hề lạ. Mời các ông đi theo tôi, tôi sẽ dẫn đường.
- Ông nhớ đừng gọi tên chúng tôi đấy nhé! - Hôm nói khi chúng tôi gõ cửa phòng Ghi-crít.
Một thanh niên cao gầy, tóc hoe vàng ra mở cửa rồi niềm nở mời chúng tôi vào khi biết mục đích chuyến viếng thăm. Phòng vẫn còn lại vài bức phù điêu đẹp đẽ thời Trung cổ. Hôm mê mẫn một bức đến độ đòi vẽ nó vào cuốn sổ tay cho kì được. Anh làm gãy bút chì nên đành hỏi mượn một cái của chủ nhân căn phòng, rồi sau đó mượn thêm dao để chuốt. Vận xui kì lạ đó tiếp tục bám theo anh tại phòng cậu người Ấn. Đó là một gã trầm lặng, nhỏ thó, mũi khoằm, cứ gườm gườm nhìn chúng tôi suốt và mừng ra mặt khi Hôm nghiên cứu xong mấy bức phù điêu. Tuy nhiên tại cả hai phòng, tôi đều không thấy Hôm bắt được manh mối cần tìm. Đến phòng thứ ba, mánh của Hôm thất bại từ trong trứng nước. Chúng tôi gõ cửa nhưng chủ nhân căn phòng không chịu mở, đã thế còn tặng chúng tôi một tràng chửi rủa.
- Tôi cóc cần biết mấy người là ai. Mấy người đi phứt cho nhờ! - Giọng giận dữ gầm lên. - Tôi bận ôn thi, các người nghe rõ chưa?
- Một gã thô lỗ. - Người dẫn đường của chúng tôi nói, đỏ mặt giận dữ khi chúng tôi xuống nhà. Tất nhiên cậu ta không biết tôi là người gõ cửa. Nhưng kể cả vậy thì cậu ta cũng quả là bất lịch sự và lối cư xử đó thật đáng ngờ trong hoàn cảnh này.
Phản ứng của Hôm khá kì lạ.
- Ông có thể cho tôi biết chiều cao chính xác của cậu này không? - Anh hỏi.
- Ông Hôm, tôi quả thật không biết chắc. Cậu ta cao hơn cậu người Ấn nhưng thấp hơn Ghi-crít. Chắc tầm năm foot sáu.
- Chuyện đó rất quan trọng - Hôm nói. - Còn giờ xin chúc thầy Xôm ngủ ngon.
Người dẫn đường của chúng tôi kêu lên tỏ ý kinh ngạc và thất vọng.
- Ôi, ông Hôm, ông không định bỏ tôi đường đột thế này chứ? Hình như ông chưa nhận ra tình thế. Mai là thi rồi. Tối nay tôi buộc phải đưa ra quyết định dứt khoát. Tôi không thể để kì thi diễn ra khi đề thi bị lộ. Tôi phải làm gì đó.
- Ông cứ để nguyên vậy đi. Sớm mai tôi sẽ ghé rồi bàn về việc này, có thể lúc đó tôi đã nắm được những tình tiết mới giúp ông thoát khỏi tình cảnh này. Còn từ giờ tới đó, ông đừng thay đổi gì cả.
- Đành vậy.
- Ông yên tâm. Nhất định chúng tôi sẽ tìm được cách giúp ông thoát khỏi rắc rối. Tôi sẽ đem hai mẫu đất đen và mảnh vỏ bút chì về. Xin chào ông!
Bước ra khoảng sân tối om, chúng tôi ngước nhìn ngôi nhà một lần nữa. Cậu người Ấn vẫn đi tới đi lui trong phòng, nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng hai người kia đâu.
- Oát-xơn này, anh nghĩ sao? - Hôm hỏi khi chúng tôi tiến ra đường lớn. - Tôi thấy chúng ta như đang chơi trò loại trừ vậy. Anh có ba người. Thủ phạm phải là một trong số họ. Anh chọn đi. Anh chọn ai nào?
- Gã ăn nói lỗ mãng ở tầng trên cùng. Hắn là kẻ “có tiếng” nhất. Nhưng gã người Ấn có vẻ ranh ma. Và sao cậu ta cứ đi lại trong phòng suốt vậy?
- Cũng không có gì đâu. Nhiều người thường làm vậy khi học thuộc lòng.
- Cách cậu ta nhìn chúng ta rất đáng ngờ.
- Anh cũng sẽ như vậy nếu bị một toán người lạ làm phiền trong khi ngày mai anh có một kì thi quan trọng và mọi phút chuẩn bị đều đáng quý. Không, những chi tiết đó cùng với bút chì và dao, tất thảy đều thoả đáng. Nhưng gã đó lại khiến tôi rối trí.
- Ai?
- Gã người hầu Ben-ni-xtơ chứ ai! Ông ta đang toan tính gì đây?
- Tôi thấy ông ta là người trung hậu.
- Tôi cũng thấy vậy. Đó chính là chỗ khó hiểu. Sao một con người trung hậu như vậy lại ... A, có một tiệm văn phòng phẩm lớn này. Ta sẽ bắt đầu tìm hiểu từ đây.
(Lược một đoạn: Sơ-lốc Hôm vào các tiệm bán văn phòng phẩm trong thành phố để tìm cái bút có vỏ giống mảnh vỏ bút chì ở hiện trường nhưng không tìm được. 8 giờ sáng hôm sau, Sơ-lốc Hôm giục Oát-xơn đi Xanh Lúc vì thám tử đã giải được bí mật vụ án. Hôm nói rằng mình đã dậy từ 6 giờ sáng, đi bộ suốt hai giờ và mang về một mẫu đất sét hình chóp màu đen. Mẫu đất thứ ba được lấy chính từ nơi có hai mẫu đầu tiên.)
Khi chúng tôi tới nơi, ông thầy khốn khổ đang đứng ngồi không yên. Chỉ vài giờ nữa là kì thi bắt đầu, ấy vậy mà ông ta chưa biết nên công bố sự việc hay mặc thây cho kẻ gian trá tranh học bổng đáng giá. Đầu óc căng như dây đàn khiến ông ta không ngồi yên nổi, vậy nên vừa thấy Hôm, ông ta đã chạy ào ra và dang tay đón mừng.
- Ơn trời ông đến rồi! Tôi chỉ sợ ông cũng bó tay. Tôi phải làm gì đây? Kì thi có tiếp tục không?
- Có. Bất luận thế nào cũng phải để nó diễn ra.
- Nhưng còn tên vô lại kia?
- Hắn sẽ không thi.
- Ông biết hắn là ai rồi sao?
- Tôi nghĩ vậy. Vì chuyện này phải được giữ kín nên chúng ta sẽ tự lập ra một toà án nho nhỏ vậy. Thầy Xôm, mời thầy ngồi đằng kia! Oát-xơn, anh ngồi đây! Tôi sẽ ngồi ở ghế bành chính giữa. Chúng ta đã đủ oai nghiêm để làm thủ phạm phải hoảng hốt rồi đấy. Xin thầy vui lòng rung chuông! Ben-ni-xtơ vào, ông ta suýt té ngửa vì ngạc nhiên và hốt hoảng trước phong thái pháp đình của chúng tôi. [ ... ]
- Giờ thì Ben-ni-xtơ, ông vui lòng khai thật cho chúng tôi biết sự việc hôm qua chứ?
Ông này tái mét tới tận chân tóc.
- Thưa ông, tôi đã thưa cả rồi.
- Không còn gì để kể thêm sao?
- Không, thưa ông.
- Nếu vậy, tôi đành gợi ý cho ông vài điều. Hôm qua khi ngồi xuống chiếc ghế đó, phải chăng ông có chủ đích che giấu một vật có thể tiết lộ danh tính kẻ đột nhập?
Ben-ni-xtơ tái mặt.
- Không, thưa ông. Không hề.
- Chỉ là gợi ý thôi mà - Hôm khéo léo nói. - Thú thật là tôi không thể chứng minh điều đó. Nhưng chuyện đó xem ra rất có thể, vì thầy Xôm vừa rời nhà là ông liền thả kẻ nấp trong phòng ngủ đi mất. Ben-ni-xtơ liếm đôi môi khô nẻ.
- Tôi không thả ai, thưa ông. [ ... ]
- Vậy là ông không thể cho chúng tôi thêm thông tin rồi. Ông vui lòng ở lại trong phòng nhé! Mời ông đứng gần cửa phòng ngủ. Thầy Xôm, thầy vui lòng lên phòng cậu Ghi-crít và bảo cậu ta xuống đây.
Một loáng sau, ông thầy đã trở lại và dẫn theo chàng sinh viên nọ. Cậu ta có dáng dấp đẹp đẽ, cao ráo, uyển chuyển và nhanh nhẹn, bước đi thoăn thoắt và gương mặt cởi mở, dễ gần. Đôi mắt xanh tràn ngập lo âu nhìn từng người trong chúng tôi, rồi cuối cùng bàng hoàng dừng lại ở Ben-ni-xtơ đang đứng trong góc đằng xa.
- Đóng cửa lại đã - Hôm nói. - Này cậu Ghi-crít, ở đây chỉ có chúng ta và không ai ngoài kia biết gì về chuyện này. Chúng ta hoàn toàn có thể thẳng thắn nói chuyện với nhau. Cậu Ghi-crít, chúng tôi muốn biết làm sao mà một con người trọng danh dự như cậu lại làm cái chuyện như hôm qua chứ.
Chàng trai khốn khổ loạng choạng bước lui và ném về Ben-ni-xtơ một cái nhìn hoảng sợ pha lẫn trách móc.
- Không, không phải tôi đâu, thưa cậu Ghi-crít. Tôi không hề nói một lời nào - không hé răng một lời nào hết! - Ông người hầu kêu lên.
- Phải, nhưng ông vừa nói đấy thôi - Hôm cất tiếng. - Còn cậu, hẳn cậu thấy rằng sau lời nói vừa rồi của Ben-ni-xtơ, cậu đã rơi vào tình thế vô vọng và cậu chỉ còn một cơ may duy nhất nếu thành khẩn khai thật.
Ghi-crít giơ một bàn tay lên và cố kìm nén vẻ uất ức hiện lên gương mặt trong chốc lát. Sau đó, cậu ta quỳ thụp xuống cạnh bàn, hai tay ôm mặt và bật khóc.
- Nào, nào - Hôm nhẹ nhàng nói. - Đời chẳng có ai là không phạm sai lầm và ít ra không ai có thể quy kết rằng cậu đã phạm tội ác tày trời. Có lẽ sẽ dễ hơn cho cậu nếu tôi kể lại sự vụ và nếu tôi sai ở chỗ nào thì cậu cứ đính chính. Vậy được chứ? Thôi, cậu không cần trả lời đâu. Hãy nghe và cậu sẽ thấy tôi không hề nói oan cho cậu.
Thầy Xôm, từ lúc thầy nói rằng không có ai, kể cả Ben-ni-xtơ, biết đề thi ở trong phòng thầy, vụ này đã bắt đầu tựu hình rõ rệt trong đầu tôi. Chúng ta có thể gạt thợ in ra khỏi diện nghi vấn. Nếu muốn, anh ta có thể chép lại đề thi ngay trong nhà mình. Tôi cũng không nghi ngờ cậu người Ấn, vì bản in thử được cuộn lại nên cậu ta không thể biết đó là gì. Mặt khác, tôi không tin có người tình cờ bước vào và vô tình thấy đề thi. Người vào phải biết đề thi có ở đó. Nhưng làm sao hắn ta biết?
Trước khi vào nhà, tôi có kiểm tra cửa sổ phòng làm việc của thầy. [ ... ] Lúc ấy, tôi đang ước lượng xem người này phải cao chừng nào mới có thể thấy giấy tờ để trên bàn giữa phòng là gì khi đi ngang qua. Tôi cao sáu foot, ấy vậy mà cũng phải cố lắm tôi mới nhìn ra được.
Vậy nên kẻ kia phải cao tầm tôi hoặc hơn. Giờ hẳn thầy đã rõ vì sao trong ba cậu sinh viên, tôi lại nghi ngờ cậu Ghi-crít nhất. Tôi vào nhà và nói cho thầy nghe các suy đoán của tôi về cái bàn kê gần cửa sổ. Tôi không rút ra kết luận gì về cái bàn giữa phòng cho đến khi thầy nói Ghi-crít là vận động viên nhảy xa. Bấy giờ, toàn bộ sự việc ngay tức khắc hiện lên trong đầu tôi và việc tôi cần làm chỉ còn là tìm ra vài bằng chứng chứng thực. Chẳng mấy chốc tôi đã có được chúng.
Chuyện xảy ra như thế này: Cả buổi chiều chàng trai kia ở ngoài sân vận động để luyện nhảy xa. Cậu ta đi đôi giày nhảy về, mà như thầy biết đấy, đây là loại giày đinh. Lúc đi ngang cửa sổ phòng thầy, nhờ lợi thế chiều cao nên cậu ta thấy mấy bản in thử trên bàn và đoán ra chúng là gì. Chuyện xấu đã chẳng xảy ra nếu khi đi qua cửa phòng thầy, cậu ta không thấy cái chìa khoá người hầu sơ suất để quên. Cậu ta bị thôi thúc phải vào xem cái cậu ta thấy có phải đề thi ngày mai không. Hành động đó không hề mạo hiểm vì nếu bị bắt gặp, cậu ta có thể nói mình có chuyện cần hỏi thầy.
Khi thấy đó đúng là đề thi, cậu ta đã đầu hàng sự cám dỗ. Cậu ta đặt giày lên bàn. Cậu để gì bên ghế gần cửa sổ vậy?
- Đôi găng tay - chàng trai nói.
Hôm đắc thắng nhìn Ben-ni-xtơ.
- Cậu ta để găng tay trên ghế rồi lấy từng tờ đề thi để chép lại. Cậu ta tưởng thầy sẽ về qua cửa chính nên ngồi bên bàn cạnh cửa sổ để trông chừng. Như chúng ta đã biết, thầy vào bằng cửa hông. Cậu ta rất bất ngờ khi nghe tiếng thầy mở cửa ngoài. Cậu ta không còn đường thoát. Cậu ta chộp lấy đôi giày và chạy ào vào phòng ngủ nhưng để quên đôi găng tay. Thầy quan sát thấy rằng vết rách khá nông ở một bên, nhưng lại hằn rõ theo hướng của phòng ngủ. Chỉ riêng điều ấy cũng đủ cho ta thấy chiếc giày bị kéo về hướng đó và thủ phạm trốn trong phòng ngủ. Đất bám quanh một đinh giày vương lên bàn và mẩu đất thứ hai rã ra, rơi xuống sàn phòng ngủ. Xin được nói thêm, sáng nay tôi đã ra sân vận động, thấy rằng loại đất sét đen cứng này được đổ trong hố nhảy cùng một ít vỏ cây mịn hay mùn cưa rải lên trên để vận động viên không bị trượt ngã. Tôi nói đúng chứ, cậu Ghi-crít?
Anh sinh viên đứng thẳng dậy.
- Vâng, ông nói đúng - cậu ta nói.
- Chao ôi, cậu không còn gì để nói nữa ư? - Thầy Xôm kêu lên.
- Có, thưa thầy, tôi còn có điều muốn nói, nhưng nỗi kinh hoàng bị vạch trần nhục nhã này làm tôi rối trí. Thầy Xôm, hồi sớm nay sau một đêm thao thức, tôi đã viết một lá thư gửi thầy. Tôi viết trước khi biết tội lỗi của mình bị vạch trần. Nó đây ạ. Trong thư tôi có viết: Tôi quyết định không dự thi. Tôi được nhận vào làm ở Sở Cảnh sát Rốt-đơ (Rhodes) nên sẽ đi Nam Phi ngay.
- Tôi thật lòng rất vui khi biết cậu không định lợi dụng sơ sót của tôi. - Thầy Xôm nói. - Nhưng sao cậu lại đổi ý?
Ghi-crít chỉ Ben-ni-xto.
- Chính người này đã đưa tôi vào đường ngay. - Cậu ta nói.
- Giờ nói đi, Ben-ni-xtơ. - Hôm nói. - Sau điều tôi vừa giải thích, hẳn ông đã thấy rõ chỉ có ông mới có thể cho chàng trai này ra khỏi phòng, vì sau lúc thầy Xôm đi, chỉ còn lại mình ông trong phòng và ông hằn đã khoá cửa khi ra. Tôi không tin cậu ta thoát ra ngoài qua đường cửa sổ phòng ngủ. Ông có thể làm sáng tỏ điểm cuối cùng trong bí ẩn này và cho chúng tôi biết lí do ông hành động như vậy chứ?
- Nếu ông biết về tôi, ông sẽ thấy lí do rất đơn giản, nhưng tuy thông minh là thế ông không thể biết chuyện. Thưa ông, khi xưa tôi làm quản gia cho ông Gia-bớt Ghi-crít (Jabez Gilchrist), cha của cậu đây. Khi ông ấy khánh kiệt thì tôi đến trường làm, nhưng tôi không bao giờ quên ông chủ quá cố. Tôi chăm lo cho con trai ông ấy để trả ơn. Vâng thưa ông, hôm qua khi thầy Xôm gọi tôi vào phòng, cái tôi thấy trước tiên là đôi găng tay màu nâu của cậu Ghi-crít trên cái ghế đó. Tôi biết rõ đôi găng nên hiểu ra ngay. Nếu thầy Xôm thấy chúng, tất cả sẽ hỏng bét. Tôi vội ngồi xuống ghế đó và không nhúc nhích cho đến khi thầy Xôm chạy đi tìm ông. Sau đó cậu chủ tội nghiệp, người từng ngồi trong lòng tôi, bước ra và thú nhận tất cả. Thưa ông, lẽ tự nhiên tôi phải cứu cậu ấy chứ? Và cũng là lẽ tự nhiên tôi phải nói phải trái với cậu Ghi-crít như người cha quá cố của cậu ấy, để cậu ấy hiểu mình không thể trục lợi bằng cách đó, đúng không? Ông có chê trách tôi không, thưa ông Hôm? - Đúng, tôi không thể chê trách ông. - Hôm nói rất thành thực và đứng dậy. - Thầy Xôm, tôi nghĩ chúng tôi đã làm sáng tỏ vấn đề nho nhỏ của ông và bữa điểm tâm đang chờ chúng tôi ở nhà. Đi nào, Oát-xơn! Còn về phần cậu, tôi mong một tiền đồ xán lạn đang chờ cậu ở Rốt-đơ. Cậu đã vấp ngã một lần và tôi mong cậu có thể vươn cao trong tương lai.
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) bài 5 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức
- Văn bản Tình sông núi (Trần Mai Ninh)
- Văn bản Văn hóa hoa - cây cảnh (Trần Quốc Vượng)
- Văn bản Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)
- Văn bản Bài ca chúc Tết thanh niên (Phan Bội Châu)
- Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) bài 5 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức
- Văn bản Tình sông núi (Trần Mai Ninh)
- Văn bản Văn hóa hoa - cây cảnh (Trần Quốc Vượng)
- Văn bản Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)
- Văn bản Bài ca chúc Tết thanh niên (Phan Bội Châu)