Văn bản Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)>
Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, Yên Tử cao 1 068 m, vút lên chon von tựa một vọng gác
Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
YÊN TỬ, NÚI THIÊNG
- Thi Sảnh -
Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, Yên Tử cao 1 068 m, vút lên chon von tựa một vọng gác. Từ xưa cảnh núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là một nơi ngoạn mục. Các triều đại phong kiến ở nước ta đều liệt Yên Tử vào loại “danh sơn” (núi đẹp). Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời và đi liền với nó, hệ thống chùa tháp uy nghi mọc lên chi chít, thì Yên Tử càng thêm quyến rũ du khách bốn phương.
Yên Tử ngày nay thuộc thành phố Uông Bí, cách trung tâm thành phố 14 km về phía tây bắc. Từ Hòn Gai, ngược trục đường 18A 40km, ta sẽ đến Uông Bí. Tại đây ta nghỉ ngơi chốc lát, chuẩn bị thêm lương thực, thực phẩm cho chuyến hành hương tới “Núi vua hóa Phật” và ngắm cảnh vật thành phố.
Từ cổng nhà máy điện Uông Bí, ta theo đường vào mỏ Vàng Danh đến Lán Tháp, đến đây ta rẽ phía tây theo con đường qua xã Thượng Yên Công và đi tiếp 4 km nữa thì đến Yên Tử. Đoạn đường từ Lán Tháp vào Yên Tử dài 9 km, đi giữa lòng thung lũng dài và hẹp, giới hạn bởi dãy núi Cánh Gà ở phía nam, Bảo Đài ở phía bắc, thoạt trông như những thành quách cổ xưa. Những khu vườn xum xuê cây ăn quả: vải, nhãn, mận, đào, mùa nào thức ấy, những mảnh ruộng mía thân tím thẳng tắp, nối tiếp hai bên đường. Suối Giải Oan trong veo, chảy ngoằn ngoèo trong thung lũng, trên nền đá cuội và sỏi trắng, cắt con đường từ Lán Tháp vào Yên Tử 9 đoạn, khiến du khách ngỡ là 9 con suối khác nhau. Hai bên bờ suối, hoa dành và hoa bướm vàng rộm. Đây đó có những khóm hoa hải đường chen với hoa thuỷ tiên đang nở bung những cánh mỏng phớt tím.
Vào mùa xuân, sau Tết âm lịch, khi tiết trời dịu mát, rừng Yên Tử nở lộc đơm hoa. Khách thập phương rộn ràng đổ về Yên Tử trẩy hội. Khách tham quan thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều nghề nghiệp, kể cả trong nước và ngoài nước, hăm hở, nhằm đỉnh núi mờ sương bước vội, mong chóng đến nơi mà mình mơ ước.
Tên xa xưa của Yên Tử là Núi Voi, bởi dáng núi giống hình con voi quay đầu về phía biển. Trong sử sách, Yên Tử còn có tên là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng), bởi quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trắng. Từ xưa, nhiều tín đồ đạo Phật ở nước ta đã say đắm cảnh vật Yên Tử “Lối đi có trúc, khe suối có hoa” (thơ Phạm Sư Mạnh), cũng là nơi thâm nghiêm, u tịch. Họ đã đến dựng chùa mái tranh vách nứa dưới chân núi Yên Tử, ngày ngày cầu kinh niệm Phật. Theo Hải Dương phong vật chí, từ xưa Yên Tử đã nổi danh là “Phúc địa thứ tư của Giao Châu”, là ngọn núi thiêng, chốn tu hành tuyệt đỉnh của những người mộ đạo như dân gian truyền tụng:
Nào ai quyết chí tu hành
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Theo một số thư tịch cổ, vào đầu Công nguyên, một người Trung Quốc tên là An Kỳ Sinh đã lặn lội tới Yên Tử tu tiên và luyện đan để tìm thuốc trường sinh bất tử. An Kỳ Sinh là bạn thân của Khoái Thông, người từng bày mưu tính kế cho Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Đến Yên Tử, An Kỳ Sinh ở hẳn trong núi, vừa tu đạo, vừa luyện thuốc. Ông lập ra Am Dược, Am Hoa, Am Thung. Thuốc trường sinh chắc chắn ông không tìm thấy nhưng tục truyền, khi mất, ông đã hóa thân vào núi. Khối đá có hình người trên đỉnh Yên Tử được người đời sau gọi là tượng An Kỳ Sinh. […]
Đạo Phật phát triển cực thịnh trong thời Lý. Ngôi chùa sớm nhất dựng trong thời kì này ở Yên Tử là chùa Phù Vân. Theo sách Thiền uyền tập anh, Thông Thiền cư sĩ, đệ tử của Thường Chiếu thuộc thế hệ 13 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã tu hành ở chùa này vào cuối thời Lý. Ông mất ở đây năm 1228. Đến thời Trần, vị cao tăng trụ trì ở Yên Tử có uy tín lớn thời bấy giờ, được Trần Thái Tông khi lên ngôi vua, phong tặng là Phù Vân quốc sư.
Năm Bính Thân (tức năm 1236), ngày 3 tháng 4, vào lúc 10 giờ đêm, mang nỗi u uất trong lòng không giãi bày được cùng ai, vua Trần Thái Tông đã vượt thành, trốn khỏi Thăng Long, ruổi ngựa theo hướng núi Yên Tử. Đến 2 giờ chiều ngày 5 tháng 4, Thái Tông đến chân núi. Sáng ngày 6, ông trèo lên núi, gặp nhà sư Phù Vân, một người bạn cũ, để đưa một lời thỉnh cầu. [...] Nhà sư Phù Vân trả lời: “Núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết, ấy là chân Phật. Nay bệ hạ giác ngộ được cái tâm ấy, thì lập tức thành Phật. Không phải khốn khổ đi tìm ở bên ngoài”.
Câu trả lời của Phù Vân quốc sư thể hiện một quan điểm mới về Thiền. Chính Thái Tông khi nhắc lại câu nói của Phù Vân quốc sư, đã gọi ông là Trúc Lâm đạo sĩ. Phải chăng người đặt nền móng cho phái Thiền Trúc Lâm, một Thiền phái Phật giáo đặc trưng Việt Nam […], mà sau này Trần Nhân Tông là ông tổ thứ nhất, chính là Phù Vân quốc sư?
Nhưng Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành. Từ đó, cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục hòa quyện với chùa, am, tháp cổ kính của Yên Tử, vừa như chốn thần tiên, vừa lại gần gũi, gắn bó với con người. […]
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) bài 5 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức
- Văn bản Tình sông núi (Trần Mai Ninh)
- Văn bản Văn hóa hoa - cây cảnh (Trần Quốc Vượng)
- Văn bản Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)
- Văn bản Bài ca chúc Tết thanh niên (Phan Bội Châu)
- Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) bài 5 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức
- Văn bản Tình sông núi (Trần Mai Ninh)
- Văn bản Văn hóa hoa - cây cảnh (Trần Quốc Vượng)
- Văn bản Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)
- Văn bản Bài ca chúc Tết thanh niên (Phan Bội Châu)