Giới thiệu về tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng>
Tác phẩm ra đời năm 1960. Đây là khoảng thời gian mà nước ta đang gồng mình kháng chiến chống lại giặc Mỹ
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Bài mẫu 1
Tác phẩm ra đời năm 1960. Đây là khoảng thời gian mà nước ta đang gồng mình kháng chiến chống lại giặc Mỹ. Truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” là một trong ba tác phẩm cuối cùng của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng.
Tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” được ông viết vào phút cuối của cuộc đời, khi ông phải gian nan chống lại bệnh tật của mình.
Những ngày tháng 2 năm 1960, ông luôn vừa phải kiên cường chống chọi với bệnh tật, vừa phải gắng gượng bản thân mình để tạo ra những trang giấy chứa đầy sự trau chuốt, tỉ mỉ đối với tác phẩm. Đến tháng 3, ông ghi nhật kí: “Viết xong Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Mặc dù bản thảo đã hoàn thành nhưng nhà văn vẫn không hài lòng, với mong muốn “đứa con’’của mình được hoàn hảo, Nguyễn Huy Tưởng đã quyết định viết lại lần thứ hai. Giữa hai lần viết và ghi nhật kí, chỉ khác nhau đúng một chữ “hoàn toàn” ở lần nhật kí thứ hai. Dù chỉ có bấy nhiêu đó nhưng đối với nhà văn chứa đầy nhiệt huyết với tác phẩm của mình thì đó là cả một quá trình chiến đấu vượt lên bệnh tật để hoàn thành tâm nguyện. Sau khi hoàn thành truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” chưa đầy nửa tháng, Nguyễn Huy Tưởng đã nhập viện. Thật đáng tiếc khi tác giả chưa được chứng kiến đứa con tinh thần mà mình đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết ra đời, dù nhà xuất bản đã hết sức khẩn trương nhanh chóng in cuốn sách. Tuy nhiên, ông đã có một niềm vui to lớn không gì thay thế được, đó là những khoảng thời gian trên giường bệnh, ông đã được xem bản in thử và đã kịp thời sửa thêm lần cuối cùng đôi ba chữ cho được như ý trước khi từ giã cuộc đời.
Tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” ra đời nhằm giáo dục nhân cách, nâng cao hiểu biết của trẻ em về lịch sử nước nhà, khơi dậy lòng yêu nước cho các em.
Tác phẩm là kết quả của biết bao chiêm nghiệm về đời Trần, một thời đại mà Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt sùng kính, được lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử diễn ra ở thời nhà Trần với cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285). Lúc bấy giờ, nước ta đang đứng trước một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”đó là mối đe dọa xâm lăng của bọn giặc và nỗi nhục mất nước.
Tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đã tái hiện lại hình ảnh người thiếu niên anh hùng (Hoài Văn Hầu, tức Trần Quốc Toản), tuy tuổi đời còn trẻ nhưng lại có tinh thần yêu nước to lớn và lòng căm thù giặc sâu sắc, sau này sẽ trở thành danh tướng đời nhà Trần.
Bài mẫu 2
Trong kho tàng văn học Việt Nam, truyện lịch sử là thể loại có ít tác phẩm hay và đặc sắc, trong đó có không thể không nhắc đến “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đó là cuốn sách mà tôi yêu thích nhất – cuốn sách giúp tôi hiểu thêm về lịch sử đất nước và khơi dậy biết bao dòng cảm xúc trong tâm hồn tôi.
Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285), nhưng tác phẩm có rất ít yếu tố lịch sử mà chủ yếu là sự tưởng tượng và sáng tạo của tác giả. Chính điều ấy làm nên sự thành công cho tác phẩm. Tác phẩm khai thác những gương mặt tiêu biểu như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… Nhưng nổi bật nhất là hình tượng Trần Quốc Toản, người thiếu niên tuổi nhỏ chí lớn.
Mở đầu tác phẩm là “một giấc mơ thú vị” của Trần Quốc Toản. Chàng mơ thấy mình bắt sống được Sài Thung – tên sứ thần hống hách của nhà Nguyên. Đó là sự mở đầu và báo hiệu cho một ý chí phi thường. Khi biết nhà vua cùng các vương hầu họp bàn việc nước ở bến Bình Than, chàng đã đi suốt một đêm để tìm nhà vua rồi năn nỉ, cầu xin đám quân Thánh Dực cho mình xuống bến để quỳ trước mặt vua và nói 2 tiếng: “Xin đánh”.
Tuy vậy, chàng chỉ được vua ban cam quý, còn việc nước thì vẫn không cho dự. Trần Quốc Toản cảm thấy vô cùng ấm ức, vừa hờn vừa tủi. Chàng nghiến chặt răng, hai tay nắm chặt đến mức bóp nát quả cam quý. Từ ấy, chàng luôn nung nấu ý nghĩ “Làm thế nào để được ra trận giết giặc, lập công, báo được ơn vua”. Trở về quê nhà, chàng quyết tâm rèn luyện võ nghệ, học tập binh thư. Sự khổ công luyện tập, ý chí, lòng kiên trì đã khắc họa nên hình tượng về người thiếu niên trẻ tuổi, sục sôi nhiệt huyết.
Không lâu sau, lá cờ với sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” được thêu từ tấm lòng của người mẹ hiền thảo đã chiêu mộ được biết bao tráng sĩ gần xa. Họ cùng nhau tập luyện võ nghệ, binh thư, sống với nhau như anh em ruột thịt. Nhân dân khắp nơi ai nấy đều cảm phục tài trí của người thiếu niên anh hùng ấy.
Thế rồi, quân giặc đã phạm đến cửa ải. Trần Quốc Toản và quân sĩ lên đường đánh giặc, trên đường, chàng đã gặp rồi kết nghĩa anh em với người anh hùng rừng núi Nguyễn Thế Lộc – một con người tuy lạnh lùng ít nói nhưng vô cùng nghĩa khí. Cuộc chia tay của hai anh em để Quốc Toản phải trở về hội quân ở Vạn Kiếp là một trong những đoạn khiến tôi cảm động. Đọc đến đây, tôi thấy sống mũi mình cay cay. Tôi thấy cảm phục tình anh em thân thiết của họ, tình cảm ấy thật thiêng liêng và thắm thiết. Tuy phải chia tay nhưng hai người vẫn luôn hướng về nhau và nhớ về những kỷ niệm đáng quý trong khoảng thời gian đã qua. “Lòng Hoài Văn thổn thức… nhìn anh em Thế Lộc lên núi. Bầu trời ảm đạm, âm u, những đám mây bồng bềnh bao phủ đỉnh núi”.
Trần Quốc Toản được cử đi cùng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đánh chặn Toa Đô. Một cuộc chiến ác liệt đã nổ ra trên cửa Hàm Tử. Trần Quốc Toản hiên ngang xông về phía các chiến thuyền của giặc. Quân sĩ hô vang “Sát thát”, ráo riết, truy đuổi đám tàn quân hỗn loạn. Toa Đô phải liều chết bơi vào bờ, bị tướng quân Nguyễn Khoái bắn tên trúng lưng. Quân Nguyên như “rắn mất đầu”, vội vàng buông vũ khí đầu hàng. Nhân dân ở làng bản xung quanh đổ xô ra giúp quan quân đánh giặc, ăn mừng chiến thắng. Trong số đó có mẹ của Trần Quốc Toản. Khi nhìn thấy lá cờ thêu sáu chữ đỏ chói, bà không kìm được nước mắt, nghẹn ngào vì xúc động...
Cuốn sách đã mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là sự khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của Trần Quốc Toản. Đó là sự cảm động trước tình mẹ con, chú cháu, vua tôi cùng trên dưới, một lòng. Đó là lòng căm giận trước tội ác của quân Nguyên. Đó còn là sự hả hê, vui sướng khi quân giặc phải chịu thất bại thảm hại và bị khuất phục bởi tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của quân nhân nhà Trần.
Và trên hết, tôi đã học được một bài học thật ý nghĩa về ý chí và sự quyết tâm, từ đó nhận thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Gấp lại cuốn sách nhưng những hình ảnh tràn đầy khí thế về Hoài Văn Trần Quốc Toản vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi. Đó là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo. Hình ảnh lá cờ thêu sáu chữ vàng và đoàn quân xông xáo, hăng hái đi đánh giặc sẽ mãi mãi là một biểu tượng của lòng yêu nước, một bản anh hùng ca sáng ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Phạm Thị Phương Liên - (Lớp 9 K1 -Trường THCS Trưng Vương)
Bài mẫu 3
“Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác phẩm gắn liền với nhiều thế hệ thiếu nhi. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính Trần Quốc Toản, người anh hùng nhỏ tuổi với khát khao mãnh liệt “Phá cường địch báo hoàng ân”.
Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai của nhà Trần, cuộc chiến gay go và khốc liệt nhất. Với mục đích hướng đến đối tượng độc giả trẻ tuổi, đặc biệt bao gồm cả thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng đã trau chuốt kĩ lưỡng ngôn từ của mình. Nói về cách chắp bút của Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm này, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: “Ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn dắt các cháu đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc, con người”.
Tiểu thuyết này có rất nhiều nhân vật, cả ở bên ta cả ở bên Hán, tất cả đều được xây dựng để đặt vào mối quan hệ với nhân vật chính là người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản. Mới chỉ 15 tuổi nhưng Trần Quốc Toản đã không chịu được sự hống hách, ép bức cùng cực của vua tôi nhà Hán, đã một mực xin mẹ được ra đi để chiêu mộ binh lính đánh giặc.
Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng tính cách quyết đoán, gan dạ và khí phách anh hùng dòng dõi nhà Trần của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã được bộc lộ rõ qua từng suy nghĩ, hành động, cử chỉ. Lá cờ với dòng chữ “Phá cường địch báo hoàng ân” chính là minh chứng rõ nhất về cốt cách, tài năng hơn người của Trần Quốc Toản.
“Hoài Văn Hầu dẫn sáu trăm gã hào kiệt ầm ầm đi đuổi Toa Đô đang chạy tháo thân ra bể. Lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng căng phồng lên trong gió hè lồng lộng thổi. Dưới lá cờ bay cao, gươm giáo tua tủa như hàng rào, nghiêng nghiêng trong bụi mù, nhòa dần trong bóng chiều đổ xuống. Qua rừng, qua núi, qua đèo, qua sông, lá cờ sáu chữ dẫn Hoài Văn và sáu trăm gã hào kiệt đi mãi, đi mãi tới những nơi nào còn có bóng quân Nguyên…” (trích từ tác phẩm)
Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử hào hùng, oanh liệt. Ông được coi là cây bút hàng đầu về đề tài lịch sử với đa dạng các thể loại và thành công nhất là kịch và tiểu thuyết. Và nổi bật nhất trong hai thể loại đó lần lượt là vở kịch Vũ Như Tô và tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Không phải ngẫu nhiên mà ông được đánh giá vào hàng những cây bút xuất sắc trong mảng lịch sử. Yêu cầu quan trọng nhất khi viết về đề tài này là người viết phải cung cấp thông tin liên quan đến sự vật, sự việc một cách chính xác, có độ tin cậy cao, không chỉ là xoay quanh những cảm xúc, suy nghĩ, hành động của nhân vật chính mà là cả những chi tiết, diễn biến nhỏ như nhân vật phụ, thời gian, địa điểm… Và Nguyễn Huy Tưởng đã làm được cái việc ấy một cách rất xuất sắc. Ông khéo léo dựa trên nền tảng vững chắc lịch sử hào hùng của nước nhà, chắp thêm cánh cho nó để biến thành một tiểu thuyết lịch sử vừa hấp dẫn vừa cung cấp cho người đọc hiểu biết về những sự kiện đã xảy.
Như trong chính tác phẩm này, cái tài tình của Nguyễn Huy Tưởng nằm ở chỗ ông hình dung và xác lập ra những mốc thời gian, địa điểm của từng tình tiết nhỏ (hư cấu) một cách chi tiết, khoa học và logic. Hay việc ông đặt mình vào nội tâm từng nhân vật để từ đó nêu bật được những suy nghĩ, cảm xúc của họ, kể cả tuyến nhân vật phụ như: Mẹ của Trần Quốc Toản, Thế Lộc, Toa Đô… rất hợp lý hợp tình. Để từ đó người đọc thâu tóm, bao quát được bức tranh sự kiện và có cái nhìn rõ hơn về từng nhân vật lịch sử.
Lá cờ thêu sáu chữ vàng bản song ngữ là sự lựa chọn hoàn hảo cho độc giả vừa muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà, vừa muốn nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Tất cả các phần của quyển sách, từ lời giới thiệu đến phần truyện đều được dịch sang tiếng Anh. Phần dịch tiếng Anh được biên soạn bởi dịch giả, nhà ngoại giao Hoàng Túy. Là một tiểu thuyết hướng đến độc giả trẻ, đặc biệt bao gồm cả thiếu nhi nên phần dịch được đánh giá khá dễ hiểu, rõ ràng, mạch lạc. Hoàng Túy đã điều chỉnh vốn từ rất hợp lý, súc tích, không quá sơ sài mà cũng không mang tính học thuật cao, kết hợp cùng các ngữ pháp thông dụng và giọng kể lôi cuốn. Vì là về đề tài lịch sử nên cũng có nhiều từ vựng khá ít gặp, nếu bạn nào đọc phần tiếng Việt rồi thì đều có thể đoán ra nghĩa, hoặc có thể tra trong từ điển để hiểu hết ý nghĩa của từ đó trong ngữ cảnh. Đây là một cách rất hiệu quả để làm phong phú từ vựng mà không cảm thấy chán. Đồng thời các bạn trẻ cũng nắm bắt được cách sử dụng linh hoạt các thì trong văn kể.
Với Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tác giả đã gặt hái được rất nhiều thành công, trong đó bao gồm những giải thưởng danh giá. Có thể khẳng định, đây quả là tác phẩm đưa tên tuổi Nguyễn Huy Tưởng vào hàng ngũ những cây bút hàng đầu cho thiếu nhi. Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một áng văn không nên bỏ lỡ với bất cứ ai yêu thích lịch sử Việt Nam.
Nguồn: HOÀNG THẢO