Sự tích củ mài


0:00
/
4:38
Chọn giọng đọc
Download
Playback seep

Đọc truyện: Sự tích củ mài

Xưa kia ở vùng rừng núi Mường Bi có một gia đình nhà nọ đã nghèo lại rất đông con. Dân làng quen gọi người chồng là Đang, người vợ là Pang.

Nhà đông con, nhưng nhờ vợ chồng có tài tháo vát, hay làm, sáng cuốc nương, chiều vỡ ruộng nên cũng đủ cơm gạo đắp đổi cho đàn con.

Chẳng may gặp năm trời làm nắng to. Ruộng khô, rẫy cháy, hai vợ chồng chẳng gặt được hạt thóc nào. Trong nhà chỉ còn ít lúa giống cất để dành cho mùa sau. Bọn lang đạo ranh ma quỷ quái đến cướp nhẵn. Bồ bịch sạch trơn.

Cùng kế, hai vợ chồng phải vào rừng tìm lá cây, xuống suối mò rêu đá mang về cho con ăn. Nhưng nắng nôi làm cho mọi thứ khô kiệt. Hai vợ chồng lặn lội sớm tối vẫn không kiếm đủ cho đàn con. Suốt ngày chúng cứ réo gọi bố mẹ.

– Đói quá, bố mẹ ơi!

Nghe tiếng con gọi, hai vợ chồng đành bấm bụng, nuốt nước mắt. “Rêu đá, lá cây, làm sao con ta có thể ăn lâu ngày thay cơm gạo được!”.

Nghĩ tới nghĩ lui, hai người bèn đi xin bà con hàng xóm, kẻ mươi hạt, người vài bông lúa. Họ giấu các con, lên rừng phát rẫy, tra lúa trái mùa.

Đàn con ở nhà đói rát ruột. Chờ mãi không thấy bố mẹ về, chúng bèn kéo ra rừng kiếm cái ăn cho đỡ đói. Sục sạo tìm bới khắp nơi nhưng chẳng kiếm được mấy tí, đêm đến chúng lại mò về kêu:

– Đói quá, bố mẹ ơi!

Trong rừng sâu, nghe tiếng con gọi ra rả, hai vợ chồng bụng dạ đau như cắt. Hai người bèn thay nhau gọi vọng về cho các con yên lòng:

– Các con ơi, lúa đang nảy mầm!

Lúc đã lên xanh. Lại nghe tiếng đàn con gọi dồn:

– Đói quá, bố mẹ ơi!

Hai vợ chồng bèn vội vã gọi vọng về:

– Các con ơi, lúa đã lên xanh!

Cho đến ngày lúa chín, hai vợ chồng đã gần kiệt sức. Nhưng khi nghe tiếng đàn con kêu đói, hai người lại cố sức gọi to lên cho các con nghe:

– Các con ơi, lúa đã chín!

Hai vợ chồng vội gặt vội vàng mấy lượm lúa sớm. Họ giã ngay cối gạo đầu tiên, đồ một chõ xôi thật lớn, vắt ra từng nắm. Họ hối hả đem ngay xôi về cho các con.

Nhưng khi về đến nhà, hai vợ chồng chẳng thấy bóng một đứa nào. Trong khi ấy từ rừng sâu có tiếng gọi vọng về:

– Đói lắm, bố mẹ ơi!

Đau lòng, rát ruột, hai vợ chồng gắng gượng khiêng rá xôi vào rừng. Nhưng vẫn không thấy bóng con đâu. Trong khi ấy từ bốn phía tiếng kêu dồn dập đổ về, từ các rừng cây ở trước mặt, ở sau lưng, ở bên trái, ở bên phải:

– Đói quá, bố mẹ ơi!

Đến lúc này hai vợ chồng đã kiệt sức. Hai người chẳng còn hơi sức cất chân đi tìm con nữa. Họ đành đặt rá xôi xuống, gọi to lên mấy tiếng:

– Các con ơi, về đây với bố mẹ mà ăn xôi!

Tiếng gọi con vang cả núi rừng. Một đàn chim đen bay tới, sà xuống thấp, lượn quanh hai vợ chồng. Đàn chim cất tiếng gọi thiết tha:

Đang, Pan! Đang, Pan!
Chúng con ăn mãi quả vàng đã quen
Xôi xin nhường bố mẹ!

Bấy giờ hai vợ chồng mới hay, đàn con vì đói quá đã chết, hóa thành chim. Phần mỏi mòn vì thương con, phần kiệt sức vì đói khổ, hai người gục bên chõ xôi mà chết.

Đàn chim thương bố mẹ chết thảm, cất tiếng kêu vang cả núi rừng. Chúng cùng nhau sà xuống lấy xôi đắp mộ cho bố mẹ.

Về sau, từ chỗ mộ hai vợ chồng Đang, Pang mọc lên một loài cây quý, phía trên mọc dây leo xanh mượt, dưới đất mọc củ to bằng cái chõ. Củ này ngoài vỏ sần sùi, nhưng trong lòng bột trắng tinh. Đồ lên ăn thấy thơm ngon và dẻo như xôi nếp hương. Người ta đặt tên củ ấy là củ mài.

Các bố các mẹ kể lại rằng: hai vợ chồng đã hóa ra củ mài để cứu những người đói khổ cùng cảnh ngộ như mình.

Còn đàn con hóa ra chim đang pang, kêu vang bản Mường vào mùa lúa chín để tưởng nhớ bố mẹ và nhắc lại cảnh đời đói khổ xưa kia.

Bài học rút ra

Tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ:

  • Vợ chồng ông Đang, bà Pang dù nghèo và đông con nhưng luôn cố gắng làm lụng để nuôi con. Khi đói khổ, họ tìm đủ mọi cách, thậm chí giấu con đi trồng lúa trái mùa, và luôn gọi vọng về để con yên lòng.
  • Cha mẹ luôn yêu thương và hy sinh tất cả vì con cái. Chúng ta cần biết ơn và trân trọng tình cảm đó.

Sự kiên cường, không bỏ cuộc trước khó khăn:

  • Dù gặp năm hạn hán, mất mùa, bị cướp hết lúa, vợ chồng Đang - Pang vẫn không đầu hàng. Họ cố gắng tìm kiếm thức ăn trong rừng, suối, rồi lại đi xin lúa giống để trồng trái mùa, với hy vọng cứu sống các con.
  • Khi gặp chuyện khó khăn, đừng nản lòng. Hãy kiên cường, cố gắng tìm mọi cách để vượt qua, rồi bạn sẽ tìm thấy lối thoát.

Sự hóa thân để nhắc nhở đời sau:

  • Khi kiệt sức và đau lòng vì con, vợ chồng Đang - Pang đã hóa thành củ mài, một loại củ quý giúp cứu đói nhiều người. Đàn con hóa thành chim "đang pang" để nhắc nhở về tình cảnh đói khổ và tình yêu thương của cha mẹ.
  • Sống có ích cho mọi người, dù là khi còn sống hay đã mất, đều mang lại ý nghĩa lớn lao. Hãy nhớ về những khó khăn đã qua để biết trân trọng cuộc sống hiện tại.

Đố vui qua truyện Sự tích củ mài


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Sự tích cây nêu ngày Tết - Truyện cổ tích

    Ngày xưa Quỷ làm chủ cả trái đất, người phải ở nhờ đất của Quỷ. Người phải đến xin làm ruộng cho Quỷ. Còn Quỷ vốn tham lam nên thường đặt ra những luật lệ khắt khe ác nghiệt.

  • Người học trò với con rùa- Truyện cổ tích

    Xưa có một người học trò, một hôm, đi học về đi ngang qua bờ sông, thấy mấy người thuyền chài bắt được một con rùa, đang bàn nhau đem về làm thịt để đánh chén. Người học trò đến nói rằng: “Có phải các ông muốn uống rượu, tôi có quan tiền đây, xin đưa hầu các ông và xin các ông làm phúc đừng giết chết con rùa”.

  • Con chó biết nói - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một ông già giàu nhất làng. Tiền bạc của ông kiếm được phần nhiều là do những món nợ ăn lời quá vốn, hoặc những âm mưu cướp giật ruộng đất, nhà cửa của dân lành. Càng có nhiều tiền lão càng cay nghiệt.

  • Sự tích cây khoai lang - Truyện cổ tích

    Ở bìa rừng có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hàng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà: – Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi, đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn. Ăn củ mài mãi thì khổ lắm!

  • Cái cân thủy ngân - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết.

>> Xem thêm