Người học trò với con rùa


0:00
/
2:54
Chọn giọng đọc
Download
Playback seep

Đọc truyện: Người học trò với con rùa

Xưa có một người học trò, một hôm, đi học về đi ngang qua bờ sông, thấy mấy người thuyền chài bắt được một con rùa, đang bàn nhau đem về làm thịt để đánh chén. Người học trò đến nói rằng: “Có phải các ông muốn uống rượu, tôi có quan tiền đây, xin đưa hầu các ông và xin các ông làm phúc đừng giết chết con rùa”.

Những người kia bằng lòng nhận quan tiền, rồi trao con rùa cho người học trò. Người học trò đem con rùa về nhà, coi sóc nuôi nấng ân cần quí hóa lắm. Quái lạ, mấy hôm sau cứ buổi đi học về, thì người học trò đã thấy một mâm cơm để phần rất tử tế, không biết ai thổi nấu mà ngon lành như thế. Một hôm, người học trò giả dạng vuốt ve con rùa, nói rằng: “Nàng ở nhà ngoan nhé! Hôm nay ta đi có chút việc cần đến đêm mới về”.

Rồi anh ta đi một chốc là lộn về ngay. Anh ta khẽ đứng dòm vào trong nhà, thì thấy một người con gái rất đẹp đang ngồi thổi cơm. Anh ta vội chạy lẻn vào, nắm chặt lấy cổ tay người con gái, hỏi rằng: “Nàng là ai ở đâu mà đến đây ?”

Người con gái nói: “Tôi xin thú thật cùng thầy, tôi là con rùa đây. Tôi có nhờ thầy cứu khỏi mới thoát tay bọn thuyền chài. Ơn thầy bao giờ dám quên, nên tôi định gắng ở lại đây ít lâu để nuôi nấng cho thầy ăn học, chờ khi thầy làm nên công danh rồi, thời tôi lại trở về thủy phủ”.

Người học trò bảo: “Nếu quả thật như vậy, thì âu cũng là túc trái tiền duyên gì đây. Dám xin gả nghĩa vợ chồng”.

Người con gái gạt đi nói rằng: “Không xong. Tôi với thầy kẻ dương gian người thủy phủ, âm dương cách biệt, không thể lấy được nhau. Bây giờ thiên cơ đã lộ, thì tôi phải về, chớ không ở được với thầy một ngày nào nữa“.

Người học trò nghe nói, sụt sùi gạt nước mắt. Người con gái phải yên ủi dỗ dành bảo đưa chỗ cho đi học. Rồi lại đội lốt rùa vào mà đưa người học trò xuống học dưới thủy phủ. Đến kỳ thi, lại đưa lên mặt đất thì người học trò đi thi đỗ Trạng nguyên. Lúc về vinh qui, đi ngang qua con sông trước, người học trò nhớ đến chuyện xưa, làm mấy câu hát chơi rằng:

“Nước lênh đênh thấy rùa trôi nổi,
Mua đem về nuôi bấy lâu nay.
Năm năm tháng tháng ngày ngày,
Cơm ăn còn nhớ, nghĩa này ở đâu.
Tưởng những nên nghĩa Trần Châu,
Nào hay chửa dựng nhịp cầu sông Ngân.
Tưởng những nên nghĩa Tấn Tần.
Nào hay trời đất chẳng vần lại cho”.

Bài học rút ra

Lòng tốt và sự giúp đỡ sẽ được đền đáp:

  • Bạn học trò đã bỏ tiền ra để cứu con rùa khỏi bị làm thịt. Vì bạn ấy tốt bụng, con rùa đã biến thành cô gái xinh đẹp, nấu cơm và giúp bạn ấy học giỏi.
  • Hãy luôn tốt bụng và sẵn lòng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Việc tốt bạn làm sẽ được nhớ mãi và có thể mang lại những điều bất ngờ.

Sự biết ơn:

  • Con rùa không quên ơn bạn học trò đã cứu mình. Rùa hóa thành cô gái để chăm sóc, giúp bạn ấy học hành và thi đỗ Trạng nguyên. Đó là cách rùa trả ơn rất chu đáo.
  • Khi được người khác giúp đỡ, chúng ta cần biết ơn và tìm cách đền đáp lại. Biết ơn là một đức tính đẹp và giúp chúng ta có nhiều bạn tốt.

Duyên phận và những giới hạn:

  • Dù bạn học trò và cô gái rùa có tình cảm tốt, nhưng vì một người ở trên cạn, một người ở dưới nước, họ không thể lấy nhau. Khi bí mật bị lộ, rùa phải quay về.
  • Trong cuộc sống, có những điều là duyên phận, chúng ta không thể thay đổi được. Hãy chấp nhận và quý trọng những gì mình đang có.

Đố vui qua truyện Người học trò với con rùa


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Sự tích cây nêu ngày Tết - Truyện cổ tích

    Ngày xưa Quỷ làm chủ cả trái đất, người phải ở nhờ đất của Quỷ. Người phải đến xin làm ruộng cho Quỷ. Còn Quỷ vốn tham lam nên thường đặt ra những luật lệ khắt khe ác nghiệt.

  • Sự tích củ mài - Truyện cổ tích

    Xưa kia ở vùng rừng núi Mường Bi có một gia đình nhà nọ đã nghèo lại rất đông con. Dân làng quen gọi người chồng là Đang, người vợ là Pang.

  • Con chó biết nói - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một ông già giàu nhất làng. Tiền bạc của ông kiếm được phần nhiều là do những món nợ ăn lời quá vốn, hoặc những âm mưu cướp giật ruộng đất, nhà cửa của dân lành. Càng có nhiều tiền lão càng cay nghiệt.

  • Sự tích cây khoai lang - Truyện cổ tích

    Ở bìa rừng có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hàng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà: – Bà ơi, bây giờ cháu đã lớn. Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi, đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn. Ăn củ mài mãi thì khổ lắm!

  • Cái cân thủy ngân - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết.

>> Xem thêm