Hãy bình luận nội dung bài thơ Nói với con của Y Phương.>
Cùng với tất cả những bài thơ nói về tình cảm gia đình, Nói với con đã góp phần tạo nên bức tranh về tình người cao đẹp - điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Sau năm 1975, những tác phẩm văn học ra đời phần lớn đều ca ngợi tình cảm : con người, tình cảm với quê hương đất nước. Có những bài thơ là điệu hát ru ngọt ngào nhưng có bài thơ lại là lời khuyên răn, lời trò chuyện thân tình như bài Nói với con của Y Phương. Đến với bài thơ này, người đọc không chỉ thấy được tình cảm gia đình gắn bó mà còn cả những phẩm chất cao đẹp của người dân miền núi.
Có lẽ bởi đây là một sáng tác của người dân tộc Tày nên người đọc cảm thấy có sự khác biệt, mới mẻ. Bài thơ như lời nói chuyện của người cha - với con, tạo cảm giác gần gũi mà rất chân tình. Những hình ảnh được tác giả sử dụng trong bài như đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát đều có một nét gì rất riêng của người miền ngược. Với thể thơ tự do, phóng khoáng, những tình cảm, suy nghĩ của người cha được bộc lộ tự nhiên nhưng cũng vẫn sâu sắc. Đồng thời bài thơ còn thể hiện mong ước, hi vọng của người cha dành cho con. Bởi vậy, đọc bài thơ này, ta có thể tìm thấy trong đó những tâm sự chung của nhiều người cha trên thế giới này chứ không chỉ riêng người cha trong bài thơ.
Đọc tác phẩm, điều đầu tiên khiến người đọc phải suy nghĩ đó là tình cảm gia đình thiêng liêng được thể hiện qua những câu thơ đầu. Đối với tất cả chúng ta, ai cũng có một gia đình. Gia đình là tổ ấm, là nơi chở che yêu thương và dạy dỗ ta thành người. Trong mái nhà ấy, cha mẹ chính là những người đầu tiên chứng kiến chúng ta lớn lên, là người dìu dắt ta vững bước. Đã có nhiều bài thơ nói đến tình cảm gia đình nhưng hiếm bài thơ nào thể hiện điều đó bình dị mà sâu sắc như Nói với con:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Tuy không có chữ nào nói đến sự gắn bó nhưng bốn câu thơ đã là minh chứng rõ ràng cho tình cảm gia đình thân thiết. Cha mẹ luôn ở bên con, dạy con những bước đi đầu đời, cảm nhận từng tiếng khóc, tiếng cười của con. Điều đó lại càng thấy rõ cha mẹ quan trọng như thế nào đối với mỗi người con.
Không chỉ có tình cảm gia đình, Y Phương còn nhắc nhở mỗi chúng ta đến tình cảm với quê hương, với dân tộc:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.
Những người đồng mình sống gắn bó với nhau, gắn bó với làng bản. Những câu thơ cho chúng ta cảm nhận về cuộc sống của những người dân tộc. Họ sống tuy đơn giản, bình dị nhưng đầy ắp niềm vui, tiếng hát, sống với nhau chân thật bằng cả tấm lòng. Đó là cuộc sống yên vui, đầm ấm, rất lạc quan, yêu đời mà mỗi chúng ta có lẽ đều mong muốn. Qua những lời tâm sự của người cha, tác giả đã đề cao tình cảm gắn bó thiêng liêng trong gia đình và giữa quê hương dân tộc của những người dân tộc sống trên vùng núi cao.
Sau khi nhắc nhở con đến những tình yêu thương mà con phải trân trọng, người cha trong Nói với con đã răn dạy con những đức tính cao đẹp của người đồng mình và tâm sự những hi vọng, mong muốn của mình. Những người dân miền núi vốn phải sống trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng cũng vì thế mà họ có những phẩm chất vô cùng cao đẹp. Người đồng mình không khi nào chùn bước trước gian khổ. Dẫu có khó khăn, họ vẫn cùng nhau vượt qua. Đó là điều đẹp nhất của người dân sống trên quê hương miền ngược. Cha cũng dạy con về truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, dạy con biết tự hào về những truyền thống ấy và biết vươn lên từ đó. Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương - đó chính là niềm tin, là sức mạnh ý chí vượt lên. Với niềm lạc quan ấy, dù có vất vả, người đồng mình vẫn luôn sống phóng khoáng, bền bỉ, không khi nào nhỏ bé. Bằng những phẩm chất ấy, người cha mong con lớn lên sống sao xứng đáng với quê hương:
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối.
Cha mong con có đủ sức mạnh, niềm tin để đối mặt với những khó khăn con sẽ gặp phải, mong con bằng lòng với những gì mình đang có để từ đó biết vươn lên. Điều quan trọng là phải sống thuỷ chung, có tình, có nghĩa, trước sau như một. Đó cũng là lời dạy, là bài học chung cho tất cả chúng ta: sống trước sau như một, phải luôn gắn bó với quê hương - nơi nuôi dưỡng ta trưởng thành. Không những thế, người cha còn mong con hãy tự hào về truyền thống dân tộc, lấy đó làm hành trang bước vào đời. Qua những suy nghĩ, tâm sự cùa người cha, người đọc thấy nổi bật lên tình yêu thương mà người cha dành cho con. Những tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng người cha. Hơn thế nữa, cha còn là người luôn cùng con vững bước tới tương lai, là người dìu dắt, che chở cho con. Bài thơ này cũng chính là lời ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng, sâu sắc.
Có lẽ Y Phương đã thể hiện những tình cảm, niềm tin của tất cả những người cha theo một cách mới mẻ. Nhưng điều đó cũng không hề làm giảm đi ý nghĩa của bài thơ. Cùng với tất cả những bài thơ nói về tình cảm gia đình, Nói với con đã góp phần tạo nên bức tranh về tình người cao đẹp - điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Trích: loigiaihay.com
- Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương (bài 2).
- Hãy viết đoạn văn từ 8 đến 10 câu theo kiểu diễn dịch để nêu cảm nhận của em về khổ thơ trên. Trong đoạn văn, em hãy sử dụng ít nhất hai phép liên kết câu (gạch dưới những từ ngữ này)
- Chân phải bước tới cha…Con đường cho những tấm lòng (Nói với con - Y Phương).Em hãy viết đoạn văn cho biết vài nét về tác giả của đoạn thơ trên. Những yếu tố đó có ảnh hưởng như thế nào đến cách thể hiện của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung?
- Bình giảng đoạn 2 bài Nói với con của Y Phương. ngữ văn lớp 9
- Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con của Y Phương. Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ gì về trách nhiệm của người làm con?
>> Xem thêm