SBT Văn 9 - giải SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều Bài 7. Thơ tám chữ và thơ tự do

Giải Bài tập Viết trang 21 sách bài tập Ngữ văn 9 - Cánh diều


Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 21 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,

Vài cụ già chống gậy bước lom khom,

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,

Tia nắng tia nhảy hoài trong ruộng lúa,

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

(Trích Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ, dẫn theo Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1996)

- Chỉ ra cách gieo vần và ngắt nhịp trong đoạn thơ trên.

- Đoạn thơ sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

- Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là gì?

- Đoạn thơ viết về điều gì?

- Tác giả thể hiện tình cảm, cảm xúc nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ, dựa vào đặc trưng của thơ để thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

- Cách gieo vần và ngắt nhịp trong đoạn thơ:

+ Gieo vần chân: “anh” – “tranh, xanh”; “au” – “đầu, sau”; “ua” – “sữa, lúa”…

+ Ngắt nhịp: 3/2/3

- Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm.

- Các biện pháp tu từ được sử dụng:  nhân hóa, so sánh, liệt kê.

- Đoạn thơ miêu tả cảnh chợ Tết ngày xưa. Người đi chợ Tết ai cũng vui vẻ, từ cụ già cho tới các cô thiếu nữ, trẻ con, người mua kẻ bán tấp nập trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đậm sắc xuân.

- Tác giả thể hiện sự vui vẻ, tưng bừng.

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 22 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Viết một bài thơ tám chữ về một chủ đề mà em yêu thích. Sau đó, hãy chỉ ra:

- Vần và nhịp của bài thơ.

- Kết cấu hoặc bố cục của bài thơ.

- Cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của bài thơ.

- Các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ (nếu có).

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức về thơ tám chữ, viết một bài thơ theo chủ đề em yêu thích. 

Lời giải chi tiết:

MÁI TRƯỜNG XƯA

Sau những vui buồn mình phải chia xa

Bạn bè ơi, biết bao giờ gặp lại?

Đường đến tôi là con đường xa ngái

Nẻo tôi về dài hơn cả chuyến bay

 

Yêu thương này tôi khắc lên bàn tay

Lằn chỉ tay nát nhàu khi ẩn hiện .

Đường “bạn hữu” ở đâu, nào ai biết!

Nắm tay vào vẽ một nét bình yên

 

Ở nơi xa, khi băng giá triền miên

Tôi gắng giữ cho trái tim ấm áp

Da dẫu sạm đi, bàn tay khô ráp

Giữ trên môi trong trẻo một nét cười

 

Để mai này, lỡ bạn có gặp tôi

Sẽ nhận ra ngay nụ cười thuở ấy

Sẽ nghe trong ta tình nồng lửa cháy

Nhóm lên bằng năm tháng, ngọt ngào ơi!

                                                  Sưu tầm

- Gieo vần chân: lại - ngái; bay - tay; hiện - yên; yên - miên; áp - ráp; ấy - cháy.

- Cảm hứng chủ đạo: nỗi nhớ về mái trường xưa.

- Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc, câu hỏi tu từ.

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 22 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“…Trong khung cảnh đó, những con người chiến thắng trở về được khắc họa bằng những dòng thơ thật đẹp:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Bức tượng đài người dân chài tạc giữa trời đất, một bức tượng đài có hình khối, màu sắc và cả hương vị đặc trưng đã làm toát lên một phong thái, một thần sắc đặc biệt. Màu da rám nắng là tín hiệu của một đời sống lao động chân tay vất vả, phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, màu da của cuộc đời gần gũi với trời đất, với nắng gió, chịu đựng được nắng sương, một màu da từng trải. Vị xa xăm không chỉ là vị muối mặn mòi, nồng đậm từng in dấu trên bất kì người đi khơi nào mà còn mang một ý vị tượng trưng, gợi cảm: đẩy hình ảnh những người trai làng chài sang một sắc thái huyền thoại, cổ tích, gợi hơi thở của đại dương, của biển xa, của những chân trời tít tắp, nơi con người kiên cường, dũng cảm làm nên những kì công đáng khâm phục. Quen mà lạ, thực mà hư là hình ảnh những con người ấy, những đứa con của lòng biển, của đại dương.”.

(Trần Đình Sử (Chủ biên), Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 8,

NXB Giáo dục, 2001)

a) Đoạn trích trên nêu cảm nghĩ của người viết về những dòng thơ nào trong bài thơ Quê hương (Tế Hanh)?

b) Những từ ngữ nào trong các dòng thơ ấy được người viết đi sâu vào lí giải, cảm nhận? Người viết có những cảm xúc, suy nghĩ hay liên tưởng, tưởng tượng như thế nào?

c) Trong đoạn trích, người viết nêu cảm nghĩ của mình trực tiếp hay gián tiếp? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích và thực hiện các yêu cầu

Lời giải chi tiết:

a. Cảm nghĩ của người viết về những dòng thơ trong bài Quê hương là: tự hào, tràn đầy hứng khởi.

b.

- Những từ ngữ được người viết đi sâu vào lí giải cảm nhận: “làn da ngăm rám nắng”, “ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”.

- Có thể nói đây là những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của bài thơ. Với bút pháp tả thực, hình ảnh “làn da ngăm rám nắng” dường như đã để lại ấn tượng rất sâu sắc về vẻ đẹp rắn rỏi của người ngư chài bám biển, thì câu thơ sau lại được miêu tả với cảm giác rất lãng mạn “ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Thân hình vạm vỡ của người đánh cá là thấm đượm hơi thở của biển, vị mặn mòi của đại dương bao la. Nét đặc sắc của đoạn thơ là gợi được cả tâm hồn và tầm vóc của con người xứ biển, hai câu thơ tả con thuyền nằm bất động trên bến cũng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo.

c. Người viết nêu cảm nghĩ của mình theo cách gián tiếp vì người viết thông qua phân tích nội dung dòng thơ để thể hiện cảm xúc của mình trước những hình ảnh tươi đẹp.

Câu 4

Trả lời câu hỏi 4 trang 23 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Hãy viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về một yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật mà em cho là đặc sắc nhất của bài thơ Nhật kí đô thị hoá (Mai Văn Phấn).

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ Nhật kí đô thị hóa, lựa chọn yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật em tâm đắc nhất và viết cảm nhận. 

Lời giải chi tiết:

Bài thơ là những kí ức về thời thơ ấu gắn liền với quê hương, với hình bóng mẹ của tác giả, đồng thời là sự tiếc nuối trước sự thay đổi của cuộc sống hiện nay. Xuyên suốt bài thơ là niềm tự hào, trân trọng các giá trị truyền thống bao đời nay của người Việt. Nhà thơ không chỉ bày tỏ sự tiếc nuối trước sự thay đổi của cuộc sống mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc đối với gia đình và ký ức thời thơ ấu.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí