SBT Văn 9 - giải SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều Bài 6. Truyện truyền kì và truyện trinh thám

Giải Bài tập đọc hiểu: Chuyện người con gái Nam Xương trang 3 sách bài tập Ngữ văn 9 - Cánh diều


Phương án nào nêu không đúng đặc điểm của thể loại truyền kì

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 3 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Phương án nào nêu không đúng đặc điểm của thể loại truyền kì

A. Cốt truyện được xây dựng dựa trên những câu chuyện trong dân gian

B. Nhân vật chính thường là các thám tử hoặc điều tra viên

C. Trong truyện, có nhiều chi tiết kì ảo, thậm chí hoang đường

D. Con người và thánh thần, ma quỷ có sự hòa trộn, kết nối

Phương pháp giải:

Xem lại kiến thức ở mục Kiến thức Ngữ văn (SGK/3)

Lời giải chi tiết:

Đáp án B

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 3 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Truyền kì mạn lục nghĩa là gì?

A. Ghi chép lại những truyền thuyết trong dân gian

B. Ghi chép lại những chuyện kì thú trong thế giới khoa học

C. Ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền

D. Ghi chép những chuyện có ý nghĩa về truyền thống của dân tộc

Phương pháp giải:

Xem lại kiến thức ở mục Kiến thức Ngữ văn (SGK/3)

Lời giải chi tiết:

Đáp án C

Xem lại kiến thức ở mục Kiến thức Ngữ văn (SGK/3)

 

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 3 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Ở phần (1), nhân vật Vũ Nương được tác giả miêu tả thế nào qua lời thoại của người kể chuyện và lời đối thoại của nhân vật này với chồng? Qua đó, có thể thấy đặc điểm tính cách, phẩm chất nào ở Vũ Nương?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

- Ở phần (1), nhân vật Vũ Nương được tác giả miêu tả qua lời của người kể chuyện và lời đối thoại của nhân vật này với chồng:

+ Qua lời của người kể chuyện: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”; do Trương Sinh tính vốn đa nghi nên “Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”; khi mẹ chồng ốm, “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”; khi mẹ mất, “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”.

+ Qua lời đối thoại của nhân vật Vũ Nương với chồng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”, “Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”,... Vũ Nương là không tham vinh hoa phú quý chỉ mong chồng được bình an và có thể sớm trở về.

- Qua đây, có thể thấy Vũ Nương là người phụ nữ thùy mị, nết na, yêu chồng, hiếu thảo, không tham vinh hoa phú quý.

Câu 4

Trả lời câu hỏi 4 trang 3 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Trong phần (2), tác giả đã tạo ra tình huống nào để khắc họa bi kịch của nhân vật Vũ Nương?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản trong SGK, chỉ ra tình huống khắc họa bi kịch của nhân vật Vũ Nương.

Lời giải chi tiết:

Trong phần (2), tác giả đã tạo ra tình huống nghi ngờ để khắc họa bi kịch của nhân vật Vũ Nương: Trương Sinh nghi ngờ lòng chung thủy của Vũ Nương qua lời nói của đứa con: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Kì thực, đó là cái bóng của Vũ Nương ở trên vách: “ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản.” Sự nghi ngờ này đã dẫn đến kết cục đau đớn cho Vũ Nương: “gieo mình xuống sông mà chết”.

Câu 5

Trả lời câu hỏi 5 trang 3 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu hỏi 3, SGK) Chỉ ra biểu hiện và phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong văn bản Chuyện người con gái Nam Xương.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản trong SGK và chỉ ra biểu hiện, phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo được sử dụng.

Lời giải chi tiết:

- Các chi tiết kì ảo thể hiện tập trung ở phần (3), trước hết là không gian nghệ thuật - cung điện, đền đài sang trọng ở dưới nước của rùa thần, là nơi ở của vợ vua biển Nam Hải, nơi sinh sống của các nàng tiên. Không gian kì lạ này gắn liền với một chi tiết kì ảo khác, đó là: “Tôi ngày trước không may bị người vu oan, phải gieo mình xuống sông tự tử. Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết”,...

- Tác dụng của yếu tố kì ảo trong văn bản:

+ Gợi mở những diễn biến tiếp theo cho câu chuyện, đẩy cốt truyện vận động.

+ Giúp tác giả tiếp tục khắc họa số phận, phẩm chất của nhân vật Vũ Nương: số phận bất hạnh vì Vũ Nương vẫn luôn bị ám ảnh, dằn vặt bởi nỗi oan khuất; là người có tình nghĩa, luôn hướng về gia đình, quê nhà và luôn khao khát được giải oan để giữ tiết hạnh.

 + Thể hiện tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nguyễn Dữ: cảm thông với những người phụ nữ có số phận kém may mắn; yêu mến, trân trọng những con người có tâm hồn và phẩm chất cao đẹp.

Câu 6

Trả lời câu hỏi 6 trang 3 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu hỏi 4, SGK) Phân tích tác dụng của sự kết hợp giữa các chi tiết kì ảo và chi tiết đời thường ở một đoạn văn cụ thể trong văn bản. 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản trong SGK, chỉ ra sự kết hợp giữa các chi tiết kì ảo và chi tiết đời thường ở một đoạn văn cụ thể thể trong văn bản và phân tích tác dụng.

Lời giải chi tiết:

HS có thể chọn các đoạn khác nhau để phân tích nhưng cần chỉ ra sự kết hợp giữa chi tiết đời thường và chi tiết kì ảo. Ví dụ đoạn sau:

“Lúc đến nhà, Phan đem chuyện kể lại với họ Trương. Ban đầu Trương không tin. Nhưng khi nhận được chiếc hoa vàng, chàng mới sợ hãi mà nói:

- Đây quả là vật dụng mà vợ tôi mang lúc ra đi.

Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.

Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:

- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.

Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.”.

Ở đoạn trên, các chi tiết như Phan kể chuyện với Trương ở nhà, Trương lập đàn tràng ở bến Hoàng Giang, Trương gọi vợ,... là các chi tiết đời thường, trần tục, hoàn toàn có thể có thể thật. Còn các chi tiết như Trương nhận ra chiếc hoa vàng, Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất,... là chi tiết không có thật. Ngay trong một chi tiết nhỏ cũng có sự kết hợp các yếu tố đời thường và kì ảo. Việc Trương nhận lại chiếc hoa vàng từ Phan. Chiếc hoa vàng là một vật dụng có thật, một đồ vật của Vũ Nương. Nhưng việc Phan nhận chiếc hoa vàng từ Vũ Nương ở chỗ của Linh Phi để rồi về nhà trao lại cho Trương Sinh thì lại là kì ảo. Nhìn chung, sự kết hợp giữa các chi tiết trên giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, vừa hư vừa thực, vừa gắn với những vấn đề của cuộc sống, gần gũi với mọi người vừa thể hiện trí tưởng tượng phong phú và ước mơ của tác giả về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu 7

Trả lời câu hỏi 7 trang 4 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu hỏi 5, SGK) Chủ đề của văn bản Chuyện người con gái Nam Xương.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản Chuyện người con gái Nam Xương, dựa vào nhan đề, hình tượng nhân vật chính, những chi tiết, sự kiện xoay quanh nhân vật để xác định chủ đề văn bản.

Lời giải chi tiết:

Qua câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Vũ Nương, truyện đặt ra vấn đề về số phận oan trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, thể hiện sự thương xót đối với những người phụ nữ bất hạnh, kém may mắn, đồng thời bộc lộ cái nhìn nhân hậu, mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Truyện cũng ngợi ca vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ.

Câu 8

Trả lời câu hỏi 8 trang 4 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu hỏi 6, SGK) Hãy nêu suy nghĩ của em về một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh mà truyện đặt ra và liên hệ với cuộc sống ngày nay.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại văn bản, kết hợp với kiến thức đời sống để rút ra vấn đề có ý nghĩa nhân sinh và liên hệ thực tế.

Lời giải chi tiết:

- Vấn đề 1: Số phận người phụ nữ dưới xã hội nam quyền phải chịu nhiều bất công: họ không có tiếng nói, không được làm chủ số phận của mình, phải chịu nhiều ràng buộc của xã hội phong kiến.

- Vấn đề 2: Hôn nhân và hạnh phúc gia đình chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất để giữ lửa hạnh phúc đó chính là tình yêu, là sự vun vén hạnh phúc từ phía cả vợ và chồng.

Câu 9

Trả lời câu hỏi 9 trang 4 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Văn bản Chuyện người con gái Nam Xương cho thấy những đặc điểm nào của thể loại truyền kì?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản Chuyện người con gái Nam Xương, dựa vào phần Kiến thức Ngữ văn SGK/3 để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Văn bản Chuyện người con gái Nam Xương cho thấy những đặc điểm của thể loại truyền kì:

- Sử dụng nhiều yếu tố kì ảo nhưng nội dung của truyện lại là những vấn đề của đời sống nhân sinh.

- Không gian, sự việc, con người,.. có sự kết hợp giữa những chi tiết có thật với việc không có thật, vừa ở thế giới siêu nhiên vừa gắn với những số phận đời thường.

- Nhân vật chính là người dân, gắn với những vấn đề của cuộc sống đời thường (hạnh phúc gia đình).

Câu 10

Trả lời câu hỏi 10 trang 4 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Đọc văn bản Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Trích Truyền kì mạn lục) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

a) Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Nhân vật ấy được khắc họa qua những chi tiết tiêu biểu nào?

b) Xác định và nêu tác dụng của những chi tiết kì ảo trong truyện.

c) Vấn đề xã hội mà truyện đặt ra là gì? Vấn đề đó có còn trong xã hội Việt Nam ngày nay không?

d) Văn bản trên chuyển tải thông điệp gì?

e) Hãy so sánh nhân vật Nhị Khanh và nhân vật Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, xem lại văn bản Chuyện người con gái Nam Xương để thực hiện các yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

a) Nhân vật chính trong văn bản là Nhị Khanh. Nhân vật ấy được khắc họa qua những chi tiết tiêu biểu:

- Tuy còn nhỏ nhưng khéo léo, biết cư xử với họ hàng rất hòa mục, thờ chồng cung thuận, là người nội trợ hiền.

- Khuyên can chồng gạt bỏ tình riêng theo cha vào Nghệ An để thực hiện chữ hiếu. Một lòng chung thủy thờ chồng, khước từ mọi cám dỗ tiền bạc của tướng quân họ Bạch, chống lại lời thúc giục ép buộc của bà cô. Chủ động nhờ người bõ già đi tìm và đưa chồng về khi chồng mắc kẹt ở Nghệ An. Hết lòng khuyên can khi thấy chồng giao du với bạn xấu, sa ngã cờ bạc.

- Khi bị chồng gán nợ cho Đỗ Tam, nàng giả vờ ưng thuận, rồi về dặn dò con, thắt cổ tự tử.

- Sau khi chết vẫn ân tình, nhắc nhở chồng, khuyên chồng tu chí, hướng con đến nghĩa khí, tương lai tươi sáng.

b) Những chi tiết kì ảo trong truyện:

- Chi tiết về cuộc gặp gỡ của Trọng Qùy với Nhị Khanh: “Trọng Qùy lấy làm lạ, tiếng giống như tiếng Nhị Khanh, mở mắt ra nhìn chỉ thấy trên trời một đám mây đen bay về phía tây bắc. Trọng Qùy tuy rất lấy làm ngờ nhưng cũng muốn thử xem sao, bèn đúng hẹn đến trước đền ấy. Song đến nơi chỉ thấy bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao xác. Trọng Quỳ buồn rầu toan về thì Mặt Trời đã lặn, bèn ngả mình nằm ở tấm ván nát trên một cái cầu. Khoảng cuối canh ba, bỗng nghe thấy tiếng khóc nức nở từ xa rồi gần. Khi thấy tiếng khóc chỉ còn cách mình độ nửa trượng, nhìn kĩ thì người khóc chính là Nhị Khanh.”.

- Chi tiết Nhị Khanh khuyên Trọng Quỳ: “Vừa rồi thiếp nhân theo xe mây, lên có việc ở nơi Đế sở. Vì cớ có chàng nên thiếp đã phải bẩm xin về trước đấy, thành ra cũng sai hẹn với chàng một chút.”, “Thiếp thường theo chầu tả hữu Đức Bà ở đây, được trộm nghe chư tiên nói chuyện với nhau, bảo Hồ triều sẽ hết vào năm Bính Tuất, binh cách nổi lớn, số người bị giết chóc đến chừng hơn hai mươi vạn, ấy là chưa kể số bị bắt cướp đi.”

-> Tác dụng của những chi tiết kì ảo trong truyện: vừa thúc đẩy cốt truyện vận động với những diễn biến mới vừa tạo tình huống để nhân vật bộc lộ những nét mới trong tính cách (Trọng Quỳ đã biết ăn năn hối lỗi hơn, đã tu chỉnh hơn để định hướng cho hai con đi theo con đường chính nghĩa); tạo ra kết thúc có hậu, thể hiện tinh thần nhân đạo của tác giả.

c) Qua câu chuyện về nàng Nhị Khanh, truyện đặt ra vấn đề về số phận bất hạnh của người phụ nữ trong chế độ xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Người phụ nữ phải gánh chịu những thiệt thòi, vất vả khi gia đình xảy ra biến cố, khi chồng sa ngã. Vấn đề đó vẫn còn nhưng đã giảm thiểu đáng kể trong xã hội Việt Nam ngày nay.

d) Thông điệp:  Phải xây dựng một xã hội bình đẳng giữa nam và nữ, cần bảo vệ người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ có phẩm hạnh tốt đẹp.

e) Nhân vật Nhị Khanh và Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương) đều là những người phụ nữ bất hạnh, kém may mắn trong xã hội phong kiến. Họ đều phải tìm đến cái chết để bảo toàn nhân phẩm. Tuy đều được các lực lượng siêu nhiên (thần tiên) cứu giúp và có cơ hội gặp lại chồng ở trần thế nhưng họ không thể có lại hạnh phúc gia đình. Khác với Vũ Nương, Nhị Khanh có cơ hội gặp gỡ và tác động đến chồng nhiều hơn.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí