SBT Văn 8 - giải SBT Ngữ văn 8 - Cánh diều Bài 7: Thơ Đường luật - SBT Ngữ văn 8 Cánh diều

Giải Bài tập đọc hiểu: Xa ngắm thác núi Lư trang 14 sách bài tập Ngữ văn 8 - Cánh diều


Câu thơ đầu nói về cảnh vật gì và cảnh vật đó được miêu tả như thế nào? Có nhận định cho rằng: Hình ảnh được thể hiện trong câu này làm nền cho việc mô tả ở ba câu sau. Theo em, điều đó có đúng không?

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 8 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Câu 1 (trang 14, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Câu thơ đầu nói về cảnh vật gì và cảnh vật đó được miêu tả như thế nào? Có nhận định cho rằng: Hình ảnh được thể hiện trong câu này làm nền cho việc mô tả ở ba câu sau. Theo em, điều đó có đúng không?

Phương pháp giải:

Đọc câu thơ chú ý các hình ảnh.

Lời giải chi tiết:

- Câu thơ đầu miêu tả đỉnh núi Hương Lộ vào buổi sáng khi có ánh sáng Mặt Trời chiếu rọi. Hương Lô là một đỉnh núi cao, quanh năm có mây mù bao phủ, đứng xa trông như một lò hương nên gọi là Hương Lô. Mặt Trời chiếu rọi, sương mù phản chiếu sinh làn khói tía, tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngoạn mục.

- Câu thơ đầu mang cái nhìn bao quát, vẽ ra cái nền (phông) của cả bức tranh về núi Hương Lô. Ba câu thơ sau đều dựa trên cái nền này để miêu tả trực tiếp, tạo dựng các chi tiết của thác nước và thể hiện cảm xúc của nhà thơ.


Câu 2

Câu 2 (trang 15, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Xác định vị trí đứng ngắm thác nước của Lý Bạch và cho biết lợi thế của việc chọn điểm nhìn đó để quan sát và miêu tả cảnh vật.


Phương pháp giải:

Chú ý điểm nhìn của tác giả

Lời giải chi tiết:

"Dao khan bộc bố quải tiền xuyên"

(xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước.)

Từ hai chi tiết trên xác định nhà thơ đứng ngắm thác từ phía xa và ở một vị trí thấp hơn nhiều so với chiều cao của thác. Thác núi Lư từ trên cao ba nghìn thước đổ xuống nên phải có điểm nhìn xa như thế mới thu được toàn cảnh. Trước mắt ông, thác treo (quải) lên như dòng sông dựng ngược.


Câu 3

Câu 3 (trang 15, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Vẻ đẹp của thác nước đã được Lý Bạch miêu tả như thế nào trong cả bài thơ? Hãy phân tích để thấy được vẻ đẹp đó.


Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

*Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước:

Trong câu thứ hai: hình ảnh trung tâm của bức tranh là thác nước đã hiện lên ngay trước mắt chúng ta qua việc dùng từ “quải” rất thành công của tác giả: từ “quải” (treo) đã biến cái động thành tĩnh, vì đứng từ xa ngắm nên nhìn thác nước giống như một dải lụa trắng được treo giữa vách núi và dòng sông phía trước. Từ “quải” đã mang lại giá trị thẩm mĩ cao cho bài thơ, giúp cho hình tượng thác nước trở nên sống động và hùng vĩ.

Trong câu thứ ba: Tác giả đã miêu tả dòng thác chảy từ trên cao xuống “ ba nghìn thước”  trong trạng thái động ở các phương diện:

+ Tốc độ dòng chảy: “phi” (bay) nhanh khủng khiếp

+ Độ dốc của thác: “trực há” đổ thẳng xuống thành đường thẳng đứng vuông góc với dòng sông

+ Độ cao: cao vời vợi tới ba nghìn thước

+ Câu thơ như mở ra một không gian ba chiều rộng lớn, một khung cảnh hùng vĩ và tráng lệ.

Trong câu thứ tư: Tác giả thật hay so sánh hết sức là độc đáo. Dòng thác như dải Ngân Hà tuột khỏi chín tầng mây. Sự so sánh đó làm cho thác nước không chỉ kì vĩ mà rất đẹp và  huyền ảo.


Câu 4

Câu 4 (trang 15, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Dòng nào sau đây diễn tả đúng nghĩa của câu thơ: “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”?

A. Xa nhìn dòng thác chảy như bay đổ thẳng xuống

B. Xa nhìn Mặt Trời chiếu xuống dòng thác sinh làn khói tía

C. Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước

D. Xa nhìn ngỡ là dòng sông rơi tự chín tầng mây


Phương pháp giải:

 Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Đáp án C

Câu 5

Câu 5 (trang 15, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Ở câu thơ cuối, để diễn tả vẻ đẹp hoành tráng và huyền ảo của thác nước, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Biện pháp nghệ thuật đó có làm mất đi hình ảnh chân thật của thác nước không?


Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu thơ và chỉ ra biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu thơ


Lời giải chi tiết:

Ở câu thơ cuối, để diễn tả vẻ đẹp hoành tráng và huyền ảo của thác nước, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật cường điệu, phóng đại. Động từ nghi thị (ngỡ là) được đưa lên đầu câu để diễn tả cảm giác ngỡ ngàng của nhà thơ. Tiếp theo, động từ lạc (rơi) làm rõ hơn cảm giác đó và làm tăng thêm sự huyền ảo, diễm lệ của thác nước.

Lối nói cường điệu, phóng đại là một thủ pháp của thơ ca. Ở bài thơ này, thủ pháp đó không hề làm giảm bớt tính chân thực của bức tranh phong cảnh, mà càng làm tăng thêm sự hùng vĩ của thác nước và chỉ có sự so sánh cường điệu như vậy mới có thể diễn tả hết được vẻ đẹp hoành tráng, diễm lệ của cảnh vật được miêu tả.


Câu 6

Câu 6 (trang 15, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Qua vẻ đẹp của cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em có thể thấy được những nét gì trong tâm hồn và tính cách của Lý Bạch?


Phương pháp giải:

Nêu cảm nghĩ cá nhân

Lời giải chi tiết:

Qua vẻ đẹp của cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em có thể thấy được Lí Bạch là có sự yêu mến, trân trọng, tự hào đối với vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước Trung Hoa. Người đọc cũng thấy được tài thơ điêu luyện, tâm hồn và tính cách hào phóng, mạnh mẽ của nhà thơ.


Câu 7

Câu 7 (trang 15, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):

 Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

NGẮM CẢNH CHIỀU Ở PHỦ THIÊN TRƯỜNG 

(Thiên Trường vãn vọng)

Phiên âm:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên, 

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lí quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa:

Sau thôn, trước thôn đều mờ mờ như khói phủ 

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không.

Trong tiếng sáo mục đồng dẫn trâu về hết

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống cánh đồng.

Dịch thơ:

Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng, 

Bóng chiều dường có, lại dường không.

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

(Trần Nhân Tông, in trong Thơ văn Lý - Trần, tập II, Quyển thượng. Ngô Tất Tố dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989)

a) Tìm hiểu về tác giả Trần Nhân Tông để giúp cho việc đọc hiểu bài thơ trên. Cho biết bối cảnh ra đời của bài thơ.

b) Bài Ngắm cảnh chiều ở phủ Thiên Trường được viết theo thể thơ gì? Bài thơ được viết theo luật bằng hay luật trắc? Tìm các từ mang vần của bài thơ.

c) Cho biết không gian và thời gian mà bài thơ thể hiện. Không gian và thời gian đó nói lên tâm trạng của tác giả như thế nào?

d) Nội dung chính của bài thơ là gì? Em thích hình ảnh nào nhất trong bài thơ? Vì sao?

e) Cho biết vị trí mà nhà thơ đứng ngắm cảnh. Em có nhận xét gì về vị trí đó khi tác giả bài thơ là một ông vua, một vị thiền sư?


Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu

Lời giải chi tiết:

a) Tác giả Trần Nhân Tông và bài thơ Ngắm cảnh chiều ở phủ Thiên Trường: 

- Tác giả Trần Nhân Tông: tên khai sinh là Trần Khâm (陳昑), tự là Thanh Phúc, là vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng rồi đi tu Sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm cho đến khi qua đời. Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị Hoàng đế anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng lãnh thổ đất nước. Ngoài ra, Trần Nhân Tông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam.

- Bài thơ Ngắm cảnh chiều ở phủ Thiên Trường được sáng tác trong dịp nhà vua, khi đó đã lên Yên Tử đi tu, trở thành Sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, về thăm quê cũ ở Thiên Trường, nơi có cung điện, phủ thờ tổ tiên nhà Trần,

b) 

- Ngắm cảnh chiều ở phủ Thiên Trường được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Bài thơ được viết theo luật trắc vì chữ thứ hai của câu thứ nhất mang thanh trắc.

- Các từ cuối của câu 1, 2, 4 là các từ mang vần của bài thơ,

c) Không gian mà bài thơ miêu tả là không gian tự nhiên, nơi có làng xóm và sinh hoạt của con người, không phải là nơi cung đình của các bậc vua chúa.

Cảnh vật làng xóm và cảnh sinh hoạt của người dân tạo nên một không gian sống động mà yên bình, đẹp đẽ nhưng cũng rất huyền ảo, bình dị.

Thời gian vào một buổi chiều cuối thu, khi mùa thu chưa qua và mùa đông chưa tới, nên sau thôn, trước thôn đều có sương mù bảng lảng như khói phủ, Mặt Trời bắt đầu ngả bóng sớm tạo nên những mảng trời nơi vẫn có ánh nắng, nơi thì đã ngả về chiều.

Không gian và thời gian mà bài thơ miêu tả cho thấy tâm trạng bình yên, trầm của tác giả. Tác giả là một nhà vua, một người anh hùng vừa cùng dân tộc trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ nền độc lập và cuộc sống cho muôn dân nên đây có lẽ là giây phút bình yên hiếm hoi khi ông đang trải nghiệm những thời khắc hoà bình phải đánh đổi bằng bao xương máu, gian khổ của muôn dân. Không gian và thời gian tĩnh lặng, hài hoà ấy cũng rất phù hợp với tâm thế hiền hoà, yêu thích sự yên tĩnh của một vị thiền sư đắc đạo nhưng vẫn mong muốn được giao hoà với cuộc sống bình dị, thường ngày của người dân.

Sự anh minh, nhân ái của một hoàng đế, khí phách của người anh hùng dân tộc, sự trầm tư của một thiền sư và tâm hồn của một thi sĩ như đang hòa quyện trong tác giả Trần Nhân Tông.

d) 

- Nội dung chính của bài thơ Ngắm cảnh chiều ở phủ Thiên Trường: Bài thơ khắc hoạ vẻ đẹp tự nhiên hết sức tươi đẹp, bình yên ở phủ Thiên Trường vào một buổi chiều cuối thu, khi sương mù quyện với khói bếp bắt đầu bao phủ làng xóm, ánh nắng đang dần tắt, đàn trâu đã về hết nhưng tiếng sáo của mục đồng vẫn văng vẳng trong không gian không dứt và cò trắng từng đôi liệng xuống cánh đồng tràn đầy sự sống tốt lành.

- Bốn câu thơ đều khắc họa những cảnh đẹp của làng xóm phía trước phủ Thiên Trường. Trong đó, em thích hình ảnh làng xóm thân quen nhưng cũng rất huyền ảo ở hai câu đầu; hình ảnh mục đồng cưỡi trâu thổi sáo, hình ảnh sống động của từng đôi cò trắng hạ cánh xuống cánh đồng,... vì những hình này cho thấy sự sống đã trở lại, đang sinh sôi nảy nở có thể ngay trên mảnh đất mà thời gian trước đó là chiến trường, nơi giao tranh giữa những người dân yêu nước và kẻ thù xâm lược.

e) Vị trí đứng ngắm cảnh của nhà vua, Sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông:

- Nhà vua dường như đang đứng quay lưng lại với cung điện, miếu mạo – nơi xa hoa, tôn nghiêm mà người dân thường không được lui tới - để nhìn ra làng xóm, ruộng vườn - nơi người dân sinh sống, nơi có cảnh vật tươi đẹp, nên thơ ở bên ngoài.

- Vị trí này cho thấy sự gần gũi của một ông vua, một vị thiền sư với cuộc sống của người dân - lực lượng xã hội đông đảo mà Trần Nhân Tông biết rất rõ sức mạnh và vai trò quan trọng của họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trước những kẻ thù hung hãn nhất của thời đại mà ông đã từng chứng kiến và trải qua với tư cách của người đứng đầu đất nước. Trần Nhân Tông không chỉ là một ông vua bình thường, ông còn là một ông vua anh hùng, vị chỉ huy tối cao trong hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba của Đại Việt chống quân Mông - Nguyên xâm lược.

- Vị trí đứng ngắm cảnh cũng cho thấy đây là một ông vua, một vị sư tổ hết sức yêu mến cảnh vật thiên nhiên, luôn mong muốn đất nước hoà bình, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc.



Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3 bước: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.