Giải Bài tập tình huống Giáo dục công dân 7 Bài 4: Đạo đức và kỉ luật

I. Em đọc truyện "Tấm ảnh chụp chung"


Em đọc truyện "Tấm ảnh chụp chung" trang 11, 12, 13 sách Bài tập tình huống Giáo dục công dân 7. Thuở bé, tôi tên là Bạch. Bạch nhưng đen nhẻm. Lớn lên, đi học tôi đổi tên là Đuốc ....

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Gợi ý 1

Nhân vật "tôi" tự kể về mình, em hãy tóm tắt truyện sao cho gọn và dễ nhớ.

Lời giải chi tiết:

Tôi tên là Bạch, nhưng sau này lớn lên, tôi đổi tên là Đuốc. Trong lớp, tôi giữ chức vụ lớp trưởng mặc dù học lực và đạo đức của tôi không được tốt lắm. Tôi được thầy giáo hết sức tin tưởng và tín nhiệm. Vì vậy, các bạn chỉ phục tùng cái “ chức” chứ không phục cái nết của tôi. Ở trên lớp, tôi tuốt lá, bẻ cây, văng tục, đánh nhau. Về nhà, tôi cãi nhau, ganh tị với em. Dù là lớp trưởng nhưng tôi không biết làm gương cho các bạn. Đến cuối năm, khi biểu quyết học sinh xuất sắc, tôi đã không được mọi người bầu. Tôi hết sức buồn và cảm thấy mình là người dư thừa trong lớp. Buổi học cuối, sau khi liên hoan, chúng tôi chụp ảnh. Nhưng tôi đã làm hỏng bức hình. Mọi người rất thất vọng, kể cả thầy giáo. Sau này tôi rất hối hận và hứa sẽ không bao giờ như vậy nữa. Đó là một bài học nhớ đời của tôi.

Gợi ý 2

Qua lời kể của bản thân, tác giả đã có những biểu hiện nào thiếu đạo đức và những biểu hiện nào thiếu tính kỉ luật.

Phương pháp giải:

Xem đoạn: "Những điều khiến mọi người … đấm đá"; "Ở nhà tôi còn cãi nhau, ganh tị với em"; "Sau khi phát phần thưởng … xé toạc ảnh".

Lời giải chi tiết:

Những biểu hiện thiếu đạo đức và kỉ luật của tác giả :

- Ở trên lớp: tuốt lá, bẻ cây, văng tục, đánh nhau.

- Về nhà: cãi nhau, ganh tị với em.

- Khi không được bầu là học sinh xuất sắc: chán nản, ỳ ra, đi học muộn, lạnh lùng với mọi người, làm việc một cách miễn cưỡng, đặc biệt còn phá hỏng bức ảnh chụp cuối năm của cả lớp.

Gợi ý 3

Hậu quả (chỉ việc xấu) cuối cùng đã đến với nhân vật "tôi" như thế nào ?

Phương pháp giải:

Xem đoạn: "Hôm bình bầu, … quá chặt với mình", "Tôi được thầy chủ nhiệm gọi riêng … tập thể như vậy?".

Lời giải chi tiết:

 Sau tất cả những việc xấu, hậu quả đã đến với tác giả là: lớp đã không bình bầu tiêu chuẩn học sinh xuất sắc cho tác giả, tác giả còn bị mọi người xa lánh, thầy giáo không tin tưởng.

Em đọc truyện

Hướng dẫn đọc : Tác giả tự kể về mình, vì vậy khi đọc cần nhập vai như chính mình là nhân vật "tôi" của truyện.

TẤM ẢNH CHỤP CHUNG

Thuở bé, tôi tên là Bạch. Bạch nhưng đen nhẻm. Lớn lên, đi học tôi đổi tên là Đuốc vì xem sách có em Đuốc sống khoác áo lửa xông vào kho xăng của giặc. Tôi mê lắm.

Tôi được cử làm lớp trưởng. Bạn học của tôi là con em những người cày ruộng và đi biển. Họ thẳng thắn, chất phác. Học lực của tôi cũng chỉ trên trung bình. Nhưng vì tôi cao lớn, lại nói năng tháo vát nên vẫn được làm lớp trưởng. Có lẽ vì thế mà các bạn chỉ phục tùng cái "chức", chứ không phục gì nết na của tôi.

Nhưng điều khiến mọi người không ưa tôi, sau này tôi mới nhận ra: Hễ làm việc gì là tôi hét lác. Anh nào lơ mơ là tôi mách thầy chủ nhiệm. Tan học về tôi cũng tuốt lá, bẻ cây, văng tục, đám đá ... Ở nhà tôi còn cãi nhau, ganh tị với em. Đã có lần chị tôi giật cái khăn quàng đỏ trên vai tôi và mắng : "Người ta quàng nhầm cho mày ! Tao sẽ báo cáo với nhà trường". Doạ thế, rồi chị cũng bỏ qua.

Tôi mừng thầm: mình thế nào thì nhà trường không biết. Còn bạn gần nhà mà nói ra sẽ phiền với tôi. Nhờ thế mà thầy chủ nhiệm vẫn tin. Thầy giao cho tôi làm báo tường, tự quản lao động, điều khiển tập thể dục v.v... Tôi phân công các tổ làm vệ sinh trong và ngoài lớp rất chu đáo, rồi tự tay mài son kẻ khẩu hiệu "Quyết tâm đuổi kịp và vượt Bắc Lí (Bắc Lí là trường gương mẫu của miền Bắc lúc bấy giờ).

Mấy tháng cuối năm tôi phấn đấu cả về học tập và công tác. Nhưng ác thay, tổng kết năm học, tiêu chuẩn học sinh xuất sắc phải là kết quả phấn đấu cả năm, giỏi nhiều môn, đạo đức tốt. Hôm bình bầu, vinh dự ấy không thuộc về tôi. Cay cú nhất là lúc lấy biểu quyết, tôi chỉ được tám cánh tay giơ lên ủng hộ. Tôi quay nhìn xuống, số đông cứ ngồi im. Có bạn né tôi quá thì cúi xuống hoặc quay đi, tránh cái nhìn của tôi làm tôi nghĩ rằng các bạn xử quá chặt với mình. Tôi đâm bực tức và đề nghị thầy chủ nhiệm cho bầu lại. Thầy chủ nhiệm cứ ngồi im. Người bạn được cả lớp bầu là học sinh xuất sắc đứng lên, xin được rút lui, nhưng cả lớp ào lên không nghe.

Thế là kết thúc.

Chỉ còn tuần nữa là hết năm học, tôi chán nản, ỷ ra. Đi học muộn, không điều hành việc lớp, tôi tưởng như thế thì lớp sẽ rối. Nhưng không, việc nào vẫn vào việc nấy. Tôi tự thấy tôi như một người thừa.

Tôi lạnh lùng với mọi người. Nhưng tất cả vẫn vui vẻ với tôi. Còn thầy chủ nhiệm vẫn tin tôi, song thầy bảo gì tôi đều làm một cách miễn cưỡng.

Buổi liên hoan cuối năm đã đến. Sau khi phát phần thưởng, thầy chủ nhiệm cùng cả lớp xếp ba hàng chụp ảnh kỉ niệm. Tôi cao ngổng nhưng cứ chen lên hàng trước. Đúng lúc ống kính giơ lên, tôi cào xõa tóc che cả mắt mũi. Ảnh in ra, mỗi bạn một tấm. Hình tôi như con ma dại, miệng nhe đầy răng. Có bạn không thích xé toạc ảnh.

Tôi được thầy chủ nhiệm gọi riêng. Thầy rất buồn, ngồi im, nhìn tôi rồi đẩy nhẹ tấm ảnh về phía tôi.

- Em cầm lấy để nhớ lâu ! Các bạn không bầu em, em phải thấy đấy là sự công bằng. Sao em lại phản ứng với tập thể như vậy ?

Nay thầy trò tôi mỗi người một nơi. Tôi vẫn giữ tấm ảnh từ ngày ấy. Bài học không lời trên tấm ảnh tuổi thơ mãi còn nhắc nhở.

LÊ BÍNH

* Truyện tham gia Cuộc vận động viết truyện ngắn giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng do Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.1 trên 10 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí