Đề thi học kì 1 môn sử lớp 7 năm 2020 - 2021 trường THCS Đoàn Kết


Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 7 năm 2020- 2021 trường THCS Đoàn Kết - Thành phố Hồ Chí Minh với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Đề bài

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 6

TRƯỜNG THCS ĐOÀN KẾT

KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ CUỐI KÌ 1

Môn: Lịch sử-Lớp 7

 

Thời gian làm bài: 45 phút

 

(Không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

   (Đề có 01 trang)

Câu 1: Em hãy nêu những thành tựu văn hóa của người Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng gì tới Việt Nam? (3,0 điểm)

Câu 2: Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nhà Lý đã làm gì? Vì sao sản xuất nông nghiệp thời Lý phát triển? (2,0 điểm)

Câu 3: Trình bày diễn biến, kết quả của cuộc kháng chiến trên phòng tuyến Như Nguyệt. Nêu nét độc đáo trong cách đánh giặc của Lý Thường Kiệt? (3,0 điểm)

Câu 4: Hãy nêu nguyên nhân thắng lợi của 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên. (2,0 điểm)

Lời giải chi tiết

Câu 1

Phương pháp: dựa vào sgk Lịch sử 7 trang 17 để trả lời.

Cách giải:

- Tư tưởng: Là quê hương của các tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay: đạo Hin-đu, đạo Bà-la-môn, đạo Phật.

- Chữ viết: Chữ Phạn xuất hiện sớm – khoảng 1500 năm TCN, là nguồn gốc của chữ viết Hin-đu thông dụng hiện nay ở Ấn Độ.

- Văn học - nghệ thuật: Phát triển phong phú với nhiều thể loại: giáo lí, chính luận, luật pháp, sử thi, kịch thơ.

- Nghệ thuật kiến trúc: chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo. Nhiều công trình kiến trúc đền thờ, chùa mang đậm phong cách tôn giáo vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

*Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam

1.Tôn giáo

- Theo đường biển, các nhà sư Ấn Độ đã đến Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên và trung tâm Phật giáo lớn nhất bấy giờ là Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

- Phật giáo lúc này mang màu sắc Tiểu thừa Nam Tông

- Sau này, sang thế kỉ IV-V, lại có thêm luồng Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa tràn vào.

- Do thâm nhập một cách hòa bình, ngay từ thời Bắc thuộc, Phật giáo đã phổ biến rộng khắp. Đến thời Lý-Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh.

- Ở Việt Nam di tích cho thấy rõ ràng nhất về sự tồn tại của Ấn Độ giáo là thánh địa Mỹ Sơn của quốc gia Champa cổ, một công trình kiến trúc vĩ đại còn tồn tại đến ngày nay.

2.Văn hoc

-Từ đầu công nguyên chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập, Tây Âu,…

- Ở Việt Nam, từ lâu đời các tác phẩm sử thi Ấn Độ đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn truyền từ đời nay sang đời khác nhưu sử thi nổi tiếng Ramayana.

3. Nghệ thuật kiến trúc

- Sự ảnh hưởng này được thể hiện rõ trong các công trình có tính chất tôn giáo như đền, tháp, điêu khắc trên phù điêu.

- Nền kiến trúc Ấn Độ đã dung hòa, biến đổi cho phù hợp với nền văn hóa của từng nước khác nhau và trở thành điểm nổi bật của chính nước đó như: Borobudur, Ăng co Vát, Thánh địa Mỹ Sơn.

- Ngoài kiến trúc Ấn Độ cổ xưa còn được phát hiện qua các công trình đổ nát được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau chủ yếu là gạch và đá (các công trình của người Champa.

4. Lễ hội- Ẩm thực

- Ở Việt Nam người Chăm là dân tộc chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nền văn hóa Ấn, vì vậy những lễ hội của họ cũng bắt nguồn từ Ấn Độ được thể hiện qua các lễ hội đền tháp như: lễ hội tháp bà Po Nagar vào tháng tư hàng năm.

- Ẩm thực truyền thống Ấn Độ với món cari nổi tiếng đã phổ biến ở trên thế giới và trong đó có Việt Nam. Khác với cari kiểu Ấn người Việt thường nấu nhiều nước hơn và được dùng với nhiều hình thức đa dạng.

- Lễ hội té nước vào năm mới: Lễ hội mang tên một vị thần tối cao Thagyarmin. Lễ hội bắt đầu vào ngày 13 đến 17 tháng 4, ngày 17 tháng 4 bắt đầu một năm mới.

- Lễ hội ánh sáng: Vốn tượng trưng co nền văn hóa Ấn Độ, lễ hội này có tên Diwali là một lễ hội quan trong của Ấn Độ giáo bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Thadingyut.

Câu 2

Phương pháp: dựa vào sgk trang 44, 45 để trả lời.

Cách giải:

Để đẩy mạnh sản suất nông nghiệp, nhà Lý đã ban hành nhiều chính sách như:

- Đem chia đều ruộng đất cho nông dân cày cấy và người nông dân có nghĩa vụ nộp tô thuế cho nhà vua.

- Hàng năm, các vua Lý đều về các địa phương tiến hành lễ cày “tịch điền” để khuyến khích sản xuất nông nghiệp trong nhân dân.

- Nhà Lý khuyến khích việc khai khẩn đất hoang. Tiến hành các công việc trị thủy như: đào kênh mương, khai ngòi, đắp đê phòng lụt,...

- Ban hành lệnh cấm giết hại trâu, bò để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.

=> Nhờ những chính sách trên, nền nông nghiệp Đại Việt thời Lý phát triển, đời sống nhân dân ấm no. 

Câu 3

Phương pháp: dựa vào sgk trang 41, 42 để suy luận trả lời.
Cách giải:

*Diễn biến

- Quân Tống nhiều lần tấn công quân ta. Chúng bắc cầu phao, đóng bè lớn ào ạt tiến qua sông đánh úp vào phòng tuyến của ta. Quân nhà Lý kịp thời phản công mãnh liệt, mưu trí, đẩy lùi chúng về phía bờ Bắc.

- Quân Tống chuyển sang thế củng cố, phòng ngự. Quân sĩ ngày một mệt mỏi, chán nản, chết dần chết mòn.

- Cuối mùa xuân 1077, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công lớn vào trận tuyến của địch. Bị đánh úp bất ngờ, quân Tống thua to.

Kết quả: Giữa lúc ấy, Lý Thường Kiệt chủ động kết thúc chiến tranh bằng biện pháp mềm dẻo, thương lượng, đề nghị "giảng hòa". Quách Quỳ chấp nhận ngay. Quân Tống vội vã rút về nước.

*Lý Thường Kiệt có những cách đánh giặc rất độc đáo như:

- Thực hiện chiến thuật “Tiên phát chế nhân”: Chủ động tiến công địch, đẩy địch vào thế bị động.

- Lựa chọn và xây dựng phòng tuyến phòng ngự vững chắc trên sông Như Nguyệt.

- Tiêu diệt thủy quân của địch, không cho thủy quân tiến sâu vào hỗ trợ cánh quân đường bộ.

- Sử dụng chiến thuật “công tâm”: đánh vào tâm lí của địch, làm cho địch hoang mang đồng thời khích lệ, động viên tinh thần quân sĩ bằng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”

- Chủ động tiến công khi thời cơ đến: nhận thấy quân địch đã suy yếu, hoang mang Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch.

- Chủ động kết thúc chiến sự bằng biện pháp mềm dẻo, thương lượng, đề nghị “giảng hòa” để hạn chế tổn thất.

Câu 4

Phương pháp: dựa vào sgk trang 66, 67 để trả lời.

Cách giải:

- Toàn dân tích cực tham gia kháng chiến.

- Công cuộc chuẩn bị kháng chiến chu đáo, toàn diện về mọi mặt của nhà Trần.

- Có sự lãnh đạo tài tình của nhà quân sự thiên tài: Trần Hưng Đạo, vua nhà Trần, chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo.

- Tinh thần hi sinh, quyết chiến, quyết thắng của toàn dân mà nòng cốt là quân đội nhà Trần.

 Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.8 trên 6 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.