Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 7 - Đề số 2 có lời giải chi tiết


Đề bài

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ  II

MÔN LỊCH SỬ - LỚP 7

Câu 1. Ngày 29/1/1258 ghi vào lịch sử chống quân Mông Cổ của dân tộc là ngày gì?

A. Quân Mông Cổ thua trận, phải rời khỏi Thăng Long.

B. Quân Mông Cổ bị đánh ở Vạn Kiếp.

C. Quân Mông Cổ bị đánh ở Đông Bộ Đầu.

D. Quân Mông Cổ gặp khó khăn ở Thăng Long.

Câu 2. Thời Trần đã ban hành bộ luật nào?

A. Hình thư.

B. Hình luật.

C. Quốc triều hình luật.

D. Quốc triều thư.

Câu 3. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở châu Âu được hình thành với hai giai cấp nào?

A. Lãnh chúa và nông nô.

B. Địa chủ và nông dân tá điền.

C. Tư sản và vô sản.

D. Quý tộc và công nhân.

Câu 4. Bộ luật đầu tiên của nước ta là

A. Hình thư (thời Lý).

B. Hình luật (thời Trần).

C. Hồng Đức (thời Lê).

D. Gia Long (thời Nguyễn).

Câu 5. Các phường hội, thương hội được lập ra trong các thành thị trung đại châu Âu nhằm mục đích gì?

A. Cạnh tranh công bằng.

B. Giúp đỡ nhau cùng sản xuất và buôn bán.

C.  Tạo thêm công việc cho nông nô.

D. Thành lập các hội buôn lớn hơn.

Câu 6. Trần Quốc Tuấn không có đóng góp gì đối với lịch sử dân tộc ta?

A. Ông là một nhà lý luận quân sự tài ba của dân tộc ta.

B. Ông là tác giả của hai bộ binh thư nổi tiếng “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư” và là tác giả của “Hịch tướng sĩ”. 

C. Ông là Tổng chỉ huy quân đội, là người có công lao to lớn trong ba lần kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên.   

D. Ông là người đầu tiên mở ra thời kì độc lập tự chủ của dân tộc ta.

Câu 7. Vì sao nhà Tống quyết xâm lược Đại Việt?

A. Do sự xúi giục của Cham - pa.

B. Do khó khăn về tài chính và sự quấy nhiễu của các tộc người Liêu - Hạ ở biên cương.

C. Do giai đoạn này nhà Tống hùng mạnh.

D. Do nhà Lý không chấp nhận tước vương của nhà Tống.

Câu 8. Về điêu khắc, hình tượng nghệ thuật độc đáo và phổ biến nhất thời Lý là:

A. Hoa văn hình hoa sen.

B. Hoa văn hình rồng.

C. Hoa văn chim lạc.

D. Hoa văn hình người.

Câu 9. Những chính sách về nông nghiệp do triều Đinh – Tiền Lê thi hành có tác dụng gì?

A. Nông nghiệp chỉ phát triển ở những vùng lân cận.

B. Nông nghiệp chưa có sự chuyển biến đáng kể.

C. Nông nghiệp phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.

D.  Nông nghiệp ổn định và bước đầu phát triển.

Câu 10. Di tích thành nhà Hồ (Thanh Hóa) gắn với sự kiện nào?

A. Chiến tranh giữa các thế lực của quý tộc nhà Trần với lực lượng của Hồ Quý Ly.

B. Hồ Quý Ly phế truất vua Trần và lên làm vua, lập ra nhà Hồ.

C. Hồ Quý Ly thực hiện những biện pháp nhằm tăng cường củng cố quân sự và quốc phòng.

D. Nhà Minh chuẩn bị xâm lược, Hồ Quý Ly cho gấp rút xây dựng thành nhà Hồ.

Câu 11. Xã hội phong kiến phương Đông phổ biến quan hệ bóc lột giữa hai giai cấp nào?

A. chủ nô và nô lệ.

B. địa chủ và nông dân lĩnh canh.

C.  địa chủ và nô tì.

D. địa chủ và công nhân.

Câu 12. Một trong những nội dung quan trọng thể hiện vai trò của các dân tộc ít người trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075 – 1077) là gì?

A. Cho quân mai phục những vị trí quan trọng ở gần biên giới Việt – Tống.

B. Tự giải phóng các vùng đất bị quân Tống chiếm đóng.

C. Đưa ra kế sách chủ động tiến công khi thời cơ đến gần.

D. Chiêu mộ binh lính đánh bại hoàn toàn bộ binh của địch.

Câu 13. Tác phẩm nào sau đây của Trung Quốc không thuộc thể loại tiểu thuyết?

A. Đường thư.

B.  Thủy hử. 

C. Tam quốc diễn nghĩa.

D. Hồng lâu mộng.

Câu 14. Trong phong trào Cải cách tôn giáo, giai cấp tư sản chống lại thế lực nào?

A. Giáo hội.

B. Tu sĩ.

C. Quý tộc.

D. Thương nhân.

Câu 15. Sự kiện đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục Đại Việt là gì?

A. Mở Quốc Tử Giám.

B. Xây dựng Văn Miếu.

C. Mở khoa thi.

D. Mở khoa thi, mở Quốc Tử Giám.

Câu 16. Vương quốc Pa-gan là tiền thân của quốc gia nào sau đây?

A. Lào.

B. Mi-an-ma.

C. Cam-pu-chia.

D. Ma-lai-xi-a.

Câu 17. Nghệ thuật kiến trúc và điều khắc thời Trần có nét gì độc đáo?

A.  Vô số các công trình được tu sửa có quy mô lớn nhất Đông Dương.

B. Hình rộng được khắc trên đá trau chuốt, uy nghiêm.

C. Xây dựng Đại Nội tại kinh thành Huế.

D. Nhiều thành kiên cố được xây dựng ở các tỉnh.

Câu 18.  Điểm độc đáo của kiến trúc Ấn Độ là gì?

A. Kiến trúc Ấn Độ chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc.

B. Kiến trúc mang nét đặc trưng riêng của Phật giáo.

C. Kiến trúc chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo: Kiến trúc Nho giáo và kiến trúc Hin-đu.

D. Kiến trúc chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo: Kiến trúc Hin-đu và kiến trúc Phật giáo.

Câu 19. Ai là người giả làm người lái đò chở sứ giả Lý Giác nhà Tống qua sông và là tác giả của bài thơ khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước sau:

“Vận nước như mây quấn,

Trời nam hưởng thái bình.

Vô vi trên điện các,

Chốn chốn dứt đao binh”.

A. Thiền sư Vạn Hạnh.

B. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận.

C. Thiền sư Khuông Việt.

D. Thiền sư Phù Trì.

Câu 20. Công lao đầu tiên, quan trọng nhất của Ngô Quyền đối với lịch sử dân tộc trong thế kỉ X là :

A. Đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, giành lại tự do cho dân tộc

B. Đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, thành lập nhà nước phong kiến độc lập đầu tiên

C. Đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, giành lại được độc lập cho dân tộc

D. Đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, củng cố và xây dựng đất nước.

Lời giải chi tiết

1. A

2. C

3. C

4. A

5. B

6. D

7. B

8. B

9. D

10. C

11. B

12. A

13. A

14. A

15. D

16. B

17. B

18. D

19. B

20. C

 

Câu 1

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 57.

Cách giải:

Ngày 29/1/1258 ghi vào lịch sử chống quân Mông Cổ của dân tộc là ngày quân Mông Cổ thua trận, phải rời khỏi Thăng Long.

Chọn A

Câu 2

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 51.

Cách giải:

Thời Trần đã ban hành bộ luật Quốc triều hình luật.

Chọn C

Câu 3

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 7.

 Cách giải:

- Giai cấp tư sản hình thành từ quý tộc, thương nhân, chủ đồn điền đã có được nguồn vốn ban đầu và nguồn nhân công đông đảo. Họ lập ra các xưởng sản xuất với quy mô lớn, mở rộng kinh doanh.

- Giai cấp vô sản hình thành từ những người nông nô bị tước đoạt ruộng đất, làm trong các xí nghiệp tư sản

=> Tư sản bóc lột vô sản.

=> Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở châu Âu được hình thành.

Chọn C

Câu 4

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 37.

Cách giải:

Bộ luật đầu tiên của nước ta là Hình thư (thời Lý).

Chọn A

Câu 5

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 6.

 Cách giải:

Trong các thành thị, lập ra các phường hội, thương hội để tránh được sự sách nhiễu của chế độ phong kiến và giúp đỡ nhau cùng sản xuất và buôn bán.

Chọn B

Câu 6

Phương pháp: Liên hệ kiến thức về công lao của Trần Quốc Tuấn đối với lịch sử dân tộc.

Cách giải:

- Các đáp án A, B, C đều là đóng góp của Trần Quốc Tuấn đối với lịch sử dân tộc ta.

- Đáp án D: chỉ công lại của Ngô Quyền, người có công mở ra thời kì độc lập tư chủ của dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Chọn D

Câu 7

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 38 - 39, giải thích.

Cách giải:

Do khó khăn về tài chính và sự quấy nhiễu của các tộc người Liêu - Hạ ở biên cương nên nhà Tống Tống quyết xâm lược Đại Việt để giải quyết tình trạng khủng hoảng trên.

Chọn B

Câu 8

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 49.

Cách giải:

Về điêu khắc, hình tượng nghệ thuật độc đáo và phổ biến nhất thời Lý là: Hoa văn hình rồng.

Chọn B

Câu 9

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 32, lý giải.

Cách giải:

Do chính sách khuyến khích trong nông nghiệp của nhà vua: chú trọng công tác thuỷ lợi, có biện pháp khuyến nông, … nên tình hình nông nghiệp nước ta thời Đinh - Tiền Lê ngày càng ổn định và bước đầu phát triển:

- Mùa lúa các năm 987, 989 đều tươi tốt, được mùa liên tục.

- Nghề trồng dâu nuôi tằm được khuyến khích.

Chọn D

Câu 10

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 79.

Cách giải:

Di tích thành nhà Hồ (Thanh Hóa) gắn với sự kiện Hồ Quý Ly thực hiện những biện pháp nhằm tăng cường củng cố quân sự và quốc phòng.

Chọn C

Câu 11

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 24.

 Cách giải:

Xã hội phong kiến phương Đông phổ biến quan hệ bóc lột giữa địa chủ với nông dân lĩnh canh.

Chọn B

Chú ý khi giải:

Xã hội phong kiến phương Đông phổ biến quan hệ bóc lột giữa lãnh chúa phong kiến với nông nô.

Câu 12

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 40, phân tích.

Cách giải:

Vai trò của các dân tộc ít người trong cuộc kháng chiến chống Tống vô cùng quan trọng. Biểu hiện:

- Khi quân Tống mới có âm mưu xâm lược Đại Việt: Các tù trưởng được lệnh và tiến hành chiêu mộ binh lính đánh trả các cuộc quấy phá, làm thất bại âm mưu dụ dỗ của nhà Tống.

- Khi nhà Lý chủ động tiến công để phòng vệ: Các tù trưởng Thân Cảnh Phúc, Tông Đản chỉ huy một dạo quân là những dân binh miền núi đánh vào châu Ung (Quảng Tây).

- Khi cuộc kháng chiến bùng nổ: Các tù trưởng dân tộc ít người ở gần biên giới Việt - Tống đã cho quân mai phục những vị trí chiến lược quan trọng.

=> Dưới sự lãnh đạo tài tình của Lý Thường Kiệt đã đoàn kết được lực lượng toàn dân (trong đó các dân tộc ít người đóng góp một phần vô cùng quan trọng), đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống một cách vẻ vang.

Chọn A

Câu 13

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 14, loại trừ, suy luận.

 Cách giải:

- Tiểu thuyết là một hình thức văn học mới phát triển ờ thời Minh, Thanh.

- Nhiều tác phẩm lớn, nổi tiếng đã ra đời trong giai đoạn này như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thuỷ hử của Thi Nại Am, Tây du kí của Ngô Thừa Ân, Hồng lâu mộng cùa Tào Tuyết Cần...

Chọn A

Chú ý khi giải:

Đường thư thuộc lĩnh vực sử học.

Câu 14

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 6.

Cách giải:

Trong suốt hơn một nghìn năm, giai cấp phong kiến châu Âu đã lấy Kinh thánh của đạo Ki-tô làm cơ sở tư tưởng chính thống của mình và dựa vào Giáo hội để thống trị nhân dân về mặt tinh thần.

=> Vì thế, giai cấp tư sản đang lên coi Giáo hội là một thế lực cản trở bước tiến của họ. Họ đòi thay đổi và “cải cách” tổ chức Giáo hội.

Chọn  A

Câu 15

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, 47, suy luận.

Cách giải:

Việc nhà Lý mở khoa thi đầu tiên năm 1075 và mở Quốc Tử Giám năm 1076 đã đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục Đại Việt.

Chọn D

Câu 16

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 19.

Cách giải:

Vương quốc Pa-gan là tiền thân của quốc gia Mi-an-ma.

Chọn B

Câu 17

Phương pháp: SGK Lịch sử 7, trang 72, 73, suy luận.

 Cách giải:

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Trần có nhưng nét độc đáo sau:

- Kiến trúc:

+ Nhiều công trình kiến trúc mới, có giá trị ra đời như: tháp Phổ Minh (Nam Định), thành Tây Đô (Thanh Hóa),

+ Một số công trình được tu sửa lại có quy mô hơn như cung điện và Hoàng thành ở Thăng Long, cung Thái thượng hoàng ở Tức Mặc (Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc).

- Điêu khắc: Phổ biến điêu khắc các hình, tượng hổ, sư tử, trâu, chó và các quan hầu bằng đá. Hình rồng khắc trên đá trau chuốt, có sừng uy nghiêm.

Chọn B

Câu 18

Phương pháp: Dựa vào điểm nổi bật về nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ (có sự kết hợp hài hòa giữa Kiến trúc Hin-đu và Kiến trúc Phật giáo) để chỉ ra điểm độc đáo.

Cách giải:

- Nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo:

+  Kiến trúc Hin-đu với những đền thờ hình tháp nhọn nhiều tầng, được trang trí tỉ mỉ bằng các phù điêu.

+  Kiến trúc Phật giáo với những ngôi chùa xây bằng đá hoặc khoét sâu vào vách núi, những tháp có mái tròn như chiếc bát úp.

=> Như vậy, điểm độc đáo của kiến trúc Ấn Độ là kiến trúc chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo: Kiến trúc Hin-đu và kiến trúc Phật giáo.

Chọn D

Chú ý khi giải:

Yếu tố tôn giáo chi phối rất nhiều đến văn hóa Ấn Độ thời phong kiến.

Câu 19

Phương pháp: Liên hệ kiến thức.

Cách giải:

- Các nhà Sư trong thời Đinh Lê đã tham gia rất nhiều công việc trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc. Họ thường được nhà vua giao cho các công việc ngoại giao và cố vấn chính trị. Đặc biệt sư Khuông Việt và Pháp Thuận đã được nhà vua giao tiếp đón xứ thần Trung Quốc.

- Năm 987, vua Lê Đại Hành đã sai Pháp Thuận giả làm người lái đò để đón sứ là Lý Giác.

- Thiền sư Pháp Thuận (915 – 990) họ Đỗ, tu ở chùa Cổ Sơn (Thanh Hóa). Ngài là học trò của Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thụ. Theo Thiền Uyển tập anh, Ngài là người “Bác học, hay thơ, có tài vương tá, hiểu rõ việc đời”. Khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Ngài đã trả lời bằng một bài kệ:

"Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên Lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh".

(Vận nước như mây quấn,

Trời nam hưởng thái bình.

Vô vi trên điện các,

Chốn chốn dứt đao binh).

Chọn B

Câu 20

Phương pháp: Dựa vào công lao của Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và ý nghĩa của chiến thắng này để xác định công lao đầu tiên, quan trọng nhất của Ngô Quyền.

Cách giải:

Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thắng lợi này đã chấm dứt hơn 10 thế kỉ thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc ở nước ta. Nền độc lập và chủ quyền của đất nước được giữ vững.

Chọn C

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 7 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 7 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.