Phân tích tác phẩm "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải >
I. Mở bài - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm - Nguyễn Khải tên đầy đủ là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930 tại Hà Nội, quê gốc ở Nam Định nhưng sinh sống ở nhiều nơi.
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Khải tên đầy đủ là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930 tại Hà Nội, quê gốc ở Nam Định nhưng sinh sống ở nhiều nơi. Năm 1947, ông tham gia tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá. Nguyễn Khải bắt đầu nghề báo, nghề văn từ năm 1950. Truyện Một người Hà Nội Hà Nội sáng tác năm 1990, in trong tập truyện Hà Nội trong mắt tôi, Nhà xuất bản Hà Nội năm 1995. Qua truyện, nhà văn đã thể hiện cảm nhận của mình về lối sống, về bản lĩnh văn hóa của một người Hà Nội.
II. Thân bài
- Phân tích nếp sống thanh lịch dù thời cuộc đầy biến động:
+ Nếp ăn, nếp ở, cái mặc
+ Cách ứng xử với chính sách cải cách tư sản nhà nước
- Có đầu óc trung thực, thẳng thắn
+ Không ganh đua, tự ái, thói thời thượng, không có lãng mạn hay mơ mộng viển vông
+ Đã tính đi làm, đã đi làm thì mặc đàm tiếu của thiên hạ
- Trân trọng, nâng niu, giữ gìn truyền thống văn hóa Hà Nội
+ Dặn dò bọ trẻ:” Là nơi Hà Nội thì cách đi đứng nói năng cho chuẩn, không được sống tùy tiện buông tuồng”
+ Coi việc giữ gìn nếp sống là một cách “tự trọng, biết xấu hổ”
- Đánh giá
+ Đặt cô Hiền vào nhiều bối cảnh lịch sử, nhà văn soi chiếu được số phận một dân tộc trong một con người:
+ Cái nhìn hiện thực mới mẻ
+ Quan niệm về con người, niềm tin vào sự bất tử của những đẹp văn hóa truyền thống
+ Nhân vật “ Một người Hà Nội “ được soi chiếu ở nhiều thời điểm lịch sử.
- Nghệ thuật
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: ngôn ngữ cá thể hóa
+ Liên hệ ngắn gọn với “ Chân dung người Hà Nội” hiện nay.
III. Kết bài
- Đánh giá tài năng của tác giả và thành công của tác phẩm.
Bài tham khảo Mẫu 1
“Một người Hà Nội“ là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Khải. Qua đó, tác giả thể hiện cái nhìn vô cùng mới mẻ của nhà văn về con người, cuộc sống với một hình thức nghệ thuật in đậm cá tính sáng tạo của nhà văn.
Ngay từ cách đặt tên nhan đề “Một người Hà Nội” nhà văn đã mở ra hình tượng trung tâm của tác phẩm là một người Hà Nội Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp hà Nội thuần túy không trộn lẫn. Bên cạnh đó còn mở ra không gian nghệ thuật cổ kính, mảnh đất Kinh Kì, nghìn năm văn hiến đã trải qua cùng những thay đổi của thời đại. Cũng từ nhan đề có thể soi sáng được tư tưởng và chủ đề của tác phẩm.
“Một người Hà Nội” với nhân vật chính là cô Hiền – người xuất thân từ gia đình Hà Nội giàu có, thân thiện. Ở cô Hiền thấm sâu vẻ đẹp tinh thần, văn hóa cốt cách của một người Hà Nội Hà Nội gốc, tạo nên nơi người đọc về vẻ đẹp ấy sẽ bền vững, không bị nhạt nhòa theo thời gian. Cô cũng là người có tình yêu và gắn bó sâu sắc với mảnh đất hà Nội. Ngay cả khi nơi đây có đang oằn mình trong bom đạn thì cô vẫn bám trụ lại mảnh đất này bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của Hà Nội.
Ở cô Hiền người ta nhìn thấy hội tụ đầy đủ vẻ đẹp ngoại hình, tính cách và tâm hồn. Về ngoại hình cô mang vẻ đẹp quý phái, sang trọng của một người phụ nữ gốc Hà Nội. Bên cạnh đó, cô là người thẳng thắn, có cái nhìn nhạy bén, sâu sắc trước thực tế và là người dám bộc lộ quan điểm sống của mình, dám thẳng thắn nói lên và sống thật với chính mình. Ở cô còn là người có lối sống văn minh hiện đại nhưng giữ được lối sống đẹp, không xô bồ, bon chen. Một người hà Nội hà Nội như cô Hiền mang vẻ đẹp riêng trong cốt cách và nó được tỏa sáng trong bất kì hoàn cảnh nào. Cô Hiền thể hiện là người hiểu được giá trị của cuộc sống, biết hướng đến giá trị cuộc sống và biết hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Ngoài ra, cô vẫn giữ được thói quen thời trẻ của mình đó là giao lưu với văn nhân, nghệ sĩ, một cuộc sống phóng khoáng về tinh thần và một tâm hồn nghệ sĩ, là người biết yêu và trân trọng cái đẹp. Tuy vậy, cô vẫn là người có đầu óc thực tế trong việc lựa chọn chồng. gần 30 tuổi cô mới lấy chồng. Nhưng người chồng cô chọn không mơ mộng một người làm quan hay làm nghệ sĩ. Người cô chọn là một ông giáo dạy tiểu học hiền lành chăm chỉ. Cô Hiền là người có đầu óc thực tế, khôn ngoan việc gì cũng tính toán trước sau, đã tính là làm, đã làm là không sợ lời đàm tiếu từ thiên hạ. Phải là người hiểu đời, trải đời có bản lĩnh cô mới vượt lên những chuyện thị phi được mất ở đời như thế.
Trong quan hệ với gia đình cô làm tròn bổn phận của một người vợ đảm đang, thông minh, tài giỏi trong việc làm kinh tế và tài giỏi trong việc quản lý gia đình. Đồng thời trong cách dạy con cái thì cô Hiền là người mẹ nghiêm khắc. Từ dáng ngồi trên bàn cô cũng chấn chỉnh và dạy con phải có lòng tự trọng. Một người mẹ có lòng tự trọng và ý thức rõ trách nhiệm của một công dân có lòng yêu nước . Trong quan hệ với người ở cô hiền là người sống tình nghĩa nhân hậu, có trước có sau và gần gũi với mọi người như người thân trong gia đình. Chính vì vậy mà Nguyễn Khải ví cô như “hạt bụi vàng” và nhà văn trân trọng vẻ đẹp cốt cách và tâm hồn của một người Hà Nội Hà Nội như cô Hiền.
Ngoài cô Hiền, mặc dù không trọng tâm miêu tả nhưng Nguyễn Khải cũng khắc họa lại hững nhân vật Hà Nội khác trong tác phẩm. Đó là những thanh niên hà Nội đại diện cho thế hệ trẻ có tự trọng, có trách nhiệm với quê hương, Tổ quốc. Những chàng trai mang trong mình lí tưởng sống cao đẹp sẵn sàng xả thân vì Hà Nội, vì Tổ quốc mình. Đặc biệt là Dũng – chàng trai có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lí tưởng và trách nhiệm. Đó là Tuất một chàng trai biết kiềm lại cảm xúc của bản thân để hướng đến những điều lớn lao hơn. Và là mẹ Tuất- người mẹ phải gánh chịu sự mất mát to lớn, đánh đổi cả đứa con thân yêu của mình. Một người mẹ đầy nghị lực và bản lĩnh.
Tất cả tô lên một bức tranh khắc họa nhân vật là những con người hà Nội luôn âm thầm và lặng lẽ bằng những cách khác nhau để bảo vệ sự trường tồn của Hà Nội, bảo vệ những vẻ đẹp cốt cách và tâm hồn của những người Hà Nội.
Bài tham khảo Mẫu 2
Nguyễn Khải được coi là cây bút khá nổi tiếng của văn xuôi nước ta từ sau cách mạng tháng Tám. Những sáng tác văn chương của Nguyễn Khải phản ánh sinh động và khá chân thật quá trình vận động của cả nền văn học từ thời chiến tranh sang thời hòa hình. Trong những sáng tác trước năm 1977, Nguyễn Khải chủ yếu quan tâm đến các vấn đề mang tính thời sự chính trị. Và những sáng tác của ông từ năm 1978 về sau ông lại quan tâm nhiều hơn về cuộc sống đời thường. Ông đi sâu phản ánh và phân tích những diễn biến tâm lí khá phức tạp nhưng rất hợp lí của con người trong thời đại sau chiến tranh. Một người Hà Nội Hà Nội rút từ tập truyện Hà Nội trong mắt tôi là một tác phẩm tiêu biểu cho ngòi bút Nguyễn Khải ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Trong truyện Một người Hà Nội Hà Nội Nguyễn Khải đã xây dựng khá thành công hình tượng nhân vật bà Hiền - một nhân vật khá tiêu biểu cho người Hà Nội.
Một người Hà Nội nói riêng và cả tập truyện Hà Nội trong mắt tôi nói chung là chứa đựng một tình yêu sâu nặng với Hà Nội với những hiểu biết sâu sắc và tinh tế của Nguyễn Khải về nét đẹp của cảnh vật và con người Hà Nội.
Cô Hiền xuất thân từ một gia đình giàu có, lương thiện, có học thức, yêu thích thơ văn. Cô Hiền đẹp, thông minh, được bố mẹ cho phép mở phòng tiếp khách văn chương, vẻ đẹp của cô Hiền là một vẻ đẹp khá toàn diện được tác giả thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau, từ cách chọn người bạn trăm năm đến việc thu xếp việc nhà, sinh con và răn dạy con cái.
Về hôn nhân, cô Hiền đã vượt qua thói thường tình của con người, cô không ham danh, hám lợi, không cơ hội, không tính toán. Cô có một quan điểm rất nghiêm túc đúng đắn về hôn nhân. Là một phụ nữ có nhan sắc, yêu văn chương, thời còn con gái tiếp xúc nhiều với những văn nhân nghệ sĩ, nhưng cô lại không sống theo lối sống lãng mạn, viễn vông. Cô cũng chả hứa hẹn gì với đám nghệ sĩ, văn nhân, đùa vui một thời son trẻ thế là đủ. Cô chọn người bạn đời của cô cũng không phải là một ông quan nào mà là một ông giáo cấp tiểu học, hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Cô Hiền luôn đặt trách nhiệm làm vợ, làm mẹ lên trên mọi thú vui khác. Cô coi việc phụng dưỡng chồng, chăm sóc cho chồng con là một niềm vui, là niềm hạnh phúc của cô. Trong việc quản lí gia đình cô Hiền luôn là người chủ động, tự tin và xác định rõ vai trò quan trọng của người vợ trong gia đình. Theo cô “Người đàn bà không làm nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao”. Vì vậy mà cô Hiền đã phê phán cái thói "bắt nạt vợ" quá đáng của người cháu. Cô là một người sớm có nhận thức về “bình đẳng nam nữ".
Về việc dạy con, cô Hiền dạy con khi chúng còn nhỏ và dạy từ những chuyện sinh hoạt hàng ngày trong gia đình như cách ngồi ăn, cách cầm bát, cầm đũa, múc canh ... vì cô cho đó là một hình thức văn hóa: văn hóa ẩm thực, văn hóa sống ... và hơn nữa, đó là văn hóa của người Hà Nội. Theo cô, người Hà Nội phải sống cho thật chuẩn mực: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”.
Về việc sinh con, cô Hiền cũng có quan điểm rất tiến bộ so với những người đương thời. Cái thời mà người ta thích đẻ nhiều để sau này có “con đàn, cháu đống” cho vui cửa, vui nhà và họ coi đó là niềm hạnh phúc. Họ thích đẻ nhiều mà ít quan tâm đến việc nuôi nấng và giáo dục con cái đến nơi đến chôn vì họ cứ theo cái quan niệm cũ: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Cũng ở vào cái thời đại đó nhưng cô Hiền lại có một nhận thức đúng đắn, tiến bộ. Cô không tin vào việc “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, và cô có một quyết định khá dứt khoát: chấm dứt việc sinh đẻ vào năm bốn mươi tuổi, để có điều kiện nuôi dạy con cái một cách chu đáo để chúng có thể “sống tự lập”, không bị lệ thuộc, sống có nhân, cách. Tình yêu thương con của cô Hiền là một thứ tình cảm sáng suốt của một người mẹ có nhân cách, giàu lòng tự trọng, có suy nghĩ sâu sắc, đúng đắn, có tầm nhìn sâu rộng.
Một nét đẹp ở cô Hiền mà khiến chúng ta phải khâm phục và trân trọng đó là “lòng tự trọng“ rất cao cả của cô. Lòng tự trọng không cho phép con người ta sống ích kỉ và hèn nhát. Chính vì có lòng tự trọng cao nên cô Hiền bằng lòng cho đứa con trai lớn của mình là Dũng đi chiến đấu mặc dầu lòng cô đau đớn lắm vì cô "không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”. Tiếp đến, cô Hiền cho đứa em Dũng tiếp bước anh mình “bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Lòng tự trọng ấy cũng chính là lòng yêu nước, ý thức cộng đồng thâm trầm, sâu sắc mà không cần ồn ào của cô Hiền.
Cô Hiền là một người sống chuẩn mực có bản lĩnh, tự tin ở chính mình. Cô Hiền có cách sống và vẻ bề ngoài có vẻ tư sản nhưng không hề bị đi học tập cải tạo vì cô chẳng hề bóc lột ai, cô chỉ sống bằng cái nghề làm hoa giấy. Cô Hiền là một con người mang đậm chất Hà Nội. Chất Hà Nội của cô Hiền được thể hiện qua cách sống lịch lãm, sang trọng của cô. Điều này được thể hiện rất rõ ngay trong phòng khách của cô. Phòng khách của cô như lưu giữ cái hồn Hà Nội: cổ kính, quý phái và tinh tế mà “suốt mấy chục năm không hề thay đổi". Chất Hà Nội của cô Hiền được thể hiện qua thái độ ung dung, tự tại trước những biến động của thời cuộc: cô không hề lo sợ trước sự thắng lợi của cách mạng và cũng không tỏ ra mừng vui quá mức. Câu trả lời của cô trước câu hỏi hơi nghiệt của đứa cháu:
“Tại sao cô không phải học tập cải tạo. Cô giấu cũng tài nhỉ ?”
“Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được. ”
Hoặc:
“Nước độc lập vui quá cô nhỉ”
"Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ?" đã thể hiện khá rõ chất ung dung tự tại của cô Hiền.
Hơn thế nữa, chất Hà Nội ở cô Hiền còn được thể hiện qua sự khôn ngoan, sâu sắc của trí tuệ như việc cô nói về lẽ tuần hoàn: “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được’’, hoặc việc cô bộc lộ niềm tin vào tương lai vào cái đẹp của Hà Nội vẫn tồn tại vĩnh viễn, dẫu mỗi thời điểm cái đẹp có khác nhau: "Mỗi thế hệ điều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi”.
Nhìn chung lại, ta thấy cô Hiền là một người phụ nữ không những có nhan sắc mà còn có một vẻ đẹp tâm hồn rất lớn. Cô Hiền là một người phụ nữ mẫu mực rất yêu chồng và thương con, có lòng tự trọng cao, có nhiều quan điểm rất tiến bộ như trong việc sinh con, giáo dục con, sống chuẩn mực, lịch lãm, điềm đạm, luôn giữ phong cách của một người Hà Nội Hà Nội và rất yêu Hà Nội, tin tưởng vẻ đẹp của Hà Nội không bao giờ mất đi. Hay nói một cách khác cô Hiền là một người tiêu biểu cho vẻ đẹp của người Hà Nội.
Bài tham khảo Mẫu 3
Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, Hà Nội đã trở thành mảnh đất kết tinh bao tinh hoa của đất trời, là nơi hội tụ cảm xúc của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ. Vùng đất kinh kỳ dường như hóa thân thành “nhân vật” có tâm hồn trong trong văn thơ, chẳng cần xô bồ hay hối hả, Hà Nội vẫn để lại dấu ấn riêng gây thương nhớ cho những ai đã từng ghé qua.
Chẳng lãng mạn như Tô Hoài, Đỗ Phấn, truyện ngắn Một người Hà Nội Hà Nội của Nguyễn Khải đã để lại trong lòng người đọc biết bao cảm xúc dạt dào, vẻ đẹp con người được khắc hoạ thật tinh tế, chân thật, mang đậm màu sắc Hà thành.
Nguyễn Khải sinh ra tại Hà Nội, ông trải qua nhiều bước ngoặc lớn trong cuộc đời mình. Năm 1950, ông bắt đầu sự nghiệp văn chương với những tác phẩm đầu tay: Xây dựng (1950-1951), Xung đột (phần I – 1959, phần II – 1962),… Các tác phẩm viết về đề tài nông thôn: Mùa lạc (1960), Người trở về (1964),… Từ sau năm 1975, các tác phẩm của ông đề cập chủ yếu đến vấn đề chính trị - xã hội mang tính thời sự, đặc biệt là tâm lý, tư tưởng con người trước những biến động của thời cuộc.
Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải trong giai đoạn này: Cha và con, và… (1979), Thời gian của người (1985) và đặc sắc nhất là truyện ngắn Một người Hà Nội Hà Nội được ông viết năm 1990. Tác phẩm đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp tính cách và tâm hồn của con người Hà Nội qua biết bao thăng trầm, biến động của đất nước.
Nhan đề Một người Hà Nội được Nguyễn Khải đặt đã làm nổi bật lên hình tượng trung tâm xuyên suốt của tác phẩm chính là “người Hà Nội” mang trong mình vẻ đẹp toàn diện từ ngoại hình, tính cách cho đến tâm hồn. Nhan đề không màu mè, khoa trương cũng đủ gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, nó như mở ra một không gian nghệ thuật tuyệt mỹ, một mảnh đất Hà thành xinh đẹp, cổ kính, trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử dân tộc
Nguyễn Khải xây dựng nhiều tuyến nhân vật đều xuất thân là người Hà thành, tuy nhiên nổi bật là cô Hiền – nhân vật chính trong truyện. Cô xuất thân trong một gia đình giàu có, nề nếp, có nhan sắc, yêu văn chương và có trí thông minh hơn người. Ở nhân vật này, toát lên vẻ đẹp thuần tuý không trộn lẫn, vẻ đẹp của tinh thần và cốt cách thấm sâu từ nền văn hoá vùng đất kinh kỳ, không thể phai nhoà theo năm tháng.
Cô Hiền yêu mảnh đất này, nơi cô sinh ra và lớn lên với biết bao hoài niệm, cô vẫn ở lại Hà Nội thân thương mặc cho bom đạn đang đổ xuống nơi đây, chẳng ngại hiểm nguy đang trực chờ cô và gia đình mình vẫn bám trụ chỉ bởi vì “không thể rời xa Hà Nội”.Người phụ nữ có vẻ đẹp quý phái, đầy lòng kiêu hãnh, sự tự tin vốn có của người Đô thành, cùng với con mắt nhạy bén, sắc sảo dám bộc lộ quan điểm thẳng thắn, dám sống thật với bản thân.
Mặc cho xã hội đang dần thay đổi, nếp sống hối hả xô bồ đang ngày càng lan rộng trong nhân dân, cô Hiền vẫn giữ cho cho mình được lối sống đẹp, cách cư xử nhã nhặn, thanh cao đúng chuẩn Hà thành. Quả là một con người thức thời, cô nhanh chóng dung hoà được giá trị vật chất và vẻ đẹp tâm hồn, tuy chẳng còn phải tuổi thiếu nữ đôi mươi nhưng người phụ nữ này vẫn giữ cho mình một tâm hồn yêu nghệ thuật, cô vẫn giữ mối quan hệ với những văn nhân, nghệ sĩ, giữ cho tâm hồn biết yêu và trân trọng vẻ đẹp tinh thần.
Gần ba mươi tuổi, cô Hiền mới đi lấy chồng, “đùa vui một thời son trẻ thế là đủ” đã đến lúc làm một người vợ hiền, một người mẹ tốt, cô không chọn “một ông quan nào hết” hay một người văn nghệ sĩ, cô chọn lấy một ông giáo tiểu học “hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Người phụ nữ này chắc hẳn nổi tiếng cả Hà thành, cô đã có những tính toán cho cuộc đời mình, khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời cô lựa chọn một lối đi an toàn nhất nhưng cũng hoàn hảo nhất.
Cô Hiền có tất cả, từ gia thế cho tới ngoại hình, trí tuệ, cô biết mình cần gì và muốn gì, quyết định chọn một nhà giáo tri thức lại hiền lành, chăm chỉ sẽ mang lại cho cô một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Khi là người vợ, người mẹ cô tính toán chu toàn cho tương lai của những đứa con mình, đây quả thực là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, dám nghĩ dám làm, khi đã làm thì không sợ đàm tiếu, thị phi thiên hạ. Bất kể là bản lĩnh hay trí tuệ cô đều có thừa, thật khiến người kinh khâm phục, kính nể bội phần.
Cô Hiền được tác giả miêu tả như “nội tướng”, mọi việc trong gia đình đều do một tay cô thu xếp chu toàn. Cô tài giỏi trong việc kinh tế lẫn quản lý gia đình, đưa cho chồng những lời khuyên đúng đắn kịp thời, mở một cửa hàng hoa giả mang lại thu nhập cho gia đình, cô bán đi một dinh cơ cho người bạn ở kháng chiến về. Chỉ bằng những hành động trên, ta hoàn toàn có thể cảm nhận được cô Hiền là người rất thức thời, và có trí tuệ hơn người.
Cô và gia đình sống như một nhà tư sản ở trong một “tòa nhà tọa lạc ngay tại một đường phố lớn”, “mùa đông ông mặc áo ba-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô”, “bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa”,… Họ vẫn giữ nếp sống Hà thành giữa thời cuộc đổi thay nhưng lại chẳng thấp thỏm lo sợ, cũng chẳng cần để tâm đến lời dị nghị xung quanh bởi vì cô Hiền biết đâu là chuẩn mực, là giới hạn, để giữ cho mình không đủ “tiêu chuẩn” thành tư sản, chẳng cần “bóc lột” ai mọi việc đều tự sức mình mà làm.
Cô tự tin khẳng định với những bà bạn của mình “các bà không biết nhưng nhà nước lại rất biết”, câu nói là thể hiện lòng tin tuyệt đối vào chế độ mới, lòng yêu nước mãnh liệt, dạt dào. Trong nuôi dạy con cái, cô là người mẹ mẫu mực, nghiêm khắc, cô dạy các con từ cách ngồi, cách ăn và cả nói chuyện, đi đứng, dạy cho chúng “không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”. Cô truyền dạy cho con lối sống, văn hoá người Hà Nội, khắc sâu vào tâm trí chúng lòng yêu nước và trách nhiệm cao cả với Tổ quốc.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, là một người mẹ chứng kiến đứa con mình ra chiến trường bom đạn, đối diện với sinh ly tử biệt, mặc dù lo lắng, đau lòng nhưng cô vẫn để con đi. Cô Hiền là một người mẹ mẫu mực, tôn trọng quyết định của con, sống có lòng tự trọng, cô không muốn Dũng “sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”.
Ra đi là bảo vệ Tổ quốc, hy sinh cho Tổ quốc không thể có sự ích kỷ, hẹp hòi len lỏi trong tâm trí. Dù đứng ở cương vị nào, cô Hiền vẫn giữ được cốt cách thanh cao, lối cư xử rất đỗi mẫu mực. Nguyễn Khải ví cô như “hạt bụi vàng” là cách ông thể hiện sự yêu quý, trân trọng trước vẻ đẹp trí tuệ và nhân cách của con người Hà Nội.
Nguyễn Khải sáng tạo hình tượng người kể chuyện xuất hiện xuyên suốt chiều dài tác phẩm, theo giọng kể chiêm nghiệm và đầy triết lý của nhân vật vùng đất Hà thành và con người nơi đây hiện lên một cách sinh động, hóm hỉnh và rất chân thật. Tác giả đã rất thành công trong nghệ thuật trần thuật, ông nhìn sự vật, hiện tượng dưới nhiều góc độ và với nhiều cách đánh giá, ngôn ngữ thay đổi linh hoạt, giàu biểu cảm. Các chi tiết nghệ thuật “hạt bụi vàng”, “cây si cổ thụ”,… rất đặc sắc đã góp phần khắc sâu vẻ đẹp con người Hà Nội trong lòng người đọc.
Một người Hà Nội Hà Nội của Nguyễn Khải là truyện ngắn rất đặc sắc và để lại giá trị to lớn cho nền văn học nước nhà. Trong cái nhìn của ông, con người của mảnh đất kinh kỳ hiện lên với vẻ đẹp đậm màu truyền thống, nét đẹp riêng biệt không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi đâu. Với sức sống bền bỉ, lòng yêu mến cái đẹp từ ngàn năm lịch sử, người Hà Nội đang bài trừ những cái xấu xa đang du nhập vào nền văn hoá, người người, nhà nhà vẫn giữ nếp sống thanh cao, kiêu hãnh vốn có của mình.
- Phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn "Một người Hà Nội" của nhà văn Nguyễn Khải
- Suy nghĩ về triết lí hạnh phúc trong truyện Tầng hai của Phong Điệp
- Phân tích văn bản Tầng hai
- Phân tích câu trả lời của bà Hiền:“Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng"
- Nhận xét về giọng điệu trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Khải trong Một người Hà Nội
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Phân tích văn bản Lại đọc "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân
- Phân tích "tinh thần thơ mới" được Hoài Thanh nhắc đến trong "Một thời đại trong thi ca"
- Phân tích văn bản Tôi có một giấc mơ
- Trình bày suy nghĩ về đoạn trích trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt: "Đế Thích: Ông Trương Ba ... vĩnh biệt vợ con"
- Phân tích bi kịch và cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm chất cao quý, khát vọng hoàn thiện nhân cách của hồn Trương ba trong đoạn trích Tôi muốn được là tôi toàn vẹn
- Phân tích văn bản Lại đọc "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân
- Phân tích "tinh thần thơ mới" được Hoài Thanh nhắc đến trong "Một thời đại trong thi ca"
- Phân tích văn bản Tôi có một giấc mơ
- Trình bày suy nghĩ về đoạn trích trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt: "Đế Thích: Ông Trương Ba ... vĩnh biệt vợ con"
- Phân tích bi kịch và cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm chất cao quý, khát vọng hoàn thiện nhân cách của hồn Trương ba trong đoạn trích Tôi muốn được là tôi toàn vẹn