Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Cánh diều Bài 1: Thơ và truyện thơ - Văn mẫu 11 Cánh Diều

Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em của nhà thơ Puskin


1. Mở bài - Giới thiệu tác giả tác phẩm a. Tác giả - A-lếch- xan-đro Xéc-ghê-ê Vích Pu-skin (1799-1837), "mặt trời thi ca nga"

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả tác phẩm

a. Tác giả
- A-lếch- xan-đro Xéc-ghê-ê Vích Pu-skin (1799-1837), "mặt trời thi ca nga" là nhà thơ vĩ đại có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà còn cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga.
- Pu-skin là một nhà văn xuất thân từ một tầng lớp quý tộc Mat-xco-va.
- Cuộc đời của ông gắn bó với số phận nhân dân và đất nước, ông dũng cảm đấu tranh với chế độ chuyên chế Nga.

b. Tác phẩm
- "Tôi yêu em" là một trong những bài thơ nổi tiếng của Puskin được khởi đầu từ mối tình của nhà thơ với A.A Ô-lê-nhi-na -người mà mùa hè năm 1829 Puskin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận

2. Thân bài

a. Bố cục
- 4 câu thơ đầu: Tâm trạng dằn xé bồn chồn khó tả vì yêu của nhà thơ
- 2 câu thơ tiếp: Nỗi đau khổ tuyệt vọng của mối tình đơn phương
- 2 câu kết: Sự nhún nhường, chân thành và sự hi sinh cao thượng cho một tình yêu đích thực

b. Phân tích:
Bốn câu thơ đầu:

"Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài."

- Suy nghĩ về tình yêu của mình, có sự yêu thương và độc lập, có gì đó như là một phần trong anh
- Cái tôi tác giả tự soi vào tâm hồn mình
- Ngọn lửa tình yêu bùng cháy, lãng mạn trong trái tim của nhà thơ
- Tác giả cho rằng tình yêu không phải là chiếm hữu mà là cho đi, nghĩ là nghĩ cho người mình yêu.

- 2 câu thơ tiếp:

"Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen"

- Tình yêu như sóng dâng tràn bờ, lí trí con người không thể khống chế được cảm xúc, tình yêu của mình
- Tình yêu thắng lí trí, thể hiện sự khát vọng được thể hiện tình yêu, giãi bày tất cả

- 2 câu thơ kết:

"Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em."

Chàng trai luôn khao khát được dâng hiến yêu thương càng hạnh phúc hơn khi thấy người yêu hạnh phúc, được mỉm cười rạng rỡ.
- Lời cầu chúc, khẳng định sự tôn thờ tình yêu
- Khẳng định tình yêu không bị dập tắt
- Trân trọng tình yêu đối với người hơn tình yêu bản thân mình
- Tình yêu chân thành

3. Kết bài

- Bài thơ với ngôn ngữ giản dị trong sáng, cùng với điệp khúc "Tôi yêu em" tha thiết và sâu lắng lan tỏa bài thơ, chất thơ toát ra từ cảm xúc chân thành, nồng nàn và mãnh liệt. Bài thơ thấm đượm nỗi buồn mối tình đơn phương nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn chân thành và nhân hậu
- Qua bài thơ tôi yêu em của puskin ta có thể cảm nhận được tình yêu nồng cháy và say đắm của tác giả dành cho người mình yêu, muốn giải bày tâm sự với người thương.

Bài tham khảo Mẫu 1

Puskin là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của văn học Nga nói riêng và văn học thế giới nói chung. Ông được ca ngợi là "Mặt trời thi ca Nga", và là "hiện thân duy nhất của tinh thần Nga". Thơ ông không cầu kỳ, mỹ lệ mà chạm đến cảm xúc người đọc bằng tình cảm chân thành, ngôn từ giản dị nhưng ý vị sâu xa, "Tôi yêu em" là một bài thơ như thế.

Cũng như nhiều bài thơ về tình yêu khác, "Tôi yêu em" bộc bạch tâm trạng của nhân vật trữ tình khi yêu. Nhưng cái làm nên sự độc đáo trong Tôi yêu em chính là sự bao dung và cao thượng của nhân vật trữ tình với tình yêu đơn phương dành cho cô gái mình yêu.

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"

"Tôi yêu em" - tác giả không hề giấu diếm tình cảm mà  thổ lộ trực tiếp tiếng nói con tim mình. Lời nói nhẹ nhàng mang tất cả tâm tư của kẻ đang yêu, đang dành một tình cảm nồng nàn và đặc biệt cho một người con gái, ba tiếng "tôi yêu em" cất lên thật chân thành mà ấm áp. "Đến nay chừng có thể" - tình yêu ấy có lẽ không phải là một sự “cảm nắng” bất chợt mà tôi đã dành cho em một tình yêu nồng nàn, say đắm đã từ rất lâu. Người ta thường bảo rằng nếu yêu lâu sẽ dễ nhàm chán và phai nhạt, nhưng với "tôi" thì khác, càng yêu "em", "ngọn lửa tình" càng âm ỉ rực cháy trong tim chẳng thể ngừng, cũng chẳng ai có thể dập tắt nó, "chưa hẳn đã tàn phai". Lời thủ thỉ ấy là minh chứng đẹp đẽ cho sự thủy chung trong tình yêu của nhân vật trữ tình.

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài"

Hoá ra, tình yêu ấy chỉ xuất phát từ "tôi", tình yêu ấy chỉ mình " tôi" đơn phương. Bởi thế mà dù rất yêu em, dù cho không được đáp đền tình yêu ấy thì "tôi" vẫn mong cho em không gợn chút "u hoài", mong cho em không phải bận lòng đến kẻ tình si như "tôi". Ở đây, ta thấy được một sự mâu thuẫn đầy giằng xé trong con tim và lý trí của nhà thơ. Con tim thì yêu "em" tha thiết mà lý trí muốn dập tắt ngọn lửa tình bởi sợ rằng "em" phải bận lòng, băn khoăn. Có lẽ càng yêu em, tác giả càng muốn trao cho em sự dịu dàng và trân trọng.

"Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen"

Ba tiếng "Tôi yêu em" một lần nữa được lặp lại như sự khẳng định chắc chắn về tình yêu mà "tôi" dành cho em. Nhưng, tình yêu ấy là một tình yêu "âm thầm", "không hy vọng", tôi chỉ âm thầm yêu em, âm thầm quan tâm em, dõi theo em mà chẳng hề có chút hy vọng vào bức tranh hạnh phúc một mai giữa "tôi", và "em". Dẫu biết rằng yêu đơn phương thật đau khổ, vậy mà "tôi" chẳng thể nào ngừng yêu "em", lý lẽ con tim khi yêu chẳng thể nào hiểu nổi. Vẫn biết tình yêu ấy chẳng hy vọng mà lòng vẫn yêu, vẫn hậm hực ghen tuông vì sợ rằng sẽ mất "em". Lời thú nhận chân thành của "tôi" không chỉ bộc lộ nỗi niềm đau khổ, xót xa của nhà thơ mà còn thể hiện tình yêu son sắt, mãnh liệt của "tôi" dành trao "em".

Song, chút ích kỷ ấy thôi không làm nhòa đi sự cao thượng trong tình yêu mà "tôi" trao "em". Yêu em đấy thôi, nhưng nào ích kỷ chỉ mong sở hữu em cho riêng mình, mặc cho em ưu phiền, buồn tủi. Tôi yêu em chỉ mong cầu em được an yên, hạnh phúc bên người em yêu:

"Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".

Cụm từ "tôi yêu em" lại một lần nữa lặp lại, nối tiếp và khẳng định tình yêu " chân thành, đằm thắm" ấy là bất diệt, mãi mãi. Lời chúc phúc cuối cùng gửi đến em thật ấm lòng, lay động biết bao:

"Cầu em được người tình như tôi đã yêu em"

Hoá ra, vẻ đẹp lớn lao nhất trong tình yêu không phải chỉ là hạnh phúc chung đôi của những kẻ yêu nhau mà nó còn là những lấp lánh của tình cảm cao thượng trong tình yêu.Vượt lên những ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường, "tôi" mong cho em sẽ hạnh phúc, gặp gỡ được người em yêu cũng yêu em chân thành, thiết tha như tình cảm bấy lâu "tôi" trao "em". 

Tình yêu mà nhân vật trữ tình dành cho người con gái trong bài thơ thật đáng trân trọng biết bao. Một tình yêu trong sáng, thủy chung, bất diệt, cao thượng, một tình yêu mang vẻ đẹp của vì sao nhân ái tỏa sáng giữa muôn ngàn vì sao tinh túy của tình yêu. "Tôi yêu em" xứng đáng là một tuyệt tác bất hủ trên bầu trời văn học thế giới.

Bài tham khảo Mẫu 2

Tình yêu vốn là chủ đề quen thuộc trong thi ca Việt Nam và thi ca thế giới. Bởi tính chất muôn màu, muôn vẻ, đa dạng nhiều chiều trong tình yêu là thứ cảm xúc cao cấp khó lý giải nhất mọi thời đại của con người, thế nên bao đời nay giới văn nhân nghệ sĩ vẫn luôn dành cho nó một tình cảm thiết tha sâu nặng. Việt Nam ta có Xuân Diệu, có Xuân Quỳnh sâu nặng với lẽ yêu, thì nền thi ca Nga cũng có Puskin - biểu tượng rực rỡ của nền văn học lãng mạn với bài thơ tình bất hủ Tôi yêu em.

Có lẽ rằng chỉ những người đã thật sự yêu, đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc của tình yêu mới có thể viết được những vần thơ chân thành, giản dị và đầy xúc cảm như thế. Người ta chẳng yêu nhau vì những điều lý tưởng, mà người ta đến với nhau bằng những cảm xúc bất ngờ vỡ ra từ những điều nhỏ nhặt của đối phương, rồi người ta yêu như một định mệnh của tạo hóa, tự nhiên, nồng nàn. Tình yêu đến từ hai phía đôi lúc còn gặp phải cảnh trái ngang, đứt gánh giữa đường thì xưa nay không hiếm, nhưng chí ít nó vẫn cho người ta những hy vọng thật đẹp đẽ. Còn tình đơn phương, chỉ có thể nói một điều ngọt bùi thì ít mà đắng cay thì nhiều, thậm chí kẻ đơn phương còn chẳng có quyền được hy vọng. Puskin chính là có một tình yêu đau đớn như thế, ông cầu hôn người con gái mình yêu tha thiết, nhưng nàng đã từ chối một cách phũ phàng bởi nàng chẳng có tí xúc cảm nào với ông. Điều ấy làm nhà thơ đau khổ khôn nguôi, thế nhưng ông không dám níu kéo, ông vẫn yêu nàng, nhưng quyết định từ bỏ để nàng được thanh thản sống hạnh phúc. Sự từ bỏ ấy chính là minh chứng rõ nhất cho tình yêu cao thượng và tấm lòng tôn trọng phụ nữ của Puskin. 

Trong bốn câu thơ đầu tiên người thi sĩ đã bộc lộ tình yêu sâu sắc của mình với người con gái ông hằng nhớ nhung, tuy nhiên ông cũng bộc lộ cả sự từ bỏ đầy nuối tiếc và đau đớn của mình với mối tình vô vọng.

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Trên đời có đến hàng vạn cách bày tỏ tình cảm khác nhau, thế nhưng “tôi yêu em” vẫn là lời tỏ tình kinh điển, đủ tính chân thực, sự khẳng định chắc chắn của người nói, thể hiện bản năng nguyên sơ của loài người từ bao đời nay. Bởi không có một động từ nào khác có thể giản dị và rung động hơn từ “yêu” nữa. Puskin đã thú thực nỗi lòng của một cách rất thẳng thắn, rất tự tin, rất tha thiết:“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể”, nghĩa rằng bản thân ông từ lúc bắt đầu cho đến giờ vẫn chỉ yêu một mình người con gái ấy. Dẫu rằng đó là mối tình đơn phương, chỉ có một mình ông nguyện trao ra, thế nhưng người ta chưa từng muốn nhận lấy, dẫu rằng bản thân ông đã phải chịu những lời tổn thương cay đắng, phải nếm trải sự thờ ơ lạnh nhạt từ nàng, thế nhưng cho đến tận bây giờ dẫu đã hết hy vọng, nhưng ông vẫn một lòng yêu. Tình yêu của ông cháy bỏng, nồng nàn được ví như “ngọn lửa tình”, đó là một ngọn lửa cháy đượm, cháy mãnh liệt, sâu sắc trong trái tim của một người đàn ông trưởng thành. Để rồi khi nhận những lời cay đắng, lời từ chối phũ phàng như chậu nước mùa đông hất thẳng vào đốm lửa ấy, nó vẫn rất mạnh mẽ kiên cường âm ỉ cháy “chưa hẳn đã tàn phai”. Biểu hiện ấy trước là thể hiện tình yêu chân thành, tha thiết và sâu nặng của Puskin dành cho cô gái, hai nữa là thể hiện sự nghiêm túc, đúng đắn, sự chú tâm của tác giả trong mối quan hệ, dẫu rằng nó chỉ là tình đơn phương. Bộc lộ sự khao khát, hy vọng mãnh liệt về tình yêu của một người đàn ông trưởng thành, chứ không phải là thứ tình cảm vụng dại, ngây ngô, gặp dịp thì chơi của tuổi trẻ. Rõ ràng chàng thi sĩ tài năng đã yêu vô cùng người con gái ấy và muốn cùng nàng có một mái ấm hạnh phúc bằng lời cầu hôn chân thành mong nàng gật đầu. Tuy nhiên, phụ lại tấm chân tình, cô gái ấy đã lắc đầu từ chối, tuy đau thương những Puskin không hề hối hận khi yêu nàng, cũng không tỏ ra tức tối hay hận thù, ông vẫn giữ cho mình một trái tim yêu trong sáng và thủy chung nhất, qua bao nhiêu thời gian vẫn không đổi dời, vẫn không thôi hướng về bóng hồng nay đã xa tầm với.

Mặc dù còn yêu và bản thân Puskin cũng bị tình yêu làm tổn thương sâu sắc, thế nhưng người lại có một cách yêu thật cao thượng, thật tuyệt vời. Ông yêu thương người con gái ấy nên cũng muốn dành cho nàng sự tôn trọng tuyệt đối và những điều tuyệt vời nhất để nàng được một cuộc đời thoải mái và bình yên.

“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Đang chìm đắm trong tình yêu một cách day dứt và vô vọng buồn rầu, Puskin đã nhanh chóng thức tỉnh, lập tức đưa ra quyết định một cách dứt khoát và mạnh mẽ. Ông sẽ rời khỏi cuộc đời của người con gái ấy, ông sẽ không khiến trái tim nàng phải “bận lòng thêm nữa”, cũng không muốn tâm hồn cô phải “gợn bóng u hoài” vì sự xuất hiện của một kẻ cái tấm chân tình tha thiết trong cuộc đời của nàng, khiến nàng phải áy náy và day dứt mỗi khi trông thấy sự thất vọng và tình yêu tràn ngập trong đáy mắt ông. Ông cũng không muốn sự theo đuổi của mình trở thành đá cản chân nàng tìm đến với tình yêu định mệnh, không muốn trở thành kẻ đeo bám, van cầu tình yêu một cách hèn mọn. Thế nên ông quyết định từ bỏ, quyết định đè xuống cái tình yêu vẫn còn nồng nàn, ấm nóng trong trái tim, quyết định giả vờ quên đi cô gái ấy, để nàng thấy mà được vui lòng thanh thản. Đó chính là một tình yêu thật cao thượng biết mấy, người còn yêu nhưng quyết định lùi bước, để giải thoát tâm hồn người con gái ấy, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với quyết định từ chối của nàng. Tình yêu của Puskin lúc này thật lý trí và cao thượng biết bao, chẳng có gì hơn việc hy sinh bản thân để người mình yêu được hạnh phúc nữa. Mà như Xuân Diệu đã viết “Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được người yêu”, tình yêu là phải chấp nhận hy sinh và rủi ro, Puskin quả thực là người đàn ông có nhân phẩm cao đẹp, lại cũng hiểu được đạo lý của tình yêu.

Thế nhưng những kẻ khi yêu thì mấy khi được bình thường, vừa ban  nãy Puskin còn rất lý trí, dứt khoát chấp nhận lùi một bước, từ bỏ tình yêu đã đi vào tuyệt vọng, thì ngay sau đó dường như không kiềm giữ được thi nhân lại bộc lộ tiếng lòng của một một cách da diết và đau đớn.

“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Hai câu thơ là nỗi lòng của tác giả trong tình yêu, cũng chính là những cung bậc cảm xúc khốn đốn của một tình yêu đơn phương nồng thắm. Yêu người nhưng không dám nói, chỉ dám “âm thầm” nhìn theo bóng lưng người ấy, người cười, ta cười, người khóc ta khóc, sợ rằng nếu không âm thầm, lặng lẽ người con gái ấy biết được tình cảm này sẽ trở nên khó xử mà ngày càng rời xa hơn nữa. Một nỗi đau khác của yêu đơn phương ấy là kẻ yêu muốn hy vọng mà lại không thể hy vọng, tình cảm chỉ đến từ một phía, phía còn lại hoặc là không biết hoặc là dửng dưng thì biết hy vọng thế nào về một kết quả tốt đẹp và viên mãn mai sau? Yêu đơn phương lại còn là loại yêu đương ngọt ít, đắng nhiều, những lúc được gần người con gái ấy, trái tim người thi vui mừng, hạnh phúc đến tột cùng, người sợ đó là giấc mơ nên “rụt rè” sợ hãi chỉ cần mình vọng động mọi thứ sẽ tan biến vào hư không mất. Nhưng lại có những lúc ghen đến phát điên, ghen đến “hậm hực” vì bao kẻ vây xung quanh người con gái ấy, nhìn người ấy dịu dàng đáp lại họ những nụ cười xinh xắn. Thế rồi người thi sĩ lại nhận ra sự đau đớn bất lực của mình trước thứ tình cảm đơn phương này rằng dù có ghen tuông hay gì đi chăng nữa thì cuối cùng chỉ có mình ông biết, nàng vốn dĩ chẳng để tâm, bởi ông thì có quyền gì mà ghen tức, đau đớn và xót xa lắm.

Sau lời giãi bày tâm sự, bộc lộ tình yêu vô vọng của mình, người nghệ sĩ đã lấy lại bình tĩnh và lý trí, lúc này đây đối với ông yêu không còn là việc trông đợi người con gái ấy đáp lại, mà yêu tức là khiến nàng hạnh phúc. Lòng tự tôn của một người đàn ông có bản lĩnh đã đưa ông về đúng vị trí của một người quyết tâm từ bỏ tình yêu bị từ chối, điều ông cần làm lúc này chính là chúc cho cô gái ấy có được một hạnh phúc xứng đáng.

“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Puskin một lần nữa khẳng định lại tình yêu của mình dành cho cô gái “Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm” một cách tự tin và đầy trân trọng, tự hào. Đồng thời người nghệ sĩ cũng rất thông minh và khéo léo trong lời chúc phúc cho cô gái “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Thứ nhất đó là tấm lòng cao thượng trong tình yêu và sự tôn trọng tuyệt đối dành cho cô gái, ông thực lòng mong cô có thể kiếm tìm được một nửa hạnh phúc cho mình, rồi sống một cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Thứ hai nữa trong lời chúc của tác giả nó còn là một lời nhấn mạnh, khẳng định thêm tình yêu sâu sắc của ông dành cho nàng. Ông có một sự tự tin tuyệt đối và niềm tự hào rằng tình yêu của ông chắc chắn sẽ khiến cô gái ấy được hạnh phúc hơn tất cả.

Tôi yêu em là một bài thơ tình chân thực và gần gũi, ngôn ngữ, giản dị và tự nhiên, bộc lộ rất rõ tâm trạng của một người có tình yêu đơn phương trong vô vọng, cũng như thể hiện rõ được tấm lòng chân thành, sâu nặng của Puskin dành cho người con gái ông yêu. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện một nhân cách rất đẹp của tác giả sự cao thượng, bao dung trong tình yêu, sẵn sàng hy sinh bản thân để người con gái mình yêu được hạnh phúc, và tấm lòng tôn trọng phụ nữ hết mực. Đây có thể xem là một bài học đối nhân xử thế rất hữu ích cho những ai đang, đã và sẽ yêu, giúp ta xử lý thật tốt các mối quan hệ trong tình yêu của bản thân.

Bài tham khảo Mẫu 3

Từ lâu, văn học Nga luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn và trong tình cảm của mỗi người Việt Nam. Cái chất lãng mạn và hiện thực đan xen với nhau, lối tư duy rành mạch, khúc chiết cộng với sự nồng nhiệt, nhân hậu trong quan điểm nhân sinh đã khiến văn học Nga trở nên gần gũi và làm say đắm lòng người. Tôi yêu em của A. Puskin là một bài thơ mang đậm đặc trưng của văn học Nga và mang đậm dấu ấn của tâm hồn Nga.

Bài thơ mang đến sự thẳng thắn, nhẹ nhàng không hề đơn điệu hay quá cầu lỳ trong lối viết thơ và việc dùng từ ngữ, rất dễ đọc, dễ nhớ và dễ thuộc. Từng cái đơn giản ấy cộng lại đã làm nên cái hồn và sức quyến rũ của bài thơ.

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai."

Nhắc đến tình yêu luôn là như thế có biết bao lời hay, ý đẹp, biết bao cảm giác, có biết bao điều mà ta muốn dành cho nhau nhưng đôi khi chỉ cần thật ngắn gọn: Tôi yêu em. Chẳng cần quá cầu kỳ mỹ lệ, chẳng cần so sánh hay tượng trưng gì cả chỉ cần nói nhẹ nhàng và ấm áp rằng" tôi yêu em". Lời mở đầu như lời bộc bạch một cách chân tình, đơn giản. Ta có thể thấy được tình yêu ấy nồng nhiệt và sây đắm biết nhường nào và có lẽ đã là từ rất lâu rồi.

"Ngọn lửa tình" ấy đến nay vẫn rực cháy mà sẽ chẳng tàn phai. Đôi khi tình yêu là như vậy chẳng cần đáp lại, chẳng màng đến thời gian, ta cứ yêu, cứ yêu mãi mà chẳng thể dừng lại dù biết có thể người ấy chẳng thích ta. Tình cảm là điều khó nói và khó nắm bắt, nếu đã yêu rồi sẽ chẳng thể dừng chân.

Tình đơn phương thường được diễn tả nhiều trong thơ ca bởi khi đau khổ thì lời thơ mới trở nên da diết và dễ san sẻ hơn:

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài"

Vì yêu nên nhà thơ đã đang đưa ra quyết định sẽ chẳng để người mình yêu phải bận lòng vì tình cảm của nhà thơ cũng chẳng muốn cô ấy phải "gợn sóng u hoài". Tình yêu đôi khi lạ lùng đến như vậy đó, chỉ cần nhìn người mình yêu thương hạnh phúc, chỉ cần người ấy không đau buồn thì bản thân sẽ có thể đánh đổi cả hạnh phúc của mình. Nhưng không phải ai cũng có thể có được tình yêu cao thượng như vậy, có thể chúc phúc và hy sinh để cho người ấy được bình an.

Hai câu thơ tiếp theo cũng đang tiếp nối mạch cảm xúc ấy:

"Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen"

Đến đây ta đã có thể thấy chàng trai này đang ôm ấp một mối tình đơn phương, chẳng giám nói, chỉ âm thầm bên em mà chẳng có hy vọng để vẽ lên được bức tranh tình yêu hạnh phúc của hai người. Vì là yêu đơn phương nên chẳng có danh phận gì ở bên cô ấy, chẳng có tư cách để thể hiện thứ tình cảm yêu đương nên chỉ có thể một mình tự ghen tuông, tự hậm hực, chỉ rụt rè một mình bên thứ cảm giác của bản thân. Trái tim là thế đấy, cũng có lý lẽ riêng, có con đường riêng mà chỉ nó mới biết. Tình yêu là thứ tình cảm có thể khiến con người ta hạnh phúc cũng có thể khiến tâm can ray rứt, khổ đau một mình. Nhưng đã là con người nào ai tránh được bàn tay của nữ thần tình yêu.

Hai câu thơ cuối đã thể hiện được cái đẹp trong tâm hồn của chàng trai mang mối tình đơn phương ấy:

"Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em."

Tình yêu chàng trai dành cho cô gái thật chân thành, đằm thắm và mãi mãi chẳng tàn phai, vẫn mãi mãi như ngọn lửa ấm nóng và nồng nhiệt dù cho nàng chẳng hề biết. Tình yêu ấy đã và sẽ mãi dành cho nàng, để rồi nó hóa thành sự cao thượng khi chàng trai ước mong cô gái sẽ gặp được người yêu cô như anh đã yêu. Nói ra những lời này sẽ chẳng dễ dàng chút nào vì sâu trong trái tim ai đã yêu thì sẽ chỉ muốn người ấy là của mình yêu và bên mình chứ chẳng ai muốn phải đứng chúc phúc cho người mình yêu bên người khác. Nhưng chàng trai A. Puskin đã nói thế, thật chân thành và giản dị, đôn hậu và mạnh mẽ biết bao.

Đối với những con người yêu thơ Nga và yêu thơ của Puskin sẽ lại yêu tha thiết những trang thơ chứa đựng bao triết lý sống, những câu chuyện nhân văn mộc mạc, nhưng lai huyền ảo và lung linh của ông. "Tôi yêu em" là một bài thơ hay về tình yêu trong vô vàn các bài thơ hay khác của ông và của văn học Nga. Qua đây ta có thể biết được vì sao mà tên tuổi của ông lại trở thành biểu tượng của văn học và tâm hồn Nga như thế!


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí