Hướng dẫn cách làm văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11>
-Dạng bài: Thuyết minh - Yêu cầu: thuyết minh về một tác phẩm văn học + Giới thiệu được tác phẩm cần thuyết minh (nhan đề, tên tác giả, đánh giá chung).
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 11 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh
Hướng dẫn phân tích để bài
- Dạng bài: Thuyết minh
- Yêu cầu: thuyết minh về một tác phẩm văn học
+ Giới thiệu được tác phẩm cần thuyết minh (nhan đề, tên tác giả, đánh giá chung).
+ Giới thiệu khái quát về tác giả
+ Nêu được hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại; tóm tắt được nội dung tác phẩm
+ Nêu thông tin cơ bản về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
+ Khẳng định được vị trí đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học
+ Có lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
- Khái niệm cần làm rõ:
- Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản được sử dụng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu hiểu biết trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức về: đặc điểm, tính chất, nguyên nhân... của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích. Kiểu văn bản này gắn liền với tư duy khoa học với mục đích giúp người đọc hiểu rõ về đối tượng cần thuyết minh.
Dàn bài chung
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm thuyết minh.
Thân bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả.
- Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại của tác phẩm.
- Bố cục và nội dung chính của từng phần.
+ Chú ý đi sâu vào nội dung chính của từng phần
- Giá trị của tác phẩm
+ Giá trị nội dung
+ Giá trị nghệ thuật
Kết bài
- Khẳng định lại vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.
Ví dụ minh họa Mẫu 1
Đề 1: Thuyết minh về tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.
- Bước 1: Tìm hiểu đề
+ Đối tượng thuyết minh: Tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.
+ Phương pháp làm bài: Thuyết minh
+ Tư liệu: Tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”
- Bước 2: Lập dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”.
2. Thân bài
* Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi
+ Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, bậc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đồng thời ông còn là một nhà văn kiệt xuất, nhà thơ trữ tình sâu sắc.
+ Nguyễn Trãi để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ: gồm nhiều thể loại khác nhau bằng chữ Hán và chữ Nôm.
+ Tác phẩm chính luận tiêu biểu nhất là “Đại cáo bình Ngô”
* Hoàn cảnh ra đời, thể loại của tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”
- Hoàn cảnh sáng tác
+ Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết “Đại cáo Bình Ngô”.
+ “Đại cáo bình Ngô” có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào tháng Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428)
- Thể loại: “Đại cáo bình Ngô” được viết theo thể loại cáo.
+ Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.
+ Cáo có thể viết bằng văn xuôi hay văn vần nhưng phần lớn được viết bằng văn biền ngẫu, có vần hoặc không có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau.
+ Lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
* Bố cục và nội dung chính từng phần
Bài cáo chia làm bốn phần:
- Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa làm cơ sở triển khai cho toàn bộ nội dung bài cáo. Cốt lõi nhân nghĩa chính là yên dân và trừ bạo. Bên cạnh đó, tác giả khẳng định chân lí về nền độc lập dân tộc dựa trên các yếu tố: Nền văn hiến lâu đời; cương vực lãnh thổ riêng; có phong tục tập quán và lịch sử, chế độ riêng
- Phần 2: Bản cáo trạng hùng hồn, đẫm máu về tội ác của kẻ thù
+ Tố cáo âm mưu cướp nước ta của giặc Minh.
+ Tố cáo chủ trương, chính sách cai trị vô nhân đạo của giặc Minh.
+ Tàn sát người vô tội: “Nướng dân đen... tai vạ”.
+ Bóc lột tàn tệ, dã man: “Nặng thuế... núi”.
+ Huỷ diệt môi trường sống: “Người bị ép... cây cỏ”.
- Tội ác của chúng không sao kể hết:
“Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi”
- Phần 3: Bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
+ Giai đoạn đầu: Tác giả tập trung khắc họa hình tượng người anh hùng áo vải Lê Lợi xuất thân từ “chốn hoang dã nương mình” nhưng có lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sâu sắc, có lí tưởng cao cả:
“Ngẫm thù lớn há đội trời chung - Căm giặc nước thề không cùng sống”
+ Giai đoạn sau: Bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
+ Lúc đầu, nghĩa quân ta gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn:
“ Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần
Khi Khôi Huyện quân không một đội”
+ Nhưng nhờ có tấm lòng yêu nước, có chiến lược phù hợp nghĩa quân ta đã chuyển sang giai đoạn phản công và giành chiến thắng vang dội, giặc Minh thất bại thảm hại.
“Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, Trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn.”
- Phần 4: Lời tuyên bố độc lập: Tuyên bố, khẳng định với toàn dân về nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước đã được lập lại.
* Giá trị của tác phẩm
- Giá trị nội dung: Bản cáo trạng về tội ác của giặc Minh cũng là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương.
+ Kết cấu mạch lạc, chặt chẽ; lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, sắc bén.
- Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: liệt kê, phóng đại, so sánh, đối lập…
→ “Áng thiên cổ hùng văn”
3. Kết luận
- Đánh giá vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.
Bài làm mẫu số 1
Trong dòng văn học yêu nước của dân tộc, có biết bao kiệt tác văn học đáng ngưỡng mộ và tự hào. Ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết qua những trang sử vẻ vang viết về cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc. Đó là Nam Quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, là Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh,...Đặc biệt, một trong số đó phải kể đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, một tác phẩm bất hủ được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.
Vào năm 1427, quân Minh do Mộc Thạnh và Liễu Thăng cầm đầu bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại và thu phục. Tháng 12 năm 1427, Vương Thông đêm quân theo sông Nhị Hà về nước theo lời ước giao hoà, được nghĩa quân Lam Sơn cấp lương thực và vật dụng để trở về. Đến năm 1428, quân giặc dẹp yên, đất nước không còn bóng quân Mình, Lê Lợi đã giao cho Nguyễn Trãi làm bài cáo để tổng kết cuộc đấu tranh, tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Minh.
Tác phẩm được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo. Khác với các thể loại khác, thể cáo thường được sử dụng nhiều trong các sự kiện trọng đại để thông báo cho quốc gia, dân tộc những nội dung quan trọng. Đây là loại văn hùng biện, chính luận nên ngôn từ thường sâu sắc, lý lẽ sắc bén và lập luận logic, chắc chắn. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán và lấy nhan đề là "Bình Ngô đại cáo" với ý nghĩa tuyên bố đến toàn dân về việc giặc Ngô đã được dẹp yên, đồng thời cũng thể hiện thái độ khinh bỉ trước tội ác quân giặc, những kẻ nhởn nhơ làm điều phi nghĩa cuối cùng cũng bị đánh bại.
Bình Ngô Đại cáo được phân làm 4 phần với những nội dung lớn. Phần thứ nhất từ đầu đến "Chứng cớ còn ghi", trong phần này, tác giả đã nêu lên luận đề chính nghĩa, cốt lõi của cuộc chiến đấu là vì nhân dân, tư tưởng nhân dân chính là "việc nhân nghĩa" khi bước vào cuộc chiến. Đây là một luận đề phù hợp để mở đầu cho tác phẩm, bởi một cuộc chiến xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân và dân tộc thì luôn luôn là cuộc chiến chính nghĩa, trong đó "trừ bạo", diệt giặc là công việc tiên quyết hàng đầu lúc bấy giờ. Mặt khác, cũng trong đoạn này Nguyễn Trãi đặt đất nước ta sánh ngang với các triều đại phương Bắc để khẳng định nền độc lập, sự bình đẳng của Đại Việt với các triều đại phương Bắc. Chứng minh và khẳng định hùng hồn Đại Việt gắn với nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, có lịch sử vẻ vang, hào hùng và những nhân tài, anh kiệt ngàn đời. Các yếu tố ấy là làm nên một Đại Việt vẻ vang, độc lập và hiên ngang trước thế giới, trước các triều đại phương Bắc.
Đoạn thứ hai từ "Vừa rồi" đến "Ai bảo thần dân chịu được" Sau khi nêu luận đề chính nghĩa, Nguyễn Trãi khéo léo vạch trần việc làm "phi nghĩa" của bè lũ giặc Minh cướp nước. Bằng giọng điệu gay gắt, ngôn ngữ đanh thép, tội ác giặc Minh được phơi bày như một bản kết tội sự tàn nhẫn dành cho chúng:
"Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời."
Sự tàn độc của chúng đạt đến tột đỉnh khi âm mưu giả dối, hành động phi nhân, vô đạo đức. Chúng giết người tàn bạo, không nương tay cho kẻ nghèo hèn, khốn khó, chúng thi hành bao chính sách tàn ác, dã man, khiến nhân dân phải chịu nỗi đau tinh thần lần nỗi đau thể xác:
"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"
Càng vạch trần sự bạo tàn của quân thù, tác giả càng bày tỏ xót xa, đau đớn đến nghẹn ngào trước những nỗi khổ đau, nhọc nhằn mà nhân dân phải chịu đựng. Tiếng thơ vừa căm phẫn, vừa xót xa.
Đoạn thứ ba chiếm số lượng câu từ lớn nhất, từ "Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa" đến "Cũng chưa thấy xưa nay" Nguyễn Trãi đã dùng trang dài nhất để tổng kết lại cuộc chiến đấu vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn vừa qua. Một lần nữa khẳng định sức mạnh dân tộc, ý chí chiến đấu mãnh liệt của dân tộc và kết quả tất yếu mà Đại Việt xứng đáng nhận được. Cuộc chiến đấu nào lúc bắt đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nghĩa quân Lam Sơn cũng không nằm ngoài việc ấy. Ban đầu, quân ta phải đối mặt với vấn đề lương thực, vũ khí thiếu thốn, đội quân còn ít ỏi, thưa thớt, người tài, tuấn kiệt thì hiếm hoi. Nhưng "trong cái khó ló cái khôn", khó khăn ấy không làm nghĩa quân nhụt chí mà trái lại họ dùng trí tuệ để tìm ra những chiến thuật hay trong đánh trận.
"Lấy yếu thắng mạnh
Lấy ít địch nhiều"
Cùng với người lãnh đạo anh minh, sáng suốt, nghĩa quân ngày một lớn mạnh, sức chiến đấu hăng say. Thắng lợi liên tiếp, càng đánh càng hăng, thu về bao chiến công giòn giã. Quân Minh thất bại trong nhục nhã ê chề, kẻ phi nghĩa làm sao có thể tránh khỏi hai từ "thất bại".
Đoạn cuối bài cáo, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi tuyên bố hùng hồn về việc kết thúc chiến tranh và khẳng định nền độc lập, thái bình vững bền của dân tộc.
Bình Ngô đại cáo chiếm trọn tình cảm của nhân dân và của người đọc qua bao thế hệ không chỉ bởi nội dung sâu sắc mà còn tài năng nghệ thuật tài tình của tác giả Nguyễn Trãi. Bài cáo giàu sức thuyết phục bởi ngôn từ sắc bén, lí lẽ chính xác, lập luận đúng đắn. Các hình ảnh, hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi, lối viết giàu cảm xúc. Các thủ pháp liệt kê, so sánh, đối lập,....được vận dụng linh hoạt, phù hợp. Giọng điệu thơ thay đổi linh hoạt, khi căm phẫn trước sự man rợ quân thù, khi xót xa, đồng cảm trước khổ đau nhân dân, khi mãnh liệt sục sôi trong tái hiện cuộc chiến đấu, khi lại hùng hồn, trình trọng để tuyên bố hòa bình, dẹp yên bóng giặc.
Tác phẩm Đại cáo bình Ngô là áng văn giàu giá trị và chứa chan lòng yêu nước của nền văn học Việt Nam. Đọc bài cáo, em hiểu thêm về những nỗi đau của nhân dân, hiểu thêm về lịch sử huy hoàng của dân tộc. Và qua đó, em ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân mình khi sống trong thời đại hôm nay, phải biết yêu quê hương đất nước, biết sống hết mình để dựng xây và phát triển quê hương, xứng đáng với bao hy sinh của cha anh đi trước.
Bài làm mẫu số 2
Nguyễn Trãi là một tác gia lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Nhưng dường văn chương của ông dường như cũng chịu chung số phận như con người – phải trải qua bao phen thăng trầm chìm nổi. Trong đó, “Bình Ngô đại cáo” - viết sau đại thắng năm 1427, là bản tổng kết xuất sắc quá trình kháng chiến mười năm, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ độc lập, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, còn đặc biệt nêu cao “chí nhân, đại nghĩa” như một giá trị văn hóa ngời sáng của dân tộc Đại Việt. Với bút lực hào hùng và lời văn truyền cảm mạnh mẽ, tác phẩm đã trở thành một áng “thiên cổ hùng văn”.
Bình Ngô đại cáo là thông báo bằng văn bản và được viết theo bằng văn biền ngẫu, theo thể cáo – thường dùng để thông báo sự kiện quan trọng của quốc gia, dân tộc. Nguyên tác được viết bằng chữ Hán, và được các học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch sang tiếng Việt ngày nay. Tác phẩm có giữ một vị trí quan trọng về phương diện lịch sử lẫn phương diện văn học. Ức Trai đã thừa lệnh Lê Lợi viết tác phẩm vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải ký hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập, hòa bình.
Nhan đề cho thấy đây là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô -một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, khắc họa, lên án, tố cáo tội ác của giặc và khẳng định chủ quyền dân tộc. Chính vì vậy, bài cáo xoay quanh các cảm hứng chính sau đây: cảm hứng về chính nghĩa (nhận thức sâu sắc về nguyên lí chính nghĩa và thái độ khẳng định sức mạnh của nguyên lý đó); cảm hứng căm thù giặc xâm lược; cảm hứng về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, về tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân Đại Việt; cảm hứng độc lập dân tộc và tương lai đất nước. Với bốn cảm hứng đó, bài cáo thường được chia thành bốn phần tương đương. Phần 1 là nêu luận đề chính nghĩa (Từ đầu đến “chứng cớ còn ghi”). Phần 2 là lên tiếng tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu xâm lược Đại Việt với cớ phù Trần diệt Hồ của giặc (tiếp theo phần 1 cho đến “Ai bảo thần dân chịu được”). Phần 3 là quá trình kháng chiến và sự thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn (tiếp theo phần 2 đến “cũng là chưa thấy xưa nay”). Phần còn lại - phần 4 là phần nêu ra bài học lịch sử và sự khẳng định chính nghĩa sẽ thắng thế lực phi nghĩa, bất nhân.
Mở đầu Bình Ngô đại cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm nền tảng xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Tiếp thu từ tinh thần Nho giáo cùng với sự phát triển nội dung nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã nêu ra một luận đề có tính dân tộc:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Với Nguyễn Trãi, việc trước hết là “trừ bạo” để nhân dân có được một cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Ông cho rằng nếu muốn trị vì thiên hạ thì việc phải nghĩ đến đầu tiên chính là “nhân nghĩa”. Dân tộc ta chiến đấu chống xâm lược là nhân nghĩa, là phù hợp với nguyên lí chính nghĩa. Sau đó, tác giả nêu lên chân lý khách quan về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt, sự tồn tại đó như có cơ sở chắc chắn từ tháng ngày lịch sử:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Ở phần 2 – cảm hứng căm thù giặc xâm lược, Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng uất hận sục sôi, viết nên một bản cáo trạng đanh thép với một trình tự tư duy logic: vạch trần âm mưu xâm lược, lên án chủ trương cai trị thâm độc, tố cáo mạnh mẽ những hành động tội ác. Qua việc phân tích luận điệu bịp bợm “phù Trần diệt Hồ”, tác giả đi sâu những việc làm phi nhân, diệt chủng:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Tội ác của chúng được ghi lại bằng cái vô cùng, vô hạn:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi”
Ở phần 3, với nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú, Nguyễn Trãi đã khắc họa lại quá trình gian nan, vất vả của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chính những gian khổ ngày đầu đã dẫn đến thắng lợi vẻ vang về sau. Cảm hứng anh hùng ca bao trùm toàn bộ đoạn trích. Những chiến công thần tích được miêu tả một cách dồn dập. Nhạc điệu trong câu sảng khoái, hào hùng như sóng triều dâng:
“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông cũng phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông”
Và ở phần 4 – phần kết thúc, Nguyễn Trãi đã không giấu được niềm vui chung của dân tộc, thay lời Lê Lợi trịnh trọng tuyên bố nền độc lập lâu dài:
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Kiền khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh”
Từ đó, ta thấy được viễn cảnh huy hoàng, tươi sáng của non sông xã tắc. Hiện thực hôm nay chính là nhờ những ngày tháng đau thương của quá khứ “Muôn thuở thái bình vững chắc”. Lời kết thúc “Xa gần bá cáo/ Ai nấy đều hay” đã sẻ chia sự vui mừng, niềm tự hào và niềm tin về ngày mai, về tương lai đất nước.
Bài cáo đã thể hiện thành công những đặc sắc về thể loại. Bên cạnh đó, giọng điệu thay đổi linh hoạt trong mỗi phần, khi cao tràn uất hận, khi hào hùng dữ dội, khi cuồn cuộn như sóng triều dâng trên đề tài lịch sử - văn học đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Sự am hiểu hơn người của Nguyễn Trãi về lịch sử, về điển cố, điển tích đã mang lại tính thuyết phục, hấp dẫn hơn cho tác phẩm.
“Bình Ngô đại cáo” từ khi ra đời đã được xem làm một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, vừa tố cáo tội ác của giặc Minh vừa khẳng định được độc lập chủ quyền dân tộc. Đã qua bao thăng trầm biến đổi nhưng giá trị của “Bình Ngô đại cáo” vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay và Nguyễn Trãi – nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi thời, nhà thơ, nhà văn xuất sắc sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lòng mỗi người con nước Việt.
Ví dụ minh họa Mẫu 2
Đề 2: Thuyết minh về bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử.
1. Mở bài
-Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm( Vì sao chọn tác phẩm “Mùa xuân chín”?)
VD; “ Mùa xuân chín” là bài thơ tiêu biểu góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ Hàn Mặc Tử
2. Thân bài
- Giới thiệu về tác giả Hàn Mặc Tử( quê quán, bút danh, sự nghiệp, đặc điểm thơ…): Hàn Mặc Tử làm thơ từ rất sớm (14, 15 tuổi) với nhiều bút danh khác nhau như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh... Ban đầu Hàn Mặc Tử sáng tác theo thơ cổ điển Đường luật, sau đó chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn. Cuộc đời Hàn thật ngắn ngủi và chịu nhiều đau thương, nhưng với khả năng sáng tạo và nghị lực phi thường, ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Qua diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ Hàn Mặc Tử, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế.
- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm: Cuối năm 1936, đầu năm 1937 là cái mốc giúp hậu thế nắm bắt một số sự kiện liên quan tác giả Mùa xuân chín. Ấy là giai đoạn Hàn thôi làm báo tại Sài Gòn, trở về Bình Định với gia đình và vừa in Gái quê – thi tập duy nhất được ấn hành lúc Hàn còn tại thế. Bài thơ được viết theo thể thơ 7 chữ, chia làm 4 khổ. Bài thơ là bức tranh cảnh đẹp mùa xuân trong con mắt một thi sĩ yêu đời. Bên cạnh đó còn là tâm trạng háo hức, bồn chồn của người con gái sắp lấy chồng và tâm trạng bâng khuâng, nhung nhớ của nhân vật trữ tình khi nhắc thấy cảnh cũ người xưa.
- Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm:
+ Giá trị nội dung:Bài thơ vẽ ra khung cảnh mùa xuân tươi mới, đẹp đẽ, tràn đầy sức sống nơi nông thôn dân dã của làng quê Việt Nam. Qua đó thể hiện niềm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của thi nhân, gửi gắm niềm yêu thương và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp.
+ Giá trị nghệ thuật:
- Ngôn từ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu
- Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc
- Giọng thơ tự nhiên, thủ thỉ, tâm tình
+ có thể sử dụng đan xen các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận tại nội luận điểm này
3. Kết bài
-Khẳng định đóng góp của tác phẩm với tác giả, với đời sống văn học hoặc văn hóa của đất nước và thế giới: Bức tranh xuân ấy xứng đáng là một đóng góp của Hàn Mặc Tử đối với mạch thơ xuân, là tiếng thơ chan chứa tình yêu với cuộc đời trần thế của con người đoản mệnh trong cuộc sống mà trường tồn trong thi ca.
Bài làm mẫu số 1
Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ “Mùa xuân chín” là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ.
Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng” Mùa xuân chín”, ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét “chín” của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”
Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng” sột soạt”, tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hoà quyện lấy nhau:
“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;”
Vạn vật mang sức xuân, làn mưa xuân tưới thêm cho cỏ cây sức sống mới đầy xanh tươi “gợn tới trời” như đang đùa giỡn với nắng, với gió với mây. Tiếng hát đón xuân của bao cô gái thôn quê đầy tình tứ, mùa xuân đến khiến ai cũng vui tươi, phấn khởi, tâm hồn đầy trẻ trung, yêu đời. Giai điệu nhạc cất lên cùng lời ca:
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”
Niềm vui xuân hoà cùng niềm vui của hạnh phúc lứa đôi, thế là ngày mai trong đám cô thôn nữ ấy, có người đi lấy chồng bỏ lại sau lưng những cuộc vui, có chút gì đó tiếc nuối đan xen trong niềm vui ấy. Mùa xuân điểm tô cho đời, kết nên quả ngọt cho tình yêu, mùa của niềm hạnh phúc tràn đầy.
“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi, Hổn hển như lời của nước mây, Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc, Nghe ra ý vị và thơ ngây…”
Niềm yêu đời họa trong lời hát thơ ngây, trong sáng, tinh nghịch “tiếng ca vắt vẻo” trên lưng núi, hoà vào cảnh vật, âm vang mãi. Những âm thanh như đang chuyển động theo nhịp thời gian, “hổn hển” “thì thầm” với nhau đầy ý vị, thân thương. Tiếng thơ nghe sao khiến người bâng khuâng, xao xuyến đến lạ kỳ.
“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng Chị ấy năm nay còn gánh thóc Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”
Nếu ở khổ thơ đầu là hình ảnh cỏ cây tươi xanh thì đây chính là hình ảnh đối lập khi xuân chín, xuân đã không còn thơ mộng như khi vừa sang nữa, nó mang màu của nỗi tiếc nuối ngậm ngùi, mang màu của nắng gió thôn quê: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. m “ang” cuối bài làm cho câu thơ mang tâm trạng mênh mang khó tả, như nỗi lòng thì nhân đang băn khoăn, trĩu nặng xót xa về thân phận người con gái:
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”
Nếu ngày xưa khi đang tuổi xuân thì, nhịp xuân sang cùng lòng bao cô gái ngân nga lời ca, tiếng hát chào mừng thì giờ đây khi xuân chín, xa rời xuân xanh năm nào, “chị ấy” giờ trở thành một người phụ nữ với bao nỗi lo toan. Trách nhiệm cuộc sống và công việc của người mẹ, người vợ thêm nặng, song, dù vất vả, nhọc nhằn vẫn ánh lên nét đẹp rạng ngời.
Bài thơ thật nhẹ nhàng, ngôn ngữ dù giản dị nhưng được nhà thơ chọn lọc rất tinh tế. Mỗi tiếng thơ thốt lên là cả một bầu trời thương yêu vừa mang nỗi thương cảm vừa mang nỗi nhớ mênh mang chốn quê nhà vất vả, gian nan. Với ngôn ngữ kết tinh cùng tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một “mùa xuân chín” vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.
Bài làm mẫu số 2.
Không biết mùa xuân có tự bao giờ và thơ xuân có tự bao giờ, chỉ biết người ta sinh ra đã có mùa xuân đẹp đầy sức sống và thổi vào các hồn thơ, sống trong cuộc đời, nếu thiếu đi mùa xuân, thiếu đi những câu thơ xuân thì thật buồn. Hôm qua, hôm nay và ngày mai mốt lại có những vần thơ xuân cho con người, cho cuộc sống. Và hôm qua đã có Hàn Mặc Tử với “Mùa xuân chín” lúc xúc cảm trong con người lữ khách đó đã tới độ tràn đầy.
Nói tới mùa xuân, có người nào ko hiểu đó là những phút rộn rực nhất của cuộc đời, của cuộc sống. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là “mùa xuân nho nhỏ”, lúc là “mùa xuân xanh”… và đây “Mùa xuân chín” nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khát khao trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.
Mỗi dòng thơ đều phảng phất hơi xuân, đều thấm đượm cái đẹp của tâm hồn thi sĩ. Mùa xuân tính từ lúc cái nắng mới lạ thường:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí bóng xuân sang”.
Đúng là nắng xuân, chẳng phải tia nắng, hạt nắng, chẳng phải giọt nắng nhưng là “làn nắng”. Chữ “làn” như gợi một hơi thở nhẹ nhõm, nắng như mỏng tanh, mềm mại trải đều trong thơ và trong ko gian. Làn nắng lại “ửng” lên trong “khói mơ tan”. Cảnh sắc nhẹ nhõm, đẹp dân dã nhưng huyền diệu. Sương khói quyện với nắng; cái “ửng” của nắng được tôn lên trong làn khói mơ mòng đang “tan” đó. Ngòi bút thi sĩ vẫn hướng tới một nét thơ truyền thống, cổ điển, cảnh như có hồn, như có tình tràn đầy. Trân trọng đón lấy cái nắng mới tinh khiết đó là “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng’!. Sự hô ứng trong vần thơ tạo ra một xúc cảm ấm áp, cảnh vật tương hợp hài hòa, đầy thơ mộng. Vài nét chấm phá đơn sơ nhưng tinh tế gợi cảm, dung dị nhưng đáng yêu. Chỉ có “đôi mái nhà tranh” hiện lên trong “làn nắng ửng” nhưng vẫn gợi lên một sức sống đang lay động, dân dã bình yên rất thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên “đôi mái nhà tranh” chút sắc xuân và hương xuân: “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”. Cái âm thanh của gió “trêu” tà áo và cái gam màu “biếc” của lá ấy là cái tình xuân. Một chữ “trêu” đáng yêu quá, thân yêu quá, có gì như mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta… Gió cũng chọn áo nhưng “trêu”, phải chọn áo biếc mới thật thơ, thật đẹp. Mùa xuân là như thế, “chín” là như thế!
Từ cụ thể, từ làn nắng, từ mái nhà tranh, từ gió rồi mới nói chung: “Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”. Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng xúc cảm nhẹ nhõm, bâng khuâng, vương vấn đón “bóng xuân sang”, xúc cảm ngưng tụ như nín thở đó ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Mạch thơ ngập ngừng như mạch xúc cảm. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhõm bước… như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta.
Sau dấu chấm (.), sau cái ngưng tụ và run rẩy như dây đàn căng lên trong tâm hồn thi sĩ thì mùa xuân ào tới:
“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi”.
Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong ko gian mênh mông, rộng lớn. Hình ảnh ẩn dụ “sóng cỏ” và ba chữ “gợn tới trời” gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi. Chẳng biết ngoài kia là sóng cỏ thật , hay lòng thi sĩ cỏ xanh tươi mới gợn thành “sóng” như thế ? Mùa xuân bao giờ chẳng có màu xanh của cỏ. “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi” (Độ đầu xuân thảo lục như yên – Nguyễn Trãi). “Cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du)… Gam màu “xanh tươi” đầy sức sống yên bình đó trong thơ Hàn Mặc Tử cứ gợn tới trời”, trải dài mãi như ko dứt, trải mãi, ngâm vào hồn thơ. Trong sắc xuân đó, tình cảm con người cũng tới độ chín. Tiếng hát giữa mùa xuân thân quen quá, mến thương quá. Một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đẹp như ca dao, dân ca, như lễ hội mùa xuân muôn thuở của cái xứ sở này được nói tới qua tiếng hát “vắt vẻo” và “thơ ngây” của những nàng xuân, của bao cô thôn nữ. Câu thơ gợi lên cái “chín” trong hồn bao cô thôn nữ qua âm thanh “vắt vẻo”, trong trẻo, tươi mát của câu hát giao duyên, của trai gái nơi đồng quê, mộc mạc nhưng tình tứ. Tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã bắt vào lời hát đó nhiều xao xuyến. Mùa xuân mới thực sự “chín” lúc có con người và có dư vang tiếng hát:
“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với người nào ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”.
Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, “vắt vẻo” hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” trình bày một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái toàn cầu âm thanh mùa xuân đó.
Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Dư vang tiếng hát dường như giăng mắc, rung lên “vắt vẻo” gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng thi sĩ. Tiếng hát “hổn hển” được so sánh “với lời của nước mây”, lời của tự nhiên. Hai tiếng “hổn hển” như nhịp thở gấp gáp, vội vã đầy hương xuân, tình xuân, xúc cảm vừa thực vừa mơ tới lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao nhưng đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn trề cả ko gian, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”. Và còn có tiếng thầm thì “thầm thì với người nào…” dưới bóng trúc, hẳn là tâm tình, là thân yêu rồi. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người tới nhẹ nhõm lắng dịu, tràn đầy thương yêu. Sự phong phú về nhạc điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng thi sĩ bâng khuâng cảm nhận:
“Nghe ra ý vị và thơ ngây…”.
Tiếng hát mùa xuân dân dã, tình tứ và đáng yêu quá, sắc xuân, hương xuân, tình xuân “đang chín” dần trong lòng thôn nữ, bỗng ngập ngừng như có sự hẫng hụt, băn khoăn:
“Ngày mai trong đám xuân xanh đó,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi”.
“Đám xuân xanh đó” là các cô thôn nữ đang hát, đang “thầm thì với người nào ngồi dưới trúc” kia sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi… Tự nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng lúc mùa xuân đang chín… “Xuân đang tới tức là xuân đương qua – Xuân còn non tức là xuân sẽ già” (Xuân Diệu).
Hàn Mặc Tử chính là người lữ khách đi qua mùa xuân gặp cái ý vị của mùa xuân: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín…”. Một nét bút truyền thống cổ điển “xuân hướng lão” xen lẫn cái hiện đại, mới mẻ làm cho ý thơ thêm đậm đà hơn.
Gặp lúc mùa xuân chín đó nhưng thổn thức:
“Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị đó năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
Hình ảnh của kí ức hiện lên một thoáng buồn đẹp và trải rộng mênh mông xa vắng. Thi sĩ nhớ tới con người như khát khao một tình người, một tình quê. Mỗi một nỗi nhớ đều rất bâng khuâng. Nhớ một công việc cụ thể: “gánh thóc” trong một ko gian cụ thể: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Chỉ có “chị đó” là người đọc ko thể biết nhưng chỉ có tác giả mới biết để nhưng “sực nhớ”, nhưng thầm hỏi. Nhưng man mác sợ “mùa xuân chín” đó sẽ trôi qua. Hình như đó là néi thơ Hàn Mặc Tử, là tâm hồn Hàn Mặc Tử khát khao giao cảm với đời nhưng luôn có một nỗi niềm lẻ loi, trống vắng, hẫng hụt như thế.
“Mùa xuân chín” là một bài thơ xuân rất hay, là một bức tranh xuân mới nhất, trong sáng, rộn rực, say mê, thơ mộng nhưng thoáng buồn nhất. Hàn Mặc Tử với cảm hứng tự nhiên trữ tình, màu sắc cổ điển hài hòa với chất dân dã, trẻ trung bình dị đã làm hiện lên một bức tranh xuân tươi tỉnh thơ mộng. Mùa xuân đẹp. Con người trẻ trung, hồn nhiên, xinh đẹp, đáng yêu. Yêu mùa xuân chín cũng là yêu đồng quê, yêu làn nắng ửng, yêu mái nhà tranh, yêu giàn thiên lí, yêu tiếng hát vắt vẻo của những nàng xuân trên “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.
“Mùa xuân chín” lúc thì dạt dào, lúc thì lắng dịu trong tâm hồn thi sĩ. Có lúc vồn vã, có lúc mênh mang, như đang lắng hồn mình vào bước đi của mùa xuân rồi bổi hổi, “sực nhớ… ” và “bâng khuâng”. Cái nhớ bâng khuâng của người lữ khách mãi mãi là tình thương yêu, nỗi khát khao giao cảm với hương sắc và khúc nhạc mùa xuân, với làng quê thân thuộc nơi miền Trung “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”…
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Sự ảnh hưởng của bùng nổ dân số lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về tác hại của mạng xã hội lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng vô cảm lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Sự ảnh hưởng của bùng nổ dân số lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về tác hại của mạng xã hội lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng vô cảm lớp 11
- Viết bài văn Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông lớp 11