Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3


Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3

Đề bài

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)

3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)

4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)

5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)

6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)

7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)

8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Sư Tử và Kiến

            Sư Tử chỉ kết bạn với các loài vật nào to khỏe như mình và cho rằng những con vật bé nhỏ chẳng có ích gì cho nó. Một lần, Kiến Càng đến xin kết bạn với Sư Tử, liền bị Sư Tử xua đuổi.

            Một hôm, Sư Tử cảm thấy đau nhức trong tai, không thể ra khỏi hang đi kiếm ăn được. Bạn bè của Sư Tử đến thăm. Sư Tử nhờ các bạn chữa chạy giúp. Nhưng Voi, Hổ, Gấu, .... đều kiếm cớ từ chối rồi ra về, mặc cho Sư Tử đau đớn.

            Nghe tin Sư Tử đau tai, Kiến không để bụng chuyện cũ, vào tận hang thăm Sư Tử, Kiến bò vào tai Sư Tử và lôi ra một con rệp.

            Sư Tử khỏi đau, hối hận vì đã đối xử không tốt với Kiến, Sư Tử vội vàng xin lỗi Kiến và từ đó coi Kiến là bạn thân nhất trên đời.

Theo truyện cổ dân tộc Lào


1. Sư Tử chỉ kết bạn với những con vật như thế nào? (0.5 điểm)

A. Những loài vật có ích

B. Những con vật nhỏ bé

C. Những con vật to khỏe như mình

D. Chỉ kết bạn với loài Sư Tử

 

2. Khi Kiến Càng đến xin kết bạn với Sư Tử, Sư Tử đã phản ứng như thế nào? (0.5 điểm)

A. Vui vẻ kết bạn với Kiến Càng.

B. Xua đuổi Kiến Càng vì Sư Tử nghĩ những con vật bé nhỏ không có ích gì.

C. Đánh đuổi Kiến Càng vì hai loài có mối thù truyền kiếp.

D. Kết bạn với Kiến Càng nhưng với điều kiện Kiến Càng phải chữa bệnh cho mình.

 

3. Khi Sư Tử bị đau tai, bạn bè đã đối xử với Sư Tử như thế nào? (0.5 điểm)

A. Các bạn đều đến thăm, nhưng không giúp gì, mặc cho Sư Tử đau đớn.

B. Các bạn đến thăm hỏi và tìm cách chạy chữa cho Sư Tử

C. Các bạn kiếm cớ không đến thăm hỏi Sư Tử vì sợ lây bệnh.

D. Các bạn lôi con rệp ra khỏi tai cho Sư Tử

 

4. Khi Sư Tử bị đau tai, Kiến Càng đã đối xử với Sư Tử như thế nào? (0.5 điểm)

A. Bỏ mặc Sư Tử vì trước đây Sư Tử đã đối xử không tốt với mình.

B. Bỏ qua chuyện cũ, lặn lội đường xa mời bác sĩ tới cứu Sư Tử.

C. Bỏ qua chuyện cũ, vào tận hang thăm Sư Tử, bò vào tai lôi ra một con rệp để cứu Sư Tử.

D. Dặn những người bạn khác của mình không được tới cứu Sư Tử.

 

5. Trước việc làm cứu bạn của Kiến Càng, Sư Tử cảm thấy như thế nào? (0.5 điểm)

A. Cảm thấy Kiến Càng có ý đồ tiếp cận mình.

B. Đâm ra ghét những người bạn to lớn của mình.

C. Hối hận và xin lỗi Kiến Càng.

D. Hối hận và xin lỗi Kiến Càng, từ đó coi Kiến là bạn thân nhất trên đời của mình.

6. Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên? (1 điểm)

 

7. Gạch dưới những từ ngữ được dùng để nhân hóa trong câu sau: (0.5 điểm)

“Một lần, Kiến Càng đến xin kết bạn với Sư Tử, liền bị Sư Tử xua đuổi.”

 

8. Điền dấu phẩy và dấu hai chấm vào vị trí thích hợp trong câu sau: (1 điểm)

Mẹ bảo em “Con hãy học giỏi chăm ngoan cho mẹ vui, con nhé!”

 

9. Đặt câu hỏi cho bộ phận được kẻ chân trong câu sau: “Các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam đã chinh phục khán giả bằng tài năng và sự kiên cường của mình.” (1 điểm)

 

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Cây gạo

        Cơn dông rào rào kéo đến. Ngàn vạn lá gạo múa lên, reo lên. Chúng chào anh em của chúng lên đường: từng loạt, từng loạt một, những bông gạo bay tung vào trong gió, trắng xoá như tuyết mịn, tới tấp toả đi khắp hướng. Cây gạo rất thảo, rất hiền, cứ đứng đó mà hát lên trong gió, góp với bốn phương kết quả dòng nhựa của mình.

Vũ Tú Nam

 

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết một đoạn văn giới thiệu về một môn thể thao.

Gợi ý:

- Đó là môn thể thao nào?

- Em được tham gia môn thể thao đó hay xem môn đó khi nào? Ở đâu?

- Môn thể thao đó có điểm gì làm cho em yêu thích?

Lời giải chi tiết

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) C. Những con vật to khỏe

2. (0.5 điểm) B. Xua đuổi Kiến Càng vì Sư Tử nghĩ những con vật bé nhỏ không có ích gì.

3. (0.5 điểm) A. Các bạn đều đến thăm, nhưng không giúp gì, mặc cho Sư Tử đau đớn.

4. (0.5 điểm) C. Bỏ qua chuyện cũ, vào tận hang thăm Sư Tử, bò vào tai lôi ra một con rệp để cứu Sư Tử.

5. (0.5 điểm) D. Hối hận và xin lỗi Kiến Càng, từ đó coi Kiến là bạn thân nhất trên đời của mình.

6. (1 điểm) Cần phải biết yêu thương, giúp đỡ bạn bè, đặc biệt là trong những lúc ốm đau, nguy khốn.

7. (0.5 điểm)

“Một lần, Kiến Càng đến xin kết bạn với Sư Tử, liền bị Sư Tử xua đuổi.”

8. (1 điểm)

Mẹ bảo em: “Con hãy học giỏi, chăm ngoan cho mẹ vui, con nhé!”

9. (1 điểm)

Các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam đã chinh phục khán giả bằng điều gì?

 

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)

- Đó là môn thể thao nào?

- Em được tham gia môn thể thao đó hay xem môn đó khi nào? Ở đâu?

- Môn thể thao đó có điểm gì làm cho em yêu thích?

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

      Một trong số những môn thể thao em yêu thích nhất đó là đá cầu. Luật chơi đá cầu rất dễ, mỗi người chơi cần cố gắng điều khiển quả cầu ở trên cao, không để rơi xuống đất bằng cách chuyền qua chuyền lại bằng các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là không được dùng tay. Chúng ta có thể chơi đá cầu theo nhóm hai người hoặc nhiều người bằng cách đứng quây tròn. Người tham gia đá càng đông lại càng vui. Môn đá cầu rèn luyện cho em kĩ năng tinh mắt, nhanh chân và xử lí khéo léo hơn trong mọi tình huống. Đây không chỉ là một bộ môn thi đấu thể thao, mà còn là một trò giải trí thân thuộc của chúng em sau những giờ học tập mệt mỏi.   

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.3 trên 11 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 3 - Xem ngay