Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Giọng quê hương (Trang 76 - TV3/ Tập 1)
2. Chõ bánh khúc của dì tôi (Trang 91 - TV3/Tập 1)
3. Nắng phương Nam (Trang 94 - TV3/Tập 1)
4. Cửa Tùng (Trang 109 - TV3/Tập 1)
5. Người liên lạc nhỏ (Trang 112 - TV3/Tập 1)
6. Nhà bố ở (Trang 124 - TV3/Tập 1)
7. Đôi bạn (Trang 130 - TV3/Tập 1)
8. Âm thanh thành phố (Trang 146 - TV3/Tập 1)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Đường bờ ruộng sau đêm mưa
Sau trận mưa đêm qua, đường bờ ruộng trơn như đổ mỡ. Tan học về, các bạn học sinh tổ Đức Thượng phải men theo bờ cỏ mà đi. Các bạn phải lần từng bước một để khỏi trượt chân xuống ruộng.
Chợt một cụ già từ phía trước đi lại. Tay cụ dắt một em nhỏ. Em bé đi trên bờ cỏ còn bà cụ đi trên mặt đường trơn. Vất vả lắm hai bà cháu mới đi được một quãng ngắn. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều tránh sang một bên để nhường bước cho cụ già và em nhỏ.
Bạn Hương cầm lấy tay cụ:
- Cụ đi lên vệ cỏ kẻo ngã.
Bạn Sâm đỡ tay em nhỏ:
- Cụ để cháu dắt em bé.
Đi khỏi quãng đường lội, bà cụ cảm động nói:
- Các cháu biết giúp đỡ người già như thế này là tốt lắm. Bà rất cảm ơn các cháu.
Các em vội đáp:
- Thưa cụ, cụ đừng bận tâm ạ. Thầy giáo và cha mẹ thường dạy chúng cháu phải giúp đỡ người già và trẻ nhỏ.
(Theo Đạo đức lớp 4, NXBGD - 1978)
1. Hương và các bạn gặp bà cụ và em bé trong hoàn cảnh nào? (0.5 điểm)
A. Hai bà cháu cùng đi trên con đường trơn như đổ mỡ.
B. Bà đi trên mặt đường trơn còn em bé đi ở bờ cỏ.
C. Hai bà cháu dắt nhau đi ở bờ cỏ.
D. Hai bà cháu đang đứng loay hoay chưa biết phải đi như thế nào vì đường quá trơn.
2. Hương và các bạn đã làm gì?
A. Nhường đường và giúp hai bà cháu đi qua quãng đường lội.
B. Nhường đường cho hai bà cháu.
C. Không nhường đường cho hai bà cháu.
D. Lót cỏ lên đoạn đường trơn cho hai bà cháu đi.
3. Trước sự giúp đỡ của các bạn nhỏ, thái độ của bà cụ như thế nào? (0.5 điểm)
A. Bà cụ bối rối không biết phải làm gì trước tình cảm của các bạn nhỏ
B. Bà cụ mời các bạn nhỏ về nhà bà chơi.
C. Bà cụ cho rằng đó là việc hiển nhiên nên không cần cảm ơn
D. Bà cụ cảm động cảm ơn các bạn nhỏ.
4. Câu "Bạn Sâm đỡ tay em nhỏ." được cấu tạo theo mẫu câu? (0.5 điểm)
A. Ai là gì?
B. Ai làm gì?
C. Ai thế nào?
D. Cả A và B đều đúng
5. Từ chỉ đặc điểm trong câu “Sau trận mưa đêm qua, đường bờ ruộng trơn như đổ mỡ.” là? (0.5 điểm)
A. mưa
B. đổ
C. mỡ
D. trơn
6. Câu chuyện khuyên chúng ta điều gì? (0.5 điểm)
A. Phải chăm học, chăm làm.
B. Đi đến nơi, về đến chốn.
C. Biết giúp đỡ người già và trẻ nhỏ.
D. Không nên đi vào những đoạn đường khó đi để tránh nguy hiểm
7. Ghi lại câu trong bài có hình ảnh so sánh. (1 điểm)
8. Gạch dưới những từ chỉ đặc điểm trong các câu văn sau: (1 điểm)
a. Ánh mặt trời tỏa những tia nắng vàng tươi xuống cánh đồng lúa đang thì con gái.
b. Những cánh hoa hồng đỏ rực lên làm cho cả khu vườn bừng tỉnh.
9. Viết tiếp vào chỗ trống để được câu văn có hình ảnh so sánh: (1 điểm)
a) Những cánh diều của Thảo và các bạn bay trên trời quê hương như ……..
b) Thảo bống ngửi thấy mùi hương thơm như ……..
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Đêm trăng trên Hồ Tây
Hồ về thu, nước trong vắt, mênh mông. Trăng tỏa sáng rọi vào các gợn sóng lăn tăn. Thuyền ra khỏi bờ thì hây hẩy gió đông nam, sóng vỗ rập rình. Một lát, thuyền vào gần một đám sen. Bấy giờ, sen trên hồ đã gần tàn nhưng vẫn còn lơ thơ mấy đóa hoa nở muộn. Mùi hương đưa theo chiều gió ngào ngạt…
PHAN KẾ BÍNH
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Hãy viết một đoạn văn giới thiệu về quê hương em cho một người bạn ở xa và mời bạn tới thăm.
Gợi ý:
- Quê em ở nông thôn hay thành phố?
- Cảnh vật đáng chú ý nhất ở đó là gì?
- Món ăn đặc biệt nhất ở đó là gì?
- Nếu bạn tới thăm, em sẽ đưa bạn đi những đâu?
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) B. Bà đi trên mặt đường trơn còn em bé đi ở bờ cỏ.
2. (0.5 điểm) A. Nhường đường và giúp hai bà cháu đi qua quãng đường lội.
3. (0.5 điểm) D. Bà cụ cảm động cảm ơn các bạn nhỏ.
4. (0.5 điểm) B. Ai làm gì?
5. (0.5 điểm) D. trơn
6. (0.5 điểm) C. Biết giúp đỡ người già và trẻ nhỏ.
7. (1 điểm)
Sau trận mưa đêm qua, đường bờ ruộng trơn như đổ mỡ.
8. (1 điểm)
a. Ánh mặt trời tỏa những tia nắng vàng tươi xuống cánh đồng lúa đang thì con gái.
b. Những cánh hoa hồng đỏ rực lên làm cho cả khu vườn bừng tỉnh.
9. (1 điểm)
a) Những cánh diều của Thảo và các bạn bay trên nền trời quê hương như những cánh chim bình yên chao liệng.
b) Thảo bỗng ngửi thấy mùi hương thơm như mùi hương của giàn hoa thiên lí.
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)
- Quê em ở nông thôn hay thành phố?
- Cảnh vật đáng chú ý nhất ở đó là gì?
- Món ăn đặc biệt nhất ở đó là gì?
- Nếu bạn tới thăm, em sẽ đưa bạn đi những đâu?
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
Hà Giang, ngày 3 tháng 10 năm 2018
Hùng thân mến !
Đã lâu rồi mình chưa gặp lại nhau nhỉ ? Thời gian trôi đi nhanh quá. Bạn biết không, Hà Giang quê tớ đang bước vào mùa hoa tam giác mạch đấy. Thời tiết tháng 10 cũng thật dễ chịu. Trong năm, chẳng có khi nào mà Hà Giang lại đẹp đẽ và nổi bật đến vậy.Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng ruộm báo hiệu mùa thu hoạch bội thu sắp tới. Khắp các núi đồi và những nẻo đường đều được điểm tô bởi sắc hoa tươi sáng. Bản làng của người dân tộc Mông thấp thoáng trên núi với đoàn em bé mặc váy xòe thổ cẩm càng khiến cho bức tranh quê hương tớ thêm thanh bình.
Hà Giang còn có những món ăn truyền thống như cháo ấu tẩu, thắng cố, thịt treo gác bếp,... Hùng hãy tới đây chơi nhé! Tớ sẽ mời Hùng ăn những món ăn thật ngon và cho bạn được làm quen với những người bạn dân tộc Mông giỏi tiếng Anh cực kì.
Nhận được thư này hãy trả lời tớ ngay nhé! Tớ mong sớm gặp lại bạn tại đây.
Người viết
Tú
Phan Anh Tú
Loigiaihay.com
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3