Đề số 3 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3>
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 3 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)
2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)
3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)
4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)
5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)
6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)
7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)
8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
THI NHẠC
Hôm nay, sau bao năm dốc toàn tâm lực dạy dỗ, giáo sư Vàng Anh tổ chức thi nhạc cho những học trò ông hằng yêu quý. Họ là Ve sầu, Dế Mèn, Gà Trống, Vịt, Hoạ Mi. Ông nghe tim đập hồi hộp.
Ve Sầu với đôi mắt nâu lấp lánh trình bày tác phẩm tốt nghiệp của mình bằng bản giao hưởng "Mùa hạ". Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông... Bản nhạc đã dứt từ lâu mà giáo sư Vàng Anh vẫn còn ngây người vì xúc động.
Gà Trống mở đầu khúc nhạc nhan đề "Bình minh" đầy hứng khỏi. "Tờ réc ... tờ re ... te te". Dế Mèn khoẻ khoắn và trang nhã trong bộ đồ màu nâu cánh gián bắt đầu với bản giao hưởng "Mùa thu". Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá. Giai điệu mùa thu khiến đôi mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng.
Nàng Hoạ Mi xuất hiện với tà áo tha thướt trình bày bản giao hưởng "Mùa xuân". Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt...
Cuối cùng là phần trình diễn của Vịt với tác phẩm "Ao nhà". Phong cách biểu diễn lôi cuốn làm mọi người hào hứng vô tay nhịp theo "Quạc cò... quạc quạc !". Âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.
Hội thi kết thúc, giáo sư Vàng Anh đứng lên, đôi mắt dịu dàng lướt trên mặt những đứa học trò ngoan. Giọng xúc động, giáo sư nói :
- Các con ! Ta rất vui lòng vì sự thành công của các con, cảm ơn các con đã cho ta niềm vui này. Ngày mai các con sẽ trở về với những miền quê yêu dấu của các con, chẳng còn ở bên ta nữa, nhưng lòng ta sẽ mãi dõi theo.
(Theo Nguyễn Phan Hách)
1. Những học trò nào của giáo sư Vàng Anh đã tham gia vào cuộc thi nhạc? (0.5 điểm)
☐ Ve Sầu
☐ Sơn Ca
☐ Hoạ Mi
☐ Thiên Nga
☐ Vịt
☐ Gà Trống
☐ Dế Mèn
2. Dòng nào sau đây nêu đúng tên các bản nhạc mà học trò của giáo sư Vàng Anh đã biểu diễn trong cuộc thi? (0.5 điểm)
A. Bình minh, Trưa vắng, Chiều về, Hoàng hôn, Đêm xuống
B. Bình minh, Mùa xuân, Mùa hạ, Mùa thu, Mùa đông
C. Mùa hạ, Bình minh, Mùa thu, Mùa xuân, Ao nhà
D. Mưa xuân, Nắng hạ, Lá thu, Gió Đông, Đất trời
3. Con hãy ghép các mảnh ghép sau sao cho được tên tác phẩm với học trò đã thể hiện tác phẩm đó? (0.5 điểm)
1. Ve Sầu |
a. Bình Minh |
2. Gà Trống |
b. Ao nhà |
3. Dế Mèn |
c. Mùa xuân |
4. Hoạ Mi |
d. Mùa hạ |
5. Vịt |
e. Mùa thu |
4. Những từ ngữ, chi tiết nào cho thấy giáo sư Vàng Anh rất yêu mến và trân trọng tài năng của các học trò? (0.5 điểm)
☐ Tim ông đập hồi hộp khi các học trò lên biểu diễn.
☐ Ông hào hứng vỗ tay khi các học trò biểu diễn
☐ Ông ngây người vì xúc động khi Ve Sầu biểu diễn xong bản nhạc “Mùa hạ”
☐ Mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng khi nghe bản nhạc “Mùa thu” của Dế Mèn
☐ Ông tỉ mỉ nhận xét và góp ý từng phần biểu diễn của từng học trò.
☐ Ông nhìn học trò dịu dàng, xúc động rồi nói ông rất vui vì sự thành công của họ và lòng ông mãi dõi theo họ.
5. Dòng nào sau đây có chứa các từ ngữ liên quan đến chủ đề Âm nhạc? (0.5 điểm)
A. Thi, tác phẩm, nhan đề, mùa hạ, thành công
B. Bản giao hưởng, âm thanh, vi-ô-lông, réo rắt, bản nhạc, khúc nhạc, giai điệu.
C. Dạy dỗ, học trò, trình bày, tốt nghiệp, hứng khởi
D. mùa xuân, buổi sáng, mưa thu, gió đông, thời tiết
6. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng nhiều nhất trong bài? (0.5 điểm)
A. So sánh
B. Nhân hoá
C. Điệp từ
D. Điệp ngữ
7. Hãy điền tên các bản nhạc vào dòng miêu tả tương ứng dưới đây (1 điểm)
………….: Đầu hứng khởi với những âm thanh “Tờ réc ... tờ re ... te te”
………….: Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá.
………….: Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông.
………….: Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt
………….: âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.
8. Hãy điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn chỉnh những câu sau? (1 điểm)
a. Ve Sầu, Gà Trống, Dế Mèn, Vịt, Hoạ Mi đều hồi hộp vì …………..
b. Mắt giáo sư Vàng Anh nhoè đi vì ………….
c. Giáo sư Vàng Anh nói : "Ta cảm ơn các con vì ……………."
d. "Ngày mai các con chẳng ở bên ta nữa, nhưng lòng ta mãi dõi theo vì ………….
9. Điền dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong đoạn văn sau :
Âm nhạc là một môn nghệ thuật có khả năng thật kì diệu. Những nốt nhạc trầm bổng những giai điệu du dương có sức lay động mạnh mẽ đến tâm hồn con người. Âm nhạc mang đến cho con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Khi ta vui âm nhạc giúp tâm hồn ta bay bổng hơn. Khi ta buồn âm nhạc an ủi giúp lòng ta thanh thản. Khi ta gặp bất hạnh âm nhạc xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn ta.
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Chú ở bên Bác Hồ
Chú Nga đi bộ đội
Sao lâu quá là lâu !
Nhớ chú, Nga thường nhắc :
- Chú bây giờ ở đâu ?
Chú ở đâu, ở đâu ?
Trường Sơn dài dằng dặc ?
Trường Sa đảo nổi, chìm ?
Hay Kon Tum, Đắk Lắk ?
Mẹ đỏ hoe đôi mắt
Ba ngước lên bàn thờ:
- Đất nước không còn giặc
Chú ở bên Bác Hồ.
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Viết một đoạn văn kể về một ngày hội mà em biết.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC
I/ Đọc thành tiếng
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu
1. (0.5 điểm) Những học trò của giáo sư Vàng anh đã tham gia vào cuộc thi nhạc đó là: Ve Sầu, Dế Mèn, Gà Trống, Vịt, Hoạ Mi.
2. (0.5 điểm) C. Mùa hạ, Bình minh, Mùa thu, Mùa xuân, Ao nhà
3. (0.5 điểm)
1 – d: Ve Sầu – Mùa hạ
2 – a: Gà Trống – Bình minh
3 – e: Dế Mèn – Mùa thu
4 – c: Hoạ Mi – Mùa xuân
5 – b: Vịt – Ao nhà
4. (0.5 điểm)
Những từ ngữ, chi tiết cho thấy giáo sư Vàng Anh rất yêu mến và trân trọng tài năng của các học trò đó là:
- Tim ông đập hồi hộp khi các học trò lên biểu diễn.
- Ông ngây người vì xúc động khi Ve Sầu biểu diễn xong bản nhạc “Mùa hạ”
- Mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng khi nghe bản nhạc “Mùa thu” của Dế Mèn
- Ông nhìn học trò dịu dàng, xúc động rồi nói ông rất vui vì sự thành công của họ và lòng ông mãi dõi theo họ.
5. (0.5 điểm) B. Bản giao hưởng, âm thanh, vi-ô-lông, réo rắt, bản nhạc, khúc nhạc, giai điệu.
6. (0.5 điểm) B. Nhân hoá
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất trong bài là nhân hoá. Tác giả đã gọi và kể về các con vật trong bài bằng những từ ngữ vốn chỉ được dùng để gọi hoặc tả con người.
7. (1 điểm)
Bình minh: Đầu hứng khởi với những âm thanh “Tờ réc ... tờ re ... te te”
Mùa thu: Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá.
Mùa hạ: Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông.
Mùa xuân: Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt
Ao nhà: âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.
8. (1 điểm)
a. Ve Sầu, Gà Trống, Dế Mèn, Vịt, Hoạ Mi đều hồi hộp vì sắp sửa bước vào cuộc thi.
b. Mắt giáo sư Vàng Anh nhoè đi vì xúc động.
c. Giáo sư Vàng Anh nói : "Ta cảm ơn các con vì các con đã cho ta niềm vui này."
d. "Ngày mai các con chẳng ở bên ta nữa, nhưng lòng ta mãi dõi theo vì ta luôn yêu quý các con.".
9. ( 1 điểm)
Âm nhạc là một môn nghệ thuật có khả năng thật kì diệu. Những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu du dương có sức lay động mạnh mẽ đến tâm hồn con người. Âm nhạc mang đến cho con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Khi ta vui, âm nhạc giúp tâm hồn ta bay bổng hơn. Khi ta buồn, âm nhạc an ủi, giúp lòng ta thanh thản. Khi ta gặp bất hạnh, âm nhạc xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn ta.
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau
- Đó là hội gì? (0.25 điểm)
- Hội được tổ chức khi nào? Ở đâu? (0.5 điểm)
- Mọi người đi xem hội như thế nào? (0.5 điểm)
- Hội được bắt đầu bằng hoạt động gì? (1 điểm)
- Hội có những trò vui gì? (chơi cờ, đấu vật, kéo co, đua thuyền, ném còn, ca hát, nhảy múa,...) (1 điểm)
- Cảm tưởng của em về ngày hội đó như thế nào? (0.75 điểm)
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo: Về hội Lim ở Bắc Ninh
Quê em ở Bắc Ninh, nơi có di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đó chính là làn điệu dân ca quan họ. Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng hội Lim được tổ chức tại Tiên Du, Bắc Ninh. Trong khi lễ hội được diễn ra, có rất nhiều hoạt động. Cũng như các lễ hội khác, hội Lim được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng, tế. Đến phần hội mới là phần du khách mong chờ. Trên hồ, sẽ có các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ. Những làn điệu trao duyên mượt mà, trong trẻo nghe sao mà da diết thế. Rất nhiều người đứng trên bờ cổ vũ và chụp hình. Trong khi phần hội diễn ra cũng có rất nhiều các trò chơi như chọi gà,đấu vật,ném còn… Du khách đến đây cũng có thể mua hoặc thuê trang phục của các liền anh chị để chụp hình hoặc mua rất nhiều đồ lưu niệm xinh xắn. Hội Lim không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang giá trị kinh tế to lớn cho tỉnh Bắc Ninh.
Loigiaihay.com
- Đề số 4 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3
- Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3
- Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3
- Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3
- Đề số 6 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 3