Văn bản Đền tháp vẫn ngủ yên (theo Quỳnh Trang)>
Xiêm Riệp (Siem Reap) là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới hẳn nhiên bởi thành phố này sở hữu kì quan Ăng-co với bao điều bí ẩn
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
ĐỀN THÁP VẪN NGỦ YÊN
Xiêm Riệp (Siem Reap) là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới hẳn nhiên bởi thành phố này sở hữu kì quan Ăng-co với bao điều bí ẩn. Quần thể đền tháp Ăng-co dẫu không còn nguyên vẹn nhưng những gì được phát hiện và bảo tồn đến nay đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Qua hàng trăm năm, đền tháp huyền bí như vẫn ngủ yên trong sự êm đềm của thành phố Xiêm Riệp.
THÀNH PHỐ BÌNH YÊN
Sân bay Xiêm Riệp cách trung tâm thành phố khoảng 10 ki-lô-mét với chừng 15 phút chạy xe buýt. Những con đường tiến về trung tâm rộng mở với hai bên khách sạn, rì-sọt san sát là dấu hiệu để nhận biết Xiêm Riệp ngày càng có sức hút du lịch. Nhưng sự phát triển của một thành phố du lịch không làm cho Xiêm Riệp mất đi nét đẹp đặc trưng của mình. Chính quyền Cam-pu-chia đã ban hành những quy định về xây dựng, kiến trúc để Xiêm Riệp lưu giữ được bản sắc, hoà hợp với sự cổ kính của quần thể Ăng-co. Hầu hết các khách sạn hay rì-sọt đều mang phong cách kiến trúc Khmer với mái ngói đỏ tươi để phân biệt với màu đá rêu phong của những đền tháp. Chiều cao của các toà nhà không được cao hơn ngôi đền cao nhất trong quần thể Ăng-co, tức là 65 mét. Điều đó thể hiện lòng tôn kính của chính phủ cũng như người dân Cam-pu-chia với di sản mà tiền nhân để lại.
Là thành phố lớn thứ hai Cam-pu-chia và mỗi ngày đón hàng nghìn khách du lịch nhưng Xiêm Riệp mang đến cho tôi cảm giác bình yên bởi đường phố không có cảnh xe cộ hỗn độn hay ùn tắc. Trật tự an ninh khá tốt dù hoạt động về khuya ở các khu phố chính hay chợ đêm luôn nhộn nhịp. Và chính cái dáng vẻ hiền lành, chất phác của người dân Xiêm Riệp với đa phần là người Khmer đã tạo sự tin tưởng và thân thiện với du khách.
Ngay cả ở những khu di tích tập trung đông người cũng đều tuân thủ theo trật tự, quy củ từ cách quản lí vé vào cửa, hướng dẫn khách du lịch đến việc bảo vệ môi trường. Những ngôi đền ở Ăng-co Vát (Angkor Wat) và Ăng-co Thom (Angkor Thom) như vẫn tĩnh tại trong rừng xanh chỉ có rêu phong, cây cối bao bọc mà ít bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của con người.
NHỮNG NGÔI ĐỀN CỔ KÍNH
Thời gian lí tưởng nhất để khám phá Ăng-co là vào mùa khô từ tháng Mười Một đến tháng Tư. Dù vậy, vào mùa hè với mưa nắng thất thường của xứ nhiệt đới, dòng người xếp hàng dài vẫn kiên nhẫn chờ đến lượt mua vé để tham quan hai quần thể nổi tiếng nhất ở Xiêm Riệp là Ăng-co Vát và Ăng-co Thom.
Được xây dựng vào cuối thế kỉ XII, Ăng-co Thom xưa kia chính là kinh đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer.
Nằm trên diện tích đất vuông vắn với chiều dài 3 ki-lô-mét và chiều rộng 3 ki-lô-mét, những di tích còn lại đến nay là cụm đền thờ các vị thần và tổ tiên của các vương triều Khmer. Vật liệu chính được sử dụng để xây dựng các ngôi đền là đá ong và sa thạch. Các sử gia cũng như giới khảo cổ luôn tìm lời giải cho những thắc mắc về cách xây dựng nên công trình của người Khmer. Cách lí giải hợp lí có cơ sở khoa học là người xưa đã sử dụng một hệ thống kênh đào để vận chuyển những khối đá nặng đến 1,6 tấn từ mỏ đá, vượt qua hơn 30 ki-lô-mét đến công trình xây dựng.
Nằm ở trung tâm của quần thể Ăng-co Thom là đền Bai-on (Bayon) - ngôi đền nổi tiếng cả về quy mô cũng như kiến trúc. Với 54 tháp lớn nhỏ, mỗi tháp chính là một bức tượng có bốn mặt quay về bốn hướng. Những bức tượng có bốn mặt đều mim cười là đại diện cho vị thần nào, thể hiện triết lí từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật hay chính là gương mặt vua Giai-a-vác-man (Jayavarman) VII, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Bai-on được xem là một kiến trúc kì lạ mà lãng mạn bởi các tháp tượng bằng đá nhưng đường nét lại thanh thoát, tự nhiên với những khuôn mặt bao dung mà vô thường.
Đền Ta Prom (Ta Prohm) nằm ở phía đông của Ăng-co Thom, cũng là nơi được nhiều du khách viếng thăm. Ta Prom vừa là một tu viện Phật giáo vừa là nơi vua Giai-a-vác-man VII tôn vinh hoàng tộc. Đến đời vua Giai-a-vác-man VIII thì ông ra lệnh phá huỷ những hình tượng mang dấu ấn Phật giáo để thay vào những hình tượng Bà La Môn (Brahman). Vì thế, những dấu tích kiến trúc, điện thờ còn lại đến nay có sự pha trộn giữa Phật giáo và Bà La Môn. Đây là một di tích được lưu giữ trong trạng thái nguyên vẹn như lúc phát hiện vào thế kỉ XIX nên có thể nhìn thấy những cây cổ thụ ôm cuốn quanh đền một cách kì lạ và ma quái. Nhiều điện thờ bị rễ cây xâm lấn nặng nề nên việc bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer chính là khu đền Ăng-co Vát. Du khách thường viếng thăm nơi này vào buổi chiều, khi có ánh Mặt Trời chiếu thẳng vào chính điện quay về hướng tây. Chưa có sự giải thích thoả đáng cho câu hỏi vì sao Ăng-co Vát quay mặt về hướng tây trong khi tất cả các ngôi đền ở Ăng-co đều quay về hướng đông.
Tưởng chừng như không gặp may khi cơn mưa chiều xối xả ập đến nhưng cũng vì mưa mà chúng tôi đã có cơ hội khám phá Ăng-co Vát với những cảm xúc, kỉ niệm khó quên. Đường vào như dài hơn với những dáng người liêu xiêu trong mưa. Mưa gió ào ạt quất tới tấp. Còn vài người chúng tôi kiên trì đội mưa và đặt chân đến chính điện cũng là lúc mưa ngừng rơi. Men theo hành lang dài hun hút, chỉ còn vài bóng người chìm trong suy tư, ngắm nhìn những tuyệt tác điêu khắc trên đá của nghệ nhân Khmer. Đây được coi là bức tranh đá được chạm khắc bằng tay dài nhất và lớn nhất thế giới với chiều cao 2,5 mét chạy xuyên suốt 800 mét dọc hành lang của tầng một ngôi đền. Những nét chạm khắc tinh xảo mà mềm mại đã mô tả sinh động các câu chuyện sử thi hào hùng, những chiến công của vua Su-ri-a-vác-man (Suryavarman) II - người cho xây dựng đền Ăng-co Vát. Tầng hai của ngôi đền là các gian điện thờ thần Vi-xnu (Visnu) của Ấn Độ giáo. Đặc biệt, tại tầng hai có rất nhiều bức điêu khắc với hình ảnh tiên nữ Áp-sa-ra (Apsara) được tạc trên đá. Hàng nghìn tiên nữ với dáng vóc và khuôn mặt biểu cảm được thể hiện rất sống động. “Thiên đàng” ở tầng ba, cách mặt đất 65 mét, được dẫn lối bằng một cầu thang dốc đứng, hẹp và luôn phải cúi đầu khi bước lên. Không nhiều người đặt chân được lên “thiên đàng” nhưng phần thưởng cho ai can đảm khi qua được những nấc thang thử thách là cơ hội tuyệt vời để nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Xiêm Riệp cũng như quần thể đền tháp Ăng-co. Ước mơ đã thành hiện thực khi tôi được đặt chân đến kinh đô của những đền đài cổ kính để chiêm ngưỡng sự kì vĩ của tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer, để chạm tay vào những tượng đá hàng nghìn năm tuổi và để có những khoảnh khắc lắng đọng ở xứ Chủa Tháp thanh bình.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Văn bản Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
- Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)
- Văn bản Nói thêm về "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Đình Chú)
- Văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc)
- Văn bản Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi)
- Văn bản Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
- Văn bản Về truyện "Làng" của Kim Lân (Nguyễn Văn Long)
- Văn bản Nói thêm về "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Đình Chú)
- Văn bản Đình công và nổi dậy (trích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc)
- Văn bản Người thứ bảy (Mu-ra-ka-mi)