Tập làm văn: Luyện tập miêu tả cây cối trang 83 SGK Tiếng Việt 4 tập 2


Sách giáo khoa lớp 5 - Cánh diều (mới)

Tải pdf, xem online sgk lớp 5 mới đầy đủ các môn

Đề bài

Tả một cây có bóng mát hoặc cây ăn quả mà em yêu thích.

Phương pháp giải - Xem chi tiết

Dàn bài chung:

A. Mở bài

Giới thiệu cây (hoặc tả bao quát về cây): Có thể mở bài bằng một trong hai cách sau đây:

- Giới thiệu ngay cây cần tả (mở bài trực tiếp)

- Nói về những đề tài có liên quan để từ đó dẫn vào miêu tả cây cây cần tả (mở bài gián tiếp)

B. Thân bài

Tả từng bộ phận của cây hay tả sự thay đổi của cây qua từng thời kì phát triển

a. Tả bao quát

tầm cao, tán lá, hình dáng, đặc điểm nổi bật của cây khi mới nhìn hoặc nhìn từ xa.

b. Tả chi tiết (từng bộ phận  của cây hoặc tả sự thay đổi của cây qua từng thời kì phát triển)

- Tả lần lượt từng bộ phận của cây (từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên)

+ Rễ cây có đặc điểm gì?

+ Gốc cây to hay nhỏ?

+ Chiều cao của thân cây? Vỏ cây như thế nào?

+ Lá: Hình dáng? Màu sắc? Tán lá có mấy tầng? Lá dày hay thưa?

+ Hoa: Màu sắc? Những nét đặc biệt về hình dáng hoa?

+ Quả (nếu có): Những nét đặc biệt về hình dáng, màu sắc của quả hoặc chùm quả?

- Hoặc có thể lựa chọn tả lần lượt từng thời kì phát triển của cây (Ra lá – Trưởng thành – Đâm hoa – Đậu quả)

- Tả cảnh vật hoặc các yếu tố liên quan đến đời sống của cây như gió, sương, chim chóc, sinh hoạt của con người,...

C. Kết bài

Có thể kết lại bài theo một số cách như sau:

a. Nêu cảm nghĩ về cây (Kết bài không mở rộng)

b. Sau khi kết thúc việc miêu tả, em có thể bình luận thêm về lợi ích của cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây (kết bài mở rộng)

Quảng cáo
decumar

Lời giải chi tiết

Bài tham khảo 1:

      Gia đình em có một mảnh vườn nho nhỏ ở phía sau nhà. Trong vườn ba em đã trồng nhiều loại cây ăn quả như cam, xoài, nhãn, ổi, mít,... Tuy nhiên, em lại thích nhất cây đu đủ lớn ở góc vườn.

      Thân cây đu đủ tròn và cao như cây cột. Trên cây có nhiều "vết sẹo" do những cuống lá già rụng để lại. Đu đủ không có cành chỉ có lá. Mỗi lá có một cuống hình tròn, rỗng. Em có thể lấy cuống lá này làm thành một cái kèn thổi chơi. Phiến lá rộng, chia nhỏ làm năm nhánh và xòe rộng ra như một bàn tay. Hoa đu đủ có cánh dày, màu trắng, mọc từng chùm.

      Những cây đu đủ này rất sai quả. Quả mọc chi chít quấn quanh thân cây và nằm hầu hết ở phần trên của thân cây giống như đàn heo con đang tranh nhau bú. Những quả ở phía trên vừa nhỏ vừa có màu xanh non. Những quả ở phía dưới lớn hơn và vỏ có màu xanh đậm. Quả đu đủ dài, một đầu lớn, một đầu nhỏ. Khi quả chín, vỏ có màu vàng cam và ấn tay vào thấy hơi mềm. Khi ăn đu đủ, em lấy dao gọt hết vỏ đi rồi xẻ dọc quả ra. Ruột đu đủ chín có màu vàng hoặc đỏ, ai nhìn cũng có cảm giác ngon lành. Phía trong của ruột có nhiều hạt màu đen, cần gạt bỏ đi trước khi ăn. Hạt này có thể giữ lại rồi đem gieo thành cây mới. Đu đủ chín ăn rất ngọt và có một mùi thơm riêng biệt. Đó là một loại thức ăn ngon và bổ dưỡng.

      Khi đứng trước cây đu đủ đang sum suê những quả, lòng em dạt dào niềm vui. Nó là thành quả của bao ngày gieo trồng, vun xới. Nó chứa đựng nhiều mồ hôi và công sức của ba em nên em yêu quý nó vô cùng. Em thầm biết ơn ba đã đem đến cho em những mùa trái ngọt từ cây đu đủ thân quen.

Bài tham khảo 2:

Trước cửa nhà em có một cây phượng không biết ai trồng từ bao giờ, nhưng thân cây hiện nay rất lớn, hai tay em ôm mới xuể.

Cứ hè đến là hoa phượng nở từng chùm đỏ thắm trên cây. Cánh hoa đỏ rực điểm một cánh pha màu trắng, nhị hoa màu đỏ, đầu nhị mang một túi phấn. Hoa phượng nở báo hiệu mùa hè đến, mùa hè vui tươi của lứa tuổi học trò. Tán lá phượng xòe rộng ra như một cái ô lớn che nắng cho chúng em. Dù trưa hè chói chang đến đâu cũng không giọt nắng nào lọt qua được tán lá dày đặc của nó. Dưới vòm lá, phượng rực màu hoa thắm. Chỉ cần một làn gió thổi hơi mạnh hay một chú chim chuyền cành là có ngay mấy bông hoa rụng. Chúng em đùa nhau hò hét, đuổi theo những cánh hoa lìa cành chênh chếch bay nghiêng. Nhặt được hoa, chúng em bỏ vào cái lẵng xinh xinh ngoắc trên tay rồi chơi trò bán hàng, bày chúng lên những "bát miến” bằng vỏ quýt thái nhỏ đơm trên lá đa. Chúng em còn hái nụ hoa, chơi chọi gà thật tuyệt.

Hết mùa hoa, chim chóc vẫn còn. Phượng chấm dứt những ngày hè tưng bừng rộn rã, lại trở về cái dáng vẻ lặng lẽ, trầm tư. Nhưng trong mình nó đã xuất hiện một dòng nhựa mới, chảy rạo rực khắp thân cây, chuẩn bị cho một mùa hoa năm tới. Chúng em cũng từ giã những ngày vui chơi bổ ích để đón mừng một năm học mới.

Bài tham khảo 3:

Dì Thương là con út của bà ngoại. Đời chồng trước của dì là liệt sĩ. Dì vò võ một mình đợi chờ, hơn mười năm sau mới tái giá. Năm 32 tuổi, dì mới có đứa con đầu lòng, tên khai sinh là Long, nhưng cả nhà vẫn gọi là "Cu Khế". Nay "Cu Khế'" đã học lớp Ba rồi đấy, học giỏi, đá bóng rất cừ.

Chú Mẫn chồng dì Thương là kĩ sư trồng trọt công tác ở Sở Nông nghiệp tỉnh. Vườn của dì, chú chỉ trồng 2 thứ cây: ớt và chanh. Chú nói vui: "Hàng đặc sản, thịt cầy bảy món ở đâu cũng có nên mắm tôm, chanh và ớt còn có đất dụng vố". Cái ao 18 mét vuông thả cá trắm, bờ ao trồng chanh, vườn chia thành 4 luống vuông như bàn cờ trồng đủ loại ớt. Ớt đỏ, ớt vàng, ớt chỉ thiên, ớt bị to gần bằng nắm tay trẻ con "một người ăn mười người cay cháy họng”.

Chanh trong vườn dì Thương có rất nhiều giống quý. Chanh nghệ, bổ đôi vàng khươm, chua đậm, rất thơm, vỏ chanh nghệ phơi khô tán với cam thảo là vị thuốc quý trị ho gà và tiêu đờm rất công hiệu. Chanh đào ruột hồng thắm, có thể bóc từng múi chấm muối ớt, ăn mãi không chán; đem pha nước chanh là màu hồng tươi, không có thứ nước giải khát nào sánh bằng. Chanh cốm, chanh rạng, chanh quảng, chanh ngô, v.v... nhiều thứ lắm.

Chú Mẫn có tài lai tạo giống. Vườn dì chú, chanh nở hoa kết trái bốn mùa. Chú chăm bón rất công phu. Có cây chanh vừa mới ra hoa, chú dùng roi đánh cho hoa rụng hết. Chú nói đó là phép "hạn sản dưỡng sinh" cây ăn trái. Chanh, ớt đã trở thành hàng hóa. Khách hàng đến mua chanh tận gốc. Cuối năm, nhiều hôm không có chanh để bán. Tiền bán chanh đã mua được xe máy để dì Thương đi dạy học, để sắm sập gụ, bộ xa-lông gỗ trắc Đồng Kị. Vợ chồng dì Thương ăn nên làm ra nhờ vườn chanh, luống ớt.

Hoa chanh màu trắng tím, nở xòe 5 cánh tỏa hương nồng nàn. Nụ chanh bằng hạt đậu nành màu tim tím. Hương chanh ngào ngạt. Cây chanh nở hoa, ong bướm kéo đến bay vù vù dập dìu từ sáng tinh mơ đến chiều tà.

Ăn miếng thịt gà luộc có rắc lá chanh thái nhỏ, chấm với muối tiêu ớt vắt chanh, mới thấy hết cái ý vị của thú phong lưu đồng ruộng. Cô gái quê 17, 18 tuổi, môi son má hồng, tóc dài đen nhánh, thường gội nước lá chanh trước lúc đi chơi hội làng. Lá chanh, hương chanh đã xe duyên thắm dì Thương chú Mẫn đó.

Sang chơi nhà dì Thương, hôm nào mẹ cũng mang về một nắm lá chanh và dăm trái chanh nghệ, chanh đào. Dì Thương vẫn hát ru con:

"Hoa chanh nở giữa vườn chanh,

Thầy u mình với chúng mình chân quê".

Lúc nào cũng vậy, dì vừa hát vừa nhìn ra vườn chanh với đôi mắt sáng lên.


Bình chọn:
4.3 trên 997 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 4 trên Tuyensinh247.com. Cam kết giúp con lớp 4 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.