Bài 8. Đạo đức kinh doanh - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều>
Đạo đức kinh doanh biểu hiện ở đức tính nào dưới đây? Vì sao?
Câu 1
Đạo đức kinh doanh biểu hiện ở đức tính nào dưới đây? Vì sao?
A. Tính thật thà.
B. Tính trung thực.
C. Tính quyết đoán.
D. Tính kiên trì.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn B. Tính trung thực.
Giải thích: Đạo đức kinh doanh biểu hiện ở đức tính trung thực, thông qua những việc làm/ hành động cụ thể, ví dụ như: trung thực trong sản xuất (sử dụng nguyên, nhiên liệu… có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo,…); không quảng cáo cường điệu, sai sự thật; trung thực trong cạnh tranh với các đối thủ khác,…
Câu 2
Quan niệm nào dưới đây là đúng về đạo đức kinh doanh?
A. Đạo đức kinh doanh là tổng thể các nguyên tắc kinh doanh cơ bản mà mỗi người kinh doanh cần có và cần biết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
B. Đạo đức kinh doanh là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, định hướng hành vi của các chủ thể sản xuất kinh doanh.
C. Đạo đức kinh doanh là những quy định của pháp luật mà mỗi người kinh doanh phải tuân theo trong sản xuất kinh doanh.
D. Đạo đức kinh doanh là những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ mà mỗi người kinh doanh đều phải biết và vận dụng trong hoạt động kinh doanh.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn B. Đạo đức kinh doanh là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, định hướng hành vi của các chủ thể sản xuất kinh doanh.
Giải thích: Khái niệm: Đạo đức kinh doanh là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, định hướng hành vi của các chủ thể sản xuất kinh doanh.
Câu 3
Đạo đức kinh doanh là
A. đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh.
B. phẩm chất của bất kì cá nhân nào trong xã hội.
C. yêu cầu cần có của mỗi công dân.
D. trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn A. Đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh.
Giải thích: Đạo đức kinh doanh là đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh.
Câu 4
Thực hiện đạo đức kinh doanh mang lại lợi ích nào dưới đây? Vì sao?
A. Xây dựng lòng tin với khách hàng.
B. Mang lại doanh thu lớn cho các chủ thể kinh doanh.
C. Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh.
D. Giảm bớt khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
E. Tạo ra lợi nhuận cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.
G. Tạo ra được môi trường làm việc tốt.
H. Góp phần điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh doanh.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Chọn A; B; C; E; G; H.
Giải thích: Thực hiện đạo đức trong kinh doanh góp phần.
- Điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh doanh.
- Xây dựng lòng tin và uy tín với khách hàng.
- Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư, tạo ra lợi nhuận cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.
- Thúc đẩy sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia.
- Tạo được môi trường làm việc tốt, giúp hình thành sự gắn kết và nỗ lực làm việc của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Câu 5
Trong quan hệ với khách hàng, đạo đức kinh doanh của chủ thể sản xuất kinh doanh biểu hiện ở hành vi, việc làm nào dưới đây? Vì sao?
A. Giữ chữ tín với khách hàng.
B. Tôn trọng và bảo vệ lợi ích của khách hàng.
C. Gây thiện cảm với khách hàng.
D. Thực hiện mọi yêu cầu của khách hàng.
E. Biết cách quảng cáo làm cho khách hàng tin tưởng
G. Không sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng
H. Thực hiện đúng cam kết với khách hàng.
I. Đưa ra lời hứa để khách hàng tin tưởng.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Chọn A; B; G; H.
Giải thích: Chủ thể sản xuất kinh doanh phải giữ chữ tín, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của khách hàng; thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết với khách hàng; trung thực, trách nhiệm trong kinh doanh; không sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng; không quảng cáo cường điệu, sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa.
Câu 6
Đối với Nhà nước và xã hội, đạo đức kinh doanh của chủ thể sản xuất kinh doanh không biểu hiện ở hành vi, việc làm nào dưới đây? Vì sao?
A. Tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật.
B. Nộp thuế đầy đủ và đúng hạn.
C. Không sản xuất hàng quốc cấm.
D. Làm mọi cách để mang lại lợi nhuận cao nhất cho mình.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn A; B; C.
Giải thích: Chủ thể sản xuất kinh doanh tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật, không trốn thuế, lậu thuế, sản xuất kinh doanh những mặt hàng quốc cấm; không làm ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Câu 7
Trong quan hệ với người lao động, đạo đức kinh doanh của chủ thể sản xuất kinh doanh biểu hiện ở hành vi, việc làm nào dưới đây? Vì sao?
A. Tôn trọng người lao động.
B. Đối xử khác nhau đối với từng nhân viên.
C. Không cam kết về chế độ chính sách của doanh nghiệp.
D. Đảm bảo tiền lương đúng theo thoả thuận.
E. Không đảm bảo điều kiện lao động.
G. Đảm bảo điều kiện lao động theo đúng cam kết.
H. Thực hiện đúng chế độ bảo hiểm.
I. Tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho người lao động.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Chọn A; D; G; H; I.
Giải thích: Chủ thể sản xuất kinh doanh phải tôn trọng, đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động (tiền lương, điều kiện lao động, bảo hiểm, chế độ chính sách,...) theo đúng cam kết; đối xử bình đẳng, công bằng với nhân viên.
Câu 8
Yếu tố nào dưới đây là quan trọng nhất của đạo đức kinh doanh? Vì sao?
A. Nhanh nhẹn, quyết đoán trong mọi trường hợp.
B. Tính trung thực và tôn trọng con người.
C. Linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.
D. Nắm bắt kịp thời tâm lí khách hàng.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm
Lời giải chi tiết:
Chọn B. Tính trung thực và tôn trọng con người.
Giải thích: Tính trung thực và tôn trọng con người là quan trọng nhất của đạo đức kinh doanh.
Câu 9
Hành vi nào dưới đây không vi phạm đạo đức kinh doanh? Vì sao?
A. Xả nước thải chưa qua xử lí ra môi trường.
B. Trả lương cho người lao động đúng hạn.
C. Quảng cáo sai sự thật về hàng hoá của doanh nghiệp.
D. Kinh doanh hàng hoá có hại cho sức khỏe con người.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn B. Trả lương cho người lao động đúng hạn.
Giải thích: Trả lương cho người lao động đúng hạn là việc làm thể hiện đạo đức kinh doanh.
Câu 10
Đạo đức kinh doanh cần thiết trong hoạt động nào dưới đây của lãnh đạo doanh nghiệp?
A. Quản lý doanh nghiệp.
B. Mua sắm hàng hoá.
C. Tuyển dụng nhân viên.
D. Bảo lãnh ngân hàng.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn A. Quản lí doanh nghiệp và C. Tuyển dụng nhân viên.
Giải thích: Đạo đức kinh doanh cần thiết trong các hoạt động: quản lí doanh nghiệp; tuyển dụng nhân viên.
Câu 11
Đạo đức kinh doanh không bao gồm biểu hiện nào dưới đây? Vì sao?
A. Trách nhiệm với xã hội.
B. Trách nhiệm với môi trường.
C. Trách nhiệm với người tiêu dùng.
D. Trách nhiệm với bạn bè.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn D. Trách nhiệm với bạn bè.
Giải thích: Đạo đức kinh doanh bao gồm các biểu hiện:
- Trách nhiệm với khách hàng.
- Trách nhiệm với người tiêu dùng.
- Trách nhiệm với nhà nước và xã hội.
- Trách nhiệm với đối thủ cạnh tranh.
Câu 12
Đạo đức kinh doanh thể hiện ở nguyên tắc nào dưới đây?
A. Tôn trọng bản thân mình.
B. Tôn trọng con người.
C. Tôn trọng lợi ích nhóm.
D. Tôn trọng lợi ích của bản thân.
Phương pháp giải:
Đọc và nghiên cứu lại nội dung Bài 8: Đạo đức kinh doanh – SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 để trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Lời giải chi tiết:
Chọn B. Tôn trọng con người.
Giải thích: Đạo đức kinh doanh thể hiện ở nguyên tắc tôn trọng con người. Nguyên tắc tôn trọng con người đòi hỏi chủ thể kinh doanh phải:
- Tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng (lương, bảo hiểm, hưu trí, các chế độ chính sách).
- Bảo đảm an toàn lao động; tạo điều kiện phát triển về thể lực và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp.
- Mở rộng dân chủ và khuyến khích phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ; tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng.
- Cạnh tranh lành mạnh và công bằng với đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy không khí vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh.
- Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, coi trọng hiệu quả kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội.
Câu 13
Đọc thông tin
1. CHIẾC KHẨU TRANG VÀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
Lá thư của một em học sinh lớp 4 gửi Thủ tướng với mong muốn được góp toàn bộ số tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay giúp mọi người phòng chống dịch. Rồi hình ảnh cậu bé 11 tuổi dành toàn bộ số tiền lì xì mua khẩu trang tặng người đi đường,... như những câu chuyện ấm áp sưởi ấm lòng người trong những ngày đầu năm chộn rộn với mối lo về dịch bệnh do virus corona.
Hành động của những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi theo một cách gián dị đã giúp nhiều người cảm nhận thêm sự ấm nóng của tình người ngay trong “tâm bão”. Trong khi ở nhiều nơi khác, người dân lại phải chứng kiến sự đội giá nhanh không tưởng của những chiếc khẩu trang.
Trục lợi giữa hoang mang
Chưa hết hoang mang vì sự đội giá vùn vụt của những chiếc khẩu trang với nỗi lo về dịch bệnh do virus corona. Chưa hết nỗi buồn khi có đến hơn 1 200 cửa hàng “chặt chém” giá khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng thì lại tiếp chuyện về những phát ngôn, chia sẻ trên hội nhóm của các nhà thuốc kêu gọi ngừng phục vụ các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh dịch do virus corona đang có nguy cơ bùng phát. Những ngày này, cùng với việc cập nhật thường xuyên diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cộng đồng còn thường xuyên chia sẻ và bày tỏ bức xúc, bất bình khi nhiều cơ sở kinh doanh thuốc “chặt chém” giá khẩu trang,...
Những tấm biển “Không bán khẩu trang, đừng hỏi” lạnh lùng đến bất lương, đã không chỉ khiến lòng người chùng xuống mà còn tiếp tục đặt ra vấn đề về sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh. Lên án, tẩy chay, các cơ quan chức năng yêu cầu người dân nếu phát hiện tình trạng “chặt chém” giá khẩu trang, nước rửa tay, hãy thông báo ngay theo các đường dây nóng,... Tất cả chúng ta phải thốt lên: Vì sao lại ứng xử với nhau như thế ngay trong cơn dịch? Lòng tương thân, tương ái giữa người với người đang ở đâu?
(Theo baovanhoa.vn, ngày 07/02/2020)
Em hãy tìm những hành vi, việc làm trong thông tin trên biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh.
2. ĐAU LÒNG CÂU CHUYỆN ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
Những ngày gần đây, dư luận hết sức ngỡ ngàng trước thông tin công ty điện tử A sử dụng sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc dán nhãn “Made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng. Đây là “chiêu” không mới, nhưng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức kinh doanh.
Công ty A, một thương hiệu ti vi, đồ điện tử, điện lạnh gia dụng lớn, nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng, một thương hiệu được dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” bỗng nhiên “sụp đổ” hoàn toàn trong mắt người tiêu dùng khi bị phanh phui “đánh lận con đen”, dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt. nay, cơ quan chức năng chưa có những kết luận cụ thể về vấn đề này, nhưng với những bằng chứng mà báo chí thu thập được cộng với việc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đối với công ty A phần nào đã nói lên bản chất của sự việc.
Câu chuyện làm ăn gian dối này đang cho thấy một điều đáng báo động về đạo đức kinh doanh ở một bộ phận doanh nghiệp hiện nay và khiến lòng tin của người tiêu dùng bị tổn thương không nhỏ. Bởi chỉ mới đây thôi, doanh nghiệp của “đại gia” S bị cơ quan Công an đưa ra ánh sáng việc buôn bán xăng giá với quy mô lớn. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đình đám trong lĩnh vực xăng dầu, có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tiếc là “thành quả” đó lại được xây dựng dựa trên nền tảng của những hành động làm ăn lừa đảo.
Bài học của doanh nghiệp “đại gia” S sụp đổ, biến mất khỏi thị trường, “đại gia” S đối mặt với vòng lao lí, doanh nghiệp phá sản và không ai nói trước được cái tên công ty A sẽ còn có mặt trên thị trường bao lâu nữa. Đó là hậu quả tất yếu của kiểu làm ăn chụp giật, gian dối, lừa đảo của những doanh nghiệp này. Thế nhưng, nó lại gây ra sự tổn thương rất lớn đối với người tiêu dùng, nhất là những người trót đặt niềm tin vào các doanh nghiệp đó. Xa hơn nữa là tổn thương cả nền kinh tế khi mà các đối tác đến làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải e dè hơn. Và điều đó sẽ gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính trong việc tạo lập niềm tin ở người tiêu dùng, đối tác làm ăn.
(Theo baodaklak.vn, ngày 25/6/2019)
Những hành vi, việc làm nào của doanh nghiệp A là biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc thông tin và trả lời các câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Trả lời câu hỏi ở thông tin 1:
Những hành vi, việc làm trong thông tin trên biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh là:
+ “Chặt chém” giá khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng.
+ Các cửa hàng ngừng phục vụ các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh dịch do virus corona đang có nguy cơ bùng phát.
- Trả lời câu hỏi ở thông tin 2:
Hành vi, việc làm của doanh nghiệp A là biểu hiện phi đạo đức trong kinh doanh là: sử dụng sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc dán nhãn “Made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng. Vì đây là hành vi thiếu trung thực, lừa dối khách hàng.
Câu 14
Trong một cuộc họp cán bộ, công nhân viên công ty C, lãnh đạo công ty thông báo về công việc kinh doanh của công ty trong năm sẽ có nhiều khó khăn, có khả năng dẫn đến thua lỗ. Việc kinh doanh thua lỗ sẽ dẫn đến giá cổ phiếu xuống thấp (mất giá). Sau khi nghe được thông tin này, một số nhân viên công ty có sở hữu cổ phần của công ty rất lo lắng nên đã tìm cách nhanh chóng bán cổ phiếu của mình cho người khác để bảo toàn được vốn.
a) Hành vi của các nhân viên công ty C bán cổ phiếu do lo sợ mất giá có phải là biểu hiện thiếu đạo đức trong kinh doanh không? Vì sao?
b) Nếu là người nhà của những nhân viên này, em có thể nói gì với họ?
Phương pháp giải:
Đọc thông tin và trả lời các câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a) Hành vi của các nhân viên công ty C bán cổ phiếu do lo sợ mất giá là thiếu đạo đức kinh doanh. Vì hành động đó thể hiện: các nhân viên này không muốn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình.
b) Nếu là người nhà của những nhân viên này, em sẽ khuyên họ:
- Cần bình tĩnh để phân tích thị trường, không nên đồng loạt bán tháo cổ phiếu vì hành động này dễ đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn, khiến bản thân mình bị thiệt hại về lợi ích kinh tế đồng thời cũng khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn.
- Nên suy nghĩ, đề xuất các phương án, giải pháp để đồng hành, nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Câu 15
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, thông điệp 5K của Bộ Y tế được ban hành, khẩu trang trở thành mặt hàng vô cùng thiết yếu. Lợi dụng tình hình đó, một số hiệu thuốc, cá nhân, tổ chức đã tăng giá khẩu trang lên gấp 5 lần, thậm chí là 10 lần.
Em có thể nói gì về hành vi của những người bán tăng giá khẩu trang trong đại dịch Covid-19?
Phương pháp giải:
Đọc thông tin và nhận xét hành vi của người bán bán tăng giá khẩu trang trong đại dịch Covid-19.
Lời giải chi tiết:
Nhận xét: Hành vi đầu cơ tích trữ và tăng giá khẩu trang của một số người bán hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát là hành vi kinh doanh thiếu đạo đức.
Câu 16
Anh Quang là giám đốc công ty X chuyên kinh doanh hàng thực phẩm. Trong những năm kinh doanh, anh Quang luôn suy nghĩ và có những hành vi, việc làm thể hiện đạo đức của người kinh doanh. Trước hết, anh luôn nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong thời gian thị trường thế giới biến động làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, công ty của anh Quang vẫn bán thực phẩm sạch, có chất lượng với giá cả hợp lí. Nhờ đó mà các sản phẩm của công ty X luôn được khách hàng tín nhiệm, gắn bó. Uy tín của công ty X được giữ gìn và ngày một nâng cao, là nguồn động lực tạo niềm tin của khách hàng đối với công ty X. Sự tin tưởng của khách hàng từ chữ tín đối với công ty của anh Quang là tài sản quý giá, mang lại nguồn doanh thu ổn định và phát triển cho công ty X.
a) Những biểu hiện nào trên đây là biểu hiện đạo đức trong kinh doanh của anh Quang và công ty X?
b) Em có thể học tập được điều gì từ hành vi đạo đức trong kinh doanh của anh Quang?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và trả lời các câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a) Biểu hiện đạo đức trong kinh doanh của anh Quang và công ty X:
- Nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Công ty của anh Quang luôn bán thực phẩm sạch, có chất lượng với giá cả hợp lí.
b) Bài học: Luôn chú trọng đến việc rèn luyện và thực hiện đạo đức kinh doanh.
Câu 17
Công ty Y bán ngũ cốc với các thành phần hoàn toàn tự nhiên. Bộ phận sản xuất của công ty duy trì các thành phần hoàn toàn tự nhiên của ngũ cốc, nhưng bộ phận tiếp thị lại cho rằng cần pha chế thêm một số thành phần phi tự nhiên vào ngũ cốc để chi phí rẻ hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho công ty.
Em đồng ý với ý kiến của bộ phận nào trong trường hợp trên? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và bày tỏ quan điểm đồng ý với ý kiến của bộ phận nào trong trường hợp đó. Giải thích.
Lời giải chi tiết:
Em đồng ý với bộ phận sản xuất của công ty Y vì:
- Việc duy trì các thành phần hoàn toàn tự nhiên của ngũ cốc là hành động thực hiện đúng cam kết với khách hàng (đây là biểu hiện của việc kinh doanh có đạo đức).
- Nếu pha chế thêm một số thành phần phi tự nhiên vào ngũ cốc để chi phí rẻ hơn tuy mang lại lợi nhuận lớn nhưng sẽ gây mất niềm tin của khách hàng, mất uy tín của doanh nghiệp (đây cũng là biểu hiện của việc kinh doanh không có đạo đức).
Câu 18
Công ty H chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho máy chủ máy tính. Theo hợp đồng kí kết với các công ty bán hàng, công ty H phải giao hàng đúng thời hạn, nếu không công ty H có nguy cơ mất hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, gần đến ngày giao hàng thì bộ phận kiểm tra chất lượng phát hiện ra một khiếm khuyết có thể xảy ra ở trong một lô hàng. Điều này thật không may, vì quá trình kiểm tra có thể mất quá nhiều thời gian và thời hạn giao hàng đúng hạn có thể trôi qua, làm chậm trễ việc phát hành sản phẩm của khách hàng. Trước tình trạng này, thay vì cứ giao hàng đúng thời hạn, công ty H đã tìm cách thay các linh kiện bị lỗi, chủ động gặp khách hàng, nói rõ sự thật và mong được thông cảm, đồng thời chịu phạt một khoản tiền vì chậm giao hàng theo quy định của hợp đồng. Sau vụ việc này, những khách hàng truyền thống vẫn tiếp tục mua hàng của công ty H.
a) Vì sao công ty H không giao hàng ngay cho khách hàng mà lại kiểm tra, thay thế linh kiện?
b) Việc làm thể hiện đạo đức trong kinh doanh của công ty H đã mang lại lợi ích gì cho công ty?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và trả lời các câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a) Vì muốn đảm bảo chất lượng hàng hóa ở mức tốt nhất, theo đúng những gì đã cam kết với khách hàng nên công ty H không giao hàng ngay cho mà tiến hành kiểm tra, thay thế linh kiện.
b) Việc làm thể hiện đạo đức trong kinh doanh của công ty H đã đảm bảo uy tín của doanh nghiệp; nâng cao lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp.
Câu 19
Vì lợi nhuận kinh doanh, công ty M kinh doanh sữa đã quảng cáo, tuyên truyền quá mức về sản phẩm của công ty. Đây là thông tin quảng cáo sai sự thật được cung cấp cho khách hàng để tạo niềm tin, để khách hàng mua sữa của công ty.
Hành vi, việc làm của công ty M có phải là hành vi phi đạo đức trong kinh doanh không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và nhận xét hành vi, việc làm của công ty M có phải hành vi phi đạo đức trong kinh doanh không và giải thích.
Lời giải chi tiết:
Hành vi tuyên truyền quá mức, quảng cáo sai sự thật về sản phẩm sữa của công ty M là hành vi phi đạo đức trong kinh doanh. Vì đây là biểu hiện của sự thiếu trung thực trong quan hệ với khách hàng.
Câu 20
Trước tình hình hàng thực phẩm chất lượng cao của công ty N được khách hàng ưa chuộng, thu hút phần lớn khách hàng trên thị trường, một số công ty sản xuất hàng thực phẩm cùng loại là đối thủ cạnh tranh của công ty N đã quảng cáo cho hàng hoá của mình có ưu thế vượt trội hàng thực phẩm của công ty N. Nhưng phần lớn nội dung quảng cáo của các công ty này đều phản ánh sai sự thật, đánh lừa khách hàng, tạo sự tin tưởng của khách hàng về sản phẩm không thực chất của mình. Không những thế, các công ty này còn thông đồng cùng nhau bán hàng hạ giá, phá giá nhằm thu hút khách hàng về phía mình, triệt hạ công ty N.
Hành vi của các công ty đối thủ với công ty N có vi phạm đạo đức kinh doanh không? Vi phạm như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và nhận xét hành vi của các công ty đối thủ với công ty N trong trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
Hành vi của các công ty đối thủ với công ty N đã vi phạm đạo đức kinh doanh. Vì các hành động như: quảng cáo sai sự thật; thông đồng với các công ty khác để bán phá giá sản phẩm… là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Câu 21
Ông B là một doanh nhân Việt kiều về Việt Nam kinh doanh, do không thể đứng tên công ty, đã nhờ người bạn thân là ông M đứng tên đăng kí thành lập công ty. Hai bên cùng nhau chung vốn mua cổ phần của công ty. Trong đó, ông B chiếm phần lớn và ông M chiếm phần nhỏ cổ phần. Thời gian sau, công ty ăn nên làm ra, ông B đã tìm cách loại ông M ra khỏi công ty của mình.
Hành vi của ông B có vi phạm đạo đức kinh doanh không? Vi phạm như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và nhận xét hành vi của ông B trong trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
Hành vi của ông B vi phạm đạo đức kinh doanh; điều này được thể hiện ở việc: khi công ty làm ăn phát đạt, ông B đã tìm mọi cách để loại ông M (người đồng hành với mình từ những ngày đầu thành lập) ra khỏi công ty.
Câu 22
Công ty P chuyên sản xuất phụ tùng máy công nghiệp. Sản phẩm của công ty luôn được khách hàng thị trường trong nước ưa chuộng, hằng năm được bán ra với doanh thu lớn. Nhưng thời gian qua, một khách hàng phát hiện một số sản phẩm phụ tùng có lỗi kĩ thuật khi đang hoạt động và báo cho công ty được biết. Công ty P đã quyết định thông báo thu hồi toàn bộ số phụ tùng đã bán ra cho khách hàng từ 6 tháng qua và trả lại tiền cho khách hàng, mặc dù biết công ty sẽ bị thiệt hại khá lớn về kinh tế
Theo em, vì sao công ty P có hành vi, việc làm trên, dù biết rằng công ty sẽ thiệt hại về kinh tế?
Phương pháp giải:
Đọc trường hợp và giải thích vì sao công ty P có hành vi, việc làm trên, dù biết rằng công ty sẽ thiệt hại về kinh tế.
Lời giải chi tiết:
Công ty P có hành động thu hồi số phụ tùng bị lỗi nhằm mục đích:
- Đảm bảo chất lượng hàng hóa ở mức tốt nhất, đúng với những gì đã cam kết với khách hàng.
- Giữ gìn uy tín của doanh nghiệp.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài 21. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 20. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 19. Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 17. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 21. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 20. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 19. Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều
- Bài 17. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm - SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Cánh diều