Đề thi vào 10 môn Văn Đăk Nông năm 2020

Tải về

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Câu 1: Đoạn thơ trên được trích từ văn bản nào? Tác giả của bài thơ?

Câu 2: Em hiểu ý nghĩa của từ “trung hiếu” như thế nào?

Câu 3: Nhà thơ bày tỏ tâm trạng lưu luyến khi sắp phải trở về miền Nam ra sao?

II. LÀM VĂN (6 điểm)

Phân tích tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu dành cho con trong đoạn trích Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1.

Đoạn thơ trên được trích từ văn bản nào? Tác giả của bài thơ?

Phương pháp: căn cứ bài Viếng lăng Bắc

Cách giải:

Đoạn thơ được trích từ văn bản “Viếng lăng Bác”. Tác giả: Viễn Phương.

Câu 2.

Em hiểu ý nghĩa của từ “trung hiếu” như thế nào?

Phương pháp: phân tích

Cách giải:

Từ “trung hiếu”: hai phẩm chất quan trọng trong đạo đức của con người. Dưới xã hội phong kiến, kẻ làm tôi phải trung thành với vua, với chủ; con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Ngày nay, trung và hiếu còn được vận dụng vào những giá trị đạo đức mới rộng lớn hơn, ví dụ: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Câu 3:

Nhà thơ bày tỏ tâm trạng lưu luyến khi sắp phải trở về miền Nam ra sao?

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Gợi ý:

- Lưu luyến, nhớ thương khi nghĩ về phút giây từ biệt: “Mai về … nước mắt”

+ “miền Nam”: gợi sự chia xa, khoảng cách; gợi tấm lòng, tình cảm của con người miền Nam.

+ “thương trào nước mắt”: cụ thể hóa nỗi nhớ thương và chiều sâu sự gắn bó với miền Bắc, với Bác Hồ.

- Ước muốn hóa thân để ở lại bên Người:

+ Điệp từ “muốn làm” tô đậm mức độ thiết tha, mãnh liệt của niềm mong ước.

+ Chuỗi hình ảnh liệt kê “con chim” “đóa hoa” “cây tre”: có nghĩa thực là cảnh đẹp bên lăng Người; nghĩa ẩn dụ: thể hiện ước muốn góp cuộc đời mình để canh giấc ngủ cho người, bày tỏ lòng biết ơn với vị cha già dân tộc, làm nên vẻ đẹp bất khuất, hiên ngang của tâm hồn Việt Nam.

=> Khẳng định tình yêu và lòng kính mến dành cho vĩ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Phần II

Phân tích tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu dành cho con trong đoạn trích Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn tiêu biểu trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

- Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966, khi tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt. Được đưa vào tập truyện cùng tên.

- Khái quát câu chuyện:  Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi mới có dịp về thăm nhà. Ông hi vọng gặp lịa đứa con sau tám năm xa cách chưa một lần gặp mặt. Mấy ngày đầu, bé Thu không nhận ba do vết thẹo trên mặt ông Sáu làm ông không giống với người cha chụp chung bức hình với má mà em biết. Em đối xử với ba như với người xa lạ. Lúc nghe bà ngoại nói, bé Thu mới nhận ra cha, tình cha con trỗi dậy mãnh liệt trong em cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu nhớ con vào việc làm một chiếc lược ngà tặng con. Nhưng chưa kịp trao tận tay con, ông đã hi sinh trong một trận càn. Lúc ông hấp hối, ông đã nhờ đồng đội chuyển chiếc lược ngà cho con.

2. Phân tích tình cảm ông Sáu dành cho bé Thu

a. Khi còn ở rừng

- Nhớ thương con, khao khát được gặp con, sống trong tình yêu con

b. Khi gặp con ở bến xuồng

- Trở về sau tám năm xa cách, không thể chờ thuyền cập bến mà nhón chân nhảy thót lên bờ, xua xuồng tạt ra. Rồi ông bước vội những bước dài, kêu to tên con, khom người dang tay đón.

- Khi gặp con, vết thẹo dài trên má đỏ ửng, giần giật, giọng lắp bắp, run run: “Ba đây con”. Nỗi nhớ khiến ông không kiềm nổi sự vội vàng.

- Khi con không nhận ra, bỏ chạy “anh đứng sững lại đó, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.” Đó là tâm trạng đau khổ, hụt hẫng, thất vọng.

c. Trong ba ngày nghỉ phép ở nhà

- Ông chẳng dám đi đâu xa, tìm cách gần gũi con để hi vọng được nghe tiếng gọi ba.

- Mọi sự cố gắng của ông từ việc giả ngờ không nghe đến việc dồn nó vào thế bí chắt nước nồi cơm sôi đều không có kết quả.

- Trong bữa ăn do nôn nóng, thiếu bình tĩnh, ông đã đánh con. Ông không trách cứ mà chỉ lắc đầu cam chịu, vì tình cảm không dễ gì gượng ép.

- Lúc chia tay, sợ con lại bỏ chạy “anh chỉ đứng nhìn nó, anh nhìn với đôi mắt trìu mến xen lẫn buồn rầu.”

- Khi con nhận ra ba, gọi ba ông đã xúc động đến phát khóc “rút khăn lau nước mắt”. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người cha.

d. Khi trở về khu căn cứ

- Ông day dứt ân hận mãi vì nóng giận đánh con.

- Lời dặn ngây thơ của con ngày chia tay luôn vang lên trong tâm trí đã thôi thúc ông cố công làm ra chiếc lược ngà.

- Khi kiếm được khúc ngà, ông “hớn hở như một đứa trẻ tìm được quà”, rồi ông dành hết tâm trí, công sức vào việc làm ra cây lược “Anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc” và khắc lên đó dòng “Yêu nhớ tặng Thu – con của ba.”

- Chiếc lược phần nào gỡ rối được tâm trạng của người cha. Nhớ con, ông cây lược ra mài lên tóc cho thêm bóng thêm mượt.

- Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân, sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất, kết tinh tình phụ tử mộc mạc mà kì diệu.

- Nhưng rồi chưa kịp trao cho con, ông đã hi sinh trong một trận càn của giặc. Lúc hấp hối, ông trao cây lược cho người đồng đội, nhờ trao tận tay cho con ông mới nhắm mắt.

=> Cử chỉ ấy cho ta hiểu tình cha con thắm thiết và mãnh liệt của ông Sáu. Đó là ước nguyện cuối cùng của tình phụ tử.

3. Kết bài

Tổng kết về giá trị nội dung và nghệ thuật.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí