Đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 5>
Đề thi học kì 1 Văn 11 bộ sách Cánh diều đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau :
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!...
Ta lớn lên khao khát những chân trời
Những mảnh đất chân mình chưa bén được
Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực
Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh…
(Trích Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, NXB Văn nghệ giải phóng, 1974, tr.35-36)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Nghị luận
Câu 2. Niềm tin rất thật trong câu thơ “Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật” được hiểu là:
A. Niềm tin truyện cổ tích có thật trên đời.
B. Niềm tin cô Tấm được sẽ làm hoàng hậu sau khi trải qua những thử thách
C. Niềm tin đất đai cằn cỗi sẽ nở hoa nhờ công sức lao động của con người.
D. Niềm tin vào hạnh phúc, sự công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống
Câu 3. Những từ ngữ, hình ảnh nào sau đây không được lấy từ chất liệu văn học dân gian là:
A. Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực
B. Cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
C. Cây khế chua có đại bàng đến đậu
D. Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Câu 4. Từ nào sau đây không phải từ láy?
A. Ngon ngọt |
B. Đất đai |
C. Khao khát |
D. Nghẹn ngào |
Câu 5. Hình ảnh nào không gợi lên khát khao của nhân vật trữ tình?
A. Những chân trời |
C. Những biển khơi |
B. Hoa của đất |
D. Những ngàn sao |
Câu 6. Hai câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa” đã sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. So sánh |
C. Ẩn dụ |
B. Nói quá |
D. Nhân hoá |
Câu 7. Dòng nào sau đây nhận xét đúng về đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ?
A. Sử dụng thể thơ 8 chữ, bút pháp ước lệ tượng trưng, giàu sức biểu cảm, giọng thơ trầm lắng
B. Sử dụng thể thơ 8 chữ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, sử dụng nhiểu từ Hán Việt. nhịp điệu tươi vui
C. Sử dụng thể thơ tự do, chất liệu văn học dân gian, bút pháp tả cảnh ngụ tình
D. Sử dụng chất liệu văn học dân gian, giọng thơ trữ tình – chính luận
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa”?
Câu 9. Nêu tác dụng nghệ thuật của phép điệp trong các câu thơ sau:
Ta lớn lên khao khát những chân trời
Những mảnh đất chân mình chưa bén được
Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực
Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh…
Câu 10. Rút ra thông điệp ý nghĩa với anh/chị qua đoạn thơ trên. Lí giải.
II. VIẾT (4,0 điểm)
“Thơ là tiếng nói của thân phận con người.”
Trích Thơ là gì? - Phan Ngọc, Tạp chí văn học, 1994)
Anh/ Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) hãy làm sáng tỏ điều đó.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0.5đ) |
Câu 2 (0.5đ) |
Câu 3 (0.5đ) |
Câu 4 (0.5đ) |
Câu 5 (0.5đ) |
Câu 6 (0.5đ) |
Câu 7 (0.5đ) |
B |
D |
A |
A |
B |
C |
D |
Câu 1 (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì? A. Miêu tả B. Biểu cảm C. Tự sự D. Nghị luận |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Xác định phương thức biểu đạt
Lời giải chi tiết:
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm
→ Đáp án B
Câu 2 (0.5 điểm)
Niềm tin rất thật trong câu thơ “Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật” được hiểu là: A. Niềm tin truyện cổ tích có thật trên đời. B. Niềm tin cô Tấm được sẽ làm hoàng hậu sau khi trải qua những thử thách C. Niềm tin đất đai cằn cỗi sẽ nở hoa nhờ công sức lao động của con người. D. Niềm tin vào hạnh phúc, sự công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn thơ
Vận dụng cách hiểu của bản thân để trả lời
Lời giải chi tiết:
Niềm tin rất thật trong câu thơ “Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật” được hiểu là: Niềm tin vào hạnh phúc, sự công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống
→ Đáp án D
Câu 3 (0.5 điểm)
Những từ ngữ, hình ảnh nào sau đây không được lấy từ chất liệu văn học dân gian là: A. Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực B. Cô Tấm cũng về làm hoàng hậu C. Cây khế chua có đại bàng đến đậu D. Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn văn
Xác định những hình ảnh được lấy từ chất liệu văn học dân gian
Lời giải chi tiết:
Những từ ngữ, hình ảnh nào sau đây không được lấy từ chất liệu văn học dân gian là: Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực
→ Đáp án A
Câu 4 (0.5 điểm)
Từ nào sau đây không phải từ láy?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản.
Xác định từ láy
Lời giải chi tiết:
Từ không phải từ láy: Ngon ngọt
→ Đáp án A
Câu 5 (0.5 điểm)
Hình ảnh nào không gợi lên khát khao của nhân vật trữ tình?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh không gợi lên khát khao của nhân vật trữ tình: Hoa của đất
→ Đáp án B
Câu 6 (0.5 điểm)
Hai câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa” đã sử dụng biện pháp tu từ nào?
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Xác định biện pháp tu từ
Lời giải chi tiết:
Hai câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa” đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ
→ Đáp án C
Câu 7 (0.5 điểm)
Dòng nào sau đây nhận xét đúng về đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ? A. Sử dụng thể thơ 8 chữ, bút pháp ước lệ tượng trưng, giàu sức biểu cảm, giọng thơ trầm lắng B. Sử dụng thể thơ 8 chữ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, sử dụng nhiểu từ Hán Việt. nhịp điệu tươi vui C. Sử dụng thể thơ tự do, chất liệu văn học dân gian, bút pháp tả cảnh ngụ tình D. Sử dụng chất liệu văn học dân gian. giọng thơ trữ tình – chính luận |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Nghệ thuật của đoạn thơ: Sử dụng chất liệu văn học dân gian, giọng thơ trữ tình – chính luận
→ Đáp án D
Câu 8 ( 0.5 điểm)
Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa”? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Nội dung câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa”:
- Thiên nhiên khắc nghiệt, điều kiện tự nhiên không cho phép không phải là cản trở mà ngược lại, là thử thách để con người khẳng định mình. Con người nở hoa là con người sẽ tạo ra những thành quả lao động tốt đẹp trên chính mảnh đất cỗi cằn, khắc nghiệt.
- Câu thơ muốn nói đến chân lí: con người thành công khi nỗ lực vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Câu 9: (0.5 điểm)
Nêu tác dụng nghệ thuật của phép điệp trong các câu thơ sau: Ta lớn lên khao khát những chân trời Những mảnh đất chân mình chưa bén được Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh… |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Chỉ ra phép điệp: điệp từ “những” kết hợp cấu trúc liệt kê: những chân trời, những mảnh đất…., những biển khơi…., những ngàn sao…
- Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu, âm hưởng cho đoạn thơ
+ Nhấn mạnh những khát khao lớn lao của con người muốn chinh phục những mảnh đất rộng lớn, những điều lớn lao trong cuộc sống.
Câu 10: (0.5 diểm)
Rút ra thông điệp ý nghĩa với anh/chị qua đoạn thơ trên. Lí giải. |
Phương pháp giải:
HS vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý bài học rút ra từ văn bản:
- Cần có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, niềm tin vào chính nghĩa, cái thiện sẽ thắng cái ác.
- Cần biết ước mơ, dám khao khát những điều lớn lao.
- Cần quý trọng công sức lao động.
II. VIẾT (4 điểm)
“Thơ là tiếng nói của thân phận con người.” (Trích Thơ là gì? - Phan Ngọc, Tạp chí văn học, 1994) Anh/ Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) hãy làm sáng tỏ điều đó. |
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải chi tiết:
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Thơ là tiếng nói của thân phận con người.” |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận |
Thân bài |
2,5 |
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Giải thích ý kiến: * Cắt nghĩa ý kiến: - Thơ là thể loại văn học sử dụng phương thức trữ tình để phản ánh cuộc sống. Thơ chủ yếu thể hiện tình cảm, tâm trạng của con người thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. - Thơ là tiếng nói của thân phận con người: + Là tiếng nói của tình cảm, thơ nhạy cảm với những cảnh đời, phận người; lắng sâu vào hồn người để lắng nghe những tâm tư thầm kín nhất của con người, biểu lộ những rung cảm sâu sắc nhất của thi nhân. + Thơ là tiếng nói đi từ trái tim nhà thơ đến trái tim người đọc. Người đọc thơ tìm thấy cảm xúc, tình cảm, tâm trạng, cuộc đời, số phận của mình in bóng trong trang thơ. * Lí giải ý kiến: Ý kiến của Phan Ngọc là ý kiến đúng đắn và xác đáng vì: - Xuất phát từ đặc trưng của thơ: Thơ cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống, con người. Thơ cũng chính là cuộc đời, thơ ăn sâu bén rễ vào mảnh đất hiện thực để nói lên tiếng lòng của thi sĩ về kiếp nhân sinh, trong đó điều khiến nhà thơ luôn đau đáu, trăn trở chính là thân phận con người. - Xuất phát từ chức năng của văn học: Văn học nói chung và thơ nói riêng luôn giúp con người được sống, được biết nhiều cuộc đời, khái quát được số phận, bản chất của con người; đặc biệt khám phá được chiều sâu trong thế giới tinh thần của con người. Từ đó, khả năng thấu hiểu và đồng cảm với con người sâu sắc hơn. - Xuất phát từ khát vọng của người viết: Nhà thơ luôn mang trong mình một con mắt tinh tế, một trái tim nhạy cảm, những điều trông thấy về cuộc sống, đặc biệt những nỗi đau, bất công, oan trái mà thân phận người phải đối diện luôn khiến nhà thơ đau đớn lòng, từ đó làm nên những trang thơ day dứt về thân phận người. Nhà thơ muốn đưa những tình cảm chân thật, thiết tha nhất của mình vào từng câu chữ để khẳng định được tài năng và giá trị tác phẩm, để người đọc thêm cảm thông cho nỗi lòng thi nhân, rút ngắn khoảng cách giữa người sáng tạo nghệ thuật với người thưởng thức nghệ thuật, giúp tác phẩm đạt được ý nghĩa nghệ thuật vị nhân sinh hơn. - Xuất phát từ thực tiễn: trong sáng tác thơ ca từ xưa tới nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm có tư tưởng sâu sắc được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút. Những tác phẩm vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt của thời gian là những tác phẩm viết về thân phận con người với tất cả sự nâng niu và ngợi ca. Chứng minh qua Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) - Giới thiệu tác giả, tác phẩm. - Thân phận của con người qua bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du) 4 câu thơ đầu: Thân phận của nàng Tiểu Thanh. -Nguyễn Du thấu hiểu nỗi oan khiên của Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn trước song cửa sổ. Chữ độc đứng đầu dòng thơ nhấn mạnh tâm thế của tác giả - đó là tâm thế xót thương trong nỗi cô đơn. Chữ độc và chữ nhất trong câu thơ chữ Hán cũng là để nói một lòng đau tìm gặp một hồn đau. - Nguyễn Du nhắc đến cuộc đời Tiểu Thanh bằng những ẩn dụ tượng trưng quen thuộc, son phấn là biểu tượng cho sắc đẹp, văn chương là ẩn dụ cho tài năng của Tiểu Thanh. Đời Tiểu Thanh là điển hình của hai nỗi oan lớn: hồng nhan bạc phận, tài mệnh tương đố. Người đẹp như nàng mà bất hạnh, chết yểu.Có tài thơ văn như nàng mà bị dập vùi. 4 câu thơ sau: Thân phận của những người tài hoa bạc mệnh nói chung và niềm mong ước được tri âm của Nguyễn Du ở hậu thế. - Về nỗi hận: Nguyễn Du đã từ cái hận của Tiểu Thanh mà nghĩ đến cái hận muôn đời. Từ nỗi đau riêng của Tiểu Thanh mà quy thành nỗi đau từ cổ chí kim của bao kiếp người tài hoa. Nỗi hận trở nên quá lớn khó mà hỏi trời được - Về nỗi oan: là cái án phong lưu. Khách phong lưu mà phải khổ, phải mang cái án oan lạ lùng vì nết phong nhã. Tự đặt mình cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã tự phơi bày lòng mình cùng nhân thế. Đó chính là tâm sự chung của những người mắc kỳ oan. - Về tâm sự của Nguyễn Du: Ông không hỏi quá khứ, hiện tại mà hỏi tương lai; không hỏi trời, đất mà lại hỏi người đời. Hỏi ba trăm năm sau, thiên hạ có ai khóc Tố Như? Niềm tự thương kết tụ thành một lời thắc mắc lơ lửng giữa không trung mà chẳng ai có thể giải đáp được vì thế tự đau đến cực độ. Nghệ thuật: thơ chữ Hán uyên bác, tài hoa; phép đối cân chỉnh; ngôn ngữ giàu tính triết lí; hình ảnh đẹp, nhiều nghĩa hàm ẩn, ngôn ngữ giàu sức gợi; sự phá luật ở hai câu kết: hai câu kết là câu hỏi, mở ra những hướng liên tưởng khác nhau ở người đọc… Đánh giá, nâng cao vấn đề: - Khẳng định ý kiến xác đáng, đúng đắn của Phan Ngọc về vai trò quan trọng của thơ ca. Đó là tiếng lòng, là lời tâm sự, sẻ chia về những kiếp người trôi nổi vô định, thấp cổ bé họng, mong manh, đáng thương mà nổi bật nhất là thân phận của người phụ nữ. - Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa là nơi gửi gắm tiếng lòng của mọi kiếp người, đặc biệt là tiếng lòng của người phụ nữ. Đó là những số phận bất hạnh, chịu nhiều bất công, ngang trái. Đọc Tiểu Thanh kí là tác phẩm thể hiện những cảm xúc, suy tư của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của những người phụ nữ có tài sắc trong xã hội phong kiến. - Ý nghĩa: Đối với nhà thơ: Làm thơ không chỉ truyền đến người đọc tình yêu với nghệ thuật, cái đẹp mà còn khiến người đọc thấu hiểu và thương cảm trước thân phận con người. Để đạt được điều ấy, mỗi nhà thơ cần có tài năng, tấm lòng và sự trải nghiệm sâu sắc. Một tác phẩm thơ chân chính và mang đầy đủ giá trị nghệ thuật là một bài thơ chan chứa tình cảm, cảm xúc mà tình cảm đó là những rung động sâu sắc nhất của thi nhân trước cuộc đời, trước số phận con người. |
Kết bài |
0,5 |
- Khẳng định lại vấn đề |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. - Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo. |
Loigiaihay.com
- Đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 4
- Đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 3
- Đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 2
- Đề thi học kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 1
- Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 11 - Cánh diều
>> Xem thêm