Đề thi học kì 2 Văn 11- Cánh diều

Đề cương ôn tập học kì 2 Văn 11 - Cánh diều

Tải về

Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Truyện ngắn

- Trong truyện ngắn, lời người kể chuyện nhằm giới thiệu, miêu tả nhân vật, bối cảnh; bình luận, dẫn dắt câu chuyện, tạo thành giọng chủ đạo của truyện

- Lời nhân vật là phương tiện bộc lộ ý nghĩ, tâm trạng, cá tính của nhân vật trong từng tình huống cụ thể, góp phần thể hiện phẩm chất, tính cách nhân vật

- Lời nhân vật thường có sự phối hợp hài hòa với lời người kể chuyện

b. Thơ

- Cấu tứ là cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc của bài thơ. Một số cách tổ chức cấu tứ thường gặp: tương đồng, tương phản, tăng cấp, chuyển hóa hoặc thống nhất các mặt đối lập (động/tĩnh, không gian/ thời gian, cảnh/tình,…)

- Thơ có yếu tố tượng trưng là thơ có những hình ảnh mang tính biểu tượng , gợi cho người đọc những ý niệm, hoặc gợi lên một liên tưởng sâu xa

c. Tùy bút, tản văn, truyện kí

*Tuỳ bút, tản văn

- Tuỳ bút là văn xuôi trữ tình – một loại tác phẩm tự sự phi hư cấu. Tuỳ bút ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang màu sắc cá nhân của người viết về con người và sự việc. Vì thế, bài tuỳ bút thường thể hiện rất rõ cái “tôi” độc đáo, cũng như tâm hồn, tình cảm của tác giả. Ngôn ngữ của tuỳ bút thường rất giàu chất thơ.

-Tản văn – một loại tác phẩm gần với tuỳ bút, cũng là loại tác phẩm tự sự phi hư cấu, sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt. Nội dung bài tản văn thường nêu lên các hiện tượng chân thực, gần gũi với cuộc sống nhưng giàu ý nghĩa xã hội. Thông qua nội dung ấy, người viết bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ mang đậm cá tính của mình.

*Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tuỳ bút, tản văn

-Với nhiệm vụ ghi chép sự thật của đời sống, từ đó bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của người viết, cả tuỳ bút và tản văn đều cần có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Tự sự là kể lại sự việc (bối cảnh, nhân vật, quá trình, kết quả,...); trữ tình

là bộc lộ trực tiếp những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước

con người và sự việc được nói tới. Tuỳ vào đề tài và mục đích bài viết mà tác giả kết hợp

các yếu tố tự sự và trữ tình với những mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, tuỳ bút sử

dụng nhiều yếu tố trữ tình, còn tản văn dùng nhiều yếu tố tự sự.

*Truyện kí

-Truyện kí là thể loại giao thoa giữa truyện và kí, trong đó, nhà văn dựa vào những con người và sự việc có thật, lựa chọn, sắp xếp và tổ chức thành câu chuyện hấp dẫn, làm nổi bật đối tượng được phản ánh bằng ngôn ngữ văn học. Truyện kí phát triển mạnh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ do yêu cầu cổ vũ động viên, ca ngợi người thật, việc thật,... Những tác phẩm như Sống như anh (của Trần Đình Vân viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi), Người mẹ cầm súng (của Nguyễn Thi viết về cuộc đời chị Út Tịch),... là những truyện kí tiêu biểu của thời kì chống Mỹ cứu nước.

-Sự kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu: Truyện kí chú trọng tính xác thực về con người và sự kiện,... đồng thời sử dụng hư cấu với các chi tiết, tâm lí nhân vật, sự việc,... do nhà văn tưởng tượng ra khiến câu chuyện hiện lên vừa chân thực, khách quan vừa sinh động theo cách nhìn độc đáo của tác giả.

d. Bi kịch

Bi kịch thuộc thể loại kịch, mang đầy đủ những đặc điểm của thể loại này về cốt truyện, ngôn ngữ, hành động kịch nhưng có những điểm khác biệt sau:

– Nhân vật chính trong bi kịch thường là nhân vật có những phẩm chất, năng lực vượt trội, có khát vọng và lí tưởng đẹp đẽ nhưng phải đối đầu với mâu thuẫn, xung đột không thể hoá giải hoặc sai lầm của chính bản thân và vì thế phải chấp nhận thất bại hoặc cái chết bi thảm như một tất yếu.

– Xung đột trong bi kịch có hai kiểu chính:

+ Xung đột giữa những khát vọng đẹp đẽ của nhân vật với tình trạng không thể thực hiện được điều đó trong thực tiễn. Ở đây, cần lưu ý là nhân vật ý thức được tình trạng này nhưng không khuất phục, không thoả hiệp trước nó cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

+ Xung đột nằm trong chính nhân vật. Trong trường hợp này, vẻ đẹp khát vọng, những giá trị tích cực của nhân vật đối đầu với phần bóng tối, với những sai lạc ngay trong nội tâm nhân vật. Điều đó khiến nhân vật phải trả giá bằng sự thất bại hoặc cái chết bi thảm

e. Văn bản nghị luận

*Luận đề, luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng tiêu biểu, độc đáo

- Luận điểm, lí lẽ tiêu biểu, độc đáo là ý đúng, ý sâu, ý mới của người viết khiến người đọc cảm thấy thích thú, tâm đắc. Dẫn chứng tiêu biểu là những dẫn chứng điển hình, có tác dụng soi sáng luận điểm hoặc lí lẽ. Trong văn bản nghị luận, các yếu tố thuyết minh hoặc biểu cảm, miêu tả, tự sự được sử dụng kết hợp với yếu tố nghị luận để tăng cường tính thuyết phục cho luận đề, luận điểm.

- Nhờ các yếu tố thuyết minh hoặc biểu cảm, miêu tả, tự sự mà lí lẽ và dẫn chứng (số liệu, sự vật, hiện tượng, sự việc, con người,...) trở nên cụ thể và sinh động, giúp cho văn bản nghị luận vừa giàu chất trí tuệ, vừa gợi hình, gợi cảm.

*Đặc điểm ngôn ngữ văn học

– Tính thẩm mĩ là đặc điểm bao trùm, xuyên suốt của ngôn ngữ văn học. Xuất phát từ ngôn ngữ đời thường, lại được “gia công” thêm bởi sự sáng tạo của những nghệ sĩ ngôn từ, ngôn ngữ văn học trở nên đặc sắc hơn và thể hiện rõ giá trị thẩm mĩ.

– Tính hình tượng được coi là đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ văn học bởi ngôn ngữ là chất liệu để xây dựng nên các hình tượng nghệ thuật. Nhờ khả năng gợi âm thanh, hình ảnh của ngôn ngữ mà người đọc có thể hình dung một cách cụ thể, sống động về những cảnh tượng tự nhiên, xã hội và con người, qua đó, khám phá tư tưởng của tác giả.

– Tính đa nghĩa: Khác với ngôn ngữ khoa học, hành chính, ngôn ngữ văn học rất giàu sắc thái ý nghĩa. Từ ngữ, câu, đoạn văn,... trong tác phẩm văn chương có thể mở ra nhiều lớp nghĩa, tầng nghĩa khác nhau.

- Tính biểu cảm: Sáng tác văn học là sự giải toả, giãi bày những suy nghĩ, thái độ, tình cảm, cảm xúc của người viết. Vùng tác động chính của văn học là trái tim, đời sống tinh thần, thế giới tâm hồn của con người. Là công cụ để đáp ứng yêu cầu sáng tạo và tiếp nhận, ngôn ngữ văn học không chỉ biểu lộ tâm tư của người viết mà còn gợi sự giao cảm, thấu cảm ở người đọc.

2. Phần tiếng Việt

a. Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường

b. Các biện pháp tu từ tiếng Việt

c. Cách giải thích nghĩa của từ và cách trình bày tài liệu tham khảo

d. Ngôn ngữ nóingôn ngữ viết

e. Lỗi về thành phần câu và cách sửa

3. Phần làm văn

a. Viết bài nghị luận về một tác phẩm truyện

b. Viết bài nghị luận về một tác phẩm thơ

c. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

d. Viết bài nghị luận về một tác phẩm kịch

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

*Đề bài

Văn bản Trái tim Đan kô

Câu 1: Thiên nhiên trong văn bản có đặc điểm gì?

Câu 2: Khu rừng mà đoàn người phải vượt qua được miêu tả như thế nào?

Văn bản Một người Hà Nội

Câu 3: Chi tiết nào thể hiện cô Hiền là một người phụ nữ thông minh, quyết đoán, có đầu óc thực tế và giỏi tính toán?

Câu 4: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”

Câu nói trên của cô Hiền thể hiện điều gì?

Văn bản Tầng hai

Câu 5: Sau khi đã suy nghĩ xong về việc sắp xếp công việc, Phan đã nảy ra ý định gì?

Câu 6: Các thành viên trong gia đình Thắng đối xử với nhau như thế nào?

Văn bản Đây mùa thu tới

Câu 7: Trong khổ thơ thứ hai của bài thơ, cách nói mang ấn tượng xúc giác rõ nhất được Xuân Diệu sử dụng trong câu thơ nào?

Câu 8: Cách diễn đạt nào trong hai câu thơ cuối của bài thơ Đây mùa thu tới thể hiện rõ nét ảnh hưởng của văn học Pháp?

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì?”

Văn bản Sông Đáy

Câu 9: Câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì?

“Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả”

Câu 10: Hình ảnh sông Đáy xuất hiện qua những mốc thời gian nào trong cuộc đời của nhân vật trữ tình?

Văn bản Đây thôn Vĩ Dạ

Câu 11: Hình ảnh “nắng mới lên” trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là cái nắng như thế nào?

Câu 12: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Con người thôn Vĩ xuất hiện mang vẻ đẹp?

Văn bản Thương nhớ mùa xuân

Câu 13: Cảnh sắc và con người Hà Nội vào mùa xuân có đặc điểm gì?

Câu 14: Chi tiết nào thể hiện cảm xúc của nhân vật “tôi” trước mùa xuân?

Văn bản Vào chùa gặp lại

Câu 15: Nhân vật Hồng Quân đã kể lại chuyện gì?

Câu 16: Qua lời kể của tác giả, sư Đàm Thân hiện lên là người như thế nào?

Văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Câu 17: Những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là?

Câu 18: Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ như thế nào?

Văn bản Thề nguyền và vĩnh biệt

Câu 19: Sự tương phản giữa ánh sáng và tăm tối trong câu thoại của Rô – mê – ô cho thấy điều gì?

Câu 20: Cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Cảnh II, Hồi hai) có thể liên tưởng đến tác phẩm nào trong văn học Việt Nam?

Văn bản Tôi có một giấc mơ

Câu 21: Qua cách diễn đạt và đưa ra bằng chứng, tác giả đã thể hiện thái độ và tình cảm của mình như thế nào?

Câu 22: Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng nhằm tác động mạnh đến người đọc, người nghe?

Văn bản Một thời đại trong thi ca

Câu 23: Theo tác giả Hoài Thanh, cái khó trong việc tìm ra tinh thần của thơ mới là gì?

Câu 24: Cốt lõi mà tinh thần thơ mới đem đến cho thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ là gì?

2. Phần tiếng Việt

a. Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường

Câu 1: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

(Tràng Giang)

Câu thơ trên sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào?

Câu 2: Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng, Xuân Diệu)

Đoạn thơ trên sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào?

b. Cách giải thích nghĩa của từ và cách trình bày tài liệu tham khảo

Câu 3: Khi giải thích: Cầu hôn: xin được lấy làm vợ là đã giải thích nghĩa của từ bằng cách nào?

Câu 4: Trung niên: người đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa già

Từ trên được giải thích theo cách nào?

Câu 5: Học lỏm có nghĩa là?

c. Ngôi ngữ nói và ngôn ngữ viết

Câu 6: Hạn chế của ngôn ngữ nói là:

Câu 7: Người nói có thể sử dụng:

Câu 8: Từ ngữ trong ngôn ngữ viết có đặc điểm gì?

d. Lỗi về thành phần câu và cách sửa

Câu 9: Có thể đặt những câu hỏi nào khi gặp một câu khó hiểu?

Câu 10: Có thể sửa lỗi về thành phần câu bằng cách nào?

3. Phần làm văn

a. Viết bài nghị luận về một tác phẩm truyện

Đề 1: Viết bài văn thuyết minh về tác phẩm Chí Phèo

Đề 2: Viết bài thuyết minh về Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

b. Viết bài nghị luận về một tác phẩm thơ

Đề 1: Viết bài văn phân tích bài thơ Nói với con

Đề 2: Viết bài văn phân tích bài thơ Đợi mẹ

c. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

Đề 1: Viết văn bản thuyết minh về hiện tượng chảy máu chất xám

Đề 2: Viết văn bản thuyết minh về hiệu ứng nhà kính

Đề 3: Viết văn bản thuyết minh về hiện tượng núi lửa

Đề 4: Viết văn bản thuyết minh về hiện tượng thủy triều

d. Viết bài nghị luận về một tác phẩm kịch

Đề 1: Viết bài văn nghị luận phân tích vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Đề 2: Viết bài văn nghị luận phân tích vở kịch Vũ Như Tô

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

Câu 1: Thiên nhiên trong văn bản có đặc điểm gì?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản, chú ý các chi tiết miêu tả thiên nhiên và đưa ra nhận xét

Lời giải chi tiết

- Cách miêu tả phong cảnh thiên nhiên:

+ Trên mặt biển nhô lên một đám mây đen nặng nề, có đường viền gân guốc…

+ Đám mây trườn vào thảo nguyên…

+ Biển động ầm ầm…

→ Cách miêu tả phong cảnh thiên nhiên mang nét bí ẩn, kì bí và huyền ảo.

Câu 2: Khu rừng mà đoàn người phải vượt qua được miêu tả như thế nào?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản, chú ý những chi tiết miêu tả khu rừng

Lời giải chi tiết

- Đặc điểm:

+ Rừng tối om…

+ Cây cối sừng sững chắn đường…

+ Cành cây quấn quýt lấy nhau, rễ bò lan khắp nơi…

+ Rừng mỗi lúc một dày rậm…

→ Con đường mà đoàn người đi gặp vô vàn những khó khăn, khổ sở, rất khó đi.

Câu 3: Chi tiết nào thể hiện cô Hiền là một người phụ nữ thông minh, quyết đoán, có đầu óc thực tế và giỏi tính toán?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết

Cô Hiền là một người phụ nữ thông minh, quyết đoán, có đầu óc thực tế và giỏi tính toán

- Gần ba mươi tuổi cô mới đi lấy chồng, lấy một ông giáo dạy cấp tiểu học. Ngừng sinh con ở tuổi 40 để tương lai con cái không phải sống bám vào anh chị

- Sau ngày Hà Nội giải phóng, cô vẫn có hai dinh cơ, một nhà đang ở và một nhà đang cho thuê ở Hàng Bún

- Mọi việc đều được cô tính toán kĩ càng, chu đáo và không bao giờ tính sai vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có cả sự lãng mạn hay mơ mộng vớ vẩn

Câu 4: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”

Câu nói trên của cô Hiền thể hiện điều gì?

Phương pháp

Đọc kĩ câu nói của cô Hiền và phân tích

Lời giải chi tiết

Cô Hiền là người giàu tự trọng và sống có trách nhiệm, cô cũng dạy con cái của mình biết tự trọng, biết xấu hổ. Điều này thể hiện qua chi tiết khi hai người con xin đi bộ đội

Câu 5: Sau khi đã suy nghĩ xong về việc sắp xếp công việc, Phan đã nảy ra ý định gì?

Phương pháp

Đọc đoạn đầu của trang 18 chú ý ý định của Phan

Lời giải chi tiết

Sau khi đã suy nghĩ xong về việc sắp xếp công việc, Phan đã nảy ra ý định theo dõi cuộc sống của ba người tầng trên

Câu 6: Các thành viên trong gia đình Thắng đối xử với nhau như thế nào?

Phương pháp

Đọc đoạn đầu phần hai, chỉ ra lời nói và hành động của các nhân vật và đưa ra suy nghĩ về cách đối xử

Lời giải chi tiết

- Lời nói và hành động: Những cử chỉ ấm áp, thân mật, sự quan tâm giữa hai vợ chồng Thắng và giữa mẹ chồng với cô con dâu.

→ Họ rất quan tâm nhau, chăm sóc nhau từng chút một.

Câu 7: Trong khổ thơ thứ hai của bài thơ, cách nói mang ấn tượng xúc giác rõ nhất được Xuân Diệu sử dụng trong câu thơ nào?

Phương pháp

Đọc kĩ khổ thơ thứ hai

Lời giải chi tiết

Câu thơ mang ấn tượng xúc giác rõ nhất: Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

Câu 8: Cách diễn đạt nào trong hai câu thơ cuối của bài thơ Đây mùa thu tới thể hiện rõ nét ảnh hưởng của văn học Pháp?

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì?”

Phương pháp

Phân tích hai câu thơ cuối

Lời giải chi tiết

Hai câu thơ cuối là sự xuất hiện của ít nhiều từ ngữ không làm cho cảnh vui hơn mà trái lại càng sầu thảm hơn, đây là lối diễn đạt rất tây trong cấu trúc đảo ngữ “ít nhiều thiếu nữ buồn không nói” đã vẽ lên nỗi sầu buồn lẻ loi cô đơn của thiếu nữa trước không gian mênh mang, hai câu thơ nói lên nỗi buồn xa xăm thương nhớ, sự ngơ ngác của các cô gái chàng trai và cũng chính là tâm trạng nhà thơ, những con người mơ mộng và say đắm yêu thương

Câu 9: Câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì?

“Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả”

Phương pháp

Đọc kĩ câu thơ

Nhớ lại kiến thức về biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết

Hai câu thơ sử dụng biện pháp Ẩn dụ: “chảy”, so sánh: “Như mẹ tôi”

Câu 10: Hình ảnh sông Đáy xuất hiện qua những mốc thời gian nào trong cuộc đời của nhân vật trữ tình?

Phương pháp

Đọc kĩ bài thơ, chú ý hình ảnh sông Đáy

Lời giải chi tiết

Hình ảnh sông Đáy xuất hiện xuyên suốt cuộc đời nhà thơ:

- Khi mới sinh ra, lúc xa quê và khi trở về

- Lúc còn nhỏ và khi lớn lên

- Khi sinh ra và khi về già

Câu 11: Hình ảnh “nắng mới lên” trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là cái nắng như thế nào?

Phương pháp

Đọc kĩ khổ 1 và phân tích hình ảnh “nắng mới lên”

Lời giải chi tiết

“Nắng mới lên”: Nắng đầu tiên của ngày mới, ấm áp, trong trẻo, tinh khôi

Câu 12: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Con người thôn Vĩ xuất hiện mang vẻ đẹp?

Phương pháp

Phân tích câu thơ

Lời giải chi tiết

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền” : gợi vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của người con gái Huế

Câu 13: Cảnh sắc và con người Hà Nội vào mùa xuân có đặc điểm gì?

Phương pháp

Đọc đoạn văn thứ hai, chỉ ra những câu văn miêu tả cảnh sắc và con người Hà Nội.

Lời giải chi tiết

- Cảnh sắc và con người Hà Nội:

+ ...là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh.

+ ...có tiếng trống chèo vọng lại tại những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng.

Câu 14: Chi tiết nào thể hiện cảm xúc của nhân vật “tôi” trước mùa xuân?

Phương pháp

Đọc đoạn văn thứ hai phần giữa, tìm ra những câu văn miêu tả cảm xúc của nhân vật “tôi”.

Lời giải chi tiết

- Cảm xúc:

+ ...làm cho người ta phát điên lên như thế đấy.

+ ...nhựa sống trong người căng lên như máu căng lên...

+ ...tim người ta dường như cũng trẻ hơn ta...

+ ...ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà cũng thấy yêu thương nữa.

→ Cảm xúc của nhân vật “tôi” trước mùa xuân rất vui vẻ, bồi hồi, yêu đời.

Câu 15: Nhân vật Hồng Quân đã kể lại chuyện gì?

Phương pháp

Đọc kĩ phần 3, chú ý câu chuyện nhân vật Quân đã kể lại

Lời giải chi tiết

Câu chuyện: Nhân vật Quân đã kể lại sự việc anh thoát chết như thế nào và cũng nhận được tin Thân mất. Anh chưa kịp về ngay do còn vết thương và nghĩ về cũng không còn gì. Đến khi anh nhận được tin từ mẹ của Thân anh mới biết Thân còn sống và tìm đến đây.

Câu 16: Qua lời kể của tác giả, sư Đàm Thân hiện lên là người như thế nào?

Phương pháp

Đọc toàn bài, tìm ra những chi tiết, câu văn thể hiện thái độ tình cảm đối với nhân vật chính của tác giả.

Lời giải chi tiết

Nhân vật Đàm Thân:

- Cô là một người chiến sĩ dũng cảm không tiếc mình hi sinh cho nhân dân, đất nước.

- Cô yêu hết mình và rất chung thủy với người yêu.

- Khi không còn tình yêu bên cạnh cô quyết tâm không sống vì bản thân mình nữa mà sống vì đời, giúp đời.

Câu 17: Những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Chú ý những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm

Lời giải chi tiết

Những mâu thuẫn cơ bản trong đoạn trích:

- Mâu thuẫn giữa cuộc sống xa hoa, trụy lạc của Lê Tương Dực với cuộc sống khốn khổ của người nông dân

- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô và lợi ích thiết thực của nhân dân

Câu 18: Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ như thế nào?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Chú ý những chi tiết về Vũ Như Tô

Lời giải chi tiết

* Nhân vật Vũ Như Tô:

- Là người nghệ sĩ tài ba, hiện tân của niềm khát khao và đam mê nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo

- Là một nghệ sĩ có hoài bãi, lí tưởng cao cả

- Có những suy nghĩ lầm lạc trong hành động

Câu 19: Sự tương phản giữa ánh sáng và tăm tối trong câu thoại của Rô – mê – ô cho thấy điều gì?

Phương pháp

Đọc kĩ câu văn và tìm ra hình ảnh đối lập, trái ngược nhau

Lời giải chi tiết

+ Mỗi lúc một sáng…thêm vào tăm tối.

→ Sự tương phản thể hiện việc khi trời càng sáng cũng là lúc hai người phải xa nhau, cả hai cùng nhung nhớ, lưu luyến không muốn rời xa.

Câu 20: Cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Cảnh II, Hồi hai) có thể liên tưởng đến tác phẩm nào trong văn học Việt Nam?

Phương pháp

Đọc toàn bài, gợi nhớ về tác phẩm em đã học có xuất hiện cảnh thề nguyền, từ đó đưa ra cảm xúc và suy nghĩ của bản thân.

Lời giải chi tiết

Cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét khiến người đọc liên tưởng đến tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du trong văn học Việt Nam. Cụ thể là đoạn trích nói về lời thề nguyền của Kim Trọng và Thúy Kiều.

Câu 21: Qua cách diễn đạt và đưa ra bằng chứng, tác giả đã thể hiện thái độ và tình cảm của mình như thế nào?

Phương pháp

Đọc kỹ đoạn 8 của tác phẩm.

Lời giải chi tiết

Qua cách diễn đạt và đưa ra bằng chứng, tác giả đã thể hiện niềm khát khao, cháy bỏng được tự do, được bình đẳng với người da trắng của mình. Bởi một dân tộc đã bị coi là nô lệ suốt mấy thế kỷ, giờ đây khi sự tự do, giải phóng con người đang cận kề, khát khao ấy càng trở lên cháy bỏng, mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Câu 22: Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng nhằm tác động mạnh đến người đọc, người nghe?

Phương pháp

Đọc kỹ đoạn 10, 11, 12 của tác phẩm.

Lời giải chi tiết

Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng là biện pháp điệp cấu trúc “Tôi mơ rằng…” và đằng sau đó chính là những tưởng tượng của tác giả về một thế giới khi mà công lý và sự tự do đã được thi hành, con người chung sống bình đẳng, hạnh phúc.

Câu 23: Theo tác giả Hoài Thanh, cái khó trong việc tìm ra tinh thần của thơ mới là gì?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết

Khó khăn trong việc tìm ra tinh thần thơ mới:

- Ranh giới giữa thơ mới và thơ cũ không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ nhận ra: “Hôm nay đã phôi phai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ”

- Cả thơ cũ và thơ mới đều có những cái hay, cái dở: “Khốn nỗi cái tầm thường cái lố lăng chẳng phải của riêng thời nào”

Câu 24: Cốt lõi mà tinh thần thơ mới đem đến cho thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ là gì?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết

Điều cốt lõi mà tinh thần thơ mới: Chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối của nó xuất hiện trong thi ca

2. Phần tiếng Việt

Câu 1: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

(Tràng Giang)

Câu thơ trên sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào?

Phương pháp

Nhớ lại một số hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường

Phân tích câu thơ

Lời giải chi tiết

Hai câu thơ sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả, thể hiện.

Câu 2: Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng, Xuân Diệu)

Đoạn thơ trên sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào?

Phương pháp

Nhớ lại một số hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường

Phân tích câu thơ

Lời giải chi tiết

Hai câu thơ sử dụng hình thức tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới

Câu 3: Khi giải thích: Cầu hôn: xin được lấy làm vợ là đã giải thích nghĩa của từ bằng cách nào?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức khái niệm về nghĩa của từ

Áp dụng để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết

Khi giải thích như vậy, ta đã sử dụng cách trình bày khái niệm mà từ biểu thị

Câu 4: Trung niên: người đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa già

Từ trên được giải thích theo cách nào?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức khái niệm về nghĩa của từ

Áp dụng để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết

Khi giải thích như vậy, ta đã sử dụng cách trình bày khái niệm mà từ biểu thị

Câu 5:

Học lỏm có nghĩa là?

Phương pháp

Vận dụng những cách giải thích nghĩa của từ

Lời giải chi tiết

Học lỏm: Nghe hoặc thấy người ta làm rồi làm theo, chứ không được ai trực tiếp dạy bảo

Câu 6: Hạn chế của ngôn ngữ nói là?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về đặc điểm của ngôn ngữ nói

Lời giải chi tiết

Phương tiện được sử dụng là âm thanh (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt,… (phương tiện phi ngôn ngữ). Do sử dụng các phương tiện này, lời nói khó phổ biến rộng và lưu giữ lâu dài, nếu không được ghi âm, ghi hình

Câu 7: Người nói có thể sử dụng?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về đặc điểm của ngôn ngữ nói

Lời giải chi tiết

Ngôn ngữ nói thường sử dụng những từ giản dị, dễ hiểu và những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ. Nhờ có sự hỗ trợ của bối cảnh giao tiếp, người nói có thể sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt. Người nói có thể sử dụng những yếu tố chêm xen dư thừa để người nghe dễ theo dõi.

Câu 8: Từ ngữ trong ngôn ngữ viết có đặc điểm gì?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về đặc điểm ngôn ngữ viết

Lời giải chi tiết

Từ ngữ trong ngôn ngữ viết là từ ngữ được lựa chọn, thay thế nên có điều kiện đạt được tính chính xác, tránh các từ ngữ địa phương, tiếng lóng, tiếng tục

Câu 9: Có thể đặt những câu hỏi nào khi gặp một câu khó hiểu?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về cách phát hiện và sửa lỗi về thành phần câu

Lời giải chi tiết

Đọc kĩ lại các câu trong bài. Nếu gặp một câu khó hiểu thì nên kiểm tra xem vì sao không hiểu được

+ Vì vấn đề khó quá, vượt hiểu biết của bản thân?

+ Vì câu đó sử dụng những từ ngữ khó hiểu?

+ Vì câu thiếu thành phần chính?

+ Vì câu thiếu lô – gíc?

Câu 10: Có thể sửa lỗi về thành phần câu bằng cách nào?

Phương pháp

Nhớ lại kiến thức về cách phát hiện và sửa lỗi về thành phần câu

Lời giải chi tiết

Có thể sửa lỗi về thành phần câu bằng cách:

+ Bổ xung từ ngữ để làm thành phần bị thiếu

+ Cắt bớt từ ngữ để từ ngữ còn lại đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu

+ Thay đổi trật tự từ ngữ để một từ ngữ nhất định đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu

3. Phần làm văn

a. Viết bài nghị luận về một tác phẩm truyện

Đề 1: Viết bài văn thuyết minh về tác phẩm Chí Phèo

I. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm “ Chí Phèo” và nhà văn Nam Cao.

II. Thân bài:

- Tóm tắt nội dung của tác phẩm: Truyện xoay quanh nhân vật Chí Phèo - đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Lớn lên hắn đi ở hết nhà này nhà khác. Năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến vu oan và bắt bỏ tù. Hắn ở tù bảy tám năm rồi trở về với bộ dạng khác hẳn ngày xưa.

- Hoàn cảnh ra đời: Chí Phèo được nhà văn Nam Cao sáng tác năm 1941. Tên đầu tiên là: Cái lò gạch cũ.

- Truyện xoay quanh 3 nhân vật chính: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến. ( Nêu đặc điểm nhân vật và hoàn cảnh của mỗi nhân vật)

- Giá trị nội dung và nghệ thuật qua tác phẩm.

- Liên hệ thực tế và rút ra bài học cho bản thân.

III. Kết bài: Kết luận vấn đề và nêu cảm nhận của bản thân.

Đề 2: Viết bài thuyết minh về Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm.

II. Thân bài:

a. Tác giả:

- Tác giả Nguyễn Dữ, có người gọi là Nguyễn Dư hoặc Nguyễn Tự, chưa rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng đầu thế kỷ XVI, quê ở tỉnh Hải Dương.

- Ông được xem là người đã đưa khái niệm "truyền kỳ" tiến vào văn học của nước ta.

- Để lại duy nhất tác phẩm Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyền kỳ khác nhau.

b. Khái niệm truyền kỳ:

- Các tác phẩm văn xuôi trung đại có các yếu tố hoang đường kì ảo. Ở đó có sự tương giao giữa thế giới con người với cõi âm, cõi tiên với sự xuất hiện của thánh thần, ma quỷ làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm, đồng thời góp phần phản ánh các nội dung cốt lõi trong quan niệm của tác giả.

c. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục:

- Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục là một tập truyện gồm có 20 truyện khác nhau được viết bằng chữ Hán chứa nhiều yếu tố hoang đường kì ảo, ra đời vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI.

- Nội dung chính của các truyện trong Truyền Kỳ Mạn Lục là vạch trần hiện thực xã hội phong kiến đương thời thối nát, cảm thông cho số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ. Đồng thời đề cao vẻ đẹp phẩm cách, đạo đức, trí tuệ của con người, thể hiện sự ủng hộ quan niệm "lánh đục về trong" của cách danh sĩ đường thời, cũng phản ánh ước mơ, niềm tin của nhân dân về chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác.

d. Tóm tắt Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tự tóm tắt).

e. Nội dung cốt lõi của tác phẩm:

* Sự kiên định chính nghĩa của nhân vật Ngô Tử Văn:

- Thể hiện trong thái độ và cách hành động của chàng khi đốt đền của yêu quái, trong việc chàng đối mặt với lời đe dọa của tên ác thần.

- Thái độ bình tĩnh của chàng khi bị bắt về cõi âm ti, với sự xuất hiện của các loài quỷ nanh ác, không gian rùng rợn ghê sợ.

- Sự chính trực, ngay thẳng, dũng cảm thể hiện trong việc chàng đấu tranh, minh oan cho bản thân trước mặt Diêm Vương.

- Kết quả: Giành được chiến thắng, mang lại sự yên ổn cho nhân dân, giải oan cho bản thân, lấy lại ngôi đền cho Thổ thần và được tiến cử chức phán sự đền Tản Viên, trở thành tiên.

→ Khẳng định niềm tin chính nhất định sẽ thắng tà. Mặt khác nhân vật Ngô Tử Văn còn đại diện cho anh tài đất Việt giành chiến thắng trước kẻ thù xâm lược, nêu cao tinh thần dân tộc, sự anh dũng, mạnh mẽ của nhân dân ta trong quá trình chống giặc ngoại xâm, chống lại cái ác cái xấu.

* Ngụ ý phê phán:

- Hồn ma tên tướng giặc lúc sống làm quân xâm lược lúc chết đi lại làm yêu quái quấy nhiễu dân lành. Từ đầu tới cuối lên mang trong mình dã tâm xâm lược, đáng phải nhận sự trừng trị, tiêu diệt.

- Phản ánh sự bất công đầy rẫy trong xã hội phong kiến thối nát, thông qua chuyện tên tướng giặc hối lộ thánh thần, còn lực lượng thực thi công lý như Diêm Vương lại bị che mắt.

f. Nghệ thuật:

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, mở đầu bằng tình tiết khác lạ, xây dựng cao trào truyện đầy kịch tính lô-gíc, với các nút thắt, và cách giải quyết hợp lý, làm thỏa mãn người đọc.

- Yếu tố kỳ ảo hoang đường được đưa vào một cách khéo léo làm nổi bật chủ đề, nội dung câu chuyện, đồng thời khắc họa rõ ràng tính cách của nhân vật.

III. Kết bài:

Nêu tổng kết.

b. Viết bài nghị luận về một tác phẩm thơ

Đề 1: Viết bài văn phân tích bài thơ Nói với con

1. Mở bài

-Sơ lược về tác giả và phong cách sáng tác.

-Giới thiệu tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Lời gợi nhắc về tình cảm đùm bọc, che chở, yêu thương đầy ấm áp của gia đình, cộng đồng dân tộc và quê hương đối với mỗi con người.

* Trong gia đình “ Chân phải...tiếng cười”:

-Mở ra quá trình sinh trưởng của đứa con trong vòng tay yêu thương của gia đình, gợi liên tưởng đến một mái ấm vô cùng hạnh phúc, những niềm hạnh phúc dẫu giản đơn nhưng là quý giá vô cùng.

-Người cha còn muốn nhắn nhủ với đứa con bé bỏng của mình về công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, con cái chính là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho cha mẹ, là niềm tin, niềm hy vọng để cha mẹ phấn đấu trong suốt cuộc đời.

* Trong không gian làng, bản quê hương: “Người đồng mình...cho những tấm lòng”:

-Gợi ra vẻ đẹp của “người đồng mình” trong công cuộc lao động là sự khéo léo, tài hoa; trong nền nếp văn hóa là sự yêu đời, yêu cuộc sống, chân phương giản dị, thấm đẫm trong không gian sinh hoạt làng bản.

-Gợi ra vẻ đẹp trù phú, sung túc của quê hương thông qua “Rừng cho hoa”, vẻ đẹp tình nghĩa, thấm đẫm thân tình của quê hương thông qua câu “Con đường cho những tấm lòng”.

-Nhắc nhở đứa con về vẻ đẹp, niềm hạnh phúc của một mái ấm gia đình thông qua lời nhắc về ngày cưới của cha mẹ.

→ Từ những hình ảnh thông thường của cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc miền núi phía Bắc, thế nhưng khi bước vào thơ của Y Phương người ta thấy những hình ấy có một vẻ đẹp khác hẳn, rất thơ và rất đậm vẻ tự hào, yêu thương, xúc động của một người con miền núi Cao Bằng.

b. Vẻ đẹp tâm hồn của “người đồng mình”:

-Vẻ đẹp của lòng kiên trì, sức mạnh, ý chí phấn đấu khắc phục mọi điều kiện khắc nghiệt, để tạo nên một cộng đồng dân tộc giàu bản sắc.

-Thông qua niềm tự hào sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn của “người đồng mình”, người cha đã dặn dò, dạy bảo con bằng tất cả tấm lòng, mong con sau này lớn lên kế thừa và phát huy được những vẻ đẹp ấy, “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói/Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/Không lo cực nhọc”.

-“người đồng mình” còn hiện lên với vẻ đẹp tự lực, tự cường, dẫu có nghèo khó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ đường, “thô sơ da thịt” nhưng người đồng mình chẳng có mấy ai chấp nhận, khuất phục mà họ đều tự trở nên mạnh mẽ, cường đại trong công cuộc kiến thiết và xây dựng quê hương.

-Xây dựng riêng cho mình những phong tục tập quán tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền biết bao đời, xây dựng lên một cộng đồng dân tộc thống nhất.

3. Kết bài:

-Nêu cảm nhận chung.

Đề 2: Viết bài văn phân tích bài thơ Đợi mẹ

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Vũ Quần Phương và bài thơ Đợi mẹ

- Cảm nhận chung của em về bài thơ.

2. Thân bài:

a) Em bé ngồi đợi mẹ đến tối

- Bối cảnh: Trời tối

- Hành động của em bé: “nhìn ra ruộng lúa”, nhìn “vầng trăng”

- Nghệ thuật: Điệp ngữ (“nhìn ra ruộng lúa”, “nhìn vầng trăng”), hình ảnh “vầng trăng” gắn với nỗi nhớ, mong ngóng, chờ đợi.

- Mẹ vẫn chưa về:

+ Em “chưa nhìn thấy mẹ”

+ Đồng lúa thì “lẫn vào đêm”

+ Ngọn lửa “chưa nhen”

+ Căn nhà “trống trải”

→ Cảnh vật buồn hiu hắt như đang ngóng đợi mẹ về cùng em bé

→ Em bé yêu mẹ rất nhiều, em biết mẹ đang phải lao động cực khổ, kiếm từng đồng tiền nuôi em, em mong ngóng mẹ về mà không chịu đi ngủ, em cứ thức chờ mẹ mãi… Nhà thơ Vũ Quần Phương xa mẹ từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì vậy mà khi viết về mẹ, mỗi vần thơ của ông đều như chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người đọc. Đó là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng.

b) Em bé đợi mẹ đến khuya, mẹ mới về

- Bối cảnh: “Trời về khuya”

- Cảnh vật: Đom đóm bay ngoài ao, đom đóm đã vào nhà, “Trời về khuya lung linh trắng”, “vườn hoa mận trắng”

→ Cảnh vật có phần tươi hơn dù đêm đã muộn, vui theo nỗi vui của em bé khi mẹ đã về nhà.

- Mẹ đã về:

+ Sau một ngày làm lụng cần mẫn, “bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa”

+ Mẹ đã về nhưng trong em bé, “nỗi đợi vẫn nằm mơ”

→ Sau một ngày làm việc vất vả, mẹ trở về nhà, âu yếm yêu thương bế em bé đi ngủ. Em rất thương mẹ, nhưng dường như ngày nào mẹ cũng đi làm về muộn, em ngày nào cũng đợi ngóng mẹ về, giờ hành động đó đã quen đến nỗi trong mơ em vẫn mơ là mình đang đợi mẹ về.

→ Những bài thơ viết về mẹ luôn có sức lay động, truyền cảm đặc biệt, bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Ai trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mình đều có hình bóng người mẹ kính yêu.

c) Cảm nhận của em về nội dung, nghệ thuật của bài thơ

- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ

- Nêu lý do khiến em yêu thích chi tiết, hình ảnh, khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của bài thơ

3. Kết bài: Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về bài thơ Đợi mẹ.

c. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

Đề 1: Viết văn bản thuyết minh về hiện tượng chảy máu chất xám

1. Mở bài

Dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng chảy máu chất xám

2. Thân bài

- Giải thích: "Chảy máu chất xám" là việc mất đi nguồn lực trí thức có năng lực, trình độ khi họ quyết định làm việc và định cư ở nước ngoài.

- Thực trạng:

+ Nhiều người quyết định sinh sống và cống hiến tài năng cho các nước phát triển thay vì làm việc tại quê nhà.

+ Việt Nam đã và đang phải đối diện với thực trạng "khủng hoảng", thiếu trầm trọng nhân tài.

+ Hàng năm nhà nước phải chi nguồn kinh phí lớn cho việc thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc.

- Nguyên nhân:

+ Chủ quan: Do mong muốn được làm việc trong một môi trường tốt, thu nhập cao.

+ Khách quan: Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn kém phát triển, điều kiện làm việc tại các cơ sở trong nước còn hạn chế, chưa phát huy hết được năng lực, tài năng của người tài.

- Đề xuất giải pháp:

+ Mỗi người cần ý thức được trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước.

+ Nhà nước có những chính sách thiết thực, hiệu quả để thu hút hiền tài.

3. Kết bài

Chốt lại vấn đề nghị luận.

Đề 2: Viết văn bản thuyết minh về hiệu ứng nhà kính

Mở bài: Dẫn dắt vấn đề

Thân bài:

I. Giới thiệu về hiệu ứng nhà kính

- Khái niệm hiệu ứng nhà kính: là quá trình tăng nhiệt độ trái đất do sự tăng cường của các khí nhà kính trong không khí.

- Các khí nhà kính chính: CO2, methane (CH4), nitrous oxide (N2O), hơi nước và ozone (O3).

- Nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính: hoạt động con người như đốt nhiên liệu hóa thạch, rừng bị chặt phá, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp...

II. Các hệ quả của hiệu ứng nhà kính

1. Tác động đến môi trường

- Tăng nhiệt độ trái đất: gây biến đổi khí hậu, làm tăng mực nước biển, làm thay đổi chu kỳ mưa, tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

- Sự tăng nhiệt độ gây ra sự chảy nhanh của băng ở cực, làm tăng mực nước biển, gây nguy hiểm cho các đảo quốc và các khu vực ven biển.

- Gây ra sự suy thoái và mất mát đa dạng sinh học, làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài động vật và thực vật.

2. Tác động đến con người

- Gây ra các vấn đề sức khỏe: tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, bệnh tim mạch, tăng nguy cơ ung thư do tác động của các chất ô nhiễm trong không khí.

- Gây ra thiệt hại kinh tế: làm giảm năng suất nông nghiệp, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp du lịch, gây mất mát tài sản do thiên tai và biến đổi khí hậu.

III. Biện pháp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính

1. Sử dụng năng lượng tái tạo: tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và nhiệt điện sinh học để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường: giảm thiểu khí thải từ các nguồn công nghiệp, giao thông và nông nghiệp.

3. Bảo vệ và phục hồi môi trường: tăng cường bảo vệ rừng, tái tạo đất, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên.

4. Tăng cường nhận thức và giáo dục: tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính để tạo ra những thay đổi tích cực trong hành vi của con người.

Kết bài:

- Hiệu ứng nhà kính gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với môi trường và con người.

- Để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cần thực hiện các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phục hồi môi trường, cùng với việc tăng cường nhận thức và giáo dục.

Đề 3: Viết văn bản thuyết minh về hiện tượng núi lửa

1. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng: Núi lửa phun trào không chỉ là một sự kiện kỳ thú của thiên nhiên mà còn là một thảm họa mang theo nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống của con người.

2. Thân bài

- Núi lửa, đơn giản nói, là một ngọn núi có miệng ở đỉnh, nơi mà các chất khoáng nóng chảy dưới tác động của nhiệt độ và áp suất cao có thể phun ra ngoài.

-Các sản phẩm của núi lửa bao gồm lớp tro bụi, dòng dung nham và khói. Núi lửa có thể được phân loại theo hình dáng.

- Khi đá tan chảy, dòng magma giãn nở, tạo ra áp suất và đẩy lên mặt đất, làm tăng độ cao của dãy núi. Áp suất dưới đáng kể tạo ra dòng magma, khi áp suất này vượt quá áp suất từ lớp đá trên cùng, dòng magma sẽ phun lên qua miệng núi, tạo nên núi lửa.

- Nhìn chung, núi lửa mang theo cả những mặt tích cực và tiêu cực cho con người.

3. Kết bài

- Tổng hợp lại, núi lửa không chỉ là một hiện tượng thiên nhiên đầy tính chất kỳ thú mà còn là một yếu tố quan trọng tác động đến đời sống và kinh tế của con người.

Đề 4: Viết văn bản thuyết minh về hiện tượng thủy triều

1. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng: Thủy triều, một biểu hiện tự nhiên phổ biến, không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của con người mà còn tạo nên những thách thức đặc biệt đối với cộng đồng sống ven biển.

2. Thân bài:

- Hiện tượng thủy triều được mô tả như sự thay đổi trong mực nước của sông và biển, tăng lên và giảm đi theo một chu kỳ thời gian nhất định trong ngày, được lặp lại theo một chu kỳ đặc trưng.

- Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ sự biến đổi của lực hấp dẫn do mặt trăng và các vật thể thiên thể khác trong vũ trụ tác động lên một điểm nào đó trên bề mặt trái đất, như là các khu vực biển hay sông.

- Sự thay đổi này có nguồn gốc từ việc trái đất xoay quanh trục của mình và quay quanh mặt trời. Khi lực hút tăng lên và sau đó giảm đi, mực nước tại các sông và biển sẽ đồng loạt dâng lên và rơi xuống.

- Quá trình thủy triều thường kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, đạt đến mức cao nhất, gọi là triều cao, sau đó giữ nguyên ở mức đỉnh trong một khoảng thời gian ngắn rồi dần dần giảm xuống, đến mức thấp nhất được gọi là triều thấp. Cả quá trình này, được biết đến là triều dâng và triều xuống, diễn ra theo chu kỳ có thể dự đoán được, và rất khó can thiệp.

- Hiện tượng thủy triều, mặc dù không gây nhiều tổn thất về người và tài sản, nhưng vẫn tạo nên sự xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, đặc biệt là ở những thành phố ven biển.

3. Kết bài

Do không thể ngăn chặn hoặc thay đổi hiện tượng thủy triều, cộng đồng chỉ có thể chấp nhận và thích ứng với nó. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát triển khả năng tính toán tương đối chính xác về luật lệ và mức độ thủy triều, từ đó đưa ra cảnh báo giúp cộng đồng chuẩn bị trước, giảm thiểu sự rối bời khi thủy triều xảy ra.

d. Viết bài nghị luận về một tác phẩm kịch

Đề 1: Viết bài văn nghị luận phân tích vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

I. Mở bài

Giới thiệu về Lưu Quang Vũ, tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt: Lưu Quang Vũ là một hiện tượng của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX, là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam. Một trong những tác phẩm xuất sắc của ông là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

II. Thân bài

1. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác

a. Hồn Trương Ba:

- Cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Xem xác anh hàng thịt chỉ là cái vỏ bên ngoài: âm u, đui mù, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém.

→ Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt.

- Thái độ: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng.

b. Xác anh hàng thịt:

- Cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt.

- Thái độ: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế.

→ Cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng.

2. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và mọi người trong gia đình

a. Hồn Trương Ba: cho rằng mình vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn

b. Những người thân trong gia đình:

- Vợ Trương Ba: đau đớn trước sự thay đổi của Trương Ba: “ông đâu còn là ông”, một mực muốn rời khỏi gia đình “đi cày thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt”.

- Cháu gái: không chịu nhận ông, cho rằng ông nội của mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ “Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn của ông tôi nữa!... chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm”.

- Con dâu: cảm thông, chia sẻ và yêu thương với Trương Ba hơn trước nhưng vẫn không nhận ra Trương Ba của trước đây nữa.

→ Mỗi người trong gia đình ở một vị trí, một thái độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Kết quả: Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.

3. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích; quyết định của Trương Ba

a. Trương Ba đã tự nhận ra: Con người sống cần có sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống là chính mình và cần phải sống có ý nghĩa.

b. Quan điểm khác biệt giữa Trương Ba và Đế Thích:

- Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

- Trương Ba:

+Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

+“Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

- Hành động mang tính bước ngoặt của Trương Ba: Trả lại xác cho anh hàng thịt còn Trương Ba sẽ chết.

- Phép thử của Đế Thích: Trương Ba sẽ nhập vào xác cu Tị.

- Kết quả: Trương Ba đã yêu cầu Đế Thích để cho cu Tị sống còn mình thì chết.

4. Nghệ thuật

-Xây dựng tình huống xung đột kịch độc đáo, ngôn ngữ đối thoại đậm chất triết lí, độc thoại nội tâm giúp bộc lộ tính cách nhân vật…

III. Kết bài

Khẳng định giá trị của Hồn Trương Ba da hàng thịt, cảm nhận chung về tác phẩm: Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả muốn gửi gắm thông điệp được sống là người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn cố và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận phân tích vở kịch Vũ Như Tô

I. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Huy Tưởng và tác phẩm Vũ Như Tô: Một tác giả có đóng góp to lớn trên lĩnh vực kịch. Vở kịch Vũ Như Tô là một tác phẩm gây được tiếng vang bởi vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống là một vấn đề mới mẻ

- Giới thiệu nhân vật Vũ Như Tô: Đây là hình tượng nhân vật trung tâm trong vở kịch để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng độc giả

II. Thân bài:

1. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài:

+ Ông là người “ngàn năm chưa dễ có một”

+ Tài năng của ông được thể hiện: “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”

→ Ông là hiện thân cho sự say mê và sáng tạo cái đẹp, tài năng của ông được mọi người công nhận, Đan Thiềm vì tài năng mà ngưỡng mộ ông

2. Là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả

+ Ban đầu, dù Lê Tương Dực dọa giết, Vũ như Tô vẫn kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài.

+ Mong muốn và hòa bão của ông chính là xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại và bền vững: “bền như trăng sao” để “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”

→ khát khao cống hiến tài năng cho đất nước

+ Khi đã xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô dồn hết tâm sức: “để ta xây một Cửu Trùng Đài, dựng một kì công muôn thuở, vài năm nữa Cửu Trùng Đài hoàn thành, cao cả huy hoàng”

- Lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô cao cả đến mức, bản thân ông còn tự thấy đời ông “không quý bằng Cửu Trùng Đài” → Vũ Như Tô đặt đặt lí tưởng, hoài bão của mình lên trên hết

-Vũ Như Tô là người không hám lợi:

+ Khi được vua ban thưởng lụa là, vàng bạc ông đã đem chia hết cho thợ

3. Vũ Như Tô với bi kịch giữa nghệ thuật và đời sống

- Vì quá đam mê và chạy theo lí tưởng nghệ thuật của mình, Vũ Như Tô quên mất rằng chính việc xây Cửu Trùng Đài đã cướp đi mồ hôi, nước mắt và tính mạng của bao nhiêu người

- Lí tưởng, ước mơ xây một tòa đài cao cả, nguy nga, tráng lệ lại cao siêu, thuần tuý hoàn toàn thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước, xa rời đời sống nhân dân

→ Tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng của ông: xây Cửu trùng đài là đúng hay sai? là có công hay có tội?

→ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch bởi đã mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn cả những làm lạc trong suy nghĩ và hành động.

→ Sự thức tỉnh của ông chỉ diễn ra vào phút cuối khi mà ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá

III. Kết bài:

- Khẳng định nghệ thuật xây dựng nhân vật Vũ Như Tô

- Trình bày cảm nhận bản thân về hình tượng nhân vật


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về
  • Đề thi học kì 2 Văn 11 Cánh diều - Đề số 1

    Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách Cánh diều đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 11 Cánh diều - Đề số 2

    Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách cánh diều đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 11 Cánh diều - Đề số 3

    Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách Cánh diều đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 11 Cánh diều - Đề số 4

    Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách Cánh diều đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 11 Cánh diều - Đề số 5

    Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách Cánh diều đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 11 - Cánh diều - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí