Đề thi học kì 1 Lịch sử 12 - Đề số 2>
Tải vềViệc Liên Xô là một trong năm nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ quốc tế? A. Thể hiện là tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình an ninh thế giới.
Đề bài
PHẦN I: CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1: Việc Liên Xô là một trong năm nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ quốc tế?
A. Thể hiện là tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình an ninh thế giới.
B. Góp phần hạn chế sự thao túng của chủ nghĩa tư bản đối với tổ chức Liên hợp quốc.
C. Khẳng định vai trò tối cao của năm nước lớn trong tổ chức Liên hợp quốc.
D. Tổ chức quốc tế quan trọng nhất trong đời sống chính trị quốc tế sau năm 1945.
Câu 2: Sự kiện nào sau đây mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam?
A. Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN (1995).
B. Việt Nam tham gia vào tổ chức WTO (2007).
C. Việt nam tham gia vào Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV).
D. Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977).
Câu 3: Một trong những mục đích thành lập của tổ chức ASEAN là
A. đưa Đông Nam Á trở thành số 1 thế giới.
B. xây dựng khối tư bản chủ nghĩa phát triển.
C. thúc đẩy hoà bình và ổn định của khu vực.
D. thúc đẩy sự hợp tác toàn diện, thống nhất.
Câu 4: Quốc gia nào là thành viên thứ 10 của ASEAN?
A. Việt Nam.
B. Thái Lan.
C. Mi-an-ma.
D. Cam-pu-chia.
Câu 5: Nội dung nào sau đây là điều kiện khách quan thuận lợi cho Cách mạng tháng Tám nổ ra?
A. Chiến tranh thế giới thứ hai đã bùng nổ.
B. phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh.
C. Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
D. Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
Câu 6: Đâu là biểu hiện sự hình thành của trật tự thế giới đa cực?
A. Sự nổi lên của các siêu cường quốc, siêu quốc gia.
B. Sự gia tăng vai trò của các trung tâm, tổ chức quốc tế.
C. Sự phụ thuộc, tác động lẫn nhau của các quốc gia.
D. Sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình.
Câu 7: Một trong những nội dung hợp tác của Cộng đồng ASEAN là
A. quân sự.
B. đối ngoại.
C. kinh tế.
D. dân chủ.
Câu 8: Hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN tăng lên nhanh chóng từ khi
A. Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.
B. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (2004).
C. Tuyên bố chung Cua-la Lăm-pơ (tại Malaxia).
D. Hội nghị cấp cao của ba nước Đông Dương.
Câu 9: Một trong những thách thức mà Cộng đồng ASEAN phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển là
A. sự đa dạng về chế độ chính trị.
B. gặp những khó khăn về địa lý.
C. một số quốc gia không có biển.
D. khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Câu 10: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quan hệ đối thoại, hợp tác và hội nhập giữa tổ chức ASEAN với ba nước Đông Dương từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX là
A. do cuộc Chiến tranh lạnh chấm dứt.
B. do đây là xu thế chung của thế giới.
C. vấn đề Cam-pu-chia được giải quyết.
D. tác động của xu thế Toàn cầu hóa.
Câu 11: Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua tại
A. hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (2020)
B. hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 (2009).
C. hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (2004)
D. hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 (2005)
Câu 12: Nội dung nào sau đây không phải là nguyên nhân khách quan làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam?
A. Nhân dân ba nước Đông Dương cùng đoàn kết chống kẻ thù chung.
B. Cách mạng miền Bắc đã nỗ lực hoàn thành vai trò hậu phương lớn.
C. Sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
D. Sự cổ vũ to lớn của các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Câu 13: Nội dung nào sau đây là một trong những ý nghĩa quốc tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam?
A. Đã kết thúc 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ.
B. Đã góp phần vào sự nghiệp giải trừ chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
C. Chấm dứt sự thống trị của chế độ thực dân mới kéo dài hàng thập kỉ.
D. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước.
Câu 14: Nguyên nhân nào sau đây là nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945)?
A. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
B. Tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.
C. Nhật đầu hàng quân Đồng minh.
D. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô.
Câu 15: Vì sao việc giành được chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có tác động quan trọng đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945)?
A. Đây là nơi đặt cơ quan đầu não của địch.
B. Những tỉnh này giàu có, nhiều tài nguyên.
C. Lực lượng địch ở đây bố trí mỏng và yếu.
D. Đã tiêu diệt hết lực lượng của quân Nhật.
Câu 16: Sự kiện nào sau đây trong đoạn 1954 - 1960 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam?
A. Phong trào Đồng Khởi.
B. Phong trào chống phá bình định.
C. Phong trào phá ấp chiến lược.
D. Phong trào “Ba sẵn sàng”.
Câu 17: Nhân dân ta phải tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương vì
A. Đó là lúc so sánh lực lượng có lợi nhất đối với cách mạng.
B. Đó là lúc kẻ thù cũ đã ngã gục, kẻ thù mới đang hành động.
C. Quân Đồng minh có thể dựng ra một chính quyền trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta.
D. So sánh lực lượng có lợi nhất đối với cách mạng, kẻ thù cũ đã ngã gục nhưng kẻ thù mới chưa kịp đến, quân Đồng minh có thể dựng ra một chính quyền trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta.
Câu 18: Trong giai đoạn 1965 – 1968 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân miền Bắc có hoạt động nào sau đây?
A. Tập trung vào cuộc cải cách ruộng đất, triệt để giảm tô, giảm tức.
B. Tạm gác việc sản xuất để chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ.
C. Buộc Mỹ “xuống thang” chiến tranh phá hoại và kí Hiệp định Pa-ri.
D. Nỗ lực và quyết tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ trong thời chiến.
Câu 19: “Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang. Điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã đến”. Điều kiện khách quan thuận lợi là
A. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.
B. Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
C. phát xít Đức đầu hàng.
D. Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện.
Câu 20: Một trong những bài học được rút ra từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là
A. tận dụng, phát huy truyền thống đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương.
B. kết hợp xây dựng lực lượng vũ trang với sức mạnh của lực lượng quốc tế.
C. cần dự đoán chính xác và nhanh chóng nắm bắt thời cơ để giành thắng lợi.
D. linh hoạt, quyết đoán trong việc kết hợp các hình thức đấu tranh ngoại giao.
Câu 21: Nội dung nào sau đây phản ánh đúng một trong những quan điểm chủ đạo của Việt Nam trong việc bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975?
A. Coi ngoại lực là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và thành công.
B. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
C. Chỉ chú trọng phát triển sức mạnh của đất nước về văn hoá – xã hội.
D. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: kháng chiến và kiến quốc.
Câu 22: Nội dung nào sau đây là vai trò của Liên hợp quốc về bảo đảm quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội?
A. Giảm lãi suất cho vay ở hầu hết các nước phát triển.
B. Tăng cường bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ.
C. Cải thiện năng lực công nghệ thông tin.
D. Hoàn thành phổ cập giáo dục đại học.
Câu 23: Trong những năm 1961 - 1965, Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh nào sau đây ở miền Nam Việt Nam?
A. Chiến tranh cục bộ.
B. Chiến tranh đơn phương.
C. Việt Nam hóa chiến tranh.
D. Chiến tranh đặc biệt.
Câu 24: Trong thời kì 1954 - 1975, nhân dân miền Nam Việt Nam đã thực hiện thành công một trong những nhiệm vụ chiến lược nào sau đây do Đảng Lao động Việt Nam đề ra
A. Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước khi có chiến tranh.
B. Kết hợp hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc trên cả nước.
C. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
D. Hoàn thành việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.
Phần II: Câu trắc nghiệm đúng sai
Câu 25: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai
“Cách mạng Tháng Tám là một thắng lợi vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đã đứng lên như một làn sóng dữ dội, cuốn trôi chế độ thực dân phong kiến, giải phóng đất nước. Thắng lợi này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.”
(Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2001)
a. Cách mạng Tháng Tám chỉ mang lại thắng lợi cho dân tộc Việt Nam mà không có ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
b. Cách mạng Tháng Tám là một thắng lợi vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và đã giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân phong kiến.
c. Theo Võ Nguyên Giáp, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định đến thành công của Cách mạng Tháng Tám.
d. Làn sóng dữ dội mà Võ Nguyên Giáp miêu tả trong cuộc Cách mạng Tháng Tám là một phép ẩn dụ, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm mạnh mẽ của toàn dân trong việc đẩy lùi chế độ thực dân phong kiến.
Câu 26: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai
“Chiến thắng Điện Biên Phủ không phải là một sự kiện tình cờ hay may mắn, mà là kết quả của một chiến lược quân sự đúng đắn, được xây dựng trên tinh thần đoàn kết toàn dân và lòng yêu nước sâu sắc. Đây là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy. Thắng lợi này không chỉ chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.”
(Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2004)
a. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự may mắn và tình cờ.
b. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết hợp giữa chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy.
c. Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có tác động đến kết quả của cuộc kháng chiến chống Pháp mà không ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của Việt Nam.
d. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự đoàn kết toàn dân và lòng yêu nước sâu sắc, không phải chỉ dựa vào năng lực quân sự của Việt Nam.
Câu 27: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai
“Khi chúng ta bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, không ai nghĩ rằng chúng ta có thể chiến thắng. Tuy nhiên, nhờ vào sức mạnh đoàn kết toàn dân, tinh thần yêu nước mãnh liệt, chúng ta đã đánh bại được kẻ thù. Một trong những yếu tố quyết định chiến thắng là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân đội ta đã trưởng thành và biết cách phát huy sức mạnh của mình trong những chiến dịch quyết định như Điện Biên Phủ.”
(Nguyễn Văn Cừ, Những bài học trong kháng chiến chống Pháp, NXB Sự Thật, 1975)
a. Lúc bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người không nghĩ rằng Việt Nam có thể chiến thắng.
b. Đoàn kết toàn dân là yếu tố duy nhất giúp Việt Nam đánh bại thực dân Pháp.
c. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
d. Thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả của sự trưởng thành vượt bậc của quân đội, độc lập với sự lãnh đạo của Đảng.
Câu 28: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai
“Đến ngày 15- 08-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đông minh không điều kiện. Ngay sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, quân nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang. Điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã đến.”
a. Vào ngày 15-08-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
b. Quân Nhật ở Đông Dương sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh vẫn giữ được sự ổn định và kiểm soát.
c. Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim đã có sự chuẩn bị sẵn sàng khi quân Nhật đầu hàng.
d. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của một tình thế khách quan thuận lợi mà không phải là sự chuẩn bị của Đảng và nhân dân Việt Nam
Đáp án
Phần I: Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn
1.B |
2.D |
3.C |
4.D |
5.D |
6.B |
7.C |
8.A |
9.A |
10.C |
11.B |
12.B |
13.B |
14.A |
15.A |
16.A |
17.D |
18.D |
19.D |
20.C |
21.B |
22.B |
23.D |
24.C |
|
|
|
|
|
|
Câu 1 (TH):
Phương pháp:
Loại trừ phương án.
Cách giải:
Việc Liên Xô là một trong năm nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa góp phần hạn chế sự thao túng của chủ nghĩa tư bản đối với tổ chức Liên hợp quốc.
Chọn B.
Câu 2 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Liên hợp quốc.
Cách giải:
Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977) mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Chọn D.
Câu 3 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Mục đích thành lập ASEAN.
Cách giải:
Một trong những mục đích thành lập của tổ chức ASEAN là thúc đẩy hoà bình và ổn định của khu vực.
Chọn C.
Câu 4 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Hành trình phát triển của ASEAN.
Cách giải:
Cam-pu-chia là thành viên thứ 10 của ASEAN.
Ch ọn D.
Câu 5 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).
Cách giải:
Sự kiện Nhật Bản đầu hàng Đồng minh không điều kiện vào ngày 15/08/1945 đã tạo ra một thời cơ thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa ở Việt Nam. Điều này làm cho chính quyền thân Nhật ở Đông Dương rệu rã, mở đường cho Cách mạng Tháng Tám thành công.
Chọn D.
Câu 6 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế.
Cách giải:
Sự hình thành của trật tự thế giới đa cực là một tiến trình lịch sử khách quan với sự nổi lên của các cường quốc, sự gia tăng vai trò của các trung tâm, tổ chức quốc tế, phản ánh tương quan so sánh lực lượng mới trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh.
Chọn B.
Câu 7 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Cách giải:
Một trong những nội dung hợp tác của Cộng đồng ASEAN là về kinh tế.
Chọn C. Câu 8 (TH):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên nội dung Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Cách giải:
Hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN tăng lên nhanh chóng từ khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.
Chọn A. Câu 9 (TH):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Cộng đồng ASEAN sau năm 2015.
Cách giải:
Một trong những thách thức mà Cộng đồng ASEAN phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển là sự đa dạng về chế độ chính trị.
Chọn A.
Câu 10 (TH):
Phương pháp:
Suy luận
Cách giải:
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quan hệ đối thoại, hợp tác và hội nhập giữa tổ chức ASEAN với ba nước Đông Dương từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX là vấn đề Campuchia được giải quyết.
Giải quyết vấn đề Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện quan hệ giữa ASEAN và các nước Đông Dương, góp phần thúc đẩy hợp tác và hội nhập trong khu vực.
Chọn C.
Câu 11 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Cách giải:
Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 (2009).
Chọn B.
Câu 12 (TH):
Phương pháp:
Suy luận, loại trừ.
Cách giải:
Nội dung “Cách mạng miền Bắc đã nỗ lực hoàn thành vai trò hậu phương lớn” không phải là nguyên nhân khách quan làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam. Bởi đây là nguyên nhân chủ quan, không phải nguyên nhân khách quan. Cách mạng miền Bắc đóng vai trò hậu phương vững chắc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện sức người, sức của cho miền Nam, là yếu tố quan trọng trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các nguyên nhân khách quan bao gồm sự đoàn kết Đông Dương, ủng hộ từ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chọn B.
Câu 13 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam không chỉ là thắng lợi to lớn của dân tộc mà còn mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Thắng lợi này đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, góp phần đẩy lùi và từng bước xóa bỏ chủ nghĩa thực dân.
Chọn B.
Câu 14 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với chiến lược và đường lối đúng đắn đã tạo nên cơ sở quan trọng nhất cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Đảng đã nhận thức được tình hình quốc tế và trong nước, nắm bắt thời cơ và lãnh đạo toàn dân tiến hành khởi nghĩa thành công.
Chọn A.
Câu 15 (TH):
Phương pháp:
Giải thích.
Cách giải:
Hà Nội, Huế, và Sài Gòn là những trung tâm chính trị, kinh tế và quân sự quan trọng, nơi đặt các cơ quan đầu não của địch. Giành chính quyền tại những địa bàn này đã ảnh hưởng lớn đến việc đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa trên cả nước, góp phần nhanh chóng đưa Cách mạng tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn.
Chọn A.
Câu 16 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Phong trào Đồng Khởi (1959-1960) là sự kiện tiêu biểu đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam. Phong trào này mở đầu cho sự chuyển biến mạnh mẽ từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tạo tiền đề quan trọng cho việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960).
Chọn A.
Câu 17 (TH):
Phương pháp:
Giải thích.
Cách giải:
Tổng khởi nghĩa cần được tiến hành trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương vì đây là thời điểm so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng, khi quân Nhật đã suy yếu và quân Đồng minh chưa đến. Điều này giúp cách mạng tránh bị Đồng minh can thiệp vào chính quyền mới.
Chọn D.
Câu 18 (TH):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975).
Cách giải:
Giai đoạn 1965-1968, miền Bắc đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ nhưng vẫn kiên cường thực hiện “vừa chiến đấu, vừa sản xuất”. Quân dân miền Bắc đã tập trung bảo vệ giao thông, chi viện cho chiến trường miền Nam và đánh trả quyết liệt không quân Mỹ. Nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa duy trì sản xuất và chiến đấu là biểu hiện rõ nét của ý chí toàn dân.
Chọn D.
Câu 19 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Điều kiện khách quan thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa là khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện vào ngày 15-08-1945. Sự kiện này làm cho quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, tạo cơ hội cho cách mạng Việt Nam. Chọn D.
Câu 20 (VD):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Bài học lớn nhất từ Cách mạng tháng Tám là việc nắm bắt thời cơ chính xác để khởi nghĩa, quyết định thắng lợi. Bài học này mang ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay, khi cần tận dụng thời cơ để xây dựng và phát triển hiệu quả.
Chọn C.
Câu 21 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Sau năm 1975, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội, coi đây là kim chỉ nam cho các hoạt động bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Chọn B.
Câu 22 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Vai trò của Liên hợp quốc về bảo đảm quyền con người, phát triển văn hoá, xã hội đó là Tăng cường bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ.
Chọn B.
Câu 23 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử 12, nội dung Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975).
Cách giải:
Giai đoạn 1961-1965, Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam, dựa trên việc sử dụng quân đội tay sai kết hợp với cố vấn Mỹ và các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Mục tiêu của chiến lược này là bình định miền Nam, đàn áp phong trào cách mạng, nhưng đã thất bại do sự phản kháng quyết liệt của nhân dân miền Nam, điển hình là chiến thắng Ấp Bắc (1963).
Chọn D.
Câu 24 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Trong thời kỳ 1954 - 1975, nhân dân miền Nam Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Trong giai đoạn này, Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Mục tiêu là đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhân dân miền Nam đã kiên cường đấu tranh, từ phong trào Đồng Khởi (1959-1960) đến các cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã hoàn thành nhiệm vụ này.
Chọn C.
Phần II: Câu trắc nghiệm đúng sai
Câu 25 (TH):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.
Cách giải:
a) Sai, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam mà còn “cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”.
b) Đúng, Võ Nguyên Giáp miêu tả Cách mạng Tháng Tám là “một thắng lợi vĩ đại” và đã “giải phóng đất nước”, cuốn trôi chế độ thực dân phong kiến.
c) Đúng, Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh “với sự lãnh đạo của Đảng”, điều này khẳng định vai trò quan trọng của Đảng trong chiến thắng của cuộc cách mạng.
d) Đúng, Võ Nguyên Giáp dùng hình ảnh "làn sóng dữ dội" để chỉ sự mạnh mẽ, quyết liệt của toàn dân khi đứng lên giải phóng đất nước, đồng thời thể hiện sức mạnh đoàn kết và quyết tâm của nhân dân Việt Nam.
Câu 26 (TH):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.
Cách giải:
a) Sai , chiến thắng Điện Biên Phủ không phải là một sự kiện tình cờ hay may mắn mà là kết quả của một chiến lược quân sự đúng đắn. Điều này chứng tỏ rằng chiến thắng này được xây dựng trên nền tảng chiến lược có chủ đích và tính toán kỹ lưỡng.
b) Đúng, chiến thắng này là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố: chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, cho thấy sự phối hợp đa dạng của các hình thức chiến đấu.
c) Sai, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này cho thấy tác động của chiến thắng đối với cả tình hình trong nước và uy tín quốc tế của Việt Nam.
d) Đúng, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của một chiến lược quân sự đúng đắn được xây dựng trên tinh thần đoàn kết toàn dân và lòng yêu nước sâu sắc. Điều này cho thấy chiến thắng không chỉ dựa vào yếu tố quân sự mà còn là sự kết hợp của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Câu 27 (VD):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.
Cách giải:
a) Đúng, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, "không ai nghĩ rằng chúng ta có thể chiến thắng," cho thấy sự hoài nghi ban đầu về khả năng thắng lợi.
b) Sai, tư liệu nhấn mạnh vai trò của sức mạnh đoàn kết toàn dân, tinh thần yêu nước, và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cũng như sự trưởng thành của quân đội. Như vậy, chiến thắng không chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố quan trọng.
c) Đúng, “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng” là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng. Điều này nhấn mạnh vai trò chỉ đạo chiến lược, chính trị và quân sự của Đảng trong cuộc kháng chiến.
d) Sai, tư liệu cho thấy chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho sự trưởng thành của quân đội, nhưng sự trưởng thành này không thể tách rời khỏi “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”. Yếu tố lãnh đạo đóng vai trò trung tâm trong việc định hướng và phát huy sức mạnh quân đội.
Câu 28 (VD):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.
Cách giải:
a) Đúng, đoạn tư liệu rõ ràng nói rằng vào ngày 15-08-1945, Nhật Bản đã tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Thế chiến II.
b) Sai, đoạn tư liệu nói rằng sau khi Nhật đầu hàng, quân Nhật ở Đông Dương trở nên "rệu rã," nghĩa là quân đội Nhật không còn giữ được sự ổn định và kiểm soát, điều này tạo ra một tình thế thuận lợi cho cách mạng.
c) Sai, đoạn tư liệu cho biết Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim "hoang mang" sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, điều này cho thấy Chính phủ này không chuẩn bị sẵn sàng mà phản ứng lúng túng trước tình hình thay đổi.
d) Sai, mặc dù điều kiện khách quan đã tạo ra thời cơ thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ dựa vào tình thế này mà còn là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự tham gia quyết liệt của nhân dân.
Các bài khác cùng chuyên mục