Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 2>
Chủ đề: TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC
Đề thi
Chủ đề: TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC
I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5.0 điểm)
BÀI CA ĐÊM VƯỢT LỘ
(Anh Ngọc)
Ngồi lại đây trước lúc vượt qua đường Trong ánh chiều một ngày hè sắp tắt Đừng sốt ruột vì đường còn bóng giặc Cứ yên lòng đêm nay ta sẽ qua
Hãy nghe chiều nhẹ xuống trong lòng ta Với xao xác bầy chim bay về tổ Trong đáy mắt những người chờ vượt lộ Ngôi sao chiều đã mọc phía quê hương
Ngồi lại đây trên cỏ ướt hơi sương Giọt nắng cuối cùng lung linh hình nốt nhạc Nhìn môi bạn gọi thầm lên tiếng hát Một giọng trầm giao cảm dọc hành quân |
Đêm râm ran tiếng bọn địch rất gần Vòng tay mở ôm choàng vai bè bạn Giọt mồ hôi cứ se dần thanh thản Đêm dịu dàng nếp trán tỏa bình yên
Ngồi lại đây trong nỗi nhớ niềm quên Bao giấc mơ của một thời đánh giặc Chỉ còn lại một giấc mơ duy nhất Những bàn chân bật dậy vượt qua đường. |
(Anh Ngọc, Gửi lại thời gian, NXB Văn học, 2008)
Câu 1 (3.0 điểm)
a. Xác định thể thơ của tác phẩm.
b. Xác định nhân vật trữ tình và cảm xúc chủ đạo của bài thơ
c. Khổ thơ thứ nhất cho độc giả biết điều gì về nhân vật trữ tình? Cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào?
d. Xác định chủ đề và bức thông điệp của bài thơ. Và cho biết bài thơ đã khơi gợi trong em tình cảm gì về người lính, quê hương đất nước?
Câu 2 (2.0 điểm): Viết đoạn nghị luận (khoảng 200 chữ) về vẻ đẹp tâm hồn người lính trong khổ thơ sau:
Ngồi lại đây trong nỗi nhớ niềm quên
Bao giấc mơ của một thời đánh giặc
Chỉ còn lại một giấc mơ duy nhất
Những bàn chân bật dậy vượt qua đường
II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5.0 điểm)
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Chính vì thế, khi chúng ta “đánh mất” những giá trị văn hóa truyền thống, đánh mất bản sắc của mình, thì chúng ta sẽ trở thành một “bản sao mờ” của văn hóa dân tộc khác”
(Vì sao Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định “Văn hoá còn thì dân tộc còn”, vov.vn)
Câu 1 (1.0 điểm): Em hiểu thế nào về câu nói: “Văn hoá còn thì dân tộc còn”?
Câu 2 (4.0 điểm):
Có ý kiến cho rằng: “Bảo tồn và phát huy văn hoá chính là cách để giữ gìn sự trường tồn của dân tộc”.
Bằng một bài văn nghị luận, em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên và trình bày những giải pháp để giữ gìn sự trường tồn của dân tộc.
Đáp án
Phần I.
Câu 1.
a.
Xác định thể thơ của tác phẩm. |
Phương pháp:
Dựa vào đặc trưng thể loại
Lời giải chi tiết:
Thể thơ 8 chữ
b.
Xác định nhân vật trữ tình và cảm xúc chủ đạo của bài thơ |
Phương pháp:
Đọc kĩ bài thơ, xác định nhân vật trữ tình và cảm xúc chủ đạo
Lời giải chi tiết:
- Nhân vật trữ tình: người lính phục kích giặc trong đêm.
- Cảm xúc chủ đạo: bình yên, đạt dào cảm xúc khi ngắm nhìn quê hương và tin vào ngày mai.
c.
Khổ thơ thứ nhất cho độc giả biết điều gì về nhân vật trữ tình? Cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào? |
Phương pháp:
Đọc kĩ khổ 1, chú ý các từ ngữ miêu tả nhân vật trữ tình
Lời giải chi tiết:
- Nhân vật trữ tình hiện lên rõ nét:
+ Bên vệ đường trong một chiều hè, cuối ngày.
+ Nhiệm vụ: Chờ vượt đường.
- Cảm xúc: Nóng lòng để thực hiện nhiệm vụ.
Đừng sốt ruột vì đường còn bóng giặc.
Cứ yên lòng đêm nay ta sẽ qua.
=> Tự nhủ lòng mình: kiên nhẫn chờ đợi, đêm nay sẽ hoàn thành nhiệm vụ
=> Cảm xúc của nhân vật trữ tình được bộc lộ trực tiếp qua từ ngữ giản dị.
d.
Xác định chủ đề và bức thông điệp của bài thơ. Và cho biết bài thơ đã khơi gợi trong em tình cảm gì về người lính, quê hương đất nước? |
Phương pháp:
Từ nội dung xác định chủ đề và thông điệp phù hợp
Lời giải chi tiết:
- Chủ đề: tình yêu quê hương đất nước, vẻ đẹp tâm hồn người lính.
- Bức thông điệp:
+ Cảm nhận vẻ đẹp của quê hương đất nước, nghĩ về bạn bè, quế hương luôn khiến lòng mình thanh thần.
+ Tình yêu quê hương, con người, đất nước sẽ là động lực để người lính chiến đấu, vượt qua muôn ngàn thử thách.
- Bài thơ khơi gợi tình yêu quê hương, biết ơn những người lính
Câu 2.
Viết đoạn nghị luận (khoảng 200 chữ) về vẻ đẹp tâm hồn người lính trong khổ thơ sau: Ngồi lại đây trong nỗi nhớ niềm quên Bao giấc mơ của một thời đánh giặc Chỉ còn lại một giấc mơ duy nhất Những bàn chân bật dậy vượt qua đường |
Phương pháp:
Vận dụng đặc trưng thể thơ tám chữ để phân tích
Vận dụng kĩ năng lập luận, phân tích
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
Những xao động, xúc cảm đẹp trong tâm hồn người lính:
- Nhớ về bao ước mơ, khao khát của tuổi trẻ.
- Ước mơ mãnh liệt nhất là tình yêu đất nước sẽ tạo nên sức mạnh để người lính chiến đấu (nghệ thuật hoán dụ, động từ thể hiện sức mạnh, sức trẻ quật cường...)
Bài tham khảo:
Đoạn thơ trên gợi lên trong em một cảm giác bâng khuâng, trăn trở về những ký ức của thời gian đã qua. “Ngồi lại đây trong nỗi nhớ niềm quên” như một lời nhắc nhở về quá khứ đầy thử thách và gian khổ, khi mà những người lính đã phải trải qua vô vàn khó khăn để bảo vệ Tổ quốc. Những "giấc mơ của một thời đánh giặc" là những khát vọng, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ, của những người con đất Việt trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, giữa bao ký ức ấy, chỉ còn lại "một giấc mơ duy nhất" – một ước vọng giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng: khát khao hòa bình, ước mơ về một tương lai tươi sáng, không còn chiến tranh. Câu thơ "Những bàn chân bật dậy vượt qua đường" là hình ảnh tượng trưng cho sự mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên, không khuất phục trước mọi khó khăn. Đoạn thơ thể hiện sự kiên cường, nghị lực phi thường của những con người đã sống hết mình vì lý tưởng, vì độc lập tự do của dân tộc.
Phần II.
Câu 1.
Em hiểu thế nào về câu nói: “Văn hoá còn thì dân tộc còn”? |
Phương pháp:
Nêu suy nghĩ của em và lí giải phù hợp
Lời giải chi tiết:
Câu nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn” khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Văn hóa là những giá trị tinh thần, phong tục, tập quán, truyền thống và lối sống đặc trưng của mỗi quốc gia. Nếu một dân tộc đánh mất bản sắc văn hóa, họ sẽ dần bị hòa tan vào các nền văn hóa khác và mất đi sự độc lập về tinh thần. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy văn hóa chính là bảo vệ cốt lõi của dân tộc.
Câu 2.
Có ý kiến cho rằng: “Bảo tồn và phát huy văn hoá chính là cách để giữ gìn sự trường tồn của dân tộc”. Bằng một bài văn nghị luận, em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên và trình bày những giải pháp để giữ gìn sự trường tồn của dân tộc. |
Phương pháp:
Vận dụng vốn hiểu biết, kiến thức về vấn đề để bàn luận
Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài…
Lời giải chi tiết:
I. Mở bài
- Giới thiệu ý kiến: “Bảo tồn và phát huy văn hóa chính là cách để giữ gìn sự trường tồn của dân tộc.”
- Khẳng định tính đúng đắn của nhận định và tầm quan trọng của vấn đề trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
II. Thân bài
1. Giải thích vấn đề
- Bảo tồn văn hóa: Giữ gìn những giá trị truyền thống như phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, tín ngưỡng.
- Phát huy văn hóa: Làm mới, quảng bá và phát triển văn hóa trong thời đại mới để phù hợp với xu thế toàn cầu nhưng vẫn giữ bản sắc riêng.
- Sự trường tồn của dân tộc: Một dân tộc chỉ thực sự tồn tại khi vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình, không bị hòa tan hay mai một.
2. Vai trò của văn hóa đối với sự trường tồn của dân tộc
- Xác định bản sắc riêng: Văn hóa giúp phân biệt một dân tộc với các dân tộc khác, tạo nên niềm tự hào dân tộc.
- Gắn kết cộng đồng: Các giá trị văn hóa truyền thống là sợi dây liên kết con người trong một quốc gia, tạo nên tinh thần đoàn kết.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội: Du lịch văn hóa, nghệ thuật truyền thống có thể trở thành động lực phát triển kinh tế.
- Giữ vững chủ quyền dân tộc: Khi văn hóa mạnh mẽ, dân tộc không bị đồng hóa, luôn giữ được độc lập về tinh thần và ý thức hệ.
3. Thực trạng bảo tồn và phát huy văn hóa hiện nay
- Tích cực: Nhiều phong trào gìn giữ văn hóa được đẩy mạnh, các di sản được công nhận và bảo tồn, nghệ thuật truyền thống được phục hồi.
- Tiêu cực: Văn hóa truyền thống đang bị mai một, giới trẻ ít quan tâm đến lịch sử, chạy theo văn hóa ngoại lai, nhiều giá trị bị biến tướng.
4. Giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc
- Nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ thông qua giáo dục và truyền thông.
- Bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, phục hồi các lễ hội truyền thống, giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc.
- Kết hợp văn hóa truyền thống với hiện đại, ứng dụng công nghệ để quảng bá giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.
- Chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai tiêu cực, chọn lọc những giá trị phù hợp thay vì tiếp thu một cách thụ động.
- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: bảo vệ tiếng nói và chữ viết
…
III. Kết bài
- Khẳng định lại quan điểm: Văn hóa chính là nền tảng của dân tộc, bảo tồn và phát huy văn hóa là trách nhiệm của mỗi công dân.
- Kêu gọi ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để đưa văn hóa Việt Nam phát triển bền vững.


Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 5
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 6
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 4
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 5
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 4
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 5
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 6
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 4
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 5
- Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 4