Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2025 - Đề số 8


Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TÊN

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TÊN

Cha cứ lần từng bước mà đi

Chiếc gậy chống những tháng ngày khó nhọc

Không khác được, không thể nào khác được

Cha cứ lần từng bước mà đi

 

Con đỡ cha qua mấy bậc thềm hè

Mà vất vả như chuyến bè vượt thác

Chiếc gậy tre dỗ xuống hè khô khốc

Cha cười rung khi tới được bên giường

 

Tiếng bầy chím ríu rít bên vườn

Gà nhảy ổ, tiếng trâu ngoài ngõ xóm

Ban mai dậy, cha ngồi âm thầm lắm

Khát khao nghe tiếng người gọi ra đồng

Cứ mỗi lần con trở về thăm

Tấm quà nghèo không có gì hơn được

Con kể cha nghe những vùng đất nước

Con sông xanh và dãy núi dài

 

Những điều may con gặp trên đời

Có an ủi cha ngày buồn lặng lẽ

Cha nói ngô nghê lắm lời như trẻ

Lòng con bơ vơ nhìn tóc vãn trên đầu

Nửa người chết, nửa người cha sống mệt

Khi cha ngủ con ngồi canh thức

Vầng mắt già khép mở đến thơ ngây

 

Lòng con đau, luôn áo ước điều này

Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ

Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ

Một lần thôi… Như mọi ông già.

(Tập thơ Nguyệt cầm trong bão, Nguyễn Huy Dung, NXB Hội Nhà văn)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định thể thơ của bài thơ Bài thơ chưa đề tên.

Câu 2 (0.5 điểm): Xác định đề tài của bài thơ Bài thơ chưa đề tên.

Câu 3 (1.0 điểm): Người cha trong bài thơ được miêu tả như thế nào?

Câu 4 (1.0 điểm): Người con đã làm những điều gì, dành tình cảm như thế nào với cha của mình?

Câu 5 (1.0 điểm): Xác định cảm hứng chủ đạo, bức thông điệp của bài thơ.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về vẻ đẹp của khổ thơ sau:

Lòng con đau, luôn áo ước điều này

Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ

Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ

Một lần thôi… Như mọi ông già.

(Tập thơ Nguyệt cầm trong bão, Nguyễn Huy Dung, NXB Hội Nhà văn)

Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau:

“Những người biết cách tạo ra giá trị nhất là những người cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà họ thích nhất”

(38 lá thư Rockefeller gửi cho con trai, NXB Hồng Đức, 2023)

Đáp án

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Thể thơ: tự do

Câu 2.

Phương pháp:

Từ nội dung chính rút ra đề tài

Lời giải chi tiết:

Đề tài: tình cảm gia đình/ tình cảm cha con

Câu 3.

Phương pháp:

Đọc kĩ bài thơ, xác định các từ ngữ miêu tả hình ảnh người cha

Lời giải chi tiết:

Người cha trong bài thơ được miêu tả:

- Cha cứ lần từng bước mà đi; Chiếc gậy chống những tháng ngày khó nhọc; Nửa người chết, nửa người cha sống mệt => Người gắn liền với chiếc gậy với những bước đi khó nhọc

- Ban mai dậy, cha ngồi âm thầm/ Khát khao nghe tiếng người gọi ra đồng; Cha nói ngô nghê lắm lời như trẻ => Sức khoẻ của cha đã giảm sút nhiều, khi lặng lẽ, khi nói lời của con trẻ nhưng khát vọng và tình yêu cuộc sống vẫn tha thiết.

Câu 4.

Phương pháp:

Xác định các từ ngữ chỉ hành động của người con trong bài thơ

Lời giải chi tiết:

- Hành động của người con: đỡ cha qua mấy bậc thềm hè; kể cha nghe những vùng đất nước; an ủi cha ngày buồn lặng lẽ; Khi cha ngủ con ngồi canh thức => người con yêu thương cha hết mực

- Tình cảm của người con: khóc vì đau; Lòng con bơ vơ nhìn tóc vãn trên đầu; lòng con đau => đau xót vì cha đã già

Câu 5.

Phương pháp:

Từ nội dung chính rút ra cảm hứng chủ đạo, thông điệp phù hợp

Lời giải chi tiết:

- Cảm hứng chủ đạo: Trân trọng tình yêu của người con dành cho cha.

- Thông điệp:

+ Nhận thức rõ về quy luật cuộc đời: con lớn cha mẹ sẽ già và sẽ chia xa chúng ta.

+ Con thấu hiểu tình cảm, mong muốn của cha mẹ ở tuổi “xế chiều”

+ Các con hãy luôn ở bên chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần cho cha mẹ

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Phương pháp:

Đọc kĩ nội dung khổ thơ

Xác định các từ ngữ, biện pháp nghệ thuật đặc sắc

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn

Giới thiệu ngắn gọn và khái quát nội dung chính của đoạn thơ

2. Thân đoạn

- Niềm mong ước người cha khoẻ mạnh, bình thường như bao người già khác,

- Đau xót trước tình cảnh của cha hiện tại, nuối tiếc kí ức quá khứ về cha.

- Đặc sắc nghệ thuật:

+ Tương phản: con đau – cha bước vui

+ Điệp từ “một”

+ Yếu tố tự sự: cha bước vui chân ra vườn … rồi quay vào… uống

+ Dấu ba chấm: dồn nén cảm xúc, về mơ ước không thể thành hiện thực về cha – được giống như mọi ông già

3. Kết đoạn

Tổng kết lại đoạn thơ

Câu 2.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức của em về vấn đề và bàn luận

Lời giải chi tiết:

1. Mở bài

- Nêu vấn đề nghị luận: Cách tạo ra giá trị đối với mỗi người

- Tầm quan trọng của vấn đề

2. Thân bài

a. Giải thích

- “Tạo ra giá trị”: là quá trình mỗi người tạo nên những đóng góp thiết thực, có ích cho bản thân và cộng đồng, cả về vật chất lẫn tinh thần.

- “Cống hiến hết mình”: là sự nỗ lực không ngừng, làm việc với tất cả đam mê, tâm huyết và trách nhiệm.

- “Lĩnh vực mà họ thích nhất”: chính là nơi mỗi người tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi và động lực mạnh mẽ để theo đuổi lâu dài. → Ý kiến khẳng định: Khi con người được sống và làm việc đúng với đam mê, họ sẽ phát huy tối đa năng lực, từ đó tạo ra những giá trị lớn lao, bền vững.

b. Biểu hiện và ý nghĩa của vấn đề

- Khi làm việc bằng đam mê, con người dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách vì họ có động lực nội tại mạnh mẽ.

- Sự cống hiến hết mình giúp người đó không ngừng học hỏi, sáng tạo và cải tiến – những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị vượt trội.

- Giá trị cá nhân tạo ra không chỉ dừng lại ở thành quả cụ thể mà còn truyền cảm hứng, ảnh hưởng tích cực đến người khác.

- Xã hội cũng phát triển hơn khi mỗi người đều được làm đúng việc mình yêu thích và nỗ lực hết mình trong lĩnh vực đó.

- Dẫn chứng: HS lấy dẫn chứng cụ thể

c. Phản đề

- Không phải ai cũng có cơ hội làm đúng lĩnh vực mình yêu thích, nhưng nếu có thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm, họ vẫn có thể tạo ra giá trị.

- Ngược lại, nếu chỉ làm việc vì lợi ích cá nhân, không đam mê, không cống hiến thì khó có thể phát triển lâu dài hay để lại dấu ấn.

3. Kết bài

- Khẳng định vấn đề

- Nhận thức về vấn đề


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí