Đề ôn tập học kì 2 Văn 8 - Đề số 12

Tải về

Đề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2 - Đề thi cuối năm) – Ngữ văn 8 – Đề số 12 có đáp án và lời giải chi tiết

Đề bài

I. Phần Văn bản (3.0 điểm)

Câu 1 (1.00 điểm)

Chép nguyên văn phần phiên âm (hoặc dịch thơ) bài Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh          

Câu 2 (1.00 điểm)

Bài thơ Vọng nguyệt được viết theo thể thơ gì? Trích trong tập thơ nào? Tập thơ có bao nhiêu bài? Được viết trong thời gian nào?                     

Câu 3 (1.00 điểm)

Em hiểu thế nào về nội dung của bài thơ?                            

II. Phần Tiếng Việt (2.00 điểm)

          … “Cạnh chõng, nghi ngút một đám khói bay.

          Cái Tí lễ mễ bưng rổ khoai luộc ghếch chân vào cột, và dặn thằng Dần:

                   - Hãy còn nóng lắm đấy nhé! Em đừng mó vào mà bỏng thì khốn.

          Vừa nói, nó vừa tung tăng chạy đến rổ bát, lục lấy hai cái to và một đôi đũa, đem lại. Bới từ trôn rổ bới lên, nó gắp những mẩu khoai to xếp đầy hai bát. Bằng cái dáng bộ vui vẻ, nhẹ nhàng, nó đặt một bát lên chõng:

                   - Mời u xơi khoai đi ạ!

          Rồi nhanh nhảu, nó bưng một bát, bước qua tấm phản cập kênh ngửa cổ để lên bàn thờ, và quay xuống, nó bảo thằng Dần:

                   - Bát này chị để phần thầy đấy nhé! Chốc nữa thầy về thầy ăn. Đứa nào ăn “vèn” của thầy thì chị không cho đi chơi với chị” …

                                                                                                            (Ngô Tất Tố)

Câu 1 (1.00 điểm).

Xác định kiểu câu và hành động nói của các câu in đậm trong đoạn văn trên.

Câu 2 (1.00 điểm).

Nêu tác dụng của việc sắp xếp trật tự từ trong các câu sau:

          “Vừa nói, nó vừa tung tăng chạy đến rổ bát, lục lấy hai cái to và một đôi đũa, đem lại. Bới từ trôn rổ bới lên, nó gắp những mẩu khoai to xếp đầy hai bát.”

III. Tập làm văn (5.00 điểm)

Tình yêu và nỗi nhớ trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh.

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1

Chép nguyên văn phần phiên âm (hoặc dịch thơ) bài Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh

Phương pháp: căn cứ bài Vọng nguyệt

Cách giải:                                                                                            

- Chép đúng nguyên văn phần phiên âm hoặc dịch thơ.                  

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,

Đối thử lương tiêu nại nhược hà.

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,

Nguyệt tòng song kích khán thi gia.

Câu 2

Bài thơ Vọng nguyệt được viết theo thể thơ gì? Trích trong tập thơ nào? Tập thơ có bao nhiêu bài? Được viết trong thời gian nào?

Phương pháp: căn cứ bài Vọng nguyệt

Cách giải:      

- Bài thơ được viết theo thể thơ: tứ tuyệt. (thất ngôn tứ tuyệt Đường luật)

- Trích trong tập Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).

- Tập thơ gồm có: 133 bài (chữ Hán).

- Thời điểm sáng tác: Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 (Hồ Chí Minh từ Pác Bó sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Khi đến Túc Vinh bị chính quyền ở đây bắt giữ, bị giam hơn một năm qua hàng chục nhà lao. Bài thơ được sáng tác trong những tháng ngày bị giam cầm ở đây).

Câu 3

Em hiểu thế nào về nội dung của bài thơ?

Phương pháp: căn cứ bài Vọng nguyệt, phân tích

Cách giải:

Học sinh có thể trình bày ý kiến của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bảo đảm ý cơ bản sau:

       - Tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.

       - Phong thái ung dung, tinh thần thép của Bác Hồ trong hoàn cảnh ngục tù tối tăm.

Phần II

Câu 1

Xác định kiểu câu và hành động nói của các câu in đậm trong đoạn văn trên.

Phương pháp: căn cứ các kiểu câu đã học, căn cứ bài Hành động nói

Cách giải:

* Xác định kiểu câu:

- (1). Hãy còn nóng lắm đấy nhé! (câu cầu khiến)

- (2). Em đừng mó vào mà bỏng thì khốn. (câu cầu khiến)

- (3). Bằng cái dáng bộ vui vẻ, nhẹ nhàng, nó đặt một bát lên chõng: (câu trần thuật)

- (4). Mời u xơi khoai đi ạ! (câu cầu khiến)

* Xác định hành động nói:

- (1) Hãy còn nóng lắm đấy nhé! (trình bày)

- (2) Em đừng mó vào mà bỏng thì khốn. (nhắc nhở, đe dọa)

- (3) Bằng cái dáng bộ vui vẻ, nhẹ nhàng, nó đặt một bát lên chõng. (tả)

- (4) Mời u xơi khoai đi ạ! (yêu cầu)

Câu 2

Nêu tác dụng của việc sắp xếp trật tự từ trong các câu sau:

          “Vừa nói, nó vừa tung tăng chạy đến rổ bát, lục lấy hai cái to và một đôi đũa, đem lại. Bới từ trôn rổ bới lên, nó gắp những mẩu khoai to xếp đầy hai bát.”

Phương pháp: căn cứ bài Trật tự từ trong câu

Cách giải:

Tác dụng của việc sắp xếp trật tự từ trong các câu sau:

(1) Vừa nói, nó vừa tung tăng chạy đến rổ bát, lục lấy hai cái to và một đôi đũa, đem lại.

- Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của đối tượng: Giúp người đọc hình dung được sự nhanh nhẹn, hoạt bát của cái Tí.

(2) Bới từ trôn rổ bới lên, nó gắp những mẩu khoai to xếp đầy hai bát.

- Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của đối tượng: Giúp người đọc hình dung được công việc của cái Tí.

Phần III

Tình yêu và nỗi nhớ trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Yêu cầu chung:

     - Về kỹ năng: Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

     - Về nội dung: Phân tích bài thơ để thấy được tình yêu và nỗi nhớ của Tế Hanh qua bài thơ Quê hương.

2. Đáp án và biểu điểm: dàn bài (gợi ý):

a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình yêu và nỗi nhớ quê hương sâu nặng được Tế Hanh thể hiện trong bài thơ Quê hương…

b. Thân bài:

Luận điểm 1. Tình cảm yêu thương của tác giả dành cho quê hương của mình:

     - Phân tích hình ảnh thơ ở khổ một để thấy cách giới thiệu về làng chài, quê ông: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới…, Nước bao vây…, Khi trời trong…, Dân trai tráng bơi thuyền…

     - Phân tích hình ảnh thơ ở khổ hai để thấy được tình cảm sâu nặng của tác giả dành cho người dân làng chài lúc ra khơi: hình ảnh so sánh con thuyền, cánh buồm..., tác dụng phép tu từ nhân hóa: Rướn thân trắng…

     - Phân tích hình ảnh thơ ở khổ ba để thấy được tình cảm yêu thương được thể hiện lúc thuyền về bến: khắp dân làng tấp nập đón ghe về..., các phép tu từ ẩn dụ, nhân hóa để miêu tả dân chài lưới, miêu tả con thuyền lúc nằm im trên bến…

Luận điểm 2. Nỗi nhớ: Phân tích hình ảnh và từ ngữ trong khổ cuối bài thơ để thấy được nỗi nhớ quê hương khắc sâu trong tâm trí nhà thơ:

   + Những hình ảnh thơ: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, con thuyền ra khơi...

   + Cách thể hiện trực tiếp cảm xúc: Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

c. Kết bài:

     - Giọng điệu bài thơ nhẹ nhàng, tha thiết, sâu lắng.

     - Bài thơ là nơi gởi gắm tình quê sâu nặng của tác giả.

     - Rút ra bài học bản thân.


Bình chọn:
3.3 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3 bước: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.