Đề kiểm tra giữa học kì 2 - Lớp 12

Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 17 có lời giải chi tiết


Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 17 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Đất Nước

Của những dòng sông

Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn

Ngọt lịm những giọng hò xứ sở

Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa

Đất Nước

Của những người mẹ

Mặc áo thay vai

Hạt lúa củ khoai

Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu

Đất Nước

 

Của những người con gái con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt..

(Trích Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi! - Nam Hà, Trường Sơn - Đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.

Câu 2: Tác giả đã dùng những hình ảnh nào để nói về Đất Nước?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ dưới đây:

Đất Nước

Của những người con gái con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép.

Câu 4: Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với Đất Nước được thể hiện trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước?

Câu 2: Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích sau:

Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:

- U đã về ạ !

Ô hay, thế là thế nào nhỉ ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ:

- Kìa nhà tôi nó chào u.

Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:

- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là cái số cả...

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì ... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt ... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt.

Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được ... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con ... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được? Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”: - Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng ...

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXBGD 2018, trang 28,29)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.

Phương pháp:

Vận dụng những kiến thức đã học về phương thức biểu đạt.

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm/Phương thức biểu cảm.

Câu 2: Tác giả đã dùng những hình ảnh nào để nói về Đất Nước?

Phương pháp:

Đọc, tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Tác giả dùng những hình ảnh: dòng sông; những người mẹ; những người con gái, con trai để nói về Đất Nước.

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ dưới đây

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

- Biện pháp tu từ: So sánh/liệt kê.

- Tác dụng: Làm nổi bật vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam.

Câu 4: Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với Đất Nước được thể hiện trong đoạn trích.

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Qua đó thể hiện lòng yêu mến, niềm tự hào đối với đất nước.

PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)

Câu 1: Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước?

Phương pháp

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,...) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Lời giải chi tiết

* Nêu vấn đề nghị luận: Những việc tuổi trẻ cần phải làm để thể hiện lòng yêu nước.

* Phân tích, bàn luận:

- Tuổi trẻ cần ghi nhớ truyền thống hào hùng của dân tộc; ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.

- Tuổi trẻ cần ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

- Tuổi trẻ cần tham gia tích cực vào các hoạt động góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Tuổi trẻ cần có trách nhiệm đấu tranh chống lại những vấn đề tiêu cực trong xã hội.

* Bài học mở rộng.

Câu 2. Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích sau:

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

(*)Yêu cầu về hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

(*) Yêu cầu về nội dung:

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt.

- Nêu vấn đề nghị luận: Tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích.

b) Thân bài:

* Tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích.

- Dẫn dắt câu chuyện đến chỗ xuất hiện nhân vật bà cụ Tứ.

- Giới thiệu khái quát về bà cụ Tứ (Gia cảnh, ngoại hình).

- Bà cụ Tứ được Kim Lân đặt trong một tình huống éo le: anh Tràng (con trai bà) nhặt được vợ giữa nạn đói năm 1945.

- Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ:

+ Ngạc nhiên, sững sờ khi thấy người đàn bà lạ trong nhà.

+ Băn khoăn không hiểu khi thấy người đàn bà lạ chào mình bằng U.

+ Khi hiểu ra, bà cúi đầu nín lặng, hiểu ra biết bao cơ sự: Ai oán, xót thương, hờn tủi, lo lắng...

+ Xót xa, thương cảm, hàm ơn người đàn bà khốn khổ cùng đường đã chấp nhận làm người vợ nhặt.

+ Mừng vì con trai đã yên bề gia thất, chấp nhận người con dâu mà Tràng vừa nhặt về.

→ Bà cụ Tứ là hiện thân của người mẹ Việt Nam nghèo khổ với tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha, thấu hiểu lẽ đời.

- Nghệ thuật:

+ Tạo tình huống bất ngờ, éo le để nhân vật bộc lộ phẩm chất.

+ Kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.

+ Miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế, sâu sắc qua độc thoại và đối thoại

+ Ngôn ngữ giản dị, biểu cảm...

* Đánh giá:

- Bà cụ Tứ hiện ra chân thật, sinh động, hấp dẫn với những chi tiết miêu tả hình dáng, ngôn ngữ, hành động đặc biệt là diễn biến tâm trạng.

- Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân lên án, tố cáo thực dân phát xít đã đẩy con người vào tình cảnh khốn cùng. Đồng thời, nhà văn thể hiện thái độ cảm thông, yêu thương những con người lao động nghèo khổ; nâng niu, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ; khẳng định khát vọng sống và nghị lực của con người.

→ Giá trị hiện thực và tư tưởng nhân văn sâu sắc.

c. Kết bài:

Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay