Đề số 49 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

… Hồi tháng 4 năm ngoái, cuộc đối thoại toàn cầu “Tương lai công việc là tương lai mà chúng ta muốn” do tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), quy tụ các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, các lãnh đạo các quốc gia và các trường đại học để bàn về tương lai của thị trường lao động trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo bản báo cáo tóm tắt các kiến nghị diễn ra trong hai ngày của sự kiện, các nhà kinh tế cho rằng kĩ năng là chìa khóa quan trọng để đảm bảo người lao động không bị đứng bên lề thị trường việc làm trước sự thay đổi do cách mạng công nghệ tạo ra. Tiến bộ về công nghệ sẽ làm gián đoạn thị trường lao động và làm thay đổi tất cả các loại hình công việc hiện nay, cách thức mà công việc đó được vận hành. Do đó, kĩ năng người lao động cần có để thích ứng với nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ thay đổi theo. Điều này nhấn mạnh vai trò của các trường đào tạo và các nhà hoạch định chính sách.

Các trường đại học, trường đào tạo nghề cần phải theo kịp tốc độ thay đổi công nghệ, qua đó thay đổi lại chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho người lao động những kĩ năng mềm cần thiết như giao tiếp, sáng tạo, làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng quản trị doanh nghiệp… Đây là những kỹ năng mà máy móc khó lòng thay thế được và giúp người lao động dễ dàng chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác.

Ngoài ra, các trường cũng nên đào tạo cho sinh viên và người lao động các kỹ năng và tin học, số hóa, kỹ năng lập trình máy tính và khoa học máy tính cũng như khả năng tương tác với máy tính. Đây có thể là những kỹ năng phổ biến xuyên suốt hầu hết các công việc trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo nghề nên được thực hiện theo hướng cung cấp các kỹ năng rộng thay vì những kĩ năng hẹp chỉ phục vụ cho một vị trí công việc nhất định, những vị trí có thể thay đổi hoặc biến mất trong tương lai.

(Thùy Dung, Đào tạo kỹ năng để không bị mất việc bởi công nghiệp 4.0, Dẫn theo http://www.thesaigontimes.vn ngày 3/1/2018)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Theo tác giả, vì sao các trường đại học, trường đào tạo nghề cần thay đổi lại chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho người lao động những kĩ năng mềm?

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến “kỹ năng là chìa khóa quan trọng để đảm bảo người lao động không bị đứng bên lề thị trường việc làm trước sự thay đổi do cách mạng công nghệ tạo ra”?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “đào tạo nghề nên được thực hiện theo hướng cung cấp các kỹ năng rộng thay vì những kỹ năng hẹp chỉ phục vụ cho một vị trí công việc nhất định, những vị trí có thể thay đổi hoặc biến mất trong tương lai” không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng.

II.LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung của đoạn trích ở phần I.ĐỌC HIỂU hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ về một kĩ năng mà anh/chị cho rằng trường đại học hoặc trường đào tạo nghề nhất thiết phải đào tạo cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt trong truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân. Từ đó, liên hệ với nhân vật thị Nở trong truyện “Chí Phèo” của Nam Cao để nhận xét về tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn này.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

Các trường đại học cần thay đổi chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho người học kĩ năng mềm:

- Kỹ năng là chìa khóa quan trọng để đảm bảo người lao động không bị đứng bên lề thị trường việc làm trước sự thay đổi do cách mạng công nghệ tạo ra.

- Tiến bộ về công nghệ sẽ làm gián đoạn thị trường lao động và làm thay đổi tất cả các loại hình công việc hiện nay, cách thức mà công việc đó được vận hành.

- Do đó, kỹ năng người lao động cần có để thích ứng với nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ thay đổi theo.

→ Điều này nhấn mạnh vai trò của các trường đào tạo và các nhà hoạch định chính sách.

Câu 3:

“Kỹ năng là chìa khóa quan trọng để đảm bảo người lao động không bị đứng bên lề thị trường việc làm trước sự thay đổi do cách mạng công nghệ tạo ra” có thể hiểu là:

- Vai trò tầm quan trọng của kĩ năng trong thời điểm hiện tại đối với người lao động.

- Kĩ năng thành thạo là yếu tố đầu tiên để mỗi cá nhân có một công việc tốt, phù hợp với bản thân.

- Sự cần thiết của kĩ năng do cuộc cách mạng công nghệ tạo ra.

Câu 4:

- Nếu đồng ý với quan điểm đó có thể giải thích:

+ Mỗi cá nhân cần có những kĩ năng chung, kĩ năng tổng hợp để có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh.

+ Xã hội luôn biến đổi từng ngày, bởi vậy không chỉ đi chuyên sâu vào một kĩ năng nhất định, cần phải có sự đa dạng trong tất cả các kĩ năng để nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh xã hội thay đổi.

+ Có nhiều kĩ năng làm việc khác nhau, khi gặp một số vấn đề khó giải quyết, có thể kết hợp linh hoạt các kĩ năng để giải xử lí vấn đề nhanh hơn.

- Nếu không đồng ý với quan điểm đó có thể giải thích:

+ Cha ông ta vẫn thường nói “chăm hay không bằng tay quen” chỉ cần làm thành thạo, làm tốt trong một nghề còn hơn là làm nhiều nghề những không làm tốt được việc gì.

+ Sự vận dụng thành thục kĩ năng nào đó sẽ giải quyết công việc nhanh chóng hơn.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giải thích vấn đề

- Kỹ năng đó là gì? Kỹ năng là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.

- Khẳng định tầm quan trọng của kĩ năng đối với mỗi chúng ta.

Bàn luận vấn đề

- Vai trò của kĩ năng đối với người lao động

- Làm thế nào để sử dụng thành thục kĩ năng đó

- Dẫn chứng minh họa

- Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

Tổng kết vấn đề

Câu 2:

1. Giới thiệu tác, tác phẩm

- Kim Lân là cây bút xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam và nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân – mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc. Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.

- Vợ nhặt là một trong những sáng tác xuất sắc của ông. Có nhà nghiên cứu văn học đã xếp Vợ nhặt vào loại gần như “thần bút”.

- Truyện ngắn được xây dựng trên cái nền hiện thực của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) và được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

2. Phân tích

2.1 Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật “thị”

a. Giới thiệu chân dung, lai lịch:

* Lai lịch: không rõ ràng:

- Không tên tuổi.

- Không gia đình, quê hương.

- Không nghề nghiệp.

- Không tài sản

- Không quá khứ.

→ Trong nạn đói khủng khiếp, thân phận con người trở nên hết sức vô nghĩa.

* Chân dung:

- Ngoại hình:

+ Áo quần tả tơi như tổ đỉa

+ Gầy sọp

+ Mặt lưỡi cày xám xịt

+ Ngực gầy lép

+ Hai con mắt trũng hoáy

→ Ngoại hình thảm hại do cái đói tạo ra.

- Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động:

+ “Điêu! Người thế mà điêu!”, “Ăn thật nhá”, “Hà, ngon. Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”  đanh đá, chua ngoa, chao chát, chỏng lỏn.

“Ton ton chạy lại”, “liếc mắt cười tít”, “sầm sập chạy đến”, “xưng xỉa nói”, “cong cớn”, “cắm đầu ăn”, “ăn xong lấy đũa quẹt một cái”, bám lấy câu nói đùa của người ta để theo về làm vợ thật ⟶ vô duyên, táo bạo đến mức trơ trẽn.

b. Vẻ đẹp nhân vật:

* Khát vọng sống mãnh liệt:

- Khi nhìn dưới góc độ nhân bản thì tất cả hành động, cử chỉ trơ trẽn, vô duyên của thị lại là biểu hiện của khát vọng sống mãnh liệt.

* Vẻ đẹp nữ tính:

- Trên đường về nhà chồng:

+ Rón rén, e thẹn: “Thị cắp cái thúng con, cái đầu hơi cúi xuống; cái nón rách tả tơi nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”

+ Ngượng nghịu: “Chân nọ ríu vào chân kia”.

→ Bẽn lẽn, thẹn thùng như bất kì cô dâu mới nào.

- Khi về đến nhà chồng:

+ Thấy gia cảnh nhà chồng: “nén tiếng thở dài”

“Ngồi mớm ở mép giường”

- Khi gặp gỡ mẹ chồng:

+ Đứng dậy nghênh đón, lễ phép chào.

+ Ngượng nghịu cúi đầu, tay vân vê vạt áo.

+ Đứng im lắng nghe bà cụ Tứ dặn dò.

- Sáng hôm sau:

+ Dọn dẹp, vun vén nhà cửa.

+ Bưng bát cháo khoán điềm nhiên và vào miệng.

→ Hiền hậu đúng mực

* Niềm tin vào tương lai: Đưa đến thông tin mang tính chất như định hướng để mở ra lối thoát.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: chú trọng khắc họa cử chỉ, hành động, ngoại hình để người đọc nhận ra vẻ đẹp của thị.

2.2 Liên hệ với nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao

a. Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo

- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông xoay quanh đề tài về người trí thức nghèo và người nông dân.

- Chí Phèo là một trong số những sáng tác đặc sắc làm nên tên tuổi của ông và đưa ông lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

b. Giới thiệu khái quát nhân vật Thị Nở

* Chân dung, lai lịch:

-  Chân dung thảm hại: xấu ma chê quỷ hờn.

-  Dở hơi, “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”.

-  Nghèo.

-  Có dòng giống mả hủi.

→ Không có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân.

→ Bi đát, thảm hại, đáng thương, tội nghiệp.

* Vẻ đẹp tâm hồn:

- Biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc.

+ Trong đêm gặp gỡ ăn nằm với Chí Phèo, Chí Phèo bị cảm lạnh nôn mửa, Thị Nở chăm sóc ân cần cho Chí: dìu vào lều ⟶ đặt nằm lên chõng ⟶ nhặt nhạnh những manh chiếu rách đắp cho Chí Phèo cho khỏi lạnh rồi mới ra về.

+ Khi ra về vẫn nghĩ đến Chí Phèo, không ngủ được, thương ⟶ thức dậy ý thức trách nhiệm.

+ Sáng sớm hôm sau nấu một nồi cháo hành mang cho Chí Phèo ⟶ nhìn hắn toe toét cười, giục hắn ăn nóng….

→ Ân cần, tình tứ.

→ Thức tỉnh Chí Phèo.

- Biết khát khao hạnh phúc.

+ Sau khi ăn nằm với Chí Phèo, Thị Nở về nhà và lăn lộn không ngủ được, nghĩ đến những chuyện đã qua, nghĩ đến hai chữ “vợ chồng” và thức dậy cho mình bản năng, khát vọng hạnh phúc đã ấp ủ từ lâu.

+ Sẵn sàng vượt qua định kiến, đến ở với Chí Phèo suốt năm ngày.

+ Về hỏi ý kiến bà cô để hợp thức hóa mối quan hệ với Chí Phèo, để có hạnh phúc bình dị như bao con người bình thường khác.

2.3 Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn này

- Đều dành tấm lòng yêu thương, trân trọng những con người lao động bé nhỏ với những phẩm chất tốt đẹp.

- Thông cảm, đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của họ.

- Ủng hộ những ước mơ, khát khao về cuộc sống hạnh phúc.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.2 trên 6 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.