Đề thi học kì 2 Văn 8 - Kết nối tri thức

Đề cương ôn tập học kì 2 Văn 8 - Kết nối tri thức


Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Chân dung cuộc sống

- Cốt truyện đơn tuyến là kiểu cốt truyện chỉ có một mạch sự kiện. Trong cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện thường tương đối đơn giản, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một hoặc một vài nhân vật chính.

- Cốt truyện đa tuyến là kiểu cốt truyện tồn tại đồng thời ít nhất hai mạch sự kiện. Trong cốt truyện đa tuyến, hệ thống sự kiện thường phức tạp, chồng chéo, tái hiện nhiều bình luận của đời sống gắn với số phận các nhân vật chính của tác phẩm.

b. Tình yêu và ước vọng

- Thơ tự do

+ Thơ tự do là thể thơ không quy định số tiếng trong mỗi dòng thơ và số dòng trong mỗi khổ thơ.

+ Thơ tự do có thể có vẫn hoặc không vần. Khi có vần, cách gieo vần trong bài thơ tự do rất linh hoạt: vẫn chân hoặc vẫn lưng, vẫn liền hoặc vẫn cách. Nhịp điệu của thơ tự do được tạo nên bởi cách ngắt các và trong dòng thơ, số tiếng của từng dòng, cách bố trí thanh điệu hoặc vẫn ở các tiếng được nhấn mạnh trong dòng thơ.

+ Tính chất phóng khoáng về hình thức giúp thơ tự do có thể diễn tả sinh động cảm xúc của nhà thơ trước những biểu hiện mới mẻ, đa dạng, phong phú của cuộc sống.

- Mạch cảm xúc

+ Thơ trữ tình thể hiện cảm xúc của nhà thơ trước một đối tượng nào đó. Vì vậy, cảm xúc là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của thơ trữ tình. Cảm xúc vận động theo một trình tự và phát triển thành mạch. Mạch cảm xúc có nhiều cung bậc và sắc thái, chi phối các yếu tố nội dung và hình thức của một bài thơ trữ tình.

- Cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng chủ đạo của một tác phẩm văn học là tình cảm sâu sắc, mãnh liệt chi phối toàn bộ cách thể hiện đời sống, con người và sự lựa chọn hình thức nghệ thuật trong tác phẩm.

c. Nhà văn và trang viết

- Văn bản nghị luận văn học: là loại văn bản nghị luận trong đó người viết trình bày quan điểm, đánh giá của mình về một vấn đề thuộc lĩnh vực văn học (tác phẩm, tác giả, thể loại...). Văn bản nghị luận văn học cần có luận đề, luận điểm rõ ràng; lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục và được tổ chức một cách hợp lí.

- Luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản nghị luận văn học:

+ Luận đề trong văn bản nghị luận văn học là vấn đề chính (về tác phẩm, tác giả, thể loại,...) được bàn luận trong văn bản, thường thể hiện ở nhan đề, phần mở đầu hoặc được suy luận từ toàn bộ văn bản.

+ Luận điểm trong văn bản nghị luận văn học là những ý chính được triển khai nhằm cụ thể hoá luận để, dựa trên đặc điểm của đối tượng được bàn luận. Chẳng hạn, nếu đối tượng được bàn luận là một tác phẩm văn học thì hệ thống luận điểm có thể được triển khai dựa trên các đặc điểm nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.

+ Lí lẽ trong văn bản nghị luận văn học là những điều được nêu ra một cách có căn cứ, hợp lô-gic để làm rõ tính đúng đắn của luận điểm. Lí lẽ có thể đan xen yếu tố biểu cảm, nhưng cần chặt chẽ, khúc chiết, sắc bén, tránh dài dòng và cảm tính. Bằng chứng trong văn bản nghị luận văn học là những câu văn, đoạn văn, dòng thơ, chi tiết, hình ảnh,.... được dẫn từ tác phẩm văn học; hoặc những tài liệu, trích dẫn liên quan đến tác phẩm, tác giả, thể loại. được dùng để làm sáng tỗ luân điểm.

- Người đọc và cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học:

+ Tác giả là chủ thể sáng tạo văn bản văn học, còn người đọc là chủ thể tiếp nhận. Quá trình đọc, tưởng tượng và cảm nhận giá trị nghệ thuật và nội dung của văn bản văn học chính là quá trình tiếp nhận. Việc tiếp nhận không thể tách rời đặc điểm của văn bản (thể loại, đề tài, chủ đề, bố cục, biện pháp nghệ thuật, các yếu tố ngôn ngữ được sử dụng). Tuy nhiên, hoàn cảnh tiếp nhận tác phẩm, vốn sống, vốn hiểu biết, sự trải nghiệm của mỗi người đọc khác nhau, do đó cách hiểu, cảm nhận về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm sẽ có những nét riêng, không hoàn toàn đồng nhất. Mỗi người đọc có thể lựa chọn cách đọc, cảm nhận, hiểu tác phẩm dựa trên vốn sống, kinh nghiệm.... của mình, có khả năng phát hiện ra những giá trị, ý nghĩa mới của văn bản. Do đó, ý nghĩa, giá trị của tác phẩm với mỗi người đọc, mỗi thời đại có thể được sáng tạo mở rộng và trở nên phong phú hơn.

d. Hôm nay và ngày mai

- Mục đích của văn bản thông tin, mối quan hệ giữa thông tin khách quan và ý kiến chủ quan:

+ Văn bản thông tin có mục đích chính là cung cấp thông tin xác thực về một sự vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống tự nhiên và xã hội. Chính vì vậy, đối với loại văn bản này, tỉnh khách quan của cách đưa thông tin và bản thân thông tin là điều có tầm quan trọng đặc biệt.

+ Muốn đưa thông tin khách quan, người viết cần công phu tra cứu tài liệu, biết tiếp cận thực tế và ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận những gì mình thu nhận được với sự hỗ trợ của các phương tiện tác nghiệp chuyên dụng.

+ Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, bên cạnh việc cung cấp thông tin, tác giả văn bản còn cần thể hiện quan điểm đánh giá của mình về đối tượng được đề cập, xem như là một cách định hưởng giá trị. Tuy vậy, ý kiến chủ quan của tác giả phải được đặt độc lập với phần cung cấp thông tin khách quan, đảm bảo thông tin đưa đến cho người tiếp nhận không bị bóp méo, sai lạc.

- Văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên: Đây là loại văn bản phổ biến trên báo chí và các tài liệu khoa học, được thực hiện nhằm làm sáng tỏ bản chất, nguyên nhân xuất hiện và những tác động tích cực hoặc tiêu cực có thể có đối với đời sống con người của một hiện tượng tự nhiên nào đó. Trước khi giải thích hiện tượng bằng những căn cứ và lập luận khoa học, người thực hiện văn bản phải miêu tả được hiện tượng với những biểu hiện điển hình, có thể kèm theo những hình ảnh trực quan, kết quả của việc ghi nhận tại chỗ hoặc khai thác từ những nguồn tài liệu đáng tin cậy.

- Văn bản giới thiệu một bộ phim: Loại văn bản này thường hướng tới mục đích quảng bá các sản phẩm điện ảnh hay giúp khán giả có được những hiểu biết thường thức về điện ảnh. Tuỳ vào loại phim được phân chia theo các tiêu chí khác nhau (phim nhựa, phim truyền hình; phim tài liệu, phim truyện; phim hành động, phim dã sử, phim tâm lí xã hội, phim giả tưởng;...) mà người viết xác định điểm nhấn và chọn cách triển khai khác nhau. Tuy nhiên, văn bản giới thiệu nào cũng cần nêu được thông tin về nhà sản xuất, năm phát hành, các thành viên chủ chốt của đoàn làm phim, nội dung phim, những giá trị nổi bật của phim.... Văn bản giới thiệu có sự kết hợp linh hoạt giữa thông tin khách quan và đánh giá chủ quan, giữa phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (thường là ảnh chụp pa-nô quảng cáo hoặc một số cảnh phim đặc sắc), được trình bày hấp dẫn, có sức thu hút đối với người tiếp nhận.

e. Sách – người bạn đồng hành

- Đặc điểm của văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách: Văn bản giới thiệu một cuốn sách thuộc loại văn bản thông tin trình bày khách quan những đặc điểm chung của cuốn sách: nhan đề; tác giả; loại, thể loại văn bản; đề tài: chủ đề: bố cục; nội dung chính (tóm tắt). Đồng thời, loại văn bản này cũng nêu cách nhìn (quan điểm, thái độ) của tác giả cuốn sách về đời sống; những giá trị, đóng góp nổi bật hoặc điểm mới, thú vị của cuốn sách. Có thể nêu ngắn gọn quan điểm và đánh giá của người viết nhưng không cần bàn luận sâu, không yêu cầu mở rộng và triển khai các lí lẽ, bằng chứng như văn bản nghị luận. Với những cuốn sách đã phổ biến rộng rãi, có thể giới thiệu thông tin về nhà xuất bản, năm xuất bản.

- Vai trò của tưởng tượng trong sáng tạo và tiếp nhận văn học:

Trong quá trình sáng tạo, tác giả cần quan sát, tìm hiểu đời sống, con người, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá,... Không có vốn sống, tác giả không thể xây dựng được các hình tượng nghệ thuật sống động. Mỗi tác giả có cách quan sát, cảm nhận và lí giải riêng về đời sống. Đồng thời, nhà văn từ tái hiện hiện thực mà tưởng tượng, hư cấu nền hình tượng văn học. Tưởng tượng giúp tác giả có thể hình dung rõ rệt hơn về con người với những đặc điểm ngoại hình, hành động. nội tâm.... Tưởng tượng khiến tác giả có thể nhập thân vào đời sống để hiểu hơn những điều còn tiềm ẩn, chưa bộc lộ rõ ràng, dự đoán về diễn biến của sự việc, số phận nhân vật. Tưởng tượng là cách để tác giả hồi tưởng và tái hiện những điều đã chìm vào quá khứ, hiểu bản chất của những cảnh tượng chợt xuất hiện và nhìn thấy trước tương lai của những gì đang diễn ra... Tưởng tượng cũng là cách để tác giả kết nối những cuộc đời, những khoảng không gian, thời gian tưởng chừng rất xa nhau trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Hiện thực và tưởng tượng luôn gắn kết với nhau, hoà trộn vào nhau ở từng chi tiết, ở chuỗi sự việc, ở hình tượng nhân vật,... được biểu hiện trong tác phẩm. Do đó, khi tiếp nhận tác phẩm văn học, người đọc cũng cần huy động trí tưởng tượng để có thể cảm nhận, hình dung cụ thể, sống động về thế giới đời sống: không gian, thời gian, nhân vật, cảm xúc.... đã được tác giả sáng tạo nên. Tưởng tượng giúp cho người đọc đồng cảm với tác giả và hiểu các chi tiết, sự việc, nhân vật,... một cách sâu sắc hơn.

- Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản văn học

Trong cấu tạo của văn bản, nhan đề là thành phần được đặt ở vị trí đầu tiên để gọi tên, đánh dấu sự bắt đầu của một văn bản và thu hút sự chú ý của người đọc. Nhan đề của văn bản văn học cũng có những đặc điểm chung đó. Tuy nhiên, khác với nhan đề của văn bản nghị luận, văn bản thông tin (thường mang nghĩa tường minh, khái quát), nhan đề của văn bản văn học lại thường mang nghĩa hàm ẩn, gợi hình tượng. Trong một số trường hợp, nhan đề của văn bản văn học cũng có thể gợi ra đặc điểm loại hay thể loại văn bản, đề tài, chủ đề, nhân vật,...

2. Phần tiếng Việt

a. Trờ từ và thán từ

b. Thành phần biệt lập

c. Câu phân loại theo mục đích nói, câu phủ định và câu khẳng định

3. Phần Làm văn

a. Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)

b. Tập làm một bài thơ tự do

c. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do

d. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

e. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề của đời sống

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

*Đề bài

Văn bản Mắt sói

Câu 1: Nhân vật Sói Lam có tính cách như thế nào?

A. Gan dạ, dũng cảm

B. Yêu thương em

C. Thương mẹ

D. A và B đúng

Câu 2: Nội dung của câu chuyện là gì?

A. Phê phán bọn đi săn, gây tổn thất đến thiên nhiên

B. Ca ngợi tình yêu thương gia đình và lòng gan dạ dũng cảm

C. Thể hiện tình yêu với các loài động vật

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Lặng lẽ Sa Pa

Câu 3: Cốt truyện của Lặng lẽ Sa Pa là gì?

A. Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa

B. Cuộc nói chuyện thú vị giữa người lái xe lên Sa Pa với cô kĩ sư và ông họa sĩ già

C. Anh thanh niên làm công tác trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa tự kể về cuộc đời mình

D. Cuộc gặp gỡ giữa những người đang sống và làm việc trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa nhưng trước đó chưa biết về nhau

Câu 4: Tại sao tác giả lại đặt điểm nhìn vào nhân vật ông họa sĩ mà không phải là bác lái xe hay cô kĩ sư?

A. Ông làm nghệ thuật nên có đôi mắt nhìn người tinh tế hơn

B. Ông đã nhiều tuổi nên có vốn sống phong phú hơn

C. Ông đang khát khao tìm kiếm một bức họa để đời

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Bếp lửa

Câu 5: Trong bài thơ Bếp lửa, tuổi thơ người cháu bên bà được tái hiện như thế nào?

A. Một tuổi thơ nhiều niềm vui sướng, hạnh phúc

B. Một tuổi thơ trong chiến tranh biến động dữ dội

C. Một tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn nhưng ấp áp tình yêu thương của bà

D. Tất cả đáp án trên

Câu 6: Nhận định nói đúng nhất ý nghĩa hình ảnh bếp lửa và ngọn lửa?

A. Là một kỉ niệm làm ấm lòng người cháu khi giá rét

B. Tạo thành niềm tin thiêng liêng và kì diệu

C. Là chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua mọi khó khăn

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Đồng chí

Câu 7: Hình tượng người lính được tác giả khắc họa qua những phương diện nào?

A. Hoàn cảnh xuất thân

B. Điều kiện sống có nhiều thiếu thốn, gian lao

C. Tình cảm đồng đội có nhiều thắm thiết, sâu sắc

D. Tất cả đáp án trên

Câu 8: Cơ sở hình thành tình đồng chí là?

A. Từ những người chung nguồn gốc, xuất thân từ các miền quê

B. Những người có chung lý tưởng, chí hướng

C. Những người cùng sống trong cảnh nghèo khó

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Lá đỏ

Câu 9: Đâu là hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Lá đỏ?

A. Cuộc kháng chiến Điện Biên Phủ

B. Cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối

C. Hiệp định Paris được kí kết

D. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ

Câu 10: Cuộc gặp gỡ được nhắc đến trong bài giữa ai với ai?

A. Giữa người lính và một cô thanh niên xung phong

B. Giữa người lính và người vợ anh ấy

C. Giữa tình báo và cô thanh niên

D. Giữa người lính hành quân và hậu phương

Văn bản Những ngôi sao xa xôi

Câu 11: Đâu là nhận xét đúng nhất về hoàn cảnh sống và chiến đấu của các cô gái?

A. Hoàn cảnh sống thảnh thơi, an nhàn và nhiều niềm vui

B. Hoàn cảnh sống vô cùng nguy hiểm, luôn căng thẳng, cái chết luôn rình rập

C. Hoàn cảnh sống bế tắc và không tìm được lối ra

D. Hoàn cảnh sống hiểm nghèo, tuyệt vọng

Câu 12: Công việc của 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi là gì?

A. Đo khối lượng đất lấp vào hố bom

B. Đếm bom chưa nổ

C. Phá bom

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam

Câu 13: Văn bản Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam viết về nhà thơ nào?

A. Xuân Diệu

B. Nguyễn Khuyến

C. Tố Hữu

D. Nguyễn Đình Thi

Câu 14: Câu thơ “Mấy chùm nước giậu hoa năm ngoái” trong bài Thu vịnh gợi lên điều gì?

A. Vui tươi, phấn khởi

B. Bâng khuâng man mác

C. Tâm trạng buồn bã

D. Hào hứng, yêu đời

Văn bản Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa

Câu 15: Phê bình văn học từ xưa đến nay đều chơi trò đi tìm điều gì của văn học?

A. Nội dung của văn học

B. Ý nghĩa của văn bản

C. Lỗi chính tả

D. Lỗi ngữ pháp

Câu 16: Học văn là học những gì?

A. Năng lực cảm thụ văn học

B. Bồi dưỡng thị hiến văn, tiếp nhận kiến thức văn hóa văn

C. Rèn luyện năng lực năng lực biểu đạt, sáng tạo văn

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Miền châu thổ sông Cửu Long cần chuyển đổi từ sống chung sang chào đón lũ

Câu 17: Tác giả giải thích như thế nào về quá trình kiến tạo đồng bằng nói chung?

A. Vùng đồng bằng châu thổ được hình thành và phát triển qua dòng chảy từ thượng nguồn

B. Vùng đồng bằng châu thổ được hình thành và phát triển từ các trận lũ hàng năm

C. Vùng đồng bằng châu thổ được hình thành và phát triển từ các mạch nước, dòng suối, nhánh sông và tụ tập ra sông lớn

D. A và C đúng

Câu 18: Những điểm đặc biệt trong sự hình thành vùng châu thổ sông Cửu Long là gì?

A. Có tuổi địa chất trẻ

B. Nằm tận cùng của lưu vực sông rộng nhất Đông Nam Á

C. Chảy qua nhiều vùng địa chất khác nhau

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Choáng ngợp và đau đớn những cảnh báo từ loạt phim “Hành tinh của chúng ta”

Câu 19: Loạt phim Hành tinh của chúng ta đã đưa ra lời cảnh báo về điều gì?

A. Sự nóng lên của toàn cầu

B. Môi trường sống bị hủy diệt

C. Nhiều loài vật biến mất

D. Tất cả đáp án trên

Câu 20: Thông điệp mà loạt phim mang đến là gì?

A. Trồng cây gây rừng

B. Đừng xả rác ra biển

C. Hãy cứu lấy hành tinh của chúng ta trước khi quá muộn

D. Hãy bảo vệ những loài vật trước khi chúng biến mất

Văn bản Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn

Câu 21: Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn là văn bản được ra đời trong hoàn cảnh nào?

A. Khi Tổng thống Mĩ muốn mua đất của người da đỏ

B. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra

C. Khi nạn phân biệt chủng tộc diễn ra nghiêm trọng

D. Khi thế giới đang trong cuộc chiến tranh lạnh

Câu 22: Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn đã phê phán gay gắt những hành động và thái độ gì của người da trắng thời đó?

A. Tàn sát những người da đỏ

B. Hủy hoại nền văn hóa của người da đỏ

C. Thờ ơ, tàn nhẫn đối với thiên nhiên và môi trường sống

D. Xâm lược thuộc địa, các dân tộc khác

2. Phần tiếng Việt

a. Trờ từ và thán từ

Câu 1: Trợ từ là gì?

A. Là những từ dùng làm dấu hiệu biểu lộ cảm xúc, tình cảm, thái độ của người nói hoặc dùng để gọi đáp

B. Là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ trong câu, dùng để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó

C. Là những từ đọc giống nhau nhưng có ý nghĩa khác nhau

D. Là những từ đi sau động từ hoặc tính từ để bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ

Câu 2: Thán từ là gì?

A. Là những từ dùng để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến trong câu

B. Là những từ làm dấu hiệu biểu lộ cảm xúc, tình cảm, thái độ của người nói hoặc dùng để gọi đáp

C. Là những từ đọc giống nhau nhưng có ý nghĩa khác nhau

D. Là những từ dùng để nối các vế câu trong một câu ghép

Câu 3: Khi sử dụng thán từ gọi đáp, cần chú ý đến những điểm gì?

A. Đối tượng giao tiếp

B. Ngữ điệu

C. A và B đúng

D. A và B sai

b. Thành phần biệt lập

Câu 4: Thành phần biệt lập của câu là gì?

A. Bộ phận không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa sự việc của câu

B. Bộ phận đứng trước chủ ngữ, nêu sự việc được nói tới của câu

C. Bộ phận tách khỏi chủ ngữ và vị ngữ, chỉ thời gian, địa điểm…

D. Bộ phận chủ ngữ hoặc vị ngữ trong câu

Câu 5: Tác dụng của thành phần tình thái là gì?

A. Được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói tới trong câu

B. Thành phần tình thái không tham gia vào việc diễn đạt sự việc của câu là thành phần biệt lập

C. A và B đúng

D. A và B sai

Câu 6: Thành phần cảm thán được sử dụng làm gì?

A. Bộc lộ tâm lí của người nói

B. Bộc lộ suy nghĩ thầm lặng của con người

C. Bộc lộ quan điểm, thái độ đánh giá sự vật, hiện tượng của con người

D. Tất cả đáp án trên

Câu 7: Điền vào chỗ (…) để hoàn chỉnh câu sau:

“Thành phần … được dùng để bộc lộ tâm lí người nói (vui, buồn, mừng, giận…)”

A. Tình thái

B. Cảm thán

C. Gọi đáp

D. Phụ chú

Câu 8: Câu văn nào dưới đây không chứa thành phần cảm thán?

A. Chao ôi, bắt gặp con người như anh ta là một cơ hội hữu hạn cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là cả một chặng đường dài

B. Trời ơi, chỉ còn năm phút!

C. Có lẽ khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi

D. Ôi, độ ấy sao mà vui tới thế 

c. Câu phân loại theo mục đích nói, câu phủ định và câu khẳng định

Câu 9: Câu hỏi (nghi vấn) là kiểu câu gì?

A. Là kiểu câu dùng để ra mệnh lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo…

B. Là kiểu câu chủ yếu được dùng để hỏi

C. Là kiểu câu được dùng để bộc lộ cảm xúc của người nói hay người viết

D. Là kiểu câu cơ bản, phổ biến nhất trong giao tiếp, đảm nhiệm chức năng chính là kể, nhận định, thông báo, miêu tả… nhưng cũng có khi được dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ cảm xúc

Câu 10: Câu khiến (cầu khiến) là kiểu câu gì?

A. Là kiểu câu dùng để ra mệnh lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo…

B. Là kiểu câu chủ yếu được dùng để hỏi

C. Là kiểu câu được dùng để bộc lộ cảm xúc của người nói hay người viết

D. Là kiểu câu cơ bản, phổ biến nhất trong giao tiếp, đảm nhiệm chức năng chính là kể, nhận định, thông báo, miêu tả… nhưng cũng có khi được dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ cảm xúc

Câu 11: Câu cảm (cảm thán) là kiểu câu gì?

A. Là kiểu câu dùng để ra mệnh lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo…

B. Là kiểu câu chủ yếu được dùng để hỏi

C. Là kiểu câu được dùng để bộc lộ cảm xúc của người nói hay người viết

D. Là kiểu câu cơ bản, phổ biến nhất trong giao tiếp, đảm nhiệm chức năng chính là kể, nhận định, thông báo, miêu tả… nhưng cũng có khi được dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ cảm xúc

Câu 12: Câu kể (trần thuật) là kiểu câu gì?

A. Là kiểu câu dùng để ra mệnh lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo…

B. Là kiểu câu chủ yếu được dùng để hỏi

C. Là kiểu câu được dùng để bộc lộ cảm xúc của người nói hay người viết

D. Là kiểu câu cơ bản, phổ biến nhất trong giao tiếp, đảm nhiệm chức năng chính là kể, nhận định, thông báo, miêu tả… nhưng cũng có khi được dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ cảm xúc

Câu 13: Dòng nào nói đúng nhất dấu hiệu nhận biết của câu phủ định?

A. Là câu có những từ ngữ cảm thán như: biết bao, ôi, thay…

B. Là câu có sử dụng dấu chấm than khi viết

C. Là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chưa…

D. Là câu có ngữ điệu phủ định

Câu 14: Câu khẳng định là gì?

A. Là câu không có phương tiện thể hiện sự phủ định vốn thường được dùng để đánh dấu câu khẳng định.

B. Là câu xác nhận có sự tồn tại của một đối tượng hay của một diễn biến nào đó.

C. Là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có)…

D. A và B đúng

3. Phần Làm văn

a. Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)

Đề 1. Phân tích truyện Lặng lẽ Sa Pa

Đề 2. Phân tích truyện Những ngôi sao xa xôi

b. Tập làm một bài thơ tự do

Đề 1. Sáng tác một bài thơ tự do theo chủ đề yêu thích

Đề 2. Sáng tác một bài thơ tự do theo chủ đề mùa hè

c. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do

Đề 1. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Đồng chí

Đề 2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Bếp lửa

d. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

Đề 1. Thuyết minh về hiện tượng tự nhiên mà em thấy hứng thú

Đề 2. Thuyết minh về hiện tượng mưa

e. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề của đời sống

Đề 1. Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh.

Đề 2. Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

D

B

A

D

C

D

D

D

B

A

B

D

B

B

B

D

B

D

D

C

A

C

 

2. Phần tiếng Việt

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

B

B

C

A

C

A

B

C

B

A

C

D

C

D

 

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)

Đề 1. Phân tích truyện Lặng lẽ Sa Pa

I. Mở bài: giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

II. Thân bài: phân tích chi tiết tác phẩm

1. Cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa

- Nắng đốt cháy rừng cây, mạ bạc con đèo…

- Cây hoa tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng.

- Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.

=> Vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh -> Tác giả đã khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, thơ mộng, hữu tình. Miêu tả bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ trong sáng, mỗi chữ, mỗi câu như có đường nét, hình khối, sắc màu. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu mang âm hưởng một bài thơ về thiên nhiên đất nước.

- Có thể nói, vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa hoàn toàn tương xứng và hài hòa với vẻ đẹp của con người giàu chất mộng mơ, đầy ý nghĩa.

2. Nhân vật anh thanh niên

a) Hoàn cảnh sống và làm việc

- Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên khá đặc biệt:

+ Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo” => hoàn cảnh sống cô đơn, vắng vẻ, cô đơn đến mức “thèm người”.

+ Công việc: làm công tác khí tượng, kiêm vật lí địa cầu, đo nắng, đo gió, đo mưa, tính mây, đo chấn động mặt đất dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu => Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nghiệm cao.

+ Công việc không khó nhưng giản khổ: bốn lần trong một ngày đêm đều đặn, dù mưa, nắng, gió, bão,…

b)  Những phẩm chất tốt đẹp

- Lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm về công việc:

+ Anh thanh niên hiểu rằng công việc mình làm tuy nhỏ bé nhưng liên quan đến công việc chung của đất nước, của mọi người.

+ Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, không có ai giám sát, thúc giục anh vẫn luôn tự giác, tận tụy: suốt mấy năm ròng rã ghi và báo “ốp” đúng giờ, phải ghi và báo về nhà trong mưa tuyết lạnh cóng, gió lớn và đêm tối lúc 1h sáng, anh vẫn không ngần ngại.

+ Anh đã sống thật hạnh phúc khi được biết do kịp thời phát hiện đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên bầu trời Hàm Rồng.

+ Anh yêu công việc của mình, anh kể về nó một cách say sưa và tự hào.

+ Với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất” => anh đã thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù bao phủ.

- Biết sắp xếp một cuộc sống một cách khoa học

+ Anh chủ động, sắp xếp cho mình một cuộc sống ngăn nắp, đầy đủ, phong phú và thơ mộng: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách…

+ Trong cái cuộc sống lẻ loi của mình, ngoài công việc anh còn tìm thấy một niềm vui khác nữa – đó là đọc sách. Với anh, đọc sách không chỉ là nâng cao kiến thức mà còn để trò chuyện, để thanh lọc tâm hồn

- Sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách

+ Vì “thèm người” mà anh đã đẩy một khúc gỗ ra chắn giữa đường, buộc xe khách đi qua phải dừng lại => niềm khao khát được gặp gỡ, được trò chuyện với mọi người

+ Anh quan tâm đến người khác một cách thật lòng: gửi biếu vợ bác lái xe củ tâm thất vì hôm nọ “bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?”, đón tiếp ông họa sĩ và cô kĩ sư thật thân tình, nồng hậu

+ Lòng mến khách của anh đã khiến ông họa sĩ xúc động: “người con trai ấy đáng yêu thật!”.

+ Anh có cách sống đẹp và những suy nghĩ khiến chúng ta phải ngạc nhiên, khâm phục:  Bác lái xe đùa anh là “người cô độc nhất thế gian” nhưng anh lại thổ lộ với ông họa sĩ: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia.” Và anh tâm sự cùng cô kĩ sư: “Lúc nào tôi cũng có người trò chuyện nghĩa là có sách ấy mà”. Anh nhớ người nhưng không phải là nỗi nhớ phồn hoa đô thị bởi “người thì ai mà chả thèm, song mình sinh ra để làm gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?” => Từ đó ta thấy thực chất của nỗi khát khao là được hòa nhập, được sống vì mọi người. Anh đã lập được những kì tích trong công việc, trong cuộc sống khiến ông họa sĩ cảm phục và xúc động.

- Sự khiêm tốn, thành thật

+ Khi ông họa sĩ phác họa bức chân dung anh, anh đã khẩn khoản: “Không, xin bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu không xứng đáng đâu, để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng vẽ hơn” => Anh cảm thấy mình là người bình thường trong muôn vàn những người khác.

+ Dù còn trẻ tuổi nhưng anh đã thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa nơi mà mình được sinh ra và lớn lên; thấm thía sự hi sinh thầm lặng của những con người ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.

+ Có thể nói, qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện, nhân vật anh thanh niên được khắc họa giản dị, khiêm nhường, đẹp trong suy nghĩ, trong cách sống và trong tâm hồn. Đó là nét vẽ đơn sơ, chân dung một con người có tầm vóc nhỏ bé mà nét mặt rạng rỡ.

3. Các nhân vật khác

a) Nhân vật ông họa sĩ

- Tuy không dùng cách kể ở ngôi thứ nhất nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của chuyện. Từ đó, gửi gắm suy nghĩ về con người, về nghệ thuật.

- Ngay từ những phút ban đầu gặp gỡ anh thanh niên, bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã xúc động và bối rối.

- Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”. Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng.

b) Nhân vật cô kĩ sư

- Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, những điều anh nói, cả những chuyện anh kể đã khiến cô vô cùng bàng hoàng. Cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm, tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới những con người như anh và quan trọng hơn nữa là về con đường cô đã lựa chọn, cô đang đi tới. Đây là cái “bàng hoàng” đáng lẽ cô phải biết khi yêu, nó giúp cô đánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ và yên tâm hơn về quyết định của mình. Đó là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao, cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ cuộc sống, từ tâm hồn của người khác.

- Cùng với sự “bàng hoàng” ấy, là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên không phải chỉ vì bó hoa to mà anh tặng cô một cách hết sức vô tư mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.

c) Bác lái xe

- Có vai trò giới thiệu nhân vật chính với ông họa sĩ và cô kĩ sư. Chính điều này, đã tạo ra sự thu hút chú ý của người đọc. Qua cảm xúc, suy nghĩ và thái độ cảm mến của bác lái xe, cô kĩ sư, ông họa sĩ, hình ảnh anh thanh niên được hiện ra càng rõ nét và đẹp hơn. Chủ đề của tác phẩm mở rộng thêm và gợi ra nhiều ý nghĩa. Bức chân dung nhân vật chính như được soi rọi nhiều luồng ánh sáng khiến nó thêm rạng rỡ và ánh lên nhiều màu sắc.

d) Ông kĩ sư dưới vườn rau Sa Pa

- Kiên trì, bền bỉ, làm việc trong âm thầm lặng lẽ “ngày này sang ngày khác”. Ông ngồi im trong vườn su hào rình xem cách ong lấy phấn, thụ phận cho hoa su hào. Và tự ông đi thụ phấn cho từng cây su hào để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc ăn được to hơn, ngọt hơn. Ông kĩ sư làm cho anh thanh niên cảm thấy cuộc đời đẹp quá! Công việc thầm lặng ấy chỉ những con người nơi mảnh đất Sa Pa mói hiểu hết được ý nghĩa của nó.

e) Anh kĩ sư bản đồ sét

- Anh luôn ở trong tư thế sẵn sằng suốt ngày chờ sét “nửa đêm mưa gió,rét buốt,mặc, cứ nghe sét là choáng choàng chạy ra”. Anh đã hi sinh hạnh phúc cá nhân vì niềm đam mê công việc để khai thác “của chìm nông, của chìm sâu” dưới lòng đất làm giàu cho Tổ quốc.

III. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Đề 2. Phân tích truyện Những ngôi sao xa xôi

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Lê Minh Khuê: một tác giả thuộc thế hệ nhà văn thời kì kháng chiến chống Mĩ

- Giới thiệu về văn bản Những ngôi sao xa xôi: khắc họa thành công hình ảnh tiêu biểu của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh sống và chiến đấu

- Các cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm – nơi tập chung nhiều bom đạn và sự nguy hiểm ác liệt

- Họ uống nước suối đựng trong ca hoặc bi đông, tắm ở suối, dụng cụ giải trí duy nhất là một cây đài bán dẫn nhỏ để nghe nhạc và tin tức

- Công việc đặc biết nguy hiểm: chạy trên cao điểm cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm, sau mỗi trận bom phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, khi cần thì phải phá bom.

⇒ Hoàn cảnh sống vô cùng nguy hiểm, luôn căng thẳng, cái chết luôn rình rập đòi hỏi sự bình tĩnh, tự tin và dũng cảm.

2. Điểm chung của các cô gái

- Họ có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong:

- Họ có lí tưởng sống cao đẹp: họ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh hạnh phúc cá nhân để nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

- Kiên cường dũng cảm đối mặt với mưa bom bão đạn

+ Nơi các cô làm việc quả là một thử thách, không sợ hi sinh

+ Bị thương nhưng vẫn sẵn sàng bám trụ chia lửa cùng đồng đội

- Tinh thần trách nhiệm cao với công việc: Khối lượng công việc lớn nhưng các cô thường cố gắng hoàn thành tốt mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ

- Họ còn có tình đồng chí, đồng đội gắn bó đầy yêu thương

+ Khi Nho bị thương, chị Thao lo cho Nho, Phương Định rửa cho Nho bằng nước đun sôi, tiêm cho Nho, chăm sóc Nho như một cô y tá thành thạo

⇒ Chính tình đồng đội ấy giúp các cô động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ

3. Điểm riêng của mỗi người

- Nhân vật Nho

+ Nho là em út, tính trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ nhỏ nhắn, cứ mỗi lần đi trinh sát về lại đi tắm khiến Phương Định liên tưởng Nho như một que kem mát mẻ. Nhưng khi bị thương lại luôn là một cô gái rắn rỏi và bản lĩnh

- Nhân vật Thao

+ Chị Thao là chị cả nhưng lại thích làm duyên: Lông mày tỉa nhỏ như cái tăm, áo lót cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị rất chăm chép bài hát mặc dù không hát trôi chảy bài nào.

+ Trong công việc luôn dũng cảm quyết đoán nhưng lại rất sợ máu và sợ vắt

⇒ Trong cô có sự kết hợp giữa cái nhút nhát, mềm yếu và cái bản lĩnh quyết đoán đến vô cùng

- Nhân vật Phương Định

   + Định là một cô gái hồn nhiên, hay mơ mộng hay sống với kỉ niệm của thiếu nữ ở thành phố nơi cô sống

   + Phương Định còn rất dũng cảm trong một lần phá bom, cô bản lĩnh hơn khi nghĩ rằng có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình

   + Cô không sợ chết mà chỉ sợ đường không thông không hoàn thành nhiệm vụ

⇒ Các cô đều có những nét tính cách đẹp đẽ và đáng yêu, là những con người sinh động từ cuộc sống thực bước vào tác phẩm một cách tự nhiên

III. Kết bài

- Khẳng định lại những thành công về nội dung nghệ thuật:

+ Nghệ thuật: ngôi kể thứ nhất, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế

+Nội dung: Khẳng định sự kiên cường bất khuất cùng những phẩm chất vô cùng đáng yêu của ba cô gái nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam bấy giờ nói chung.

b. Tập làm một bài thơ tự do

Đề 1. Sáng tác một bài thơ tự do theo chủ đề yêu thích

Có thể tham khảo đoạn thơ sưu tầm sau:

Con còn bế trên tay

Con chưa biết con c

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay:

“Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò Cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng…”

Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ

“Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng…”

Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

Con chưa biết con cò con vạc

Đề 2. Sáng tác một bài thơ tự do theo chủ đề mùa hè

Tham khảo bài thơ sau:

Ve kêu đã tự khi nào

Mà ta cứ nghĩ mới vào đầu thu

Trường mới giờ đã thành xưa

Ngày nào mới đến giờ xa mất rồi

Bốn năm cứ nghĩ là dài

Cứ nghĩ học mãi học hoài chả xong

Bây giờ lại nhớ lại mong

Mái trường xưa cũ phượng hồng mùa thi.

c. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do

Đề 1. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Đồng chí

I. Mở đoạn: giới thiệu về tác giả Chính Hữu, bài thơ Đồng chí.

II. Thân đoạn: phân tích chi tiết tác phẩm và nêu cảm nhận về bài thơ

1. Cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính

a. Tình đồng chí của người lính bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân

b. Cùng chung mục đích, lí tưởng chiến đấu

c. Cùng chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn

2. Biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí

a. Tình đồng chí của người lính Cách mạng được biểu hiện qua sự thấu hiểu những tâm tư, nỗi lòng của nhau

b.  Là đồng chí của nhau, họ cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời quân ngũ

3. Biểu tượng của tình đồng chí

- Tình đồng đội trong bài “Đồng chí” được Chính Hữu thể hiện thật đẹp qua những câu thơ cuối bài

III. Kết đoạn: khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật qua đó nếu cảm nhận của em về tác phẩm.

Đề 2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Bếp lửa

I. Mở đoạn: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

- Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm đẹp và ước mơ tuổi trẻ.

- Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 khi tác giả là du học sinh Liên Xô.

- Chủ đề bài thơ gợi lại những kỉ niệm về người bà và tình bà cháu sâu sắc, thấm thía.

II. Thân đoạn:

1. Những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu

- Dòng hồi tưởng về bà bắt nguồn từ hình ảnh bếp lửa

- Kỉ niệm về tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn

- Tuổi thơ khó khăn gian khổ nhưng cháu được mà yêu thương, che chở:

2. Những suy ngẫm chiêm nghiệm về cuộc đời của bà cũng như hình tượng bếp lửa

- Từ những kỉ niệm, hình ảnh bếp lửa luôn gắn với hình ảnh người bà

- Sự tần tảo, hi sinh của bà thể hiện: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa” - sự chiêm nghiệm của cháu về cuộc đời bà

3. Nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi về người bà

- Lời tự bạch của đứa cháu khi trưởng thành, xa quê hương: người cháu vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình yêu thương vô bờ của bà.

- Kết thúc bài thơ tác giả tự vấn “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”: niềm tin dai dẳng, nỗi nhớ luôn thường trực trong lòng người cháu.

III. Kết đoạn:

- Tác giả rất thành công trong việc sáng tạo ra hình tượng mang ý nghĩa thực, mang ý nghĩa biểu tượng: bếp lửa.

- Kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự phù hợp với dòng hồi tưởng và tình cảm của cháu.

- Bài thơ chứa đựng triết lý, ý nghĩa thầm kín

d. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

Đề 1. Thuyết minh về hiện tượng tự nhiên mà em thấy hứng thú

Hiện tượng cây “mắc cỡ” cụp lá khi chạm vào

Rất nhiều người có tuổi thơ thú vị với loại cây mắc cỡ này, chỉ cần chạm nhẹ vào lá của nó, cây mắc cỡ sẽ lập tức thể hiện ngay sự “e lệ” của mình bằng cách khép những cánh lá lại. Phải chăng cây mắc cỡ có cảm xúc mắc cỡ thật khi bị trêu ghẹo? Dưới đây là cơ chế cụp lá của cây mắc cỡ.

Cây mắc cỡ hay còn gọi là cây trinh nữ

Cây mắc cỡ nhiều vùng còn gọi cây xấu hổ có tên khác nữa là cây trinh nữ. Hiện tượng lá cây mắc cỡ cụp lá lại không phải là chúng cảm giác được mà là nhờ vào “tác dụng phình ép” của lá

“Tác dụng phình ép” là gì

Trong phần gốc của cuống là có một tổ chức tế bào thành mỏng, phần đầu chứa đầy nước, gọi là bọng lá.

Khi bạn vừa chạm tay vào cây, chúng sẽ bị kích thích, lượng nước trong tế bào ở phần dưới phiến là lập tức chảy tràn lên trên và hai bên.

 

Việc này dẫn đến phần phía dưới phiến lá giống như quả bóng bị xì hết hơi, còn phía trên giống như như trái banh được thôi căng, cuống lá lúc này sẽ rũ xuống khép lại.

Khi một lá khép lại tác động lan truyền sinh ra điện và lập tức nó dẫn đến các lá khác, khiến các lá còn lại cũng lần lượt theo cơ chế trên mà khép theo.

Sau khi tác dụng kích thích này hết thì dưới phiến lá sẽ lại dần dần đầy nước, lá lại mở ra trở lại hình thái ban đầu.

Đặc tính sinh lý này của cây mắc cỡ là loại thích ứng đối với điều kiện tự nhiên, rất có lợi cho sinh trưởng của nó.

Ở miền Nam thường gặp phải những cơn mưa và gió mạnh. Chính điều kiện thời tiết đã tạo nên đặc tính cỏ lá của cây mắc cỡ nhằm bảo vệ các lá non.

Tác dụng chữa bệnh của cây mắc cỡ

Ngoài ra, có một đặc điểm mà rất ít người biết đến ở cây mắc cỡ là nó không chỉ dùng làm hàng rào mà còn có công dụng chữa bệnh hiệu quả.

Theo đông y, hầu hết các bộ phận của cây hoa mắc cỡ đều được dùng làm thuốc.

Trong đó cành và lá cây hoa mắc cỡ có vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh, hơi độc có tác dụng thanh can hỏa, an thần, tiêu tích, giải độc, thường dùng trong các bài thuốc dưỡng tâm, an thần, giải độc cho cơ thể.

Rễ cây mắc cỡ có vị chát, hơi đắng, tính ấm, có độc tố với tác dụng chỉ khái, hóa đàm, hoạt lạc, hòa vị, tiêu tích, xương khớp.

Thiên nhiên còn rất nhiều điều thú vị và cây mắc cỡ là một trong những minh chứng chống lại những suy nghĩ rằng thực vật thì không có sự sống và không có suy nghĩ. Càng nghiên cứu về thực vật học chúng ta sẽ càng ngỡ ngàng về các hoạt động sống của chúng như cơ chế bắt động vật của cây bắt ruồi, hoặc mới đây khoa học cũng chứng minh rằng giữa các cây có cơ chế liên lạc với nhau.

Đề 2. Thuyết minh về hiện tượng mưa

I. Mở bài

Giới thiệu về hiện tượng mưa và vai trò quan trọng của nó.

II. Thân

* Quá trình hình thành mưa:

+ Sự bay hơi: Nước từ các nguồn như sông, hồ, biển bay hơi lên không khí.

+ Tăng độ ẩm: Hơi nước bay hơi tăng độ ẩm của không khí.

+ Ngưng tụ: Khi không khí đạt đến mức bão hòa, hơi nước chuyển sang trạng thái lỏng, tạo thành giọt nước.

* Yếu tố ảnh hưởng đến mưa:

+ Nhiệt độ: Nhiệt độ cao/không gian ấm tạo điều kiện cho sự bay hơi và ngưng tụ.

+ Độ ẩm: Không khí ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành mây và mưa.

III. Kết bài

+ Tổng kết lại quá trình hình thành mưa và tầm quan trọng của nó.

+ Khuyến khích bảo vệ môi trường để duy trì hiện tượng mưa và sự cân bằng tự nhiên

e. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề của đời sống

Đề 1. Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————–

                                                              …, ngày… tháng… năm…

BẢN KIẾN NGHỊ

Về việc tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh

Kính gửi: Ban Giám hiệu trường………………………………………………

Em tên là:………………………………………Sinh ngày… tháng…năm………

Lớp:..........................................

Em viết bản kiến nghị này với lý do cụ thể như sau:

- Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh học tập nâng cao kiến thức

- Nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sin

- Nâng cao tinh thần đoàn kết và truyền thông nhà trường

- Rèn các kỹ năng cho học sinh

Bởi những mong muốn trên, chúng em xin kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh

Kính mong Ban Giám hiệu xem xét về những kiến nghị trên và tạo điện thuận lợi cho việc học tập của chúng em.

Em xin trân trọng cảm ơn!

Ký tên

 

(Ghi rõ họ tên)

Đề 2. Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…, ngày… tháng… năm…

ĐƠN KIẾN NGHỊ

Về việc: Tổ chức buổi đi xem phim liên quan đề tác phẩm văn học

Kính gửi: BGH Trường THCS Hai Bà Trưng

Em tên là: Đỗ Thu Hồng

Học sinh lớp: 8A1

Chức vụ: Lớp trưởng lớp 8A1

Trường: THCS Hai Bà Trưng

Em viết đơn này kính mong BGH giải quyết vấn đề: Tổ chức một buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học.

Nội dung sự việc: Tuần vừa qua, lớp chúng em học môn Ngữ Văn về tác phẩm Người mẹ vườn cau. Tác phẩm viết về một người mẹ Việt Nam anh hùng rất cảm động và sâu sắc.

Lí do viết đơn kiến nghị này: Cùng thời điểm đó, rạp chiếu phim có chiếu bộ phim tài liệu “Hai người mẹ” cũng kể về người mẹ Việt Nam anh hùng. Em nhận thấy nội dung phim có cùng chủ đề và nội dung gần với tác phẩm văn học đang học, có thể giúp chúng em củng cố thêm kiến thức và hiểu sâu được những nội dung mà tác phẩm truyền tải.

Yêu cầu cụ thể: Em thay mặt cả lớp viết đơn kiến nghị này mong muốn BGH xét duyệt ý nguyện tổ chức buổi đi xem phim cho cả lớp chúng em.

Em rất mong BGH sẽ xét duyệt đơn sớm. Em xin cam đoan những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật!

Em xin cảm ơn!

Ký tên

(Ghi rõ họ tên)


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí