Bài 3. Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn - SGK Đạo đức 4 Cánh diều>
Tham gia trò chơi Bịt mắt tìm đồ vật và trả lời câu hỏi. Em có cảm giác như thế nào khi không nhìn thấy mọi thứ xung quanh?
Khởi động
Trả lời câu hỏi trang 13 SGK Đạo đức 4– Cánh diều
Tham gia trò chơi Bịt mắt tìm đồ vật và trả lời câu hỏi.
Câu hỏi: Em có cảm giác như thế nào khi không nhìn thấy mọi thứ xung quanh?
Phương pháp giải:
Nêu cảm giác của bản thân khi không nhìn thấy mọi thứ xung quanh.
Lời giải chi tiết:
Em có cảm thấy rất tối tăm và khó chịu khi không nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Mọi hoạt động khi đó sẽ trở nên rất khó khăn.
Khám phá 1
Trả lời câu hỏi trang 14 SGK Đạo đức 4– Cánh diều
Quan sát tranh và trả lời câu hỏi
Câu hỏi:
a. Các bạn đã làm gì để cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn?
b. Em hãy kể thêm những biểu hiện khác của sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
Phương pháp giải:
- Quan sát các bức tranh và chỉ ra hành động của các bạn nhỏ đã làm để cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
- Kể thêm những biểu hiện khác của sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
Lời giải chi tiết:
a. Hành động của các bạn nhỏ đã làm để cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn:
(1) Giúp bà cụ đi qua đường
(2) Tặng quần áo cho bạn nhỏ khi mình không dùng tới.
(3) Xách cặp hộ bạn khi bạn bị đau chân.
(4) An ủi bạn khi bạn bị mẹ mắng.
b. Những biểu hiện khác của sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn:
- Quyên góp sách vở, quần áo cho những người bạn vùng thiên tai, lũ lụt.
- Thăm bạn khi bạn bị ốm.
- Giúp em nhỏ lấy quả bóng trên cao.
Khám phá 2
Trả lời câu hỏi trang 14,15 SGK Đạo đức 4 – Cánh diều
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
CÁC EM NHỎ VÀ ÔNG CỤ
Mặt trời đã lùi dần về chân núi phía tây. Đàn sếu đang sải cánh trên cao. Sau một cuộc dạo chơi, đám trẻ ra về. Tiếng nói cười ríu rít. Bỗng các em dừng lại khi thấy một ông cụ đang ngồi ở vệ cỏ ven đường. Trông ông rất mệt mỏi, đôi mắt lộ rõ vẻ u sầu.
- Chuyện gì xảy ra với ông cụ thế nhỉ? – Một em trai nói.
- Hay ông cụ đánh mất cái gì?
– Chúng mình nên hỏi thử xem đi.
Các em tới chỗ ông cụ, lễ phép hỏi:
– Ông ơi, chúng cháu có thể giúp gì ông không ạ?
Ông cụ thở nặng nhọc, nhưng đôi mắt ánh lên những tin ấm áp:
– Cảm ơn các cháu! Nhưng các cháu không giúp ông được đâu.
Ông cụ ngừng lại, rồi nghẹn ngào nói tiếp:
- Ông đang rất buồn. Vợ của ông nằm bệnh viện mấy tháng nay rồi. Bà ốm nặng lắm, khó mà qua khỏi. Ông ngồi đây chờ xe buýt để đến bệnh viện. Ông cảm ơn lòng tốt của các cháu. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông cũng thấy lòng nhẹ hơn.
Đám trẻ lặng đi. Các em nhìn ông cụ đầy thương cảm.
Một lát sau, xe buýt đến. Giúp ông cụ lên xe rồi, các em còn đứng nhìn theo mãi mới ra về.
(Theo V. A. Xu-khôm-lin-xki, Tiếng Việt 3, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
Câu hỏi:
a. Ông cụ đã gặp khó khăn gì?
b. Các em nhỏ đã thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ ông cụ như thế nào?
c. Sự cảm thông, giúp đỡ của các em nhỏ mang lại điều gì cho ông cụ?
Phương pháp giải:
- Đọc câu chuyện và chỉ ra khó khăn mà ông cụ đang gặp phải.
- Nêu hành động, việc làm của các em nhỏ để thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ ông cụ.
- Chỉ ra lợi ích của sự cảm thông, giúp đỡ của các em đối với ông cụ.
Lời giải chi tiết:
a. Khó khăn của ông cụ: vợ của ông cụ bị bệnh và nằm bệnh viện mấy tháng nay.
b. Các em nhỏ đã thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ ông cụ bằng cách: hỏi han và muốn giúp đỡ ông cụ.
c. Sự cảm thông, giúp đỡ của các em nhỏ giúp cho ông cụ cảm thấy lòng nhẹ lòng hơn.
Khám phá 3
Trả lời câu hỏi trang 16 SGK Đạo đức 4 – Cánh diều
Đọc các ý kiến và thực hiện yêu cầu
a. Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn để họ có thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc sống.
b. Không phải ai cũng luôn gặp những điều may mắn, nên chúng ta cần cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
c. Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn thể hiện mình là người tử tế.
Câu hỏi:
a. Em thích nhất ý kiến nào? Vì sao?
b. Theo em, tại sao phải cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn?
Phương pháp giải:
- Đọc 3 ý kiến và chỉ ra ý kiến mà em thích nhất, nêu rõ lý do.
- Đưa ra lời giải thích cho việc phải cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
Lời giải chi tiết:
a. Em thích ý kiến a nhất vì trong lúc gặp khó khăn mà nhận được sự cảm thông và giúp đỡ thì họ sẽ có thêm sức mạnh, suy nghĩ tích cực và có niềm tin hơn về cuộc sống.
b. Theo em, việc cảm thông giúp đỡ người gặp khó khăn giúp cho người gặp khó khăn có một cuộc sống tích cực và tốt đẹp hơn. Khi được người khác cảm thông, giúp đỡ thì tinh thần của họ sẽ vui vẻ và lạc quan ,giúp họ dễ dàng vượt qua khó khăn.
Luyện tập 1
Trả lời câu hỏi trang 16, 17 SGK Đạo đức 4 – Cánh diều
Nhận xét hành động của các bạn trong những tình huống sau:
Phương pháp giải:
Đọc các tình huống và đưa ra lời nhận xét về hành động của các bạn nhỏ trong những tình huống đó.
Lời giải chi tiết:
- Tình huống 1: Hành động của An và Hà là sai.Các bạn chưa biết thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác mà còn có ý hắt hủi, chê bai. Hai bạn nên cùng nhau chia sẻ và giúp đỡ người bạn của mình để bạn ấy không cảm thấy buồn, tủi thân và cố gắng hơn nữa trong học tập.
- Tình huống 2: Hành động của Lan là sai. Lan nên đỡ bạn đứng dậy và hỏi xem bạn có bị thương ở đâu không.
- Tình huống 3: Hành động của Đức là đúng bởi vì bạn đã biết thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của bạn ,biết quan tâm và an ủi bạn khi thấy bạn gặp chuyện không vui.
Luyện tập 2
Trả lời câu hỏi trang 17 SGK Đạo đức 4 – Cánh diều
Đưa ra lời khuyên
Sau khi nghe thầy Tổng phụ trách Đội phát động phong trào tặng quà tết cho trẻ em mồ côi, bạn Hoàng nói với em: "Mình không quen biết các bạn đó nên mình không quyên góp đâu. Việc này chẳng có ích lợi gì cho mình cả!".
Câu hỏi: Em sẽ khuyên bạn như thế nào để bạn hiểu được ý nghĩa của việc cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn?
Phương pháp giải:
Đọc tình huống và đưa ra lời khuyên giúp bạn hiểu ra ý nghĩa của việc cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
Lời giải chi tiết:
Em sẽ khuyên bạn: Cuộc sống không ai giống ai cả, các bạn ấy khi sinh ra đã thiếu tốn tình cảm của bố mẹ. Tuy mình không quen biết với các bạn ấy nhưng các bạn ấy thật sự đang gặp khó khăn, cần được giúp đỡ. Việc chúng ta tổ chức khuyên góp tặng quà tết cho trẻ em mồ côi là để giúp các bạn có một cái tết ấm no và hạnh phúc hơn đồng thời cũng giúp các bạn ấy có những cảm nhận tích hơn về cuộc sống.
Luyện tập 3
Trả lời câu hỏi trang 17 SGK Đạo đức 4 – Cánh diều
Đọc tình huống và trả lời câu hỏi
Tình huống:
Thấy Hạnh buồn bã vì bố vừa nhập viện tối qua. An đến hỏi thăm nhưng lại khoe: "Bố mình khoẻ lắm, hồi trước còn đạt huy chương thể thao". Hạnh nghe vậy thì càng buồn hơn.
Câu hỏi:
a. Em có nhận xét gì về lời nói và hành động của An?
b. Nếu em là An, em sẽ làm gì để thể hiện mình là người biết cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn?
Phương pháp giải:
- Đọc tình huống và đưa ra nhận xét về lời nói và hành động của An.
- Chỉ ra việc làm của bản thân để thể hiện mình là người biết cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
Lời giải chi tiết:
a. Hành động của An là chưa đúng. Những lời nói đó chưa biết cảm thông với hoàn cảnh của bạn, vô tình làm cho bạn trở nên tủi thân và buồn bã hơn.
b. Nếu là An, em sẽ hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bố bạn Hạnh rồi sau đó sẽ an ủi , động viên bạn không nên buồn bã quá vì bố sẽ sớm khỏi bệnh và về nhà với bạn.
Vận dụng
Trả lời câu hỏi trang 17 SGK Đạo đức 4 – Cánh diều
Em hãy sưu tầm câu chuyện hoặc hình ảnh về một tấm gương biết cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn và chia sẻ với các bạn trong lớp.
Phương pháp giải:
- Sưu tầm câu chuyện hoặc hình ảnh về một tấm gương biết cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn.
- Chia sẻ với các bạn trong lớp.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện “Hiếu cõng Minh đi học”:
Tình bạn của Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh (cùng ngụ thôn 1, xã Đồng Thắng, H. Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn được người dân địa phương, thầy cô và bạn bè thán phục và là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Suốt 10 năm qua, không kể ngày mưa hay nắng, Hiếu đều đặn đưa Minh đến trường trên đôi chân của mình vì Minh bị dị tật bẩm sinh. Giờ đây, đôi bạn thân này đã đỗ vào hai trường đại học danh tiếng và trở thành tình bạn khó quên.
Các bài khác cùng chuyên mục
- Bài 12. Em thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 11. Em quý trọng đồng tiền - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 10. Nuôi dưỡng quan hệ bạn bè - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 9. Em làm quen với bạn bè - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 8. Em bảo vệ của công - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 12. Em thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 11. Em quý trọng đồng tiền - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 10. Nuôi dưỡng quan hệ bạn bè - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 9. Em làm quen với bạn bè - SGK Đạo đức 4 Cánh diều
- Bài 8. Em bảo vệ của công - SGK Đạo đức 4 Cánh diều