Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về người tù trong bài thơ ''Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác''>
Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về người tù trong bài thơ ''Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác''
Người tù trong "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" xuất hiện với một phong thái thật đường hoàng, tự tin, thật ung dung thanh thản. Việc bị bắt trở thành sự chủ động dừng chân nghỉ ngơi trên chặng đường bôn tẩu dài dặc. Tiếng cười cất lên ngạo nghễ giữa song sắt nhà tù, bất chấp gông cùm xiềng xích, khắc tạc người anh hùng đứng cao hơn mọi sự cùm kẹp, đày đoạ của kẻ thù, cảm thấy mình hoàn toàn tự do thanh thản về mặt tinh thần. Cuộc đời người tù ấy là chuỗi những ngày dài của nỗi đau, sự cô đơn nơi bốn bể, sự truy bắt của kẻ thù. Nỗi đau của Phan Bội Châu trở thành nỗi đau lớn lao của bậc anh hùng, là nỗi đau thương của cả một đất nước. Và chính vì đã trải qua tất cả những khổ cực mà người tù ấy càng trở nên sắt đá, bản lĩnh, hiên ngang hơn trước quân thù. Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt khách không nhà, người có tội, ông vẫn giữ vững chí khí hào kiệt: "Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế / Mở miệng cười tan cuộc oán thù". Hoài bão kinh bang tế thế (lo nước, cứu đời) đã đưa người chiến sĩ cách mạng từ một người tù nhỏ bé vụt lớn lên trở thành một hình ảnh lớn lao đến mức phi thường, thần thánh. Có thể nói, người tù với bản lĩnh phi thường đã truyền vào tâm hồn chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang của các nhà cách mạng tiền bối.
Nguồn: Sưu tầm
Loigiaihay.com
Các bài khác cùng chuyên mục