Viết bài văn tả một cây lương thực mà em yêu thích lớp 4


Cây lúa từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người Việt Nam, là biểu tượng cho sự tảo tần, cần cù của người nông dân. Đây là loại cây lương thực phổ biến, góp phần nuôi sống con người và làm nên hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: Giới thiệu cây lương thực mà em muốn miêu tả

- Cây đó thuộc loại cây gì? Được trồng ở đâu? Do ai trồng?

2. Thân bài:

- Tả đặc điểm cây lương thực:

+ Thời gian thu hoạch là bao lâu? Hiện tại cây đang ở giai đoạn nào?

+ Miêu tả từ gốc đến ngọn (hoặc ngược lại) các bộ phận của cây (hình dáng, màu sắc, đặc điểm nổi bật, giúp nhận dạng, phân biệt cây lương thực này với các loại cây lương thực khác)

+ Miêu tả quả/củ/trái của cây lương thực lúc sắp được thu hoạch (hình dáng, kích thước, cách thu hoạch và sử dụng)

- Tả sự vật, hoạt động có liên quan đến cây:

+ Để cây phát triển tốt như hiện tại, người làm vườn đã chăm sóc nó như thế nào?

+ Em thường xuyên chăm sóc cây không? Em có mong chờ lúc cây được thu hoạch không?

3. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa, vai trò của cây lương thực đó đối với cuộc sống và tình cảm của em với cây lương thực đó.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 1

Cây lúa từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người Việt Nam, là biểu tượng cho sự tảo tần, cần cù của người nông dân. Đây là loại cây lương thực phổ biến, góp phần nuôi sống con người và làm nên hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt.

Lúa thuộc giống cây thân cỏ, rễ chùm. Rễ của chúng ban đầu có màu trắng sữa, dần dần sẽ chuyển sang màu nâu và càng ngày càng đen sậm. Từng chùm rễ tỏa ra bám chặt vào bùn đất để giữ chắc cho cây và hút chất dinh dưỡng để nuôi cây. Thân lúa khá ngắn và nhỏ, chỉ dài khoảng 50 - 60 xăng-ti-mét và có màu xanh đậm. Bởi sự mềm dẻo của mình, chúng thường bị cong xuống bởi sức nặng của những hạt lúa bụ bẫm. Lá cây lúa dài, mỏng và cong. Mặt lá hơi nhám và có gân chạy song song. Khi trưởng thành, lá cây có màu xanh mướt đầy sức sống. Khi trưởng thành, lúa trổ bông và dần hình thành hạt thóc. Đến mùa gặt, người nông dân thu hoạch, phơi khô và xay xát để cho ra hạt gạo trắng ngần – lương thực chính trong bữa ăn hằng ngày.

Em rất yêu quý cây lúa giản dị nhưng đầy ý nghĩa với quê hương và dân tộc Việt Nam.

Bài văn siêu ngắn Bài mẫu 2

Ở góc vườn nhà em có một hàng cây sắn.

Thân cây to bằng ba ngón tay chụm lại, bên trong là xốp nhưng rất chắc, bên ngoài có lớp vỏ nâu sần sùi với các mắt hình thoi như caro. Từ thân cây mọc ra những lá xanh đậm, cuống lá dài màu đỏ sẫm. Lá sắn có hình giống lá đu đủ thu nhỏ, lá non pha chút vàng, thường được dùng làm thức ăn cho vật nuôi. Từ ngọn cây khoai mì, mọc ra các chùm hoa trắng nhỏ rất xinh xắn. Chúng có đậu thành các quả như quả của cây rau ngót. Nó có màu trắng và chỉ lớn bằng viên bi, nhưng không ăn được. Củ sắn chính là phần rễ phình to, có lớp vỏ nâu và ruột trắng ngà. Khi bóc lớp vỏ nâu sần sùi bên ngoài củ sắn, ta sẽ thấy phần thịt củ trắng ngà bên trong. Củ sắn luộc độn cơm chính là món ăn huyền thoại của ông bà em lúc còn nhỏ. Bây giờ, nó được chế biến thành nhiều món hơn như xôi sắn, chè sắn, bánh sắn nướng… Món nào cũng ngon và chắc bụng.

Cây sắn dễ trồng, chỉ cần cắm một đoạn thân xuống đất là cây có thể mọc lên và phát triển mà không cần chăm sóc nhiều. Em rất yêu hàng sắn mộc mạc, giản dị nhưng luôn cho nhiều củ ngon mỗi mùa thu hoạch.

Bài tham khảo Bài mẫu 1

Phía sau nhà em có một khoảng đất nhỏ từng bị bỏ hoang. Sau này, bố em đã dọn sạch, cuốc đất kỹ càng và quyết định trồng rau. Bố đã chọn trồng một loại cây vừa dễ trồng, vừa quen thuộc, đó là cây khoai lang.

Ban đầu, bố mua một bó dây khoai lang ở chợ, cắt thành từng đoạn ngắn rồi vùi một đầu xuống đất. Sau khoảng hai tháng, từ những đoạn dây nhỏ, cây bắt đầu đâm chồi, phát triển thành các dây khoai bò lan khắp mặt đất. Ở các mắt dây, rễ mọc ra cắm sâu xuống đất để hút chất dinh dưỡng. Phần thân non tiếp tục sinh trưởng, còn thân già thì chuyển sang nuôi củ.

Lá khoai lang có hình trái tim màu xanh, lá non thì nhỏ và mềm hơn. Ở đầu mỗi nhánh là đọt khoai – phần non nhất, thường được nhà em hái để ăn. Đọt khoai luộc, xào, nấu canh hay nhúng lẩu đều rất ngon và bổ dưỡng. Đến thời điểm thu hoạch, cả nhà sẽ ngừng hái đọt vài tuần để cây tập trung nuôi củ. Lúc nhổ, dưới đất lộ ra bao nhiêu củ khoai to tròn, có khi đầy cả thúng. Mẹ em đem luộc, làm bánh, nấu chè… món nào cũng thơm ngon hấp dẫn.

Cây khoai lang rất dễ tính, không cần chăm sóc nhiều mà vẫn cho cả rau lẫn củ. Kể cả trồng ở chậu nhỏ hay thùng xốp, cây vẫn phát triển tốt. Em rất yêu cây khoai lang đầy hữu ích này.

Bài tham khảo Bài mẫu 2

Phía sau nhà em có một mảnh đất trống nhỏ. Sau khi suy nghĩ, mẹ em đã quyết định tận dụng mảnh đất ấy để trồng hai hàng ngô nếp.

Khi trưởng thành, cây ngô cao hơn ba mét, thân cây to như ba ngón tay chụm lại, trông vô cùng cứng cáp. Dù gió thổi mạnh, thân ngô vẫn đứng thẳng, không hề nghiêng ngả. Cây ngô không có cành, chỉ có lá mọc ra từ thân, mà thân lại chia thành từng đốt giống cây mía. Mỗi đốt thường mọc ra hai chiếc lá đối xứng, phần bẹ lá ôm sát lấy thân cây. Lá ngô dài, to bản và có mép khá sắc nên khi đi lại giữa các luống phải thật cẩn thận.

Đặc biệt, ngô có hai loại hoa. Hoa đực mọc ở ngọn cây, thành từng chùm nhỏ màu tím nhạt. Hoa cái thì mọc ở nách giữa bẹ lá và thân cây. Khi hoa đực thụ phấn cho hoa cái, từng bắp ngô dần hình thành. Lúc còn non, bắp ngô chỉ nhỏ bằng ngón chân cái, đầu nhọn, thân phình ra, trên đầu là chùm râu màu trắng ngà. Khi trái lớn dần, hạt ngô bên trong tròn căng mẩy, vỏ lá bắp bị đẩy bung ra ngoài, râu ngô chuyển sang đỏ tía, báo hiệu đã đến lúc thu hoạch.

Mẹ em thường thu một ít bắp ngô non để ăn trước. Khi ngô đã già, mẹ sẽ thu hết, đồng thời chặt bỏ cây, phơi khô làm củi đun. Còn râu ngô thì mẹ bảo để luộc lấy nước uống – rất mát và tốt cho sức khỏe.

Nếu nhà bạn có đất trống, hãy thử trồng một hàng ngô như nhà em, vừa có thêm lương thực sạch, vừa thú vị và bổ ích vô cùng!

Bài tham khảo Bài mẫu 3

Bà em là một người nông dân chăm chỉ. Phía sau vườn nhà, bà trồng nhiều loại rau trái, trong đó em ấn tượng nhất là vạt ngô nếp.

Vườn ngô gồm năm luống chạy song song, mỗi luống có chín cây ngô đứng thẳng hàng, đều tăm tắp như học sinh xếp hàng. Hiện tại, ngô đã gần đến ngày thu hoạch. Cây nào cũng cao hơn đầu em, thân to bằng cổ tay, có màu xanh nổi bật, bên trong xốp nhẹ. Thân ngô chia đốt rõ ràng, mỗi đốt mọc ra một chiếc lá dài, mép sắc như dao. Đi lại trong vườn ngô phải rất cẩn thận.

Hoa ngô mọc ở ngọn thành từng chùm nhỏ, còn quả thì mọc ở nách giữa lá và thân. Mỗi cây thường có ba đến bốn bắp ngô, do bà đã tỉa bớt từ sớm để nuôi quả lớn. Bắp ngô giờ đã tròn to như bắp tay, vỏ xanh bao quanh, phía trên là chùm râu ngô mềm mại như tóc búp bê. Bên trong là những hạt ngô trắng ngà, căng mọng.

Chỉ vài ngày nữa là bà thu hoạch. Ngô nếp được bà dùng để luộc, làm bánh, xay bột, nấu chè… Râu ngô thì phơi khô nấu nước mát, thân ngô dùng cho trâu bò ăn. Không phần nào của cây bị bỏ phí cả.

Mỗi lần nhìn vạt ngô xanh rì đung đưa theo gió, em thấy rất vui. Em tự hào về bà và càng thêm yêu quý những cây ngô do chính tay bà vun trồng. Em biết rằng để có được những cây ngô vững vàng, trái to mẩy như vậy, bà em đã phải dốc biết bao công sức, ngày nắng cũng như ngày mưa đều chăm sóc tỉ mỉ. Em mong vườn ngô của bà luôn tươi tốt và bội thu, để mang lại thật nhiều niềm vui cho cả nhà.

Bài tham khảo Bài mẫu 4

Quê hương em có rất nhiều cây cối đẹp,nhưng cây lúa đã gắn liền với tuổi thơ em với nhiều kỉ niệm tươi đẹp. Từ bao đời nay, cây lúa không chỉ là cây lương thực chính mà còn trở thành biểu tượng gần gũi, thân thương của người dân quê em.

Cây lúa được bác nông dân gieo trồng từ những hạt thóc vàng ươm. Khi nảy mầm, cây con được nhổ lên thành mạ rồi cấy xuống ruộng. Rễ lúa là rễ chùm, cắm sâu vào đất bùn để giữ cho thân cây đứng vững và hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Lúa thuộc loại cây thân cỏ, cao khoảng đến bụng người lớn. Lá lúa dài, mỏng và sắc, có màu xanh mướt khi còn non. Càng về già, lá chuyển dần sang màu vàng khi những bông lúa bắt đầu trổ hạt.

Trải qua bao tháng ngày được người nông dân chăm sóc, cây lúa lớn dần, rồi trổ đòng, trổ bông. Những bông lúa cong cong, nặng trĩu hạt, đong đưa trong gió như đang gật đầu chào mùa gặt. Khi lúa chín, cả cánh đồng quê em rực lên một màu vàng óng tuyệt đẹp. Người nông dân gặt lúa, tuốt lấy thóc, đem về phơi khô rồi xay xát thành gạo nuôi sống con người.

Cây lúa không chỉ cho hạt gạo làm thức ăn, mà thân cây còn làm rơm, làm chất đốt, thức ăn cho trâu bò. Lúa còn là mặt hàng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế nước nhà. Chính vì thế, cây lúa giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày.

Em yêu cây lúa lắm! Mỗi lần nhìn thấy những cánh đồng lúa bát ngát, nghe tiếng xào xạc của đồng lúa vào mùa gặt, em lại thêm trân trọng những người nông dân đã cần mẫn, vất vả để làm nên hạt gạo thơm ngon nuôi sống bao người.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay